Sách hay về Việt Nam

Sách về Việt Nam hay nhất. Cung cấp thông tin, kiến thức về lịch sử, xã hội, văn hóa, con người, tầm nhìn và vị thế của Việt Nam tại Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ quốc sử danh tiếng, một di sản quý báu của dân tộc Việt Nam nghìn năm văn hiến. Đó là bộ sử cái, có giá trị nhiều mặt, gắn liền với tên tuổi các nhà sử học nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy…

Việc phát hiện bản in xưa nhất của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Nội các quan bản, năm Chính Hòa thứ 18, tức năm 1697 có một ý nghĩa đặc biệt. Bộ sách đã được ra mắt bạn đọc vào những năm 90 của thế kỷ trước và từng được tái bản trong những năm gần đây.

Việt Nam Văn Hóa Sử Cương

Việt Nam văn hoá sử cương là một trong những công trình quan trọng nhất của học giả Đào Duy Anh. Trên quan niệm súc tích “văn hóa là sinh hoạt”, Đào Duy Anh đã bao quát tất cả các mảng sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt chính trị – xã hội, và sinh hoạt trí thức, do đó đã tóm tắt, phác họa và minh định được ở chừng mực nào đó lược sử văn hóa của người Việt như một dân tộc, một văn hóa. Nhưng còn hơn thế, ông chỉ ra cả những biến đổi của văn hóa Việt Nam ở thời đoạn Âu hóa, với sự rạn vỡ, hoặc biến đổi của những giá trị cũ và sự lên ngôi của những giá trị mới.

Học giả Đào Duy Anh đã rất khiêm nhường khi coi cuốn sách chỉ là thu thập tài liệu và sắp xếp thành hệ thống cho những ai muốn “ôn lại cái vốn văn hóa nước nhà”. Trên thực tế, việc trình bày cuốn sách đầy khoa học, khái quát mà cụ thể, việc tham khảo rộng rãi sách vở liên quan đã cho thấy khả năng xuất chúng của ông, cũng như thái độ nghiêm cẩn trong công việc. Bởi vậy, Việt Nam văn hóa sử cương luôn được đánh giá là một trong những công trình đặt nền tảng cho sự hình thành ngành văn hóa học Việt Nam hiện đại.

Xã Hội Việt Nam

– Mối liên hệ giữa chế độ xã hội với phương thức sản xuất đã được nhìn nhận như thế nào qua sự tiến hóa của dân tộc Việt?

– Tại sao cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lại thất bại? Tại sao cuộc cải cách của Hồ Quý Ly lại không thành công? Tại sao triều Quang Trung lại nhanh chóng sụp đổ?

– Tại sao Trung Quốc có giặc Khăn Vàng, có Minh Giáo của Trương Vô Kỵ, có Bạch Liên giáo, có Thái Bình Thiên Quốc… Nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam không có bất kỳ một cuộc khởi nghĩa quy mô nào mượn danh nghĩa Tôn Giáo?

– Tại sao người Việt Nam thông minh nhưng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu năm tháng qua đi vẫn không sản sinh ra được một luận thuyết nào? Tại sao người Việt Nam lại không có được bất kỳ công trình kiến trúc hoành tráng để đời?Xã Hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực: Văn hóa – Xã hội – Lịch sử – Tôn giáo – Kinh tế – Chính trị từ sơ sử đến cận đại, có thể nói đây là một tác phẩm đỉnh cao về khảo cứu xã hội Việt Nam theo lối xã hội học. Tường minh và chi tiết, chặt chẽ và trung thực với cái nhìn thống quát cả cuộc tiến hóa của dân tộc suốt qua lịch sử để dò xét cái quá trình phát triển biện chứng.

Việt Nam Phong Tục

Từ Phong tục trong gia tộc, Phong tục xóm làng (hương đảng) đến các phong tục ngoài xã hội, VIỆT NAM PHONG TỤC của học giả PHAN KẾ BÍNH là một bộ biên khảo tương đối đầy đủ về các phong tục tập quán cũ của nước Việt. Là một nhà nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn về gốc tích, nguyên ủy cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, từ đó “xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”. Đến nay, tập sách gần một trăm năm tuổi này vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về các phong tục tập quán trên đất nước ta và nhiều vấn đề được PHAN KẾ BÍNH nhắc tới vẫn nóng hổi tính thời đại.

Lãng Du Trong Văn Hóa Việt Nam

Bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của học giả Hữu Ngọc vừa là một cuộc lãng du chữ nghĩa, vừa giống cẩm nang văn hóa Việt, một “bách khoa toàn thư” thu nhỏ về văn hóa xứ sở tiên rồng.

Bộ sách được chia làm 3 tập: Đất Việt (103 bài), Lịch sử – Truyền thống (150 bài) và Văn hóa – Bản sắc dân tộc – Văn học – Nghệ thuật (122 bài).

Hi vọng cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc “cái thú” khi là người Việt tìm hiểu về văn hóa Việt qua một cuốn sách khởi nguyên dành làm cầu nối giới thiệu đất nước, con người Việt tới bạn bè quốc tế. Lần giở Lãng du trong văn hóa Việt Nam, biết đâu bạn đọc ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa – những điều chưa trải, những điều trải chưa sâu, những vẻ đẹp không nhiều khi rực rỡ mà lắm lúc vì quá bình dị và quen thuộc nên chưa được lưu tâm. Qua đó, mong rằng bạn đọc sẽ hiểu thêm về cội nguồn, truyền thống và tương lai văn hóa dân tộc, để bước vào thời kì hội nhập “hòa nhập nhưng không hòa tan”, hiểu văn hóa xứ sở mình song hành cùng tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.

Điện Ảnh Việt Nam: Lịch Sử – Tác Phẩm – Nghệ Sĩ – Lý Luận – Phê Bình – Nghiên Cứu

Điện ảnh Việt Nam: Lịch sử – Tác phẩm – Nghệ sĩ – Lý luận – Phê bình – Nghiên cứu của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn gồm 4 tập. Đây là tác phẩm nghiên cứu được thực hiện trong hơn 20 năm của tác giả. Nội dung sách đề cập toàn bộ lịch sử điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI. Trong khung nghiên cứu, lý luận, phê bình của tác phẩm bao gồm 7190 tác phẩm điện ảnh do 6866 nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam thực hiện.

Cơ sở lý luận làm nền tảng cho việc nghiên cứu công trình điện ảnh này là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những tiểu kết, tiểu luận, tổng kết, kiến nghị của tác giả công trình là rất có ích cho nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt có ích cho giới nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn nghệ, giới nghệ sĩ điện ảnh và cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách, đề xuất chủ trương, đường lối về văn hóa, văn nghệ và khoa học xã hội – nhân văn.

Thi Nhân Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ trước đây, phong trào Thơ mới đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn học trước Cách mạng tháng Tám của đất nước. Các thi sĩ của thuở ấy đã đem lại cho bạn đọc một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả một lớp thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở và đôi khí bế tắc trước hiện trạng của đất nước thời bấy giờ. Với sự đổi mới mạnh mẽ của hình thức nghệ thuật. Thơ mới thực sự đã thu hút được sự chú ý của khá đông đảo bạn đọc yêu thơ và đó cũng là một đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của thể loại và chứng minh khả năng biểu đạt phong phú của tiếng Việt.

Ngay lúc bấy giờ hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Châu đã sớm nhận ra giá trị ấy đã kịp thời sưu tầm, giới thiệu các thành tựu của phong trào Thơ mới qua tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” và đã cho xuất bản vào đầu năm 1942.

“Thi nhân Việt Nam” là sự khám phá và đánh giá đầu tiên đối với Thơ mới. Chúng ta đều biết việc lựa chọn tác phẩm và tác giả đương thời, nhất là những người mới xuất hiện trên văn đàn, là một việc làm hết sức khó khăn, nhưng với sự cảm thụ khá sâu sắc và cái nhìn tinh tế, các tác giả đã chọn được một chùm hoa giàu hương sắc trong vườn thơ mới đã gửi tặng những người yêu thơ. Chính vì thế “Thi nhân Việt Nam” đã được bạn đọc cả nước đón nhận và tán thưởng

Văn Học Việt Nam Thế Kỷ X Đến Thế Kỷ XIX – Những Vấn Đề Lý Luận Và Lịch Sử

Công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX: những vấn đề lý luận và lịch sử không phải là một bộ sách lịch sử văn học hay một cuốn giáo trình đại học, theo nghĩa thông thường của các khái niệm này. Được thôi thúc bởi nhu cầu cấp thiết và khách quan của sự phát triển việc nghiên cứu khoa học chuyên ngành văn học sử, chủ biên và các tác giả công trình đặt ra những mục tiêu: trước hết là tổng quát hóa những thành tựu nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam theo những tiêu chí mới của lý luận về lịch sử văn học; trình bày và hoàn thiện thêm những kết quả nghiên cứu của các bậc tiền bối và của chính các tác giả ở những bình diện và vấn đề đã được theo đuổi từ trước tới nay; triển khai việc xác lập và nghiên cứu theo chiếu sâu lý thuyết những vấn để và bình diện mới.

Công trình, vì thế, không được thiết kế để nghiên cứu và trình bày lịch sử văn học theo một khung khổ truyền thống, cụ thể và rõ rệt nhất, trình bày lịch sử văn học theo cơ cấu tác giả và tác phẩm. Nhưng chắc chắn rằng trong công trình có sự xuất hiện của những vấn để, bình diện chưa từng được đặt ra và đào sâu ở nhũng bộ sách lịch sử văn học trước đây. Tuy nhiên, trên một số vấn đê’ và bình diện nhất định, những kết quả có được trong các bài viết chưa phải đã đạt tới độ chín cần thiết.

Khám Phá Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam, dù là những món ăn gia đình hay những món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố thì vẫn mang những giá trị to lớn trong đời sống của người Việt. Ẩm thực Việt ngày nay đã vượt qua khỏi những biên giới và được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thưởng thức ẩm thực cũng giống như dấn thân vào một cuộc hành trình mà mỗi người đều có cảm nhận riêng. “ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM” giúp bạn tìm hiểu và khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam từ buổi sơ khai đến nay. Đó là cả một quá trình lịch sử mà ông cha ta đã khai thác tự nhiên và cùng với nó là thực đơn bữa ăn hàng ngày bình dị của biết bao thế hệ con người.

Không chỉ thế cuốn sách còn giúp bạn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, cả miền núi lẫn đồng bằng. Dù ở đâu thì các món ăn cũng được hình thành trên cơ sở điều kiện tự nhiên của từng vùng miền và tạo thành những nét văn hóa ẩm thực riêng.

Danh Nhân Việt Nam

Danh nhân Việt Nam khắc họa, phản ánh một cách chân thực cuộc đời, sự nghiệp cũng như những chiến công hiển hách, tài năng vượt trội của những danh nhân tiêu biểu trong lịch sử nước nhà. Qua họ, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Ngoài ra qua những bài viết, tác giả còn trích dẫn những dẫn chứng cụ thể, các giai thoại, chiến công, tác phẩm… của các danh nhân giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về con người của họ.

Non Nước Việt Nam 63 Tỉnh Thành

Cuốn sách giới thiệu một cách có hệ thống các thông tin cơ bản về 63 tỉnh thành; cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về tỉnh thành được giới thiệu: khát quát ngắn gọn về vị trí địa lý, các đơn vị hành chính, dân số, dân tộc, văn hóa – du tịch…Ở mỗi tỉnh thành, cuốn sách điểm qua và mô tử tương đối kỹ các tuyến, điểm du lịch: danh thắng tự nhiên, công trình kiến trúc văn hóa – nghệ thuật, bảo tàng, làng nghề thủ công, lễ hội truyền thống, các chợ…

Một Nền Giáo Dục Việt Nam Mới

Thật ra thì người ta đã cải cách nhiều rồi, mà việc giáo dục ở đây vẫn chẳng được cải cách gì cả. Vì người ta chỉ làm những việc cải cách bề mặt mà không hề chạm đến cái nguyên lý của sự giáo dục.

Nghề giáo dục là một cấm địa, ai xét mình không đủ hai điều kiện thiết yếu ấy thì chớ có bước vào. Miễn cưỡng bước vào để ‘làm hại con người ta’ là tội nhân của tổ quốc vậy.

Trong mối bận tâm cao độ về việc kiến thiết một nước Việt Nam mới tân tiến và hiện đại đầu thế kỷ XX, Một nền giáo dục Việt Nam mới đã ra đời như một cách thực hành quyết liệt và táo bạo của nhà báo, nhà giáo dục Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong. Tuyệt đối thẳng thắn, Thái Phỉ đưa ra một loạt những tiêu chí, nội dung và phương pháp giáo dục nhằm xây dựng “một người Việt Nam mới của xã hội Việt Nam mai sau”. Những phác thảo tuy sơ khởi nhưng toàn diện về một nền giáo dục mới đã cho thấy tinh thần nhiệt huyết của một trí thức nhanh nhạy, mẫn cảm với thời cuộc, đồng thời, như tác giả mong muốn, có thể đánh thức các nhà giáo dục hôm nay không ngừng thức nhận và hành động sáng suốt hơn.

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.

Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

Một Thức Nhận Về Văn Hóa Việt Nam

Một cuốn sách có giá trị trong việc “thức nhận” về văn hóa Việt Nam. Tác giả giới thiệu một cách hiểu về văn hóa Việt Nam, phân tích các vấn đề văn hóa ở mặt quan hệ, lý giải tại sao có những cách giải quyết khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau ở các vấn đề có tính toàn nhân loại. Một tác phẩm vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa, giúp người đọc có cái nhìn bao quát, thấu hiểu đường lối của Đảng, tư tưởng Bác Hồ trong lịch sử-hiện tại, từ đó đổi mới, nâng cao văn hóa ở từng cá nhân phù hợp với hoàn cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Lịch Sử Quân Sự Việt Nam

Bộ Lịch sử Quân sự Việt Nam gồm 14 tập, là một bộ sách rất công phu và có giá trị, được xem như bộ sử lớn đương đại, dựng lại toàn bộ hoạt động quân sự của dân tộc trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, kể cả những cố gắng mở nước của cha ông và các cuộc nội chiến từ thời Hùng Vương – An Dương Vương cho đến ngày nay.

Bộ sách gồm 14 tập, với những nội dung chủ yếu mỗi tập như sau:

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 1: Buổi đầu giữ nước. Thời Hùng Vương – An Dương Vương

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 2: Đấu tranh giành độc lập tự chủ (từ năm 179 tr.CN đến năm 938)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 3: Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý (939 – 1225)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 4: Hoạt động quân sự thời Trần (Thế kỷ XIII-XIV)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 5: Hoạt động quân sự thời Hồ – Lê Sơ (thế kỷ XV)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 6: Hoạt động quân sự từ năm 1527 đến năm 1771)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 7: Hoạt động quân sự thời Tây Sơn (1771-1802)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 8: Hoạt động quân sự từ năm 1802 đến năm 1896

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 9: Hoạt động quân sự từ năm 1897 đến Cách mạng Tháng Tám 1945

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 10: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 11: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 12: Những nhân tố hợp thành sức mạnh Việt Nam thắng Mỹ

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 13: Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2000)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 14: Tổng luận

Cú Sốc Thời Gian Và Kinh Tế Việt Nam

Cuốn sách này ra đời nhân dịp Việt Nam kỉ niệm 40 năm ngày chấm dứt chiến tranh và gần 30 năm từ khi có Đổi mới. Đánh giá thành quả phát triển trong 40 năm qua, phân tích những thách thức hiện nay và đề khởi đổi mới tư duy và chiến lược cho giai đoạn mới là ba phần chính của cuốn sách. Ngoài ra có chín phụ trang về các vấn đề văn hóa, giáo dục, lịch sử, những khía cạnh có liên quan đến vấn đề phát triển bền vững của nền kinh tế.

Những Sự Kiện Lịch Sử Việt Nam Tiêu Biểu Thế Kỷ XX

Lịch sử Việt Nam cho đến nay đã trải qua biết bao thăng trầm, với những sự kiện nối tiếp nhau, đan xen lớn, nhỏ vô cùng phong phú. Đó là quá trình lịch sử hùng tráng nhưng cũng nhiều gian khổ hy sinh của dân tộc ta. Lưu giữ những sự kiện đó không chỉ đơn thuần là ghi chép những việc đã qua mà còn là suy xét về gốc ngọn, tìm tòi những căn nguyên, những diễn biến để có thế hiểu được sự vận hành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Thế kỷ XX được coi như một chặng đường dài trong tiến trình lịch sử Việt Nam, không chỉ chứa đựng trang sử hào hùng dân tộc với hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mà còn đánh dấu bước đầu Việt Nam đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới và mở rộng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường hội nhập. Nhận thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa này, nhóm biên soạn đã chọn lọc và đúc kết những sự kiện lịch sử tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ XX. Trong đó, các sự kiện tiêu biểu được tổng hợp, biên soạn, sắp xếp theo trình tự thời gian để giúp cho người đọc biết được quá trình đấu tranh, xây dựng của dân tộc Việt Nam một cách xuyên suốt và ngắn gọn.

Xã Hội Việt Nam Qua Bút Ký của Người Nước Ngoài

“Trong lịch sử nước ta, thời Lê-Trịnh” ở Đàng Ngoài và các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào những thế kỷ XVI, XVII, XVIII là thời kỳ phong phú nhất về mặt sử liệu. Đó là thời kỳ ra đời của nhiều tác phẩm đến nay vẫn còn là những tài liệu nghiên cứu có giá trị: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Hoàng Lê nhất thống chí, Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lụ Ngoài những tác phẩm do người Việt soạn thảo, còn có một bộ phận sử liệu rất quan trọng khác là các hồi ký, du ký, tài liệu nghiên cứu được các thương nhân, giáo sĩ nước ngoài viết nhằm mục đích chính là phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khuếch trương việc buôn bán hoặc giảng đạo ở Đại Việt.

Xét về mặt học thuật, bên cạnh những nhận định chủ quan chịu ảnh hưởng của quan điểm thực dân, tác phẩm của họ nêu lên được nhiều khía cạnh của đời sống cư dân Việt thời đó mà các bộ chính sử và ngoại sử Việt Nam tỏ ra khá thiếu sót. Hai thế kỷ XVII, XVIII là thời điểm phát triển của loại tác phẩm này; những Cristoforo Borris, Alexandre de Rhodes, Thích Đại Sán, John B đã cung cấp cho giới nghiên cứu những tư liệu quý được soạn thảo bằng khả năng quan sát nhạy bén, sự trình bày có tính khoa học, bổ sung nhiều khiếm khuyết của chính sử, nhất là về phong tục tập quán, nhà cửa, cách ăn mặc, sinh hoạt của người dân hai miền Đàng Ngoài và Đàng Trong.”

Ngành Đóng Thuyền Và Tàu Thuyền Ở Việt Nam Thời Nguyễn

Cuốn sách biên khảo này dựa trên các nguồn sử liệu chính thống của Việt Nam và thông tin từ các hồi ký của những người nước ngoài từng đến Việt Nam trong các thế kỷ XVII – XIX. Cuốn sách cung cấp một cái nhìn tổng quát về ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và ở Việt Nam trong thời kỳ đầu của vương triều Nguyễn (1802 – 1945).

Theo tác giả, chính sách ưu tiên phát triển ngành đóng thuyền của nhà Nguyễn đã tạo nên một diện mạo mới cho thuyền bè và ngành giao thông đường thủy ở Việt Nam trong thế kỷ XIX, có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Đáng tiếc là những chính sách này chưa đủ sức mạnh để phát huy tiềm lực kinh tế biển của Việt Nam cũng như tăng cường sức mạnh của lực lượng thủy quân để bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm. Nguyên nhân là do những hạn chế về tầm nhìn chính trị, về tài chính, về khoa học kỹ thuật và đặc biệt là do sự thiếu quan tâm của các vị vua sau này, nhất là từ thời vua Tự Đức trở đi.

Giáo Dục Việt Nam Học Gì Từ Nhật Bản

“Cải cách giáo dục là công việc hệ trọng có quan hệ mật thiết đến sự suy thịnh quốc gia dân tộc và tương lai của nhiều thế hệ, vì vậy cần phải được tiến hành dựa trên nghiên cứu khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục thay vì tiến hành theo kinh nghiệm, ý chí chủ quan hoặc chỉ chú trọng du nhập phần kỹ thuật thuần túy từ thành tựu giáo dục của thế giới.

Giữa chán học môn Sử trong nhà trường và quan tâm tới lịch sử, có ý thức lịch sử mạnh mẽ hay không lại là chuyện khác… Trong công cuộc tái khai sáng quốc dân mà các tri thức đầu thế kỷ XX đang tiến hành dang dở thì những thanh niên thuộc làu lịch sử học trong nhà trường và tin rằng đó là chân lý bất biến lại có nguy cơ trở thành những hòn đá cản đường.”

Những Nhà Bác Học Nổi Tiếng Nhất Trong Lịch Sử Việt Nam

Những gương mặt các bậc tôn sư ưu tú, đại diện cho tài năng và đạo đức của dân tộc ta, những tấm gương về sự uyên bác, đức độ của người thầy giáo, dù ở hoàn cảnh nào cũng sáng ngời vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ. Những tiêu chí lựa chọn các bậc “sư biểu” để đưa vào sách này bao gồm:

– Là một nhân cách lớn trong lịch sử, xuất thân tronbg những gia đình có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo

– Có cống hiến quan trọng với sự phát triển giáo dục Việt Nam, hình thành nên một kho học sư phạm

– Đào tạo được nhiều học trò là những danh sĩ, danh thần nổi tiếng có đóng góp xuất sắc cho đất nước qua các triều đại

Việt Nam Thời Chuyển Đổi Số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cốt lõi là chuyển đổi số, đang đưa nhân loại tiến sang một thời đại phát triển mới – thời đại số. Việt Nam cần phải làm gì để không bỏ lỡ cơ hội phát triển như với các cuộc cách mạng công nghiệp trước và vững vàng tiến bước cùng thời đại, trở thành một quốc gia hùng cường? Cuốn sách Việt Nam thời chuyển đổi số là những chia sẻ tâm huyết của nhóm THINK TANK VINASA trên con đường đi tìm lời giải cho câu hỏi cấp bách này.

Cuốn sách là nỗ lực tâm huyết của nhóm nhằm khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, thổi bùng nhiệt huyết trong mỗi người Việt Nam để sẵn sàng dấn thân, quyết liệt hành động, đổi mới sáng tạo, góp sức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đánh thức tiềm lực dân tộc, hiện thực khát vọng Việt Nam, xây dựng đất nước phồn vinh.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button