Sách hay về Huế

Sách về Huế hay nhất. Hiểu hơn về văn hóa và tâm hồn Huế, những giá trị đặc biệt của đất cố đô trong dòng chảy lịch sử của đất nước.

Về Huế

Về Huế

“Tìm lại Huế xưa” trong Về Huế chính là nói lên trọn vẹn từ kẽ tóc chân tơ nếp sống của Huế trong hiện sinh thường nhật đon sơ của thành phố “cười trong nước mắt” này, nói bằng cả chân tình của một người thương Huế. Bởi thế, độc Về Huế là đã gặp được Huế một thời trong mãi mãi.

Chỉ cần đọc Về Huế, chúng ta cũng cảm thấy hơn một lần trở về với Huế bằng một tâm trạng kỳ lạ, khó hiểu là “phải” trở về với Huế để tìm lại Huế.

Nghiên Cứu Triều Nguyễn Và Huế Xưa

Nghiên Cứu Triều Nguyễn Và Huế Xưa

Nghiên cứu con người Huế không chỉ để phục vụ xứ Huế mà thực sự còn phục vụ quốc gia và phần nào phục vụ quốc tế. Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế là của Việt Nam, của danh nhân thế giới chứ không riêng gì của Huế.

Bố cục tập sách chia làm 3 phần:

  • Phần I: Văn hóa du lịch
  • Phần 2: Kiến thức lịch sử
  • Phần 3: Giao lưu tranh luận.

Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế

Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế

Cuốn “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của Thượng tọa Thích Hải Ấn và Phật tử Hà Xuân Liêm là một thể hiện bước đầu nỗ lực tìm hiểu Phật giáo xứ Huế.

Cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế được chia làm 6 chương:

  • Chương mở đầu: Tức là phần dẫn nhập
  • Chương I: Phật giáo Thuận Hóa sơ kỳ, tức là lúc còn Chămpa cho đến năm 1400.
  • Chương II: Phật giáo Thuận Hóa từ năm 1400 – 1801
  • Chương III: Phật giáo Huế từ năm 1802 – 1945
  • Chương IV: Phật giáo Huế từ năm 1945 đến nay
  • Chương kết

Món Ngon Xứ Huế

Món Ngon Xứ Huế

Là nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng bậc nhất về món ăn Huế hiện nay, tác giả chia sẻ trong cuốn sách của mình hai điều tâm đắc nhất: một là những công thức nấu món Huế đúng gu, đúng điệu, hai là những câu chuyện đời, chuyện nghề như một sự trải lòng với độc giả yêu thích món Huế.

65 món ăn được tác giả chăm chút, diễn đạt chi tiết, làm bật lên nét đặc trưng, tinh tế trong cách chế biến món ăn Huế: món canh Huế luôn có hương vị đậm đà của ruốc hay món xào thoảng vị cay nhẹ của chút ớt khô mịn để khử mùi tôm thịt. Bắt đầu món xào với tỏi phi, khi gần xong lại cho thêm tỏi để tăng hương vị và để món ăn không gắt mùi tỏi phi. Món cháo luôn luộc gạo nở búp, gạn bớt nước gạo cho thêm nước, nấu tiếp cho gạo nở mềm, để hương vị tôm cua trong cháo đặc trưng và ngọt thanh,… Kho tàng ẩm thực phong phú và đặc sắc của Huế còn tiềm tàng nhiều trong dân gian, và quyển sách này là niềm hy vọng sẽ mang đến những đóng góp nhất định trong việc giới thiệu rộng rãi nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Huế đến những người yêu ẩm thực Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Huế – Triều Nguyễn: Một Cái Nhìn

Huế – Triều Nguyễn: Một Cái Nhìn

Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn là một tác phẩm gồm 47 bài viết về nhiều lĩnh vực khác nhau, phân chia thành hai chủ đề Huế – di sản văn hóa (35 bài) và Triều Nguyễn – những vấn đề lịch sử (12 bài). So với lần tái bản thứ hai của cuốn sách thì lần này tác giả đã bổ sung thêm 15 bài cho cả hai chủ đề, kể cả những bài gọi là “phụ lục” thì tính khoa học và thông tin mới cũng không kém những bài chính. Là một tập những bài viết phân tích về sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa của Huế và vương triều Nguyễn trong lịch sử đất nước, cuốn sách thể hiện góc nhìn đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa và di tích cổ ở Huế.

Huế Và Triều Nguyễn

Huế Và Triều Nguyễn

Nghiên cứu về Huế và triều Nguyễn từ lâu đã được các nhà nghiên cứu đặt ra và đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu. Tuy nhiên, cách nhìn nhận và đánh giá về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn lại hết sức khác nhau, thậm chí lên án gay gắt và “phủ định sạch trơn” mọi thành tựu của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Năm 2008, Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng tổ chức đã đánh giá lại “công và tội” của triều Nguyễn; phân tích một cách khách quan, trung thực, công bằng những thành tựu và hạn chế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trước khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta.

Để giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về vùng đất Huế và vương triều Nguyễn. Cuốn sách tập hợp hơn 20 công trình nghiên cứu, gồm các bài viết, bài phát biểu, giới thiệu của GS. Phan Huy Lê về Huế và triều Nguyễn. Huế đã gắn bó với Giáo sư từ ngay sau khi đất nước thống nhất. Cho đến nay, trong kho tàng hơn 400 công trình nghiên cứu khoa học của mình, Giáo sư đã dành một dung lượng lớn để nghiên cứu về Huế và triều Nguyễn. Đặc biệt, với cương vị là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông đã đề xuất nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn để có cái nhìn toàn diện hơn, công bằng hơn đối với triều Nguyễn. Cuốn sách này sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm điều đó. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Nghệ Thuật Huế

Nghệ Thuật Huế

Với những bài phân tích tỉ mỉ cùng hơn 200 phụ bản sinh động, Nghệ thuật Huế là một nguồn tư liệu quý giá, lột tả các đặc tính của nền mỹ thuật bản địa vốn có nội dung phong phú cùng hệ thống biểu tượng, nhưng vẫn hạn chế về năng lực tả thực bởi các ràng buộc về quy ước trong văn hóa và nghệ thuật truyền thống, cũng như bởi tư duy khuôn mẫu của những nghệ nhân không một lần dám bước ra ngoài lệ thường.

Góc nhìn của Léopold Michel Cadière là sự kết hợp từ đôi mắt lý tính, quy củ của một nhà nghiên cứu phương Tây với tâm hồn của một người yêu và hiểu Việt Nam; do đó, những bài miêu tả, phân tích vừa mang tính trung lập, vừa xen lẫn phần nào tiếc nuối cho một nền nghệ thuật và cho những nghệ nhân vô danh lẽ ra đã có thể phát triển hơn nữa; thêm vào đó là sự thông hiểu bối cảnh xã hội bản xứ và nỗ lực tìm tòi những đặc điểm riêng của Huế.

Cuốn sách không chỉ kể cho độc giả nghe câu chuyện của những biểu tượng mà còn đem lại những giá trị nghiên cứu, tham khảo mang tính khách quan và đầy nhân văn.

Lời Thì Thầm Của Ba Người Con Gái Huế Xưa

Lời Thì Thầm Của Ba Người Con Gái Huế Xưa

Lời Thì Thầm Của Ba Người Con Gái Huế Xưa là tuyển tập của ba chị em gái, con của quan Thượng thư và Tổng đốc cuối cùng của triều Nguyễn là ông Võ Chuẩn và phu nhân là bà Tôn Nữ Thị Lịch – các câu truyện đều dựa trên cuộc sống thực của gia đình.

Bốn người con gái của Ông Bà – Võ Thị Tuyết Phiến, Võ Thị Diệu Viên, Võ Tá Băng Thanh và Võ Thị Hoài Trinh đã phiêu dạt khỏi xứ Huế mà trong tim vẫn trĩu nặng tình yêu và hoài niệm

Mẹ Tuyết Phiến không viết văn, nhưng trong bà là người thuộc tất cả những bài thơ trong Thạch Xuyên Thi Tập của cha mình – Tổng đốc Võ Chuẩn, và đã tâm sự với ba người em gái: “Ba phần tư nước mắt đàn bà, là để khóc những cuộc tình duyên ngang trái”. Bà đã bất chấp lễ nghi tôn giáo, đi theo tiếng gọi của tình yêu để sống những năm tháng khó khăn tại Liên khu Tư, trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Mẹ Diệu Viên (Linh Bảo) thực thi mơ ước du học từ khi 17 tuổi. Mẹ Băng Thanh đã sống suốt 9 năm tại Nghệ An, chăm sóc bố mẹ chồng và con nhỏ để chồng đi phục vụ đoàn Văn nghệ kháng chiến, mẹ Hoài Trinh cũng đã tham gia kháng chiến

Mẹ Linh Bảo và mẹ Minh Đức Hoài Trinh là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhưng mẹ Băng Thanh của chúng tôi không viết. Mẹ đã để lại ba bản tản văn, ba bản chép tay, để mong thế hệ thứ tư và thứ năm hiểu được một giai đoạn lịch sử của gia tộc, cuội nguồn và của đất nước dấu xưa còn ghi lại đâu đó bên sông Hương

Xuất bản lại những gì những người Mẹ của chúng tôi đã viết về gia đình, về cuộc đời, về xứ Huế yêu thương, về cảnh chồng chúa vợ tôi, cảnh cam chịu của những người phụ nữ phải vui lòng cưới thiếp cho chồng như những lời tâm sự, những chuyện kể về một thời xa vắng..

Trước Nhà Có Cây Hoàng Mai (Tùy Bút Và Phóng Sự Về Huế)

Trước Nhà Có Cây Hoàng Mai (Tùy Bút Và Phóng Sự Về Huế)

Đây là tập tùy bút và phóng sự tác giả viết qua nhiều năm tập hợp lại, về lối sống của người Huế, phác họa nên một Huế với đủ góc nhìn.

Biến Cố Kinh Đô Huế Và Phong Trào Cần Vương (1885 – 1896)

Biến Cố Kinh Đô Huế Và Phong Trào Cần Vương (1885 – 1896)

Biến Cố Kinh Đô Huế Và Phong Trào Cần Vương (1885 – 1896) gồm 24 bài tham luận của các tác giả là nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử, nội dung tham luận xoay quanh Biến cố kinh đô Huế và phong trào Cần Vương (1427 – 1885).

Đây là Hội thảo chuyên gia với quy mô quốc gia đầu tiên về một chủ đề vừa có ý nghĩa khoa học vừa có giá trị thực tiễn đối với Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trên cả nước.

Những Người Bạn Cố Đô Huế (Tập I – 1914)

Những Người Bạn Cố Đô Huế (Tập I – 1914)

Tạp chí Những người bạn Cố Đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế (viết tắt là B.A.V.H) là ấn phẩm của Hội Đô thành Hiếu Cổ, do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút. Nội dung B.A.V.H được nghiên cứu, khảo sát gồm 5 mảng chính yếu: Kinh thành Huế và phụ cận; Lịch sử Huế và An-Nam; Nghệ thuật xứ Huế; Ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế và Các đề tài khác.

Theo Lời giới thiệu của bản B.A.V.H tiếng Việt do NXB Thuận Hóa ấn hành, lịch sử Kinh đô Huế từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1658 cho đến khi Gia Long khởi công xây dựng Kinh thành năm 1804 và vua Minh Mạng hoàn tất công trình vào năm 1833… tất cả được Võ Liêm trình bày khá chi tiết trong bài: Kinh Đô Thuận Hóa. Với bài viết nhan đề: “Kinh thành Huế: bản đồ học”, H.Cosserat đã cung cấp cho ta 28 bản đồ về Kinh thành Huế do người Pháp thực hiện trong thế kỷ 19. Các khu vực như: Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, các cửa Ngọ môn, Đại Cung môn và một số cung điện: Cung Càn Thành, Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Khôn Thai đều được vẽ và được L.Cadière tìm hiểu và ghi lại lịch sử của chúng..

Trò Chơi Và Thú Tiêu Khiển Của Người Huế

Trò Chơi Và Thú Tiêu Khiển Của Người Huế

Cuốn sách nghiên cứu, trình bày và phân tích các trò chơi, thú tiêu khiển truyền thống của người dân Huế. Sách gồm ba phần chính: Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính hội nhóm ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cá nhân. Ngoài ra, còn có 6 phần phụ lục cung cấp thêm các thông tin như về các bài bản ca Huế; 48 đề thả thơ; 160 đề đố thơ; những bộ đầu hồ; hai bộ xăm hường và trò xăm hường; các trò chơi của trẻ em xứ Huế.

Sự tồn tại và phát triển của các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế bắt nguồn từ sự du nhập các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ rồi cải biên cho phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường và hoàn cảnh lịch sử ở vùng đất mới. Nhiều trò chơi dân gian của người dân Ðại Việt xưa, đã theo bước chân của những lớp dân Nam tiến, có mặt ở Huế ngay từ khi mảnh đất này còn là “Ô châu ác địa”. Trong giai đoạn đầu, những trò chơi ấy vẫn mang đậm dấu ấn từ những trò vui của cư dân châu thổ sông Hồng. Ðó là những trò chơi gắn với các lễ hội dân gian, được nhà nước đứng ra tổ chức để mua vui cho thiên hạ trong các dịp lễ lượt như: đua ghe, đấu vật, đu tiên…

Nghệ Thuật Và Nghệ Nhân Vùng Kinh Thành Huế

Nghệ Thuật Và Nghệ Nhân Vùng Kinh Thành Huế

Mỹ thuật hay nghệ thuật nói chung, thật ra, chưa bao giờ là lĩnh vực nằm ngoài “vòng tay” của văn hóa, “nơi” đã sản sinh ra nó. Chính vì thế, những hiểu biết quán xuyến và sâu sắc về mặt văn hóa luôn giúp chúng ta dễ dàng hơn trong những liên tưởng đối sánh và phân tích, khi nghiên cứu lĩnh vực vốn được xếp vào phạm trù của cái đẹp. Nguyên tắc trên vẫn luôn là thuộc tính cần thiết, không riêng gì trong lĩnh vực nghiên cứu hay phê bình nghệ thuật, mà chúng còn liên quan mật thiết đến cả hoạt động sáng tác nữa.

Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế (L’Art à Hué) là một ấn phẩm đặc biệt của B.A.V.H (Số 1/1919), sau đó được in lại trở thành một tác phẩm độc lập, bề thế, có ví trí quan trọng trong thư mục nghiên cứu nghệ thuật Huế, bao gồm cả nội dung lẫn nhiều phụ bản màu, đen trắng. Đây có thể xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố rộng rãi từ năm 1919. Chúng đã trở thành tư liệu quý giá để người đời nay có thể bổ sung, đối sánh, mà qua bao nhiêu binh biến và thời gian, nhiều di tích, nhiều tác phẩm đến nay đã không còn.

Bố cục của tác phẩm này được cấu tạo thành nhiều phần, mở đầu bằng một chương tổng quát trình bày về nghệ thuật ở Huế của L. Cadière; và phần khác viết về thành phố, nhà cửa, đồ đạc trang trí nội thất Huế của Edmon Gras.

Huế Tản Văn – Áo Bay Khép Mở Nhiều Tâm Sự (Sách Bỏ Túi)

Huế Tản Văn – Áo Bay Khép Mở Nhiều Tâm Sự (Sách Bỏ Túi)

“Tâm tư khép, mở đôi tà áo…” (Đinh Hùng)

Theo bước chân trường tồn của đôi bờ sông Hương, mái chùa Thiên Mụ, tà áo dài Huế cùng chiếc nón bài thơ đã trở thành một biểu tượng đẹp của xứ mộng mơ. Những tà áo tím bên dòng Hương Giang hay những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh qua bến đò Thừa Phủ, qua cầu Trường Tiền… tím buồn và trắng vui, khép mở bao niềm tâm sự. Áo dài Huế gần gũi không chỉ với nữ sinh Đồng Khánh hay phụ nữ khuê các mà còn rất mặn mà với giới bình dân mua gánh bán bưng.

Trong tấm áo dài bạc màu vì một nắng hai sương, nối tay, nối vạt vì thiếu vải hay may bằng nhung điều quyền quý, người phụ nữ vẫn phảng phất nét đoan trang, dịu dàng đến e ấp, nhẹ như tà áo bay bay trong gió thời gian..

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button