Sách hay về Đà Nẵng

Sách về Đà Nẵng hay nhất. Viết về lịch sử, địa lý, kinh tế và đời sống văn hóa con người Đà Nẵng một cách sống động nhất.

Ký Sự Sơn Trà

Ký Sự Sơn Trà

Nếu vùng này không được bảo vệ thì không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn tác động đến hệ san hô, hải sản ven bờ, chất lượng cát vùng biển Đà Nẵng đảo Sơn Trà phải được nhìn nhận là hòn ngọc, báu vật thiên nhiên ban tặng, cần bảo vệ không chỉ hiện tại mà cho con cháu mai sau” – Tiến sĩ Hà Thăng Long, Hội động vật học Frankfurt (Đức) tại Việt Nam

Trên thế giới, rất hiếm thành phố nào có hơn 1 triệu dân mà lại có khu rừng đặc hữu như ở Đà Nẵng. Khu rừng này nếu được bảo vệ tốt thì sẽ là một lợi thế để phát triển du lịch sinh thái bền vững mà không nơi nào trên thế giới có. Đà Nẵng nên có biện pháp giữ gìn nguyên vẹn khu rừng này để tạo tru thế phát triển lâu dài” – Ông Josh Kempinski, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI)

Sơn Trà là nơi có một không hai trên thế giới, ở đây có sự đa dạng sinh học rất cao mà Thành phố Đà Nẵng cần bảo vệ và sử dụng sự đa dạng đó thu hút du lịch và phát triển bền vững. Kế hoạch phát triển ở khu bảo tồn là xu hướng chung của thế giới nhưng cho dù làm mọi hoạt động gì ở đây đều phải tôn trọng giá trị của tự nhiên cũng như tạo sự tương tác giữa con người với thiên nhiên. – Ông Ben Rawson – GĐ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWE)

Tôi cho rằng các bạn đã xây dựng quá nhiều resort, nhà hàng ở các sườn núi Sơn Trà. Đó là một vị trí hết sức nhạy cảm. Đà Nẵng còn nhiều nơi có thể khai thác trước khi nghĩ đến Sơn Trà. Cần coi Sơn Trà như một gia sản với khả năng bảo tồn động vật quý hiếm và nghiên cứu lâm Tiến sĩ Dan Ringelstein, Cty Quy Hoạch – Kiến trúc Skidmore Owing & Merill

Lịch Sử Đà Nẵng (1306-1975)

Lịch Sử Đà Nẵng (1306-1975)

“Nói đến Hà Nội, người ta dễ nghĩ ngay rằng đó là chốn ngàn năm văn vật, nơi đã chứng kiến bao lớp sóng phế hưng của các triều đại Lý, Trần, Lê, Trịnh … Nhắc đến Huế, người ta liên tưởng ngay đến chốn cố đô của triều Nguyễn, khởi đi từ nghiệp vương cho đến ngày tàn của nghiệp đế. Với tên gọi Sài Gòn, ấn tượng lại càng mạnh mẽ hơn, Hòn ngọc Viễn Đông, một thành phố vào hàng quan trọng của Đông Nam Á, đã và đang ngày càng phát triển …

Còn Đà Nẵng? Khi nghe nói tới địa danh này người ta thật khó mà thấy gợi lên một hình ảnh hay một vang bóng nào để có thể gây xúc động trong tâm tư. Phải chăng vì Đà Nẵng không là gì cả trong lịch sử?”

Một cuốn sách thuần thành viết về lịch sử, lịch sử một thành phố luôn ở trong tầm ngắm của thực dân Pháp trong tham vọng chiếm lĩnh Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Với lối viết khách quan, văn phong khoa học, tác giả đã viết về lịch sử Đà Nẵng một cách sống động nhất. Cuốn sách là một trong những tài liệu nguồn quan trọng được trích dẫn khi viết về Đà Nẵng.

Đà Nẵng Buổi Đầu Đánh Pháp (1858-1860)

Đà Nẵng Buổi Đầu Đánh Pháp (1858-1860)

Trong nhiều năm qua, tôi có nhiều cơ hội tìm hiểu về Đà Nẵng: được hướng dẫn nhiều luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ Sử học về đề tài Đà Nẵng, được tham gia nhiều hội thảo quan trọng về lịch sử và văn hóa tại Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) và Đà Nẵng, được làm việc và trao đổi khoa học với nhiều đồng nghiệp ở thành phố này. Và lần này, tôi lại được Nhà xuất bản Đà Nẵng mời viết lời tựa cho tập sách “Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858 – 1860)” của tác giả Lưu Anh Rô.

Cho đến nay, tầm vóc và diện mạo về cuộc chiến tranh bảo vệ thành phố Đà Nẵng (cũng là bảo vệ kinh đô Huế trong 2 năm 1858 – 1860), vẫn còn là một trong những đề tài mang tính thời sự, hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào khảo cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về cuộc chiến tranh này, đặc biệt là vai trò của quân dân Quảng Nam và Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh vệ quốc này. Với tập sách “Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858 – 1860)”, tác giả Lưu Anh Rô đã tái hiện lại một bức tranh toàn cảnh, một cái nhìn khá chân xác về cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân ta với những tên xâm lược đầu tiên đến từ phương Tây.

Âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng

Âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng

Tập sách là công trình nghiên cứu về âm nhạc dân nhạc vùng biển Đà Nẵng.

Địa Danh Thành Phố Đà Nẵng

Địa Danh Thành Phố Đà Nẵng

Tìm hiểu về Đà Nẵng, tôi bị quyến rũ bởi đã nhận ra vẻ đẹp của quê hương, người dân mình, phong tục tập quán, lễ hội… nên đã ra công thu lượm qua sách báo, tài liệu, qua lời kể trong những lần điền dã về các địa phương trong một vùng văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng,…trong đó có phần ghi chép về địa danh thành phố, tôi tập hợp lại thành cuốn sách Địa danh thành phố Đà Nẵng.

Trong cuốn sách Địa danh thành phố Đà Nẵng này, tôi sắp xếp các mục từ địa dạnh theo mẫu tự a, b, c…có mục từ được lặp lại nhiều lần như Cẩm Lệ làng, Cẩm Lệ Xã, Cẩm Lệ sông, Cẩm Lệ chợ, Cẩm Lệ cầu, Cẩm Lệ quận…với mong muốn người dân mình hiểu thêm về thành phố Đà Nẵng thân yêu; mặt khác, với tinh thần sưu tập và yêu thích địa danh thành phố Đà Nẵng, tôi chép thêm những đặc điểm văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán liên quan đến địa danh nhằm giới thiệu thành phố tươi đẹp hai bên bờ sông Hàn đến với bạn bè trong và ngoài nước.

(Trích “Lời nói đầu”)

Tiểu Vùng Văn Hóa – Xứ Quảng

Tiểu Vùng Văn Hóa – Xứ Quảng

Khi nói đến giá trị văn hóa Xứ Quảng, không chỉ những người Quảng Nam – Đà Nẵng mà còn bao gồm những con người thuộc các dân tộc sống trên mảnh đất này từ thuở khai hoang, dựng nghiệp cho đến nay đã đồng tâm hiệp lực tạo nên diện mạo đặc trưng của một vùng.Văn hóa xứ Quảng tuy có những nét đặc trưng riêng, nhưng vẫn nằm trong loại hình văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Nơi đây chứa đựng một nền văn hóa có giá trị vật chất rực sáng và giá trị tinh thần hào hùng.

Văn hóa xứ Quảng không chỉ đặc trưng ở văn hóa cư trú người Kinh vùng đồng bằng và tộc người Cơtu ở vùng cao, ở các di tích lịch sử – văn hóa như thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, thắng cảnh Hải Vân, Sơn Trà, ở truyền thuyết Tiên Sa, Non Nước, mà còn thể hiện ở văn hóa ẩm thực, đó là mì quảng, bánh tráng đập dập, bánh ít lá gai, bánh tráng cuốn thịt heo…với những hương vị rất riêng không lẫn với những sản vật của nơi khác.

Văn hóa vùng đất này còn là các làn điệu dân ca, hát hò khoan, bài chòi, lý hò vè độc đáo, chân chất đồng hành cùng các câu hát đồng dao, hát bả trạo, hát sắc bùa, các trò diễn dân gian như múa lân, các vũ đạo có đường nét kinh điển của nghệ thuật Tuồng truyền thống mà người xưa gọi là hát Bội. Người dân xứ Quảng cũng rất tự hào vì nơi đây từng được mệnh danh là cái nôi của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này.

Văn hóa xứ Quảng còn là sức sống, sức sáng tạo của người dân được thể hiện ở kinh nghiệm, tri thức được tích lũy trong quá trình lao động và đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên, với kẻ thù. Tri thức và năng lực sáng tạo đó còn biểu hiện qua hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, hàng trăm sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống, như đồ mỹ nghệ Non Nước, guốc mộc Xuân Dương, nước mắm Nam Ô, thuốc lá Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan…Tất cả đã nói lên tài hoa và sự khéo léo, tinh xảo của người xứ Quảng.

Có thể nói giá trị đặc trưng của văn hóa xứ Quảng nói chung, của Đà Nẵng nói riêng là những nét đặc thù của một vùng văn hóa nằm trong tổng thể của nền văn hóa Việt Nam. Sứ mệnh lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của các bậc tiền bối không chỉ bắt nguồn từ tình cảm mà còn phải được xem là trọng trách của những con người đang sống trên quê hương thân yêu này.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button