Sách hay về thời bao cấp

Sách về thời bao cấp hay nhất. Một giai đoạn đất nước nhiều biến động và khó khăn, kinh tế bao cấp, đời sống người dân nhờ vào tem phiếu, bước đầu của thời kỳ đổi mới.

Thương Nhớ Thời Bao Cấp

Thương nhớ thời bao cấp là tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè tới những biển hiệu bán hàng, khúc đồng dao… quen thuộc trong thời kỳ bao cấp. Từ những thành ngữ, tục ngữ đó, họa sĩ Thành Phong và họa sĩ Còm (Hữu Khoa) vẽ lại những minh họa sống động, hóm hỉnh.

Cuốn sách như một chuyến viễn du đưa độc giả trở lại thời bao cấp cuối thể kỷ 20. Ở thời kỳ ấy, tư duy phân phối bao cấp ăn sâu vào từng ngõ ngách nhỏ của đời sống người dân miền Bắc.

Hiển hiện trong những câu thành ngữ, tục ngữ tranh vẽ là một thời kỳ đầy khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn, sự thiếu thốn nhu yếu phẩm căn bản như cái khăn mặt, túi cá khô, một cuốn sổ gạo hay cục gạch xếp hàng. Nhưng xem tranh hai họa sĩ, vẫn thấy vượt hẳn lên cái nhìn lạc quan, điềm tĩnh, cùng thái độ phản biện hài hước, vui tươi.

Sống Thời Bao Cấp

Thời bao cấp trong mỗi người lớn tuổi là một cảm xúc khác nhau, Có người nhớ về như một giai đoạn lạc hậu và bảo thủ, người cho đó là thời của những ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận. Nhà văn Ngô Minh đã làm “sống lại” thời bao cấp – một giai đoạn phát triển của đất nước sau chiến tranh – với cái nhìn riêng, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ.

Giáo sư Trần Văn Thọ viết về tình trạng kinh tế 10 năm đầu sau chiến tranh: “Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sông của người dân vô cùng khốn khó. Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam… Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng “phá rào” trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương”.

Chuyện thời bao cấp

Thời bao cấp, một nhà thơ đã viết đại ý: khi con sinh ra, bố phải chạy xin mười mấy con dấu vuông, tròn. Đầu tiên là xin giấy chứng sinh ở trạm xá xã, rồi lên Uỷ ban nhân dân làm giấy khai sinh. Tiếp đó, xin thêm mấy cái giấy giới thiệu của cơ quan người mẹ, rồi mang từng ấy thứ giấy lên công an huyện và các phòng Thương nghiệp, phòng Lương thực… để nhập hộ khẩu và xin cấp tiêu chuẩn lương thực, tiêu chuẩn mua vải làm tã lót cho trẻ sơ sinh và các tiêu chuẩn khác của sản phụ, kể cả vải màn, cùng các loại tem phiếu thực phẩm cho trẻ.

Thời bao cấp, công nhân, viên chức hầu hết phải ăn cơm ở bếp tập thể. Những cặp vợ chồng, hoặc những đôi trai gái yêu nhau ở cách xa vài chục cây số thường chỉ đến được với nhau vào ngày chủ nhật, và đi bằng xe đạp.

Vì vậy, cứ mỗi chiều thứ bảy, việc chuẩn bị cho cuộc “gặp gỡ” trong ngày nghỉ cuối tuần được mọi người quan tâm đặc biệt. Có người đã tổng kết thành một câu văn vần hóm hỉnh và dễ nhớ. Với đàn ông con trai thì: “Cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ” để chuẩn bị, khi tiếng kẻng tan tầm vừa gõ là đã lên đường về với chị em được ngay.

Còn bên nữ thì: “Tỉa lông mày, thay quần áo, báo thêm cơm” để đón chàng. Những cặp vợ chồng thường được cơ quan bố trí ở một gian buồng riêng. Thời ấy, đồng hồ đeo tay rất hiếm, nhiều người phải chú ý nghe nhạc hiệu và còi tút của đài phát thanh trên loa công cộng để biết giờ giấc mà đi làm. Đài “tút” vào 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 21 giờ. Do vậy, khi người vợ hỏi: “Chồng về lúc nào?” thì chồng trả lời: “Về được một lúc thì… tút”. Hỏi đi vào lúc nào liền trả lời: “Tút… một tí rồi mới đi”!

Bao nhiêu Chuyện thời bao cấp, đối với những người trong cuộc, bây giờ kể lại cho nhau nghe, vẫn cười ra nước mắt. Cực thì cực thật, nhưng đó là một thời không thể làm khác và nó đã để lại những dấu ấn khó quên, với nhiều kỷ niệm vui buồn về nhân tình thế thái.

Thế hệ 8X, 9X,… ngày nay nên đọc để có thể hiểu được về thời kỳ gian khó mà thế hệ ông bà, cha mẹ đã trải qua. Từ đó, thấy được những thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới, thêm quý trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, nỗ lực phấn đấu lao động, học tập, góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh, xứng đáng với thế hệ đi trước.

Ký ức thời Bao cấp

Nhằm tái hiện lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt và cuộc sống cam go, thiếu thốn, vất vả của đất nước trong những năm đầu cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Nhà xuất bản Thông tấn cho ra mắt bạn đọc cuốn sách ảnh “Ký ức thời bao cấp”.

Với những hình ảnh tư liệu quý, được sưu tầm, tuyển chọn công phu từ nhiều nguồn, cuốn sách lần lượt phác họa trước mắt người đọc những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, miền Bắc dồn sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, cuộc sống “thắt lưng buộc bụng” của người dân nơi đây khó khăn chồng chất khó khăn, thiếu thốn chồng chất thiếu thốn. Người dân thành thị phải sơ tán về nông thôn để phòng tránh máy bay Mỹ bắn phá và bắt đầu làm quen với cuộc sống tự cung tự cấp, từ trồng rau, nuôi lợn để có thêm lương thực, thực phẩm trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Chiều Chiều – Tô Hoài

Chiều chiều là câu chuyện kể ôn lại kỷ niệm của một con người đã đi dọc chiều dài lịch sử. Tô Hoài đưa chúng ta về một làng quê Bắc bộ với những câu chuyện từ “cải cách ruộng đất” rồi “sửa sai”, từ “thời bao cấp”, “làm hợp tác xã” đến “đổi mới sang kinh tế thị trường”… Cả một thời kỳ lịch sử đầy biến động hiện lên chân thực với bao số phận, bao cảm xúc buồn vui lẫn những điều oái ăm, ngang trái….

Đọc Chiều chiều, ta thấy Tô Hoài như chính lão Ngải kia – ngày ngày vẫn ngồi bên bụi tre lép, bên ấm nước chè vò, mắt nhìn xa xăm, nhớ chuyện cũ, người xưa mặc thế thái nhân tình đổi thay…

Nhật Ký Một Nhà Báo

Nhật Ký Một Nhà Báo được viết không phải dưới dạng hồi ký hay những ghi chép thường ngày. Cuốn sách là tập hợp những bài báo được sắp xếp theo chủ đề và thời gian để rồi qua từng trang sách, xã hội Việt Nam được tái hiện lại với những thăng trầm, khốn khó của từng giai đoạn. Trong Nhật Ký Một Nhà Báo có những tư liệu quan trọng về báo chí Việt Nam từ giai đoạn bao cấp đến khi có thể tự chủ hoạt động mà vẫn đảm bảo quy trình xử lý dòng chảy thông tin ngồn ngộn mỗi ngày.

Nhà báo Lê Văn Nuôi từng là Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ (1992 – 2003). Sau khi rời vị trí đó, ông vẫn dấn thân, vẫn viết và ghi dấu bằng những ngày làm báo của một cây bút giàu kinh nghiệm. Nhật Ký Một Nhà Báo thấm đẫm chất thời sự với thái độ thẳng thắn, chân thực của một người làm báo hết lòng với nghề, với nguyên tắc tôn trọng sự thật.

Tập hợp 53 bài báo của nhà báo Lê Văn Nuôi đã được đăng báo Tuổi Trẻ. Các bài báo đề cập đến nhiều vấn đề mang tính thời sự trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các bài viết được phân thành 4 nhóm chính: nghề báo (Phần I: Duyên nợ nghề báo), chính trị – lịch sử (Phần II: Chấn động 30 tháng 4), kinh tế – xã hội (Phần III: Vì công bằng và phát triển), văn hóa – du lịch (Phần IV: Những ước vọng văn hóa).

Sách có phụ lục ảnh gồm có 21 ảnh chụp tác giả và các kỷ niệm làm báo.

Tìm Trong Nỗi Nhớ

Tìm Trong Nỗi Nhớ xoay quanh một cuộc tình của Việt Nam trong xã hội bao cấp. Cuốn sách được viết theo lối viết hiện đại với quá khứ và hiện tại đan xen lẫn nhau. Nhân vật chính của câu chuyện là tình yêu của hai du học sinh người Việt Nam ở Nga những năm tám mươi của thế kỷ trước. cuốn truyện vẽ lên một bức tranh sinh động về cuộc sống, sự nghiệp, công cuộc mưu sinh và tình yêu của một bộ phận người Việt – những cựu sinh viên Việt Nam đã du học ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Những băn khoăn, những trăn trở được Lê Ngọc Mai viết lại như những tiếng thở dài nhẹ nhàng. Những kỷ niệm chồng chéo lần lượt được mở ra gọn gàng giữa những mảnh đời hiện tại. Khéo léo đến nỗi cái xưa quyện vào cái nay như hai mảnh tơ trời hòa hợp.

Miếng Nhớ Miếng Thương

“Tôi viết Miếng nhớ miếng thương không nhằm giới thiệu hay luận bàn về văn hóa ẩm thực dân tộc. Đơn giản chỉ muốn ghi lại những xúc cảm, những hoài niệm của mình về hương vị của một số món ăn, thức quà mang đậm nét dân dã của quê hương và đã in dấu trong tôi những kỷ niệm riêng tư của một thời quá vãng. Những hình ảnh, sự việc và cảm xúc tôi ghi lại trong cuốn sách này chủ yếu là của những năm tháng tại quê hương tôi, vùng đồng bằng Bắc bộ và thuộc về nửa sau của thế kỷ 20, một giai đoạn đất nước nhiều biến động và khó khăn: chiến tranh chia cắt hai miền Nam – Bắc, kinh tế bao cấp, đời sống người dân nhờ vào tem phiếu, bước đầu của thời kỳ đổi mới…”

Lời tác giả Vũ Tam Huề

Những Tâm Hồn Dấu Yêu

Cậu bé viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học sinh khuyết tật vượt khó. Không may mắc phải căn bệnh bại liệt hiểm nghèo từ khi 4 tuổi, với lòng hiếu học và khát khao hòa nhập cùng bạn bè trang lứa, Ký quyết tâm đến trường. Luôn nhận được sự khích lệ, yêu thương và giúp đỡ tận tình của các cấp lãnh đạo, nhà trường, gia đình và xã hội, Nguyễn Ngọc Ký đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, được Bác Hồ tặng huy hiệu lúc còn niên thiếu và vào được Đại học. Tốt nghiệp Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, trải qua bao thăng trầm của đời sống riêng, trong tâm thế luôn phải chiến đấu với bệnh tật, Nguyễn Ngọc Ký bằng sự nhẫn nại và quyết tâm phi thường đã tích cực tham gia vào công tác giảng dạy, sau này trở thành Nhà giáo ưu tú và được tôn vinh là Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân. Không những thế, thầy Ký còn miệt mài tham gia vào các hoạt động khác của đời sống, như các chương trình từ thiện, các cuộc nói chuyện với học sinh sinh viên trên mọi miền Tổ quốc, và là tư vấn viên tổng đài 1080. Ông còn là một cây bút viết văn đặc biệt đã được Hội Nhà văn VIệt Nam trân trọng kết nạp là hội viên. Cuộc đời thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã được ghi lại trong 3 cuốn hồi ký nổi tiếng: Tôi đi học (1970), Tôi học đại học (2013) và Tâm huyết trao đời (2017).

Cuốn sách này như một cái nhìn dài ngoái trông lại những kỷ niệm không thể nào quên của thầy, với những gương mặt hồn hậu đất Việt mà thầy đã từng nhận từ đó biết bao niềm tin và động lực, từ những người thầy người bạn, những người không quen biết, các bạn đọc mến mộ, các em học sinh… đến các bậc lãnh đạo và đặc biệt là những người thân yêu trong gia đình, mà thầy gọi chung là Những tâm hồn dấu yêu. Những câu chuyện trong cuốn sách còn thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, lòng tri ân cộng đồng, và giúp lan tỏa cổ vũ tinh thần vượt khó, cũng như sự lạc quan tin tưởng vào lòng thiện của những người Việt tử tế, để giúp người người yêu đời yêu cộng đồng và vững tâm góp ích cho xã hội.

Ngoài ra, người đọc có thể bắt gặp lại trong sách này cái không khí của một thời bao cấp ở nông thôn miền Bắc những năm 60-70 của thế kỷ trước, nơi tác giả hoài niệm. Những cảnh vật, sinh hoạt đời thường, lối đối nhân xử thế… có thể đã xưa cũ nhưng gần gũi ấm áp tình người, trong bối cảnh đời sống còn rất nhiều khó khăn. Trên nền bức tranh thực tế đó, hình ảnh cậu bé Ký bền bỉ và lặng lẽ vật lộn với bệnh bại liệt, bằng nỗ lực gấp trăm ngàn lần người bình thường, để khẳng định bản thân giúp ích cho đời, thực sự đã trở thành một trong những biểu tượng của ý chí, nội lực phi thường ẩn giấu trong mỗi con người.

Nhọ – Lê Hồng Tuân

Nhọ là tạp văn hài hước của Lê Hồng Tuân gồm 23 truyện ngắn. Đó là những chuyện thời nhỏ ở quê trong nhà bố mẹ hiện ra cả khung cảnh không khí một thời bao cấp khó khăn. Những chuyện tình đầu hay tưởng như tình đầu của kỷ niệm tuổi học đường dại khờ, ngây thơ, ngơ ngác mà trong suốt tuổi hoa niên không còn lại nữa. Những chuyện bây giờ chát chít, lễ chùa, trai gái phàm tục phàm trần như là cuộc đời mất hết vẻ bí ẩn, đẹp đẽ cho con người muốn sống.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button