Sách hay về thời Pháp thuộc

Sách về thời Pháp thuộc hay nhất. Tái hiện một cách chân thực nhưng cũng đầy đau thương về thời kỳ Pháp thuộc, một giai đoạn hết sức đặc biệt xét ở mọi phương diện đối với lịch sử của Việt Nam.

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam (1858 – 1897)

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam (1858 – 1897)

“Bằng cách đưa vào quyển sách này những văn kiện ngoại giao, mà phần lớn chưa được tiết lộ, tác giả cố gắng góp phần vào sự xác định một số giai đoạn lịch sử những buổi đầu trong sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Tác phẩm này sẽ không chú trọng nhiều về phương pháp tổ chức hành chánh địa phương, do tay người Pháp, tại Việt Nam, mà chỉ nhấn mạnh về bình diện chánh trị, ngoại giao và quốc tế của công cuộc thâm nhập này”.(Hoàng Xuân Hãn)

Cuốn sách này được phát triển trên công trình Luận văn tiến sĩ của Nguyễn Xuân Thọ, bảo vệ tại Pháp, xếp hạng Tối ưu. Tác giả khai thác các kho tư liệu của Bộ Ngoại giao Pháp, Ngoại giao Tây Ban Nha, Bộ Hải quân, Bộ Thuộc địa Pháp cũng như những tài liệu rất hiếm hoi của Việt Nam (rất nhiều tài liệu chưa từng chính thức công bố) để đưa ra một công trình nghiên cứu thực sự vô tư, hiệu chính về một vài giai đoạn trong quan hệ Pháp và Việt Nam, mà cho đến nay, dường như chưa được hiểu một cách đúng đắn.

Cuốn sách này dành cho những ai mong muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, đặc biệt về mối quan hệ Pháp – Việt những năm 1858-1897 để có cái nhìn đúng đắn hơn về một giai đoạn lịch sử.

Xứ Đông Dương

Xứ Đông Dương

Xứ Đông Dương là những hồi ức sống động của một người từng cai quản cả Đông Dương. Ông từng giữ những chức vụ quan trọng như: Bộ Trưởng Tài chính, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện rồi làm Tổng thống Pháp, nên bạn đọc hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những suy nghĩ và đánh giá của ông là sâu sắc và rất khác với nhiều tác giả thuộc địa khác.

Đây là một trong những cuốn sách đẹp nhất, giá trị nhất về xứ Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đặc biệt những minh họa rất đẹp trong sách cho thấy hình ảnh của nhiều địa điểm lịch sử trên khắp đất nước Việt Nam và bán đảo Đông Dương vào thời điểm đó. Khi nhìn những hình ảnh này, khi đọc những dòng chữ này, chúng ta sẽ hình dung được chúng ta đã đổi thay thế nào, thậm chí đã mất mát đầy đau đớn ra sao.

Lịch Sử Nam Kỳ Thuộc Pháp (Từ Sơ Khởi Đến Năm 1883)

Lịch Sử Nam Kỳ Thuộc Pháp (Từ Sơ Khởi Đến Năm 1883)

Nhà sử học Prosper Cultru được xem là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu Lịch sử các thuộc địa của Pháp vào đầu thế kỷ XX. Ông sinh ngày 14/2/1862 tại Senlis (quận Oise, vùng Hauts-de-France) miền Bắc nước Pháp, mất ngày 12/2/1917 tại Paris. Ông bảo vệ hai luận án vào năm 1901 và đến năm 1906, Cultru trở thành Giáo sư tại Khoa Văn Paris của Đại học Đế quốc Pháp (Sorbone). Ông phụ trách toàn bộ các học phần về Đông Dương, Tây Ấn thuộc Pháp, Tây Phi thuộc Pháp và hoạt động của Gallieni tại Madagascar.

Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình, Prosper Cultru đã công bố nhiều công trình sử học nổi bật như : Dupleix, những kế hoạch chính trị, sự thất sủng, nghiên cứu về lịch sử thuộc địa (1901), Ông hoàng của Madagascar ở thế kỷ XVIII: Benyowszky (1906), Lịch sử Nam Kỳ thuộc Pháp (1910), Khởi đầu của Tây Phi thuộc Pháp: Lịch sử Sénégal từ thế kỷ XV đến năm 1870 (1910)… Chính nhờ sự công hiến hết mình và nghiêm cẩn với khoa học, ông đã nhận được hai giải thưởng khoa học danh giá của Viện Hàn lâm Pháp là giải thưởng Gobert năm 1901 và giải thưởng Thérouanne năm 1910.

Cuốn sách Lịch sử Nam Kỳ thuộc Pháp (Từ sơ khởi đến năm 1883) – (Histoire de la Cochinchine française: des origines à 1883) do Nhà xuất bản Augustin Challamel ấn hành năm 1910.

Cuốn sách dài 444 trang trong nguyên bản tiếng Pháp, được chia làm 15 chương, nghiên cứu lịch sử Nam Kỳ từ thế kỷ XVII đến năm 1883. Sự kiện Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong vào năm 1624 được chọn làm điểm khởi đầu của công trình nghiên cứu và mốc kết thúc, năm 1883, là thời điểm thống đốc dân sự đầu tiên của Pháp tại Nam Kỳ, ông Charles Le Myre de Vilers, kết thúc nhiệm kỳ.

Cuốn sách đã đạt giải thưởng Thérouanne danh giá của Viện Hàn lâm Pháp dành cho lĩnh vực lịch sử.

Tìm Hiểu Giai Cấp Tư Sản Việt Nam Thời Pháp Thuộc

Tìm Hiểu Giai Cấp Tư Sản Việt Nam Thời Pháp Thuộc

Nghiên cứu lịch sử nước ta trong giai đoạn cận dại, một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết là vấn đề giai cấp tư sản Việt Nam: quá trình phát sinh và phát triển của nó, vai trò của nó trong cuộc đấu tranh các mạng giải phóng dân tộc.

Trên miền Bắc nước ta, cuộc cách mạng phản đế phản phong do giai cấp công nhân lãnh đạo đã hoàn thành, chúng ta đã tiến lên một giai đoạn cách mạng mới sâu sắc nhất, triệt để nhất, vĩ đại nhất – cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay về kinh tế, chúng ta đang ra sức xây dựng và phát triển thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời cải tạo các thành phần kinh tế khác theo chủ nghĩa xã hội, trong đó việc cải tạo thành phần kinh tế công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh chiếm một vị trí rất quan trọng.

Trong cuộc đấu tranh để thủ tiêu chế độ bóc lột tự bản chủ nghĩa, cải tạo giai cấp tư sản theo con đường xã hội chủ nghĩa đó, thì việc nghiên cứu về giai cấp tư sản Việt Nam trong những thời kỳ quá khứ là cần thiết và có ích..

Địa Chí Hành Chính Các Tỉnh Nam Kỳ Thời Pháp Thuộc (1859 – 1954)

Địa Chí Hành Chính Các Tỉnh Nam Kỳ Thời Pháp Thuộc (1859 – 1954)

Là những văn kiện ghi nhận quá trình sắp xếp, điều chỉnh lại ranh giới và tên gọi các đơn vị hành chính từ cấp làng xã đến cấp quận, tỉnh từ đầu thời pháp thuộc để có được một hệ thống mà ngày nay đa số vẫn còn tồn tại. Số văn kiện này thuộc loại quý hiếm, sẽ giúp ích rất nhiều cho các tỉnh trong việc biên soạn tiến trình thành lập và các đơn vị hành chính qua từng giai đoạn lịch sử liên tục của tỉnh.

Những văn kiện cho chúng ta biết được tiến trình phát triển dân số ở mỗi tỉnh ở Nam kỳ thời Pháp thuộc, qua từng năm hay từng giai đoạn…Những văn kiện bổ dụng các chức vụ đứng đầu mỗi tỉnh suốt thời gian người pháp cai trị đất Nam kỳ…Những văn kiện liên quan đến việc quy hoạch đường sá đi khắp các vùng nông thôn..

Paul Doumer – Toàn Quyền Đông Dương (1897-1902): Bàn Đạp Thuộc Địa

Paul Doumer – Toàn Quyền Đông Dương (1897-1902): Bàn Đạp Thuộc Địa

Khi người ta nhận ra rằng thiếu hẳn mảng tư liệu về tiểu sử của Paul Doumer và kéo theo đó là sự thiếu hiểu biết về một nhân vật, dù gì đi nữa cũng đã chiếm một vị trí trọng yếu, một nhân vật mà dẫu đã đóng vai trò quan trọng hàng đầu tại Đông Dương cũng như trên sân khấu chính trị của chính quốc nhưng giờ lại đang bị lãng quên, thì khi đó ta hẳn sẽ thấy sự cần thiết của cuốn sách Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): Bàn đạp thuộc địa.

Vấn đề thuộc địa nổi lên trong đời sống chính trị nước Pháp cho tới tận cuộc chiến 1914, đồng thời cũng khơi nguồn cho nhiều thiên hướng cá nhân, trong đó thiên hướng của Paul Doumer hẳn là một minh chứng ấn tượng nhất. Quả vậy, trước khi ông được giao trọng trách cao nhất của Nhà nước Pháp năm 1931 thì ngay từ năm 1897, ông mới 39 tuổi, đã trở thành một trong những Toàn quyền Đông Dương trẻ nhất nước Pháp cho tới thời điểm đó.

Vậy thì sau những bối cảnh cụ thể nào mà Paul Doumer đã được cử tới Đông Dương? Và làm thế nào mà chỉ trong vòng năm năm chuyển giao giữa hai thế kỷ, từ năm 1897 tới năm 1902, thôi ông đã để lại một dấu ấn sâu đậm đến như vậy tại Đông Dương, thậm chí vẫn còn rất hiện hữu ngày hôm nay?

Viết cuốn lịch sử lý thú này, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc Địa và các kho tư liệu của Chính quyền Đông Dương được chuyển về lưu trữ ở Pháp, Amaury Lorin đã làm sáng tỏ một trang sử thuộc địa Pháp, cho đến nay chưa được nhiều người hiểu một cách tường tận một thời kỳ tồn tại đan xen những khoảng tối, sáng lẫn lộn, đặc biệt nổi lên một nhân vật đầy phức tạp với một nghị lực đáng kinh ngạc và một sự nghiệp có một không hai.

Cuốn sách này sẽ cố gắng góp phần giúp mọi người có thêm nhiều hiểu biết về một giai đoạn giao thời đặc biệt, về một giai đoạn bản lề hết sức đặc biệt xét ở mọi phương diện đối với lịch sử của Việt Nam, Campuchia, Lào trong thời kỳ thuộc địa, và rộng hơn nữa là đối với lịch sử của nước Pháp thực dân: đó chính là thời khắc thiết lập bộ máy khai thác hợp lý và hiệu quả trên cõi Đông Dương sau khi cuộc chinh phục quân sự kết thúc (mà sau này được thay bằng từ bình định) và trước khi sứ mệnh kiến thiết bắt đầu.

Xã Hội Việt Nam Thời Pháp Thuộc

Xã Hội Việt Nam Thời Pháp Thuộc

Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc của tác giả Lê Nguyễn là cuốn sách thứ 3 thuộc Tủ sách Biên khảo – Sử liệu, sách gồm 44 bài viết hấp dẫn và sâu sắc, trải dài trong khoảng thời gian 64 năm, từ ngày ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 biến ba tỉnh miền Đông Nam kỳ thành thuộc địa của Pháp, đến năm 1926, sau khi vua Khải Định thăng hà, hoàng thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi với niên hiệu Bảo Đại và tiếp tục sang Pháp học.

Trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX đó, tác giả đã chọn lọc:

  • Sự kiện (Hòa ước Nhâm Tuất, Giáp Tuất, vụ mưu sát Hoàng Hoa Thám, chuyến Bắc hành của Trương Vĩnh Ký…),
  • Nhân vật lịch sử (từ các vua triều Nguyễn: Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân… đến Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Thiên Hộ Dương, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp…)
  • Hiện tượng lịch sử nổi bật.

Nguồn tư liệu ngoài chính sử, còn được phong phú hóa bởi tác phẩm của các cây bút nghiên cứu Pháp đương thời.

“Tôi không có ý định dành những lời to tát để nói về một tập hợp những bài viết nhỏ của Lê Nguyễn trong tập sách này. Nhưng đó là cảm nhận thực sự khi đọc những bài viết riêng lẻ của tác giả đăng rải trên những trang báo nay được nén lại trong một cuốn sách. Tôi đã từng làm công việc tập hợp lại những bài viết lẻ của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trong chuyên mục Sử ta so với sử Tàu đăng trên Tạp chí Tri Tân thành một cuốn sách, nên thấy được cái công phu và đóng góp của những cây bút như Lê Nguyễn đối với việc nghiên cứu và truyền bá lịch sử dân tộc. Nói như vậy để thể hiện một sự trọng thị và khích lệ công việc của Lê Nguyễn cũng như nhiều cây bút khác đã tận tâm truyền bá tri thức lịch sử dân tộc bằng những bài viết nhỏ lẻ và dễ đọc này.

Theo tôi, cái làm nên sự hấp dẫn của lịch sử chính là sự chân thực và lẽ công bằng. Do vậy mà tôi mạnh dạn viết trên trang đầu sách Lời giới thiệu để khẳng định rằng, đây là một cuốn sách hấp dẫn.”

(Nhà Sử học Dương Trung Quốc)

Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ

Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ

Việt Nam thời Pháp đô hộ phác họa một bức tranh tổng thể về hình ảnh nước Việt Nam kể từ khi bị người Pháp chiếm cứ bằng quân sự với phát súng nổ đầu tiên ở Đà Nẵng năm 1858. Cuốn sách khai thác các nguồn sử liệu gốc phong phú của chính quyền thực dân Pháp, được tác giả chắt lọc, phân tích, lý giải một cách khoa học giúp người đọc dõi theo bước chân xâm lược của thực dân Pháp khi lần lượt bằng quân sự chiếm cứ Nam kỳ, gây áp lực và vô hiệu hóa quyền lực của triều đình Huế, xâm nhập Bắc kỳ cho đến khi thiết lập nền hành chính đô hộ.

Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Thế Anh còn cung cấp cho người đọc một lát cắt đối nghịch với chủ trương thực dân của chính quyền đô hộ Pháp, đó là phản ứng của nhân dân Việt Nam bằng các phong trào phản kháng, đáp trả với những xu hướng khác nhau nhằm chấm dứt chế độ thuộc địa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh cuốn sách được dùng làm tài liệu giảng dạy ở một trường đại học uy tín và được xuất bản ngay tại thủ phủ Sài Gòn những năm 70 của thế kỷ XX, khi đất nước còn chia cắt, hai miền Nam – Bắc với hai chính thể khác nhau, thì những phân tích cố gắng có cái nhìn khách quan, không phán xét, đánh giá về từng cuộc vận động, phong trào quốc gia phản kháng đòi tự trị, đòi cải cách xã hội, xóa bỏ chế độ đô hộ là những điều đáng được ghi nhận về thái độ của tác giả Nguyễn Thế Anh – người làm công việc chép sử.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button