Sách hay về chiến tranh thế giới thứ 2

Sách về chiến tranh thế giới thứ 2 hay nhất. Cuộc chiến tàn khốc và điên rồ trong lịch sử. Những hậu quả của nó không gì đo đếm được.

Những Câu Chuyện Lịch Sử Khác Thường – Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai

Chiến tranh thế giới thứ Hai là một cuộc chiến tàn khốc và điên rồ nhất trong lịch sử. Những hậu quả của nó không gì đo đếm được. Cuốn sách này sâu chuỗi những câu chuyện, những sự kiện của cuộc chiến, mang đến cho bạn một cái nhìn hoàn cảnh, bằng cách dẫn dắt khéo léo và những con số biết nói.

Stalingrad – Trận Chiến Định Mệnh

Cuộc chiến Stalingrad là một tấm bản lề khép mở hai giai đoạn của Thế chiến thứ hai. Với việc chiếm đóng Stalingrad, Đế chế thứ 3 lên đến đỉnh cao chiến thắng, nhưng cũng từ đây, sau khi bị Hồng quân Liên Xô đẩy lùi, đội quân của Đức Quốc xã bắt đầu tuột dốc không thể cứu vãn. Antony James Beevor, tác giả Stalingrad, đã chọn trận đánh có vị trí đặc biệt này để mang đến một điểm nhìn về Thế chiến thứ hai. Cách của tác giả là zoom to hết mức để các phần nhỏ của bức tranh hiện lên chi tiết đến mức khủng khiếp.

Mỗi chương, mỗi phần là những cảnh quay chân thực đến rợn người. Cảnh đổ nát sau hoang tàn một trận đánh. Những xác chết chất đầy thối rữa. Những cái chết phi lý của những người lính trẻ măng ở cả hai chiến tuyến, những cái chết dần trong đau đớn thể xác vì bệnh tật, vì chấy rận, vì đói rét, vì cả tê liệt bởi bị đối phương tra tấn về mặt tinh thần; những người thương binh cả Đức Quốc xã, cả Hồng quân, bị bỏ lại trong băng tuyết để chờ đợi cái chết thảm khốc; những bệnh viện bốc mùi hôi thối cùng những tiếng gào thét đau đớn như thể trong “Địa ngục” của Dante. Như hình ảnh một người lính đã nghĩ đến khi quan sát đống đổ nát quanh anh: “Tại nơi này, một lời Phúc âm thường chạy qua đầu tôi: Không một hòn đá nào còn tồn tại sau tất cả. Ở đây, đó là sự thật.” Còn đây là cảnh cuối của trận đánh: “Giờ đây Stalingrad trông chẳng khác gì một nắm xương đen bị cháy trụi. Thứ duy nhất còn tồn tại là chiếc đài phun nước có tượng các em bé nhảy múa xung quanh. Có vẻ như đây là một kỳ tích sau khi hàng nghìn trẻ em đã bỏ mạng trong các đống đổ nát quanh thành phố này.”

Kẻ Trộm Sách

Kẻ trộm sách – tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.

Chọn một đề tài tưởng như đã có quá nhiều cây bút đào xới – cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 – nhưng Markus Zusak vẫn gây bất ngờ cho người đọc. Người kể chuyện trong tác phẩm này là Thần Chết – một “gương mặt” quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu chuyện mà thần chết kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với chính đồng loại của họ thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”. Đây là một câu chuyện với quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn.

Lịch Sử Sống Động Của Đệ Nhị Thế Chiến

Hiệp ước đình chiến kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ I (Armistice de Compiegne, 1918) lại là mầm mống của một cuộc chiến tranh mới – Đệ nhị Thế chiến. Đây là một cuộc chiến khốc liệt mà ở đó tham vọng con người đã trở thành một thứ cuồng vọng không còn nhân tính. Thật vậy, làm sao hình dung được cái chết của 17 triệu binh sĩ và 18 triệu dân thường hay 35 triệu con người bị loại trừ chỉ trong 5 năm rưỡi. Làm sao hiểu được nạn diệt chủng của 6 triệu người Do Thái, 6 triệu người Ba Lan và 6 triệu người Nga, chưa kể hàng trăm ngàn nạn nhân khác bị ám sát, bị chặt đầu, bị đánh đập, bị bỏ đói, bị làm nhục bởi Quốc xã Đức và phát xít Nhật. Những tổn thất không dừng lại ở con số 1.100 tỉ đô la chi phí quân sự và 2.100 tỉ đô la thiệt hại bởi chiến tranh mà còn gây ra hậu quả lâu dài cho cả thế giới.

Cho đến nay đã có rất nhiều cuốn sách lịch sử, văn học, triết học, xã hội học của nhiều nước viết về cuộc chiến tranh này. Tuy nhiên, cách nhìn và trình bày nêu bật được nhiều khía cạnh khác biệt quá phức tạp của cuộc chiến này là ưu điểm rõ nhất trong cuốn Lịch sử sống động của Đệ nhị Thế chiến của Abraham Rothberg. Thêm vào đó, trên 500 bức ảnh minh họa quý hiếm của những phóng viên chiến trường tay nghề cao đã cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh, sống động về Thế chiến thứ hai như một thiên anh hùng ca hào hùng nhưng đẫm máu trong nỗi kinh hoàng mà nhân loại phải gánh chịu mới có được hòa bình – một nền hòa bình khó khăn – như ngày nay.

Sự Trỗi Dậy Và Suy Tàn Của Đế Chế Thứ Ba – Lịch Sử Đức Quốc Xã

Cuốn sách là bản tường thuật hết sức chi tiết về nước Đức, dưới sự cai trị của Adolf Hitler và Đảng Quốc xã. Tác giả đã nghiên cứu kĩ lưỡng về sự ra đời của Đế chế thứ ba ở Đức, con đường dẫn đến quyền lực tuyệt đối của Đảng Quốc xã, diễn biến của Chiến tranh thế giới lần thứ hai và sự thất bại của Phát xít Đức. Nguồn tài liệu của cuốn sách bao gồm lời khai của các nhà lãnh đạo Đảng Quốc xã, nhật kí của các quan chức, cùng hàng loạt các quân lệnh và thư mật. Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba là một trong những công trình nghiên cứu lịch sử quan trọng nhất, nói về một trong những giai đoạn u ám nhất của lịch sử loài người.

Ánh Sáng Vô Hình

Đây là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về chiến tranh Thế giới thứ II kể về số phận một cô gái mù người Pháp và cậu bé mồ côi người Đức.

“Marie Laure sống cùng cha tại Paris, gần bảo tàng Lịch sử tự nhiên, nơi cha cô làm thợ khóa chính. Khi lên 6 tuổi, Marie Laure bị mù. Cha cô đã dựng một mô hình thu nhỏ hoàn chỉnh về khu phố hai cha con đang sống để cô có thể ghi nhớ bằng cách chạm và lần tìm đường về nhà. Năm Marie Laure 12 tuổi, Đức Quốc xã chiếm giữ Paris, cô cùng cha chạy trốn đến thành phố nằm trong tường thành, Saint-Malo, nơi ông chú thích ẩn dật của cha cô sống trong một ngôi nhà cao ven biển. Hai cha con họ đã mang theo một viên đá quý giá trị nhất và cũng nguy hiểm nhất viện bảo tàng.

Cậu bé mồ côi Werner lớn lên cùng em gái trong một khu mỏ than ở Đức. Cậu bị một chiếc điện đài thô sơ mà hai anh em tìm được thu hút, sau này Werner trở thành chuyên gia lắp ráp và sửa chữa những thiết bị thông tin. Tài năng ấy đem lại cho cậu một vị trí trong học viện tàn bạo của Đoàn Thanh niên Hitler, sau đó là nhiệm vụ đặc biệt theo dấu quân kháng chiến. Ngày càng nhận thức được cái giá sinh mệnh con người phải trả cho trí tuệ của mình, Werner đi qua trung tâm cuộc chiến, cuối cùng, đến Saint-Malo, nơi cậu gặp gỡ Marie-Laure.”

“Cảm nhận tinh tế về từng chi tiết vật chất và những phép ẩn dụ tài tình” của Doerr ( theo báo San Francisco Chronicle ) thật tuyệt vời. Khéo léo đan cài cuộc đời của Marie-Laure và Werner, ông đã làm sáng tỏ cái cách con người cố gắng đối tốt với nhau bất chấp bao khó khăn chồng chất. Mất đến 10 năm sáng tác, ” Ánh sáng vô hình” thực sự là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời và vô cùng xúc động của Anthony Doerr – nhà văn của ” những câu chữ không bao giờ mất đi sức lay động” ( theo thời báo Los Angeles Times ).

Hồi Ký Chiến Tranh

Năm 1939, Thế chiến II nổ ra. Nhưng trước đó năm năm, một đại tá đã lên tiếng cảnh báo rằng, nước Pháp đã tiềm ẩn nguy cơ thất bại từ lâu rồi. Quân đội Pháp cồng kềnh, thiên về thủ hơn là công, và xe tăng Pháp không phải là đối thủ của hỏa lực Đức, ông liên tục đề xuất thành lập một đạo quân thiện chiến có quy mô lớn và trang bị tối tân để phòng vệ và trấn áp quân địch. Những lời cảnh báo và đề xuất đó đã hoàn toàn bị phớt lờ.

Khi được khẩn trương triệu tập để gánh vác những trách nhiệm lớn, Đại tá De Gaulle đã chứng kiến sự sụp đổ của chính phủ. Chẳng bao lâu sau, chính phủ Pháp phải di tản tới Bordeaux, rồi thỏa thuận đình chiến được ký kết với Đức. Sự hèn nhát này là không thể chấp nhận được đối với một người luôn đinh ninh rằng “nước Pháp không thể là nước Pháp thiếu sự vĩ đại.” Ông chạy sang London, và từ đó lãnh đạo tổ chức “Nước Pháp tự do”, thành lập chính phủ Pháp lưu vong, kêu gọi người dân Pháp tiếp tục kháng chiến chống sự chiếm đóng của Quân đội Đức quốc xã trong thế chiến thứ II. Ông lên tiếng đại diện cho nước Pháp kiên cường và bất diệt.

Bộ ba cuốn Hồi ký chiến tranh là những tâm sự chân thành của tướng Charles de Gaulle về con đường ông đã trải qua để vực dậy nước Pháp. Qua ngòi bút bậc thầy, hiện thân của nền văn học hiện đại Pháp, chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước sắt son của de Gaulle, sự đơn độc mà ông đã trải qua khi những dự đoán, phân tích và đề xuất thống thiết của ông nhà nước đều bị chối bỏ, nỗi gian truân và cả sự thất vọng trong những ngày tha hương. Với những ảnh hưởng lớn về tư tưởng mà ông đã để lại trên chính trường nước Pháp cho đến ngày nay, cuốn sách này là một kho tư liệu quý nhằm diễn giải những lý do đằng sau những hành động của vị tướng đồng thời cũng là một vị chính khách tài ba này.

Cầu sông Kwai

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật đã đưa hàng ngàn tù nhân Anh đến xây dựng tuyến đường sắt Bangkok-Rangoon. Đại tá Nicholson, người đại diện cho các giá trị truyền thống Anh quốc, phản đối cách thức đối xử với tù binh của phía Nhật Bản, cho đến khi đối phương đồng ý tuân thủ Công ước quốc tế về tù nhân chiến tranh. Kế đó, để chứng tỏ giá trị của nền văn minh phương Tây, ông tự đặt mình vào nghĩa vụ phải xây dựng một cây cầu có tầm quan trọng chiến lược. Nhưng một đơn vị mật khác của Anh quốc cũng đã quyết định làm mọi thứ có thể để ngăn chặn hoàn thiện cây cầu… Ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này, lý tưởng làm việc tốt có đi ngược lại với lòng yêu nước?

George S.Patton Danh Tướng Thiết Giáp Hoa Kỳ Trong Thế Chiến II

Alan Axelrod đã trình bày một di sản nhiều mảng màu sáng tối trong một cuốn tiểu sử phù hợp cho bất kỳ ai muốn tìm kiếm lời giới thiệu cô đọng về một vị tư lệnh mà Thống chế Đức Gerd von Rundstedt cho là vị tướng giỏi nhất của phe Đồng minh trong Thế chiến II.

Sách George S.Patton Danh Tướng Thiết Giáp Hoa Kỳ Trong Thế Chiến II viết về George Smith Patton Jr. (1885-1945), còn được gọi là George Patton III, nhà sách online là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông là một trong những chỉ huy đầu tiên của binh chủng xe tăng Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông nổi tiếng trong các chiến dịch ở Bắc Phi, Sicilia, Pháp và Đức.

Tướng Eisenhower từng nói: “Patton được sinh ra để làm một người lính.” Cuốn George s. Patton Danh Tướng Thiết Giáp Hoa Kỳ Trong Thế Chiến II giải thích rõ vì sao câu nói đó là sự thật. Khía cạnh kỹ thuật của chiến tranh được cô đọng tối đa, nhưng tác giả Axelrod vẫn có thể chuyển tải những phức tạp của cuộc chiến cũng như những phức tạp trong con người George S. Patton.

Bệnh Nhân Người Anh

Bệnh nhân người Anh là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của tác giả Michael Ondaatje. Đó là hành trình của các số phận, của tình yêu và sự mất mát xảy ra vào thời cuối của Thế chiến II ở Italia. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim và giành được 9 giải Oscar 11, giành 2 Giải Quả cầu vàng và 6 giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997.

Ở Italy những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ II, một chiếc máy bay bị bắn hạ và rơi xuống khu vực sa mạc Sahara. Trong chiếc máy bay là một người phụ nữ đã chết và một người đàn ông bị đốt cháy nghiêm trọng. Anh ta được gọi là bệnh nhân người Anh và được chuyển cho y tá Hana chăm sóc tại một biệt thự Ý bị hủy hoại. Tại nơi bỏ hoang đó, bên cạnh mối tình hiện thực đẹp nhưng buồn của nữ y tá Hana với chàng trung sỹ phá mìn Kip là mối tình buồn quá khứ thông qua quyển nhật ký của Bệnh nhân người Anh – Laszlo de Almasy với cô gái Katharine Clifton.

Sau tai nạn máy bay, bệnh nhân người Anh không nhớ được một chút gì về mình cũng như tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng qua một loạt các cảnh hồi tưởng, người đọc dần dần biết được về quá khứ của anh. Bệnh nhân này thực ra không phải là người Anh mà là một người Hungary tên là Laszlo de Almasy – một phi công làm việc ở Hiệp hội Địa lý hoàng gia của Ai Cập trước chiến tranh.

Almasy gặp Katharine Clifton khi cô theo chồng là Goeffrey – nhân viên tình báo của Anh có nhiệm vụ làm một tấm bản đồ phục vụ nghiên cứu và là tư liệu cho quân đội Anh trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Và tình yêu đã đến với họ một cách đường đột và say đắm. Tuy nhiên, Goeffrey biết chuyện tình của Almásy và vợ, đã âm mưu giết vợ, tình địch và tự tử. Nhưng kế hoạch của anh ta đã không thực hiện được mà chính anh ta vong mạng, và Katherine bị thương nặng. Và sự đấu tranh sinh tồn của Almasy và Katharine Clifton nơi vùng sa mạc mà chiếc máy bay rơi xuống trở thành một chuỗi các câu chuyện lãng mạn…

Danh Sách Của Schindler

Trong bóng đen khủng khiếp của các trại diệt chủng thời Đệ nhị Thế chiến, có một nhà công nghiệp Đức đã trở thành cứu tinh của người Do Thái. Oskar Schindler, con người ham lạc thú, kẻ còn lâu mới được coi là mẫu mực, cũng đồng thời là kẻ đã mạo hiểm cả mạng sống của mình để bảo vệ những đồng loại khác chủng tộc mà nếu không có ông thì hẳn đã kết thúc cuộc đời trong lò thiêu.

Danh sách của Schindler đã kể một câu chuyện có thật khác thường như vậy, một câu chuyện tự nó đã có thể làm người đọc choáng váng mà không cần đến một phương tiện văn chương cầu kỳ nào. Nó có thể làm ta khóc, như bộ phim kinh điển dựng từ chính nó của Steven Spielberg đã làm cho hàng triệu người khóc, nhưng trên hết nó làm ta hiểu hơn về những gì đã xảy ra, những sự kiện, những con số, những chân dung chi tiết hơn của cả nạn nhân, thủ phạm và người cứu nạn. Holocaust là một chương lịch sử kinh hoàng gần như nằm ngoài tưởng tượng của loài người tỉnh táo. Nhưng những câu chuyện như Bản danh sách của Schindler chính là tia hy vọng trấn an, rằng ngay cả trong hố sâu tuyệt vọng nhất của lịch sử vẫn luôn có một cá nhân nào đó nhận ra và dám làm điều đúng đắn, rằng nhân tính sẽ thắng dù cho có bị thử thách khốc liệt ra sao.

Chú Bé Mang Pyjama Sọc

Rất khó miêu tả câu chuyện về Chú bé mang pyjama sọc này. Thường thì chúng tôi vẫn tiết lộ vài chi tiết về cuốn sách trên bìa, nhưng trong trường hợp này chúng tôi nghĩ làm như vậy sẽ làm hỏng cảm giác đọc của bạn. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là bạn nên đọc mà không biết trước nó kể về điều gì.Nếu bạn định bắt đầu đọc cuốn sách thật, bạn sẽ cùng được trải qua một hành trình với một cậu bé chín tuổi tên là Bruno (dù đây không hẳn là sách cho trẻ chín tuổi). Và chẳng sớm thì muộn bạn sẽ cùng Bruno đến một hàng rào. Những hàng rào như vậy vẫn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi hy vọng không ai trong chúng ta phải vượt qua một hàng rào như vậy trong đời.

Người Đọc

“Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ… ”- Bernhard Schlink

Không có gì lãng mạn trong lần gặp mặt đầu tiên của họ. Cậu bé 15 tuổi, là học sinh trung học. Còn cô là người soát vé xe điện. Từ trường trở về sau mỗi buổi học, cậu lại lao mình vào cuộc phiêu lưu thầm kín. Nhưng tình sử lãng mạn ấy kéo dài không lâu. Một ngày nọ, Hanna biến mất, rồi xuất hiện trong tình huống khó ngờ… Người đọc, được so sánh với Những kẻ bị cầm tù ở Altona của Sartre và Ván bi-a lúc chín rưỡi của Heinrich Böll, là một trong không nhiều tác phẩm văn học Đức trở thành bestseller trên toàn cầu.

Lồng trong một câu chuyện tình yêu khác thường là nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự tiếp nhận quá khứ mà thế hệ hậu chiến Đức phải đối mặt. Nên khi đã đặt xuống rồi cuốn sách nhỏ 200 trang của Bernhard Schlink, bên những bâng khuâng day dứt về tình yêu, người ta sẽ còn ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến đã tước đoạt hàng triệu sinh mạng, và để lại dấu hằn vĩnh viễn trên số phận bao người còn lại…

Nhật Ký Anne Frank

Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống hai năm cuối đời mình, từ đó cuốn đó nhật ký đặc sắc của cô đã trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố về tinh thần của loài người.

Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn luôn hiện diện trước mắt.

Trong nhật ký của mình, Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó. Suy tư, cảm động, rồi hài hước, những miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.

Đọc cuốn nhật ký này bạn sẽ thấy cảm thương lẫn kính phục nghị lực và sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ, vượt qua sự “gặm nhấm”, “mài mòn” của những toan tính nhỏ mọn, tầm thường ngột ngạt xung quanh để sống và ước mơ.

Đi Tìm Lẽ Sống

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.

Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.

Bẫy – 22

Trên một hòn đảo ngoài khơi nước Ý thời Thế chiến II có một liên đoàn không quân Mỹ. Một trong số lãnh đạo của họ là đại tá Cathcart, kẻ khao khát muốn gây ấn tượng với cấp trên bằng cách ép lính đi ném bom mỗi lúc một nhiều hơn. Nhân vật chính của chúng ta, Yossarian, mỗi lần đủ chỉ tiêu giải nhiệm thì lại phải đối mặt với chỉ tiêu mới. Trước sự chết chóc kinh hoàng của cuộc đại chiến, tất cả những gì y mong muốn là toàn mạng trở về. Nhưng mỗi khi chỉ tiêu ra trận tăng lên, xác suất sống sót của y lại giảm xuống. Y không có cách nào thoát ra, bởi ở đó có một cái bẫy. Bẫy-22.

Thứ logic vừa giản dị vừa điên rồ của Bẫy-22 chi phối suốt ngót 600 trang sách với hàng chục nhân vật, qua chiến trường qua đạn bom, qua bệnh viện quân y và nhà bếp hậu cần, qua tướng lĩnh và lính tráng, qua cả những số phận tan nát và những kẻ trục lợi từ chiến tranh. Sự điên rồ chảy qua mọi đối thoại, sự ngớ ngẩn thấm đẫm mọi nhân vật, cho tới tận cú nhảy kết cục cuối cùng. Bộ mặt của chiến tranh hiện ra khủng khiếp trong sự nực cười, phi lý. Bẫy-22 hài hước một cách trần trụi, một cách dữ dội, một cách cay đắng, một cách man rợ, nhưng những ai có thể chịu đựng được nó thì hẳn sẽ không thể nào lãng quên.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button