Sách hay về miền Tây Nam Bộ

Sách về miền Tây Nam Bộ hay nhất. Hiểu thêm về lịch sử, đặc điểm và văn hóa Tây Nam Bộ, một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…

Hòn Đất

Hòn Đất

Câu chuyện Hòn Đất là một câu chuyện về một trận đánh trong hàng ngàn trận đánh xảy ra trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn sau đồng khởi, Mỹ tiến hành chiến tranh đặc biệt.

Cuộc chống cự diễn ra trong hang Hòn Đất và ngoài xóm, trong thế chênh lệch: bên ta có mười mấy người bị vây trong hang với vũ khí thô sơ, cũ kỹ, còn phía Mỹ – ngụy gồm tới gần hai ngàn quân với vũ khí tối tân..

Đất Rừng Phương Nam

Đất Rừng Phương Nam

Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.

Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…

Hương Rừng Cà Mau

Hương Rừng Cà Mau

Tổng tập Hương Rừng Cà Mau in lại từ 3 tập sách đã xuất bản, giới thiệu 64 truyện ngắn với hơn 900 trang sách, kể những câu chuyện về làng quê, về nông thôn, nhất là vùng quê Tây Nam Bộ.

Đến nay, trải qua bao nhiên năm tháng, các câu truyện trong Hương Rừng Cà Mau vẫn là những câu chuyện hấp dẫn đối với bạn đọc, đặc biệt là đối với bạn đọc không có điều kiện gần gũi quê hương, phải tha phương cầu thực hay đi làm ăn nơi xứ người lạ lẫm.

Đồng Bằng Sông Cửu Long – Nét Sinh Hoạt Xưa, Văn Minh Miệt Vườn

Đồng Bằng Sông Cửu Long – Nét Sinh Hoạt Xưa, Văn Minh Miệt Vườn

Đây là tập sách của nhà Nam Bộ học Sơn Nam về những sinh hoạt truyền thống của nhân dân Đồng bằng song Cửu Long thông qua những lễ hội và hò vè đối đáp cũng những sinh hoạt của cư dân vùng Miệt Vườn Nam Bộ trong lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, ưu tiên nghiên cứu các đặc tính dân tộc vùng Miệt Vườn có khác nhiều so với cư dân Miệt Thứ – là vùng đất mới bồi lấp khai khẩn với những hạn chế về địa lý.

Miền Tây Lạ Lắm À Nghen

Miền Tây Lạ Lắm À Nghen

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất đặc biệt của đất nước chúng ta. Dù sinh ra ngay tại nơi đây hay lần đầu mới tới, thì cảm giác thân thương luôn là dấu ấn đầu tiên khi nhắc đến từ “miền Tây”. Chính vì thân thương, nên ta mau chóng muốn hiểu rõ lời ăn tiếng nói, nắm bắt ý nghĩa, sắc thái biểu đạt trong ngôn ngữ của người dân nơi này.

Có rất nhiều từ hay, từ lạ của người miền Tây đang dần trở nên phổ biến, được sử dụng ở khắp mọi miền đất nước. Tìm hiểu văn hóa thông qua ngôn ngữ là con đường vô cùng hấp dẫn. Hãy cùng nhau bóc tách từng lớp vỏ chữ nghĩa của những từ thân thuộc nhứt, để từ đó, hiểu thêm nét đẹp văn hóa, tính cách của con người trong Miền Tây lạ lắm à nghen.

Chắc Cà Đao, Hóc Bà Tó có thiệt hay không?

Vì đâu người ta lại kêu Bẹo hình bẹo dạng?

Xài bá cháy, nổ banh sao cho sành điệu?

Và còn rất nhiều từ hay từ lạ để bạn bật cười, tò mò và hứng thú tìm biết thêm nữa.

Bánh Trái Mùa Xưa

Bánh Trái Mùa Xưa

Bánh Trái Mùa Xưa là một cuốn sách nhỏ xíu và vuông vức như một cái bánh. Nhỏ vậy nhưng lại thân thương mộc mạc biết dường nào.

Nguyễn Ngọc Tư trải lòng trong cái góc nhỏ miền Tây đã nuôi dưỡng tâm hồn chị. Góc nhỏ ấy có tấm lưng ông ngoại, có căn nhà chất đầy những món đồ hoài cổ, có mái hiên của bà cụ hiền như bà nội, có những chiếc bánh thảo thơm đồng bãi,… Cứ thế miền Tây hiện ra gần gũi tưởng như có thể chạm tới để cảm nhận cách sống, con người phóng khoáng nơi sông nước chứa chan tình cảm.

Nhưng Bánh Trái Mùa Xưa rất buồn. Buồn vì những gì đã mất đi không bao giờ còn có thể lấy lại. Buồn vì cuộc sống hiện đại chà mòn những vẻ đẹp đơn sơ thấm đẫm tình người. Buồn vì giá trị vật chất đang lấy đi những hoài niệm..

Đong Tấm Lòng

Đong Tấm Lòng

Nguyễn Ngọc Tư luôn là một cây bút chắc tay khi viết về con người, đời sống sinh hoạt miệt vườn. Chị tận dụng triệt để tâm hồn nhạy cảm vốn có cùng cơ hội được đắm mình trong không gian miền quê để lẩy ra những câu chuyện kể. Cảnh sinh hoạt ấy trong trang viết Nguyễn Ngọc Tư hiện lên vừa yên tĩnh, thanh bình mà cũng vừa dậy sóng, đầy ắp những đổi thay.

Trong bức tranh đồng quê có người già, trẻ nhỏ, có những thanh niên trai tráng, có con xóm nhỏ với rặng hoa dâm bụt, những chiếc ghe vất vả ngược xuôi mùa gió chướng, có mùa lụt nước về hay những câu chuyện ma mị dọc đường gió bụi giang hồ của miền Tây xa thẳm.

Nhưng Nguyễn Ngọc Tư không chỉ nói về con người miền Tây sống gần với ruộng vườn, sông nước, với thiên nhiên bằng tâm hồn cởi mở, phóng khoáng, nghĩa khí, hào hiệp. Chị gần gũi với họ đủ để lẩy ra được cả những cái nhìn phản biện về tính cách nông dân.

Những đặc tính của thói quen “sống hôm nay chẳng cần biết đến ngày mai”, tính “chịu chơi, xả láng” của người nông dân miệt vườn được chị phác lại với giọng văn tưởng như nhẹ nhàng nhưng ẩn trong đấy là một sự rưng rưng thương cảm. “… Người đàn bà kéo cá dưới ao lên đãi khách cho chồng, rồi bưng tô cơm nguội ăn với muối tiêu” (bài “người nơi biên giới”). Hay câu chuyện người ta bày đặt đổi vợ đổi chồng cho nhau trong “Miền Tây không có gì lạ”, bởi theo chị ở miền Tây, không có chuyện gì là không thể xảy ra.

Mật Nắng Biên Thùy

Mật Nắng Biên Thùy

“Tản văn của Nghiêm Quốc Thanh như những cây thốt nốt của quê hương anh, vùng Bảy Núi tỉnh An Giang. Thốt nốt mọc ở đất biên thùy nắng lửa tưởng sẽ khô cằn, không ngờ chúng vẫn lớn mạnh và vươn cao. Một loài cây hữu dụng từ lá đến rễ. Bông và trái thốt nốt đã dâng tặng cho đời hai món quà gần như trái ngược nhau: Đường thốt nốt và rượu thốt nốt. Tản văn của Nghiêm Quốc Thanh cũng dâng tặng cho bạn đọc hai thứ tưởng như là trái ngược nhau: Vị dịu ngọt của một vùng đất và men rượu đằm say của tình người.” (Nhà văn Đoàn Thạch Biền)

“Nghiêm Quốc Thanh hút mật nắng quê mình để làm nên những dòng văn nồng hương rừng núi, cỏ cây, xen trong sỏi đá khô cằn và hẳn là thơm mùi nắng gió. Văn được chắt từ đất nên cũng chân tình như chính đất lửa Thất Sơn. Một An Giang rất An Giang nhưng lại lạ lẫm mà ngay cả người từng tìm hiểu về vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng như xứ nào xa lắm. Bởi thấm trong nắng gió biên thùy là mấy mươi năm Nghiêm Quốc Thanh sống, rất sống, sống nhiều hơn nữa. Bức tranh biên cương đầy khói lửa chợt bừng lên sức sống hồn nhiên như bất chấp những năm tháng đã rất nhọc nhằn.” (Nhà văn Võ Diệu Thanh)

Hành Trình Đầu Tiên

Hành Trình Đầu Tiên

“Hành trình đầu tiên” đã vượt qua hàng trăm câu chuyện được gửi về từ khắp châu Á để đạt giải thưởng cao nhất cuộc thi Scholastic Picture Book Award 2015 tại Singapore.

Viết nên câu chuyện đậm chất miền Tây Nam bộ, Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên hi vọng quyển sách không chỉ là lời chào thân ái từ Việt Nam đến bạn bè thế giới, mà còn là món quà cho trẻ em trong nước, với những hình ảnh minh họa đặc sắc về vùng đồng bằng sông Cửu Long tươi đẹp và đáng tự hào.

Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ

Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ

Công trình “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” đặt ra bốn MỤC TIÊU:

1) Xây dựng một bức tranh tổng quan về các thành tố của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử).

2) Tìm hiểu hệ tính cách văn hóa đặc trưng để trên cơ sở đó nhận diện bản sắc văn hóa vùng của khu vực Tây Nam Bộ cùng các hệ quả và hậu quả, các điểm mạnh và điểm yếu của nó trong quá trình đi vào toàn cầu hóa và hội nhập.

3) Giúp hiểu rõ hơn văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ và trên cơ sở đó giúp giải thích các vấn đề khúc mắc nảy sinh trong muôn mặt đời sống văn hóa – xã hội hiện tại (như vấn đề phụ nữ Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài, ván đề giáo dục, vấn đề phát triển con người, ).

4) Góp phần thực hiện chương trình “Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập ở khu vực Nam Bộ” trong đề án nghiên cứu khoa học trọng điểm của Đại Học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh “Những vấn đề xã hội – nhân văn khu vực Nam Bộ giai đoạn 2005-2010” [Trần Ngọc Thêm (chủ nhiệm) 2006].

Bếp Ấm Nhà Vui – Thương Món Ăn Nam Bộ

Bếp Ấm Nhà Vui – Thương Món Ăn Nam Bộ

Cuốn sách là tập hợp những bài viết tản mạn về nhiều món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây.

Qua những món ăn như ba khía, canh chua, chè kiểm, bánh ướt ngọt, khoai mì nước dừa cùng với giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm, tác giả cho người đọc thấy được những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân miền Nam Bộ. Từ đó thấy được rõ nét hơn đời sống, con người nơi đây. Đồng thời, người viết cũng muốn chuyển tải một thông điệp rằng đàn ông vào bếp là một việc đầy thú vị: “Tôi vô bếp một phần vì đam mê, một phần vì muốn những món ăn như là món quà thơm thảo.

Sự ấm áp và cái lạnh lẽo lúc nào cũng từ căn bếp mà ra. Nên từ căn bếp, tôi luôn tâm niệm phải giữ bằng được niềm vui của nhà mình ”.

Hương Sắc Miền Tây

Hương Sắc Miền Tây

Sách gồm 3 phần: đời sống của người miền tây, phong tục, tín ngưỡng dân gian, đời sống của người miền tây trong văn học dân gian

Trích đoạn:

“Canh chua điên điển cá linh

Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon

Thấp thoáng trong các lời ca, câu chuyện, món ăn được lưu truyền, con cháu hôm nay thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của tiền nhân ngày mở cõi. Bằng trí tuệ tuyệt vời, cha ông đến đây đã tận dụng ngay những loài cỏ cây hoang dại, gần gũi để phục vụ cho chính đời sống của mình. Hơn thế, những kinh nghiệm quý báu đó dần dần đã trở thành nét văn hóa vừa đặc sắc vừa chan chứa tình nghĩa đậm đà mà bình dị, sáng trong. (Vàng đồng, mênh mông bông điên điển)

Biển Cỏ Miền Tây, Mùa Len Trâu Và Các Truyện Khác

Biển Cỏ Miền Tây, Mùa Len Trâu Và Các Truyện Khác

Được làm mới từ tập Biển cỏ miền Tây và Hình bóng cũ, tập truyện được chỉnh sửa và bổ sung thêm nội dung, gồm các truyện ngắn trong tuyển tập Biển cỏ miền Tây, truyện vừa Hình bóng cũ và một số truyện mang đậm dấu ấn Sơn Nam khác

Tín Ngưỡng Thiên Hậu Vùng Tây Nam Bộ

Tín Ngưỡng Thiên Hậu Vùng Tây Nam Bộ

Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu (Bà Ma Tổ, Bà Mã Châu) gốc Hoa Nam đã theo bước di dân người Hoa đến Nam Bộ Việt Nam từ các thế kỷ 17- 19, đã trở thành một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu khá phổ biến tại đồng bằng Nam Bộ. Tục thờ này cùng với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và các khía cạnh văn hóa vật thể gắn liền với nó đã sớm trở thành một “kho tàng” văn hóa dân gian, ở đó người ta gìn giữ linh hồn của truyền thống, đồng thời cũng là một kênh giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả và sâu sắc của người Hoa nói riêng, của các tộc người Nam Bộ nói chung.

Trong mối tương quan với văn hóa dân gian các tộc người Việt, Khmer và Chăm trong vùng, tín ngưỡng Thiên Hậu đã góp phần quan trọng tạo nét đặc trưng mang bản sắc người Hoa – một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, ngày càng có giá trị lớn lao trong quá trình dung hợp đa văn hóa để tạo nên diện mạo văn hóa Nam Bộ Việt Nam trong suốt 300 năm qua.

Ăn Tết chơi Tết miền Tây

Ăn Tết chơi Tết miền Tây

Theo đặc điểm tập quán từng vùng miền, cái cách ăn tết, chơi Tết mỗi nơi mỗi khác. Cách người miền Tây Nam bộ Tết nhà, Tết vườn, Tết giếng, Tết ghe, Tết Trâu, chúng ông Chuồng bà Chuồng, cúng à những nét đẹp trong văn hóa gắn liền với nền kinh tế tự túc tự cấp từ ngày xưa. Người dân miền Tây ắn Tết, chơi Tết tuy bình dị nhưng rất kỹ lưỡng và chu toàn cả về mặt tâm linh lẫn cách đối nhân xử thế trong nghĩa tình làng xóm.

Mong rằng tập sách sẽ góp phần giúp bạn đọc hình dung một cách sinh động không khí, hương vị, sắc màu một cái Tết miền Tây sông nước thuở xa xưa nhưng vẫn còn lưu luyến đến tận hôm nay.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button