Sách hay về lịch sử Việt Nam

Sách về lịch sử Việt Nam hay nhất. Cung cấp nhiều thông tin cơ bản, bao quát toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử dân tộc. Có giá trị không chỉ về tri thức mà còn bồi đắp thêm niềm tin về khí phách, tài trí và lòng yêu nước của người Việt Nam.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ quốc sử danh tiếng, một di sản quý báu của dân tộc Việt Nam nghìn năm văn hiến. Đó là bộ sử cái, có giá trị nhiều mặt, gắn liền với tên tuổi các nhà sử học nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy…

Việc phát hiện bản in xưa nhất của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Nội các quan bản, năm Chính Hòa thứ 18, tức năm 1697 có một ý nghĩa đặc biệt. Bộ sách đã được ra mắt bạn đọc vào những năm 90 của thế kỷ trước và từng được tái bản trong những năm gần đây.

Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca

Tác phẩm “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với nhận định và đánh giá của người biên soạn. Tác phẩm kể lại các câu chuyện Sử Việt đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.

Đây là cuốn sách dành cho tất cả mọi thế hệ. Bởi chỉ cần là người Việt Nam, thì đều có thể tìm kiếm được trong đây tình yêu với sử nhà bởi tính chất hấp dẫn, bi hùng và những bài học của tiền nhân để lại thông qua những câu chuyện đặc sắc.

Thảm Kịch Vĩ Nhân

Gần 600 năm trước, khi cuộc chiến chống ngoại bang kết thúc, cũng là lúc cuộc chiến phe cánh trong nội bộ triều đình nhà Lê mở ra. Trong cơn khủng hoảng đó, Nguyễn Trãi trở thành nạn nhân hứng chịu tấn thảm kịch oan khiên nhất, dã man nhất lịch sử nước Việt, mang tên Thảm kịch vĩ nhân.

Toàn bộ câu chuyện được kể lại xảy ra vỏn vẹn trong 27 ngày, từ ngày sinh Hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này), đến ngày Ức Trai Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ lên đoạn đầu đài. Vén bỏ bức màn hắc ám chốn thâm cung, nhà văn Hoàng Minh Tườngdẫn dụ người đọc lần theo những tình tiết ly kỳ, bóc tách những dấu vết mờ nhòe của lịch sử nhằm phơi bày màn kịch tội ác đã được dựng lên để sát hại một bậc vĩ nhân như Nguyễn Trãi.

Thảm kịch vĩ nhân không chỉ là câu chuyện của một cá nhân Nguyễn Trãi, đó còn là câu chuyện về người trí thức trong mối quan hệ với quyền lực, với dân tộc, với lẽ phải và lý tưởng mà họ theo đuổi. Tư cách người trí thức trước giông bão thời đại, chẳng phải là điều cốt lõi của một vĩ nhân sao!

Việt Nam Sử Lược

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920, dựa trên những nghiên cứu trước đó như Nam sử tiểu học và Sơ học An Nam sử lược từ những năm 1914 -1917, là bộ thông sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được soạn theo phương pháp hiện đại.

Với Việt Nam sử lược, sử học Việt Nam lần đầu tiên có một công trình thoát ly được khỏi lối chép sử biên niên truyền thống của Trung Quốc vốn chỉ nêu lên từng sự kiện riêng lẻ, rời rạc. Việt Nam sử lược trình bày các diễn biến lịch sử thành một câu chuyện liên tục và hấp dẫn, cho người đọc thấy được mối liên lạc nhân quả, biện chứng giữa các sự kiện xảy ra theo dòng thời gian. Ngoài ra, khác với lối chép sử của các sử thần thời phong kiến thường chỉ chú ý ghi chép hành vi, hoạt động của vua chúa quan lại, những cuộc tranh bá đồ vương, Việt Nam sử lược trái lại đã bắt đầu chú ý nhiều đến những sự kiện liên quan đời sống thực tế của dân chúng, sinh hoạt của xã hội, phong tục, tín ngưỡng,… Tất cả đều được thể hiện với một thái độ điềm tĩnh, khách quan, và công bằng đúng như một sử gia cần có.

Từ lâu đã được coi là tác phẩm kinh điển của sử học Việt Nam, cũng là cuốn sách để đời của học giả Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược hiện vẫn là bộ tín sử ngắn gọn súc tích, dễ nhớ dễ hiểu, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Một kiệt tác luôn cần được đọc và đọc lại.

Tâm Lý Dân Tộc An Nam

Công trình nghiên cứu Tâm lý dân tộc An Nam (Psychologie du Peuple annamite) được Paul Giran – một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, xuất bản vào năm 1904 sau hơn ba năm thu thập và tích lũy quan sát ở Đông Dương, để phục vụ công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam.

Tác phẩm ra mắt người đọc Pháp quốc năm 1904, vào thời điểm những cuộc chinh phục bằng sức mạnh quân sự của người Pháp trên Vương quốc An Nam và bán đảo Đông Dương đã bước vào hồi kết, và công cuộc thuộc địa hóa xứ sở này dần chuyển sang một giai đoạn mới. Những kinh nghiệm ở Bắc Phi (Algérie, Tunisie, Maroc…) cho người Pháp hiểu rằng để duy trì sự hiện diện của họ ở An Nam nói riêng và xứ Đông Dương nói chung, họ cần đến một quá trình lâu dài.

Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỉ XX

Tác phẩm Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX này là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi, người thuộc về số ít các sử gia Việt đương đại quan trọng nhất. Đó là cuốn Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, Nxb Minuit, Paris, 1955) và Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, Nxb Sud-Est Asie, Paris, 1982).

Công trình từ lâu đã được các nhà Việt Nam coi như sách tham khảo căn bản khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được coi như kiệt tác sử học này được xuất bản bằng tiếng Việt.

Các Triều Đại Việt Nam

Cuốn sách có dung lượng vừa phải nhưng cung cấp nhiều thông tin cơ bản, bao quát toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử dân tộc. Các công tích, hành trạng của những vị vua từ thời Hùng Vương dựng nước đến khi vương triều Nguyễn kết thúc vai trò lịch sử đều được nhóm tác giả chọn lọc, giới thiệu một cách chính xác, cẩn thận.

Các triều đại Việt Nam – cuốn sách có giá trị không chỉ về tri thức mà còn bồi đắp thêm niềm tin về khí phách, tài trí và lòng yêu nước của người Việt Nam.

Sự Hiện Diện Của Thành Viên Tam Điểm Tại Việt Nam

Cuốn sách này đề cập chủ yếu đến Hội Tam Điểm Pháp, và một phần Hội Tam Điểm Mỹ, hai quốc gia có nhiều mối liên quan đến Việt Nam. Đặc biệt là Hội Tam Điểm Pháp bởi nước Pháp gắn chặt với quá trình cai trị thuộc địa Đông Dương, nhiều thành viên Hội Tam Điểm lại là nòng cốt trong chính quyền thuộc địa Pháp, nên có thể nói sự có mặt của những thành viên Tam Điểm đã đóng vai trò nhất định trong sự bình định và khai hóa thuộc địa.

Cuốn sách có thể còn thiếu sót, do nhiều tư liệu bị đốt, hoặc bị đem đi tiêu hủy khi nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, và bởi tình hình chính trị ở Việt Nam có nhiều biến động qua các thời kỳ. Mặc dù Pháp đã rời bỏ Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ, Mỹ cũng phải ra đi gần hơn mươi năm trước, nhưng nhiều gia đình tại Việt Nam vẫn ngại cung cấp thông tin, và né tránh nhắc đến ông cha họ vì sợ bị hiểu lầm.

Thời gian đã trôi qua, đại đa số những thành viên Tam Điểm đầu tiên đã về cõi tiên. Việc nhìn nhận vai trò của họ trong lịch sử Việt Nam lúc giao thời giữa hai nền văn hóa là điều cần thiết và cũng để xóa bỏ những hận thù, hiềm khích, hiểu nhầm do chiến tranh gây ra. Những thành viên Tam Điểm Việt Nam đầu tiên đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực văn hóa, văn học và đặc biệt cho công cuộc đòi lại chủ quyền, độc lập dân tộc mà triều đình nhà Nguyễn đã để rơi vào tay thực dân Pháp.

Cuộc Nổi Dậy Của Nhà Tây Sơn

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ.

Vua Gia Long

Cuốn sách là công trình biên khảo bằng tiếng Pháp của Marcel Gaultier được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1933.

Marcel Gaultier (1900-1960) là nhà văn đồng thời là biên tập viên cho Ban Dân sự của Đông Dương. Ông để lại cho đời hơn mười tác phẩm, trong đó có ba tiểu thuyết, còn lại là hồi ký và những nghiên cứu sử học về các vị vua triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng và Hàm Nghi. Trong số đó, Gia-Long (Vua Gia Long, 1933) là tác phẩm đầu tay về nghiên cứu sử học với đề tựa của Pierre Pasquier, Toàn quyền Đông Dương.

Đây là công trình viết về Gia Long – Nguyễn Ánh, vị vua đầu tiên cũng là người mở ra vương triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, cũng đồng thời là một nhân vật tạo nên nhiều tranh luận, đánh giá.

An Nam Truyện

An Nam Truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa là tập hợp các ghi chép về Việt Nam trong 17 bộ chính sử xưa của Trung Quốc, bao trùm một khoảng thời gian dài, từ thời nhà Tần, Hán đến năm 1911, khi cuộc Cách mạng Tân Hợi chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng ở nước này. Đồng thời, ngoài những ghi chép trực tiếp về vùng đất Việt cổ được biết đến với tên gọi Giao Chỉ, An Nam… thì những ghi chép về các vương quốc xưa đến nay tuy không còn mà đã là một phần của lãnh thổ Việt Nam hiện đại như: Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp… cũng được chọn dịch và ghi chép vào sách này để bạn đọc có thêm tư liệu về lịch của các vùng đất ấy trong tiến trình chung của lịch sử Việt Nam.

Xứ Đàng Trong

“Cristoforo Borri là người đầu tiên đã mô tả đất nước An Nam, sản vật, con người, chính thể, tín ngưỡng, tập quán của xứ này. Và ông đã mô tả mọi thứ rất tuyệt vời. Ông chỉ sống 5 năm ở các vùng lân cận Đà Nẵng hoặc trong phủ Quy Nhơn. Nhưng chừng đó thời gian đã đủ để ông nắm bắt một cách chuẩn xác và gần như trọn vẹn. Ông may mắn biết ngôn ngữ xứ này, là một việc rất hiếm hoi thời đó: ông chắc hẳn là người Âu châu thứ hai đã chuyên tâm nghiên cứu tiếng An Nam. Nhưng chuyện đó cũng không đủ giải thích thỏa đáng cho cái ích lợi mà cuốn ký sự Xứ Đàng Trong của ông đem tới. Cristoforo Borri là một người ham hiểu biết. Ông đã thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc về thế giới xung quanh ông, và, nếu ngày nay, ta gặp phải khó khăn khi muốn xác nhận một vấn đề nào đó thì hãy so sánh với thời Cristoforo Borri để thấy giá trị của sự bền bỉ, sự minh mẫn của giáo sĩ này – người đã biết thiết lập những ý niệm sáng tỏ và chuẩn xác cho những thứ hoàn toàn mới lạ với dân Âu châu.

Có thể nói rằng, Xứ Đàng Trong là một kiểu mẫu cho hậu bối của cha Cristoforo Borri noi theo. Những giáo sĩ, những nhà du hành tới sau ông, sẽ mô tả An Nam hay Đàng Ngoài dựa theo sự phân chia của ông trong cuốn ký sự này. Người ta sẽ còn nhắc những nắm bắt tài tình của ông về một số chủ đề, đôi khi họ còn dùng nguyên cách nói của ông: về voi, tổ chim yến, y thuật, tài năng của pháo thủ An Nam, trái mít hay trái sầu riêng, … Nên có một nghiên cứu đối với sự lệ thuộc của các tác giả viết về xứ An Nam xưa và những vay mượn của họ từ người tiên phong trên hết – Cristoforo Borri.”

Nhà Nguyễn Và Những Vấn Đề Lịch Sử

Trong lịch sử lập quốc và phát triển đất nước của ta, triều đại các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (1558 – 1945) kéo dài gần 400 năm là thời kỳ mở rộng đất nước với quy mô lớn nhất (từ Phú Yên vào đến Hà Tiên), đồng thời cũng là thời kỳ có những đổi thay sâu sắc trong đời sống xã hội do sự hiện diện của một khối lượng đông đảo người nước ngoài, phương Đông (người Trung Quốc, Nhật Bản), phương Tây (người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp). Họ đến Đàng Trong để giảng đạo hoặc mua bán, sinh hoạt trên một đất nước còn khá xa lạ đối với học và không ít người đã tỉ mẫn ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những năm tháng cùng sinh sống với người bản xứ. Cũng vì vậy, thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn rất phong phú về mặt sử liệu, với rất nhiều bút ký, du ký, khảo cứu do người nước ngoài viết về các mặt đời sống của xã hội Đại Việt. Việc nhìn nhận và đánh giá vấn đề của những người này có thể còn phiến diện, chưa sát với thực tế, song không thể phủ nhận là cách trình bày vấn đề của họ mới mẻ hơn, không đi theo lối mòn của lối chép sử biên niên của ta; và ở một số khía cạnh nào đó, tỏ ra khách quan và khoa học hơn.

Cuốn sách phản ánh một vài khía cạnh đơn lẻ của một giai đoạn lịch sử đầy biến động, không có tham vọng nào hơn là cung cấp cho người đọc những gì thu thập được từ khối sử liệu phong phú của thời kỳ này. Chỉ mong được thể hiện nơi đây lòng biết ơn sâu sắc đối với tiền nhân, những bậc công thần với trách nhiệm quốc kế dân sinh, những lưu dân nghèo khổ, với hai bàn tay trắng, đã trèo non vượt thác vào vùng đất mới, chiến đấu với thú dữ, khắc phục thiên tai để gầy dựng cho cháu con dải giang sơn cẩm tú này.

Mô Tả Vương Quốc Đàng Ngoài

Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron hoàn tất năm 1685 ở Fort Saint-Georges, Madras (Ấn Độ), là một trong những cuốn sách có giá trị của người phương Tây viết về Việt Nam, bên cạnh những tác phẩm quan trọng của Alexandre de Rhodes, Cristoforo Borri – thế hệ những thương nhân, chính khách và giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Đại Việt vào thế kỷ XVII-XVIII và để lại nhiều ghi chép quan trọng về văn hóa – lịch sử xứ này.

Trong cuốn sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, rất nhiều chuyện không được ghi chép trong sử chính thống của nhà Nho được Baron mô tả chân thực, không kiêng dè. Một điều đặc biệt là, Samuel Baron không viết về Đàng Ngoài dưới dạng du ký như nhiều nhà du hành hoặc thương buôn phương Tây khác. Đàng Ngoài dưới con mắt của Samuel Baron không phải là một vùng đất ông lướt qua trong một chuyến đi mà những miêu tả tỉ mỉ về xứ sở này với sự phân chia các chương mục rất rõ ràng, đưa ra cả những số liệu cụ thể giống như một công trình khảo sát của một nhà dân tộc chí cho thấy ông rất am hiểu vùng đất này.

Giai Thoại Các Vị Vua Việt Nam

Lịch sử Việt Nam trải hàng ngàn năm phát triển có thăng trầm biến động qua nhiều triều đại với hơn 100 đời vua nối nhau trị vì. Các vị quân vương xưa luôn coi mình có xuất thân tôn quý, là “thiên tử” thay trời hành đạo, trị quốc an dân.

Đã có biết bao giai thoại nhuốm màu sắc huyền bí, lạ lùng bao quanh để tăng thêm vẻ uy nghi, oai dũng của họ, thế nhưng vua cũng chỉ là người như bao người bình thường khác, cũng nếm đủ mùi vị của cuộc sống với vẻ bi hài.

Hoàng Lê Nhất Thống Chí

Hoàng Lê Nhất Thống Chí là tác phẩm tiêu biểu nhất, có giá trị nhất trong bộ sách của “Ngô gia văn phái” trên cả hai phương diện sử học và văn học.

Bản dịch “Hoàng Lê nhất thống chí” ra chữ quốc ngữ của Ngô Tất Tố là một trong số những bản dịch đầu tiên được thực hiện sớm từ nửa đầu thế kỷ 20.

Nhà Hán học, nhà văn, nhà sử học Ngô Tất Tố đã công phu tra cứu, xác định nguyên tác, trung thành dịch và chủ tâm mong muốn tăng thêm giá trị lịch sử khi dịch “Hoàng Lê nhất thống chí”.

Căn cứ vào nguyên tác bản dịch của Ngô Tất Tố được lưu chiểu, bảo quản liên tục hơn 70 năm nay trong hệ thống thư viện nhà nước, từ Thư viện Đông Dương trước đây đến Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện nay, để gìn giữ và bảo tồn di sản văn sử học truyền thống trong cộng đồng , Nhà xuất bản Văn học trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

I. Toàn văn bản dịch “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Tất Tố.

II. Những sự việc có liên quan đến kết quả dịch thuật ấn phẩm này của dịch giả.

Nam Phương – Hoàng Hậu Cuối Cùng

Cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương vẫn còn nhiều bí ẩn đối với người dân Việt Nam. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, từ bậc mẫu nghi thiên hạ, Nam Phương trở thành một người vợ, một người mẹ như bao người phụ nữ Việt Nam khác, sống vì chồng vì con. Bà được xem là người phụ nữ đẹp nhất nước ta lúc bấy giờ, nhưng chồng Bà – ông Cố vấn Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại sau khi thoái vị – rất đa tình, da díu với nhiều người phụ nữ khác, Bà rất buồn nhưng cố giấu nỗi hờn ghen để giữ uy tín cho chồng.

Thời gian bà đưa con sang Pháp sinh sống, Bà viết thư gửi cho ông Vĩnh Thụy rằng: “Tất cả cuộc đời em thuộc về Mình, em chỉ sống vì Mình và đàn con mà thôi (thư viết ngày 3/5/1949)”. Có lẽ thế mà suốt quãng đời sống tại Pháp, Bà luôn cô độc một mình cho đến lúc bệnh và qua đời.

Quốc Sử Tạp Lục

Quốc sử tạp lục là cuốn sách khảo cứu lịch sử đặc sắc, và cũng là duy nhất, của vị học giả tài năng sinh bất phùng thời Nguyễn Thiệu Lâu.

Cuốn sách là tập hợp gần như trọn vẹn các bài viết, bài tiểu luận về lịch sử đã đăng báo của tác giả, do gia đình, bè bạn thực hiện sau khi ông qua đời được hai năm. Với “ao ước được một bộ sử nước nhà viết bằng tiếng mẹ đẻ, kê cứu theo phương pháp khoa học”, Nguyễn Thiệu Lâu đã từng bước khơi lại những sự kiện và nhân vật ít được quan tâm, chất vấn những quan điểm sử học thiên lệch và cảm tính… Ông dành mối quan tâm đặc biệt đến thế kỷ XIX với những sự kiện lịch sử thăng trầm vừa hào hùng vừa bi phẫn trong cuộc trị bình và bảo vệ đất nước của ông cha, như một cách cất lên tiếng nói ưu hoài về vận mệnh dân tộc. Đứng giữa ba động của lịch sử thế kỷ XX, bị kẹt trong những mâu thuẫn dằng dai của thời đại, Nguyễn Thiệu Lâu rốt cuộc đã chọn cho mình hành trình của một trí thức chân chính trên con đường sử học nhiều trắc trở, gian nan.

Quốc sử tạp lục, tuy chưa phải một “bộ sử nước nhà” đúng như tác giả của nó từng ao ước, nhưng xứng đáng là một di sản văn hóa độc đáo, đem đến nhiều tư liệu và quan điểm giàu sức khơi gợi cho các thế hệ nghiên cứu sau.

Lịch Sử Quân Sự Việt Nam

Bộ Lịch sử Quân sự Việt Nam gồm 14 tập, là một bộ sách rất công phu và có giá trị, được xem như bộ sử lớn đương đại, dựng lại toàn bộ hoạt động quân sự của dân tộc trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, kể cả những cố gắng mở nước của cha ông và các cuộc nội chiến từ thời Hùng Vương – An Dương Vương cho đến ngày nay.

Bộ sách gồm 14 tập, với những nội dung chủ yếu mỗi tập như sau:

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 1: Buổi đầu giữ nước. Thời Hùng Vương – An Dương Vương

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 2: Đấu tranh giành độc lập tự chủ (từ năm 179 tr.CN đến năm 938)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 3: Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý (939 – 1225)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 4: Hoạt động quân sự thời Trần (Thế kỷ XIII-XIV)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 5: Hoạt động quân sự thời Hồ – Lê Sơ (thế kỷ XV)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 6: Hoạt động quân sự từ năm 1527 đến năm 1771)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 7: Hoạt động quân sự thời Tây Sơn (1771-1802)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 8: Hoạt động quân sự từ năm 1802 đến năm 1896

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 9: Hoạt động quân sự từ năm 1897 đến Cách mạng Tháng Tám 1945

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 10: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 11: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 12: Những nhân tố hợp thành sức mạnh Việt Nam thắng Mỹ

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 13: Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2000)

– Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 14: Tổng luận

Có 500 Năm Như Thế

Cuốn sách Có 500 Năm Như Thế một công trình nghiên cứu công phu về bản sắc văn hóa Quảng Nam trong sự gắn bó chặt chẽ với văn hóa Chăm. Cuốn sách bàn về những nội dùng chính: sự thật về hai chữ “Nam tiến”, văn hóa Quảng Nam biến đổi theo tiến trình lịch sử, ngôn ngữ Quảng Nam như là ngôn ngữ của người Chăm nói tiếng Việt. Toàn bộ nội dung cuốn sách là nỗ lực khai phá những tri thức mà theo tác giả, đã bị chìm khuất, hay lãng quên trong lịch sử, mà nay cần tạo dựng để giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về văn hóa – vốn là một vấn đề không bao giờ giản đơn.

Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời

Công trình Đất nước Việt Nam qua các đời tập trung nghiên cứu địa lý hành chính để nhận định cương vực của nước Việt Nam và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, từ thời Văn Lang, Âu Lạc, qua thời kì Bắc thuộc, trải đến thời tự chủ và cho đến thời nhà Nguyễn. Với công tác nghiên cứu công phu, khối lượng sách tham khảo đồ sộ, Đào Duy Anh đã vẽ nên bức tranh rộng lớn, mô tả sự phát triển và biến đổi của lãnh thổi Việt Nam kéo dài gần hai thiên niên kỷ, khiến công trình trở thành một nghiên cứu đầy đủ nhất, hệ thống nhất về lãnh thổ Việt Nam trong thế kỉ XX.

Đất nước Việt Nam qua các đời và các công trình khác cùng chuyên ngành đã xác lập vị trí của Đào Duy Anh là một nhà địa lý học lịch sử tiêu biểu nhất cho đến nay, là người khơi mở và truyền cảm hứng cho sự phát triển chuyên ngành này ở Việt Nam.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button