Sách hay về chiến tranh Việt Nam

Sách về chiến tranh Việt Nam hay nhất. Cung cấp một cái nhìn toàn cục về cuộc chiến tranh Việt Nam, về nhiều thế hệ người Việt đã dám hy sinh tất cả cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc.

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.

Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

Hồ Sơ Mật Lầu Năm Góc Và Hồi Ức Về Chiến Tranh Việt Nam

Tối ngày 1 tháng Mười năm 1969, tôi rảo bước qua dãy bàn dành cho nhân viên bảo vệ của Rand Corporation (RAND) ở Santa Monica, xách theo một vali đầy tài liệu tối mật mà tôi dự định sẽ sao chụp vào đêm hôm đó. Số tài liệu này là một phần trong công trình nghiên cứu tối mật gồm 7000 trang liên quan tới những quyết sách của Mỹ ở Việt Nam, sau này được biết đến dưới tên gọi Hồ sơ Lầu Năm Góc. Phần còn lại của công trình nằm trong két đựng tài liệu trong văn phòng của tôi. Tôi quyết định sao chụp và đưa ra công chúng toàn bộ nghiên cứu này, hoặc là thông qua các cuộc điều trấn tại Thượng viện, hoặc là thông qua báo chí, nếu cần thiết. Tôi tin rằng tôi có thể sẽ phải ngồi tù suốt đời vì những việc này, nhất là việc đưa ra công chúng bộ Hồ sơ Lầu Năm Góc. Quá trình dẫn dắt tôi đi đến hành động nói trên chính là nội dung trọng tâm của hồi ký này.

Lời tác giả

Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75

Tác giả Trần Mai Hạnh từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, ông được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại chỗ trong quá trình tham gia chiến dịch cùng những tài liệu quý giá ông thu thập được đã giúp tác giả viết nên Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75.

Nhật ký Đặng Thị Thùy Trâm

Một cuốn nhật kí nhặt được bên xác của một nữ Việt Cộng đã suýt bị người lính Mỹ ném vào lửa, nhưng người phiên dịch đã khuyên anh ta nên giữ lại vì “trong đó có lửa”. Nhật kí Đặng Thùy Trâm là những ghi chép hàng ngày của một người nữ bác sĩ về cuộc sống của chị nơi chiến tuyến. Cuốn nhật kí là thế giới riêng của người trí thức nhạy cảm mà không yếu đuối, tha thiết với cuộc sống mà không hề sợ hãi trước những gian nan. Ở đó ta vẫn gặp những băn khoăn trăn trở trước tình yêu, trước cuộc sống phức tạp hàng ngày, những nỗi buồn, nỗi nhớ nhung, sự cô đơn của một người con gái, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy được một ý chí mãnh liệt, những lời nói tự động viên cảnh tỉnh, một lòng can đảm phi thường – những điều đã làm nên một thế hệ anh hùng.

Tuổi Thơ Dữ Dội

Tuổi thơ dữ dội – cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ…

Quân Khu Nam Đồng

Khu tập thể Nam Đồng là khu gia binh lớn nhất thủ đô Hà Nội, được hình thành cách đây hơn 50 năm. Là nơi ở của hơn 500 gia đình cán bộ quân đội trung, cao cấp, hơn 70 vị tướng đã từng sinh sống và trưởng thành từ Khu tập thể Nam Đồng, nhiều gia đình có cả hai thế hệ “tướng cha” và “tướng con”. Đây là một khu gia binh điển hình, một đại gia đình quân nhân thu nhỏ thời chiến và hậu chiến.

“Quân khu Nam Đồng” là tiểu thuyết được viết bằng bút pháp hiện thực bởi một cây bút lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn, và cũng là một người con của khu tập thể Nam Đồng. Tác giả vừa là nhân chứng, vừa là nhân vật trực tiếp tham gia vào các sự kiện; lại cũng là người quan sát tỉnh táo có độ lùi thời gian để rút ra những chiêm nghiệm và thông điệp sâu sắc về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước chúng ta.

Một cuốn sách lôi cuốn, ly kỳ, hấp dẫn, khiến ta khó rời mắt trước khi lật đến trang cuối cùng…Một cuốn sách sẽ mang tới rất nhiều tiếng cười và lấy đi của chúng ta rất nhiều nước mắt…

Đất Rừng Phương Nam

Cuộc đời lưu lạc của chú bé An qua những miền đất rừng phương Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Một vùng đất trù phú, đa dạng, kì vĩ với những kênh rạch, tôm cá, chim chóc, muông thú, lúa gạ và cây cối, rừng già. Trong thế giới đó có những con người vô cùng nhân hậu như cha mẹ nuôi của bé An, như cậu bé Cò, chú Võ Tò cùng những người anh em giàu lòng yêu quê hương, đất nước. Cuộc sống tự do và cuộc đời phóng khoáng cởi mở đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm người đọc nhiều thế hệ suốt những năm tháng qua

Bất Khuất

Theo dõi bước chân Nguyễn Đức Thuận trên từng trang, từng trang Bất Khuất, người đọc nhiều lúc nín thở, hồi hộp, xúc động đến trào nước mắt, trái tim căng lên, sôi sục máu căm thù. Nguyễn Đức Thuận dẫn chúng ta đi theo anh trên con đường đầy đau thương, khổ ải, trong hơn ba ngàn ngày, trải qua những lò giết người cực man rợ, man rợ hơn cả bọn đao phủ thời Trung cổ, hơn cả bọn phát xít Hítle.

Người Tị Nạn

Cuốn sách được viết bởi Nguyễn Thanh Việt (bút danh Viet Thanh Nguyen) – nhà văn người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer và nhiều giải thưởng khác của các Hiệp hội văn học Mỹ cho sự nghiệp sáng tác của mình.

Ông sinh năm 1971 ở Việt Nam, cùng gia đình di tản sang Mỹ vào mùa hè năm 1975. Năm 2016, ông gây tiếng vang đặc biệt trên văn đàn Mỹ đương đại sau khi thắng giải Pulitzer cho hạng mục Fiction. Ông có những tác phẩm đáng chú ý như Nothing ever die, The Sympathyzer, Vietnam and the Memory of war, The refugees…

Tác phẩm Người tị nạn (The Refugees) là tác phẩm đầu tiên của ông được dịch và xuất bản tại Việt Nam và để “tăng những người tị nạn, ở bất cứ đâu”. Tập truyện ngắn này gây ấn tượng mạnh bởi sự hư cấu mà chân thực của nó như đánh giá của New York Times Book: “Những câu chuyện về người tị nan Việt Nam như ma thuật bất biến…Một tập truyện siêu phàm…Giọng văn khiêm tốn, chi tiết và phong cách tự sự thẳng thừng hoàn toàn thích hợp với những cuộc đời thường dân âm thầm được mô tả trong truyện…Vặn nhỏ âm lượng, chúng ta áp tai vào, lắng nghe những người tị nạn nói để thấu hiểu họ”. Mở đầu cuốn sách là những day dứt về một quá khứ đầy ám ảnh “Tôi viết sách này cho những hồn ma vốn là nhóm duy nhất ở với thời gian bởi vì họ ở ngoài thời gian” (Roberto Bolafio, Antwerp) “Những thứ ám ảnh bạn không phải là những ký ức của bạn Không phải những điều bạn đã viết ra Mà là những điều bạn đã quên, bạn phải quên Những điều bạn phải tiếp tục quên suốt cả đời mình” (James Fenton, A German Requiem)

Những Thứ Họ Mang

Nỗi buồn chiến tranh cho tới nay vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất về cuộc chiến Việt Nam. Là Nỗi buồn chiến tranh phiên bản Mỹ, những Jimmy Cross, Chuột Kiley, Mitchell Sanders, Henry Dobbins hay Kiowa mang theo mình những vật dụng và vũ khí nặng nề cho các cuộc hành quân, và họ còn gánh vác cả những gì vô hình, có thể là tình yêu nhưng cũng có thể là niềm thù hận, nỗi sợ, và cả sự hèn nhát. “Cố cứu cuộc đời” sau này “bằng một câu chuyện kể”, Những thứ họ mang, trong niềm tuyệt vọng không sao thoát ra quá khứ của nó, xuất phát từ một thôi thúc nội tâm không thể kiểm soát và kết thúc bằng một niềm thanh thản tương đối, khi những câu chuyện ấy đã được kể ra, “những gì họ mang” đã nhẹ đi một phần.

Người Mỹ Trầm Lặng

Graham Greene là một nhà báo ở bên kia chiến tuyến của chúng ta. Ông qua Việt Nam với mục đích làm phóng sự cho tờ báo Anh – tờ Times. Nhưng Greene đã dũng cảm phủ nhận ngay chính mình. Ông đã dám tôn trọng sự thật và không bẻ cong ngòi bút. Ngay từ đầu đặt chân đến Việt Nam , ông đã nhận ra từ trong sâu xa của lòng mình sự đồng cảm lớn lao đối với nhân dân Việt Nam…. Tình cảm chân thật ấy đã giúp cho những trang viết của Greene lung linh vẻ đẹp về một dân tộc thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ như dân tộc Việt Nam.

Biết tôn trọng sự thật, Greene đã nhận ra sự phi nghĩa cuộc chiến tranh của người Pháp – mặc dù lúc ấy lòng ông còn dành cho người Pháp một sự thông cảm nào đó. Và cũng từ suy nghĩ ấy ông đã tiên đoán sự thất bại của cuộc chiến tranh mà người đồng minh của ông đã tiến hành với tất cả sự tàn bạo của nó. Và cùng với cái nhìn mới mẻ này, Greene đã hiểu người Mỹ trầm lặng kia đang muốn nhảy vào cuộc chiến thay người Pháp. Và Greene đã không ngần ngại quay ngòi bút về phía người Mỹ có vẻ ngoài thâm trầm, lặng lẽ, kín đáo trong Đội hòa bình, trong Phái đoàn viện trợ kia…

Càng có độ lùi thời gian, những lời tiên tri của Greene càng sáng tỏ và càng được nhân loại nhìn nhận và biết ơn.

Những Phóng Sự Về Chiến Tranh Việt Nam

Cuốn sách gồm 7 bài phóng sự của các nhà báo nổi tiếng thế giới thời chiến tranh Việt Nam.

7 phóng sự của các nhà báo nổi tiếng in trên các tờ The New York Times, St.Louis Post Dispatch, The Sunday Evening Post, The New Yorker, The New Republic Wachington Post từ năm 1963 đến 1972, do dịch giả Phạm Viêm Phương chuyển ngữ cùng lời giới thiệu của cố nhà văn Nguyễn Khải. Phần cuối sách có phụ lục giới thiệu ngắn về các tác giả này.

“Các ký giả này vốn là những người đã tin vào sức mạnh quân sự của Mỹ, và tin cả những mục tiêu chính trị của Mỹ khi tiến hành chiến tranh ở mảnh đất này…Các bải viết của họ, dẫu đã thuộc về những năm tháng xa xôi, nhưng vẫn khiến chúng ta vừa đau thương vừa kiêu hãnh về nhiều thế hệ người Việt Nam trong cả nước, ở mọi phía đã dám hy sinh tất cả cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc.”

Lực Lượng Đặc Biệt Trên Chiến Trường Việt Nam

Những gì đề cập trong cuốn sách này, đó là chiến tranh. Một bộ phận tham gia chiến tranh được đào tạo và huấn luyện đặc biệt theo chính sách của Mỹ, với tên gọi chung là Lực lượng đặc biệt. Trong chiến tranh xâm lược Miền Nam Việt Nam bộ phận đặc biệt đó được huấn luyện như thế nào? Họ đã làm gì trên chiến trường Việt Nam? Những thành quả và thất bại của họ đã diễn ra tại chiến trường Miền Nam Việt Nam ra sao?

Nội dung trong cuốn sách gồm nhiều bài viết của nhiều tác giả, mà hầu hết họ là những người đã tham gia vào Lực lượng đặc biệt này. Nhiệm vụ của họ là tấn công giải thoát tù binh, tìm hiểu và ngăn chặn đường giao liên, tổ chức hành quân xâm nhập vào khu vực của đối phương để kiểm soát, lấy tin tức tình báo tác chiến… Và họ đã để lại những gì đã xảy ra với họ, xảy ra với đồng đội của họ trong những cuộc hành quân. Những câu chuyện kể về những gam màu khác nhau như: Cuộc xâm nhập vào khu vực của đối phương và lúc chạm trán đối phương; Những chuyến bay tìm chỗ thả biệt kích; Chuyến bay “bốc” đội quân đặc biệt trong làn đạn của đối phương; Cuộc tấn công của đối phương ở các trại lực lượng đặc biệt (Lang Vei, Khâm Đức…); Những chuyến xâm nhập thất bại; Những thành công của họ… Tất cả được dịch giả chuyển ngữ rất chi tiết, bám sát nội dung của vấn đề.

Chiến tranh đã đi qua, những gì xảy ra đã là quá khứ, và chúng ta cũng không thể thay đổi hiện trang của lịch sử. Hy vọng cuốn sách giúp chúng ta và những thế hệ mai sau hiểu thêm về chiến tranh từ góc nhìn của người lính ở phía bên kia và giúp bạn đọc trong việc nghiên cứu, tra khảo một mảng nào đó khi viết về lịch sử cuộc kháng chiến chống MỸ.

Những Điều Ít Biết Về Chiến Tranh Việt Nam 1945 – 1975

Cuốn sách được biên soạn có chọn lọc các sự kiện chính trị xảy ra trong thời kỳ Pháp, Mỹ nhảy vào can thiệp và gây ra cuộc chiến ở Việt Nam và Đông Dương nói chung. Tác giả Tường Hữu, một nhà báo kỳ cựu từng là cộng tác viên chuyên theo dõi mảng thời sự quốc tế của Hãng tin AFP và Đài truyền hình Pháp trong thập niên 1960 – 1970. Có điều kiện tiếp xúc nhiều nguồn tư liệu phong phú từ nước ngoài, tác giả đã tập hợp, dịch và biên soạn các tư liệu với sự thận trọng, khách quan cần thiết.

Sự Thật Về Chiến Tranh Việt Nam

Đây là cuốn sách có nhiều tư liệu lịch sử quý, được tác giả trích dịch, biên soạn lại từ nhiều nguồn sách báo nước ngoài, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cục về cuộc chiến tranh Việt Nam – khách quan, từ phía bên kia – qua nhận xét, đánh giá của các nhà báo phương Tây – những người theo dõi, đưa tin về cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button