Sách hay về triều Nguyễn

Sách về triều Nguyễn hay nhất. Một cái nhìn tổng quát và khách quan về triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Những Trang Sử Triều Nguyễn – Di Sản Tư Liệu Thế Giới

Những Trang Sử Triều Nguyễn – Di Sản Tư Liệu Thế Giới

Sách tập hợp các bài viết đã được đăng tải trên tạp chí Xưa & Nay về Mộc bản triều Nguyễn trong hơn 20 năm qua.

Mộc bản triều Nguyễn là một Di sản Tư liệu Thế giới được UNESCO chính thức công nhận năm 2009, là một niềm vinh dự lớn cho đất nước và con người Việt Nam.

Huế – Triều Nguyễn: Một Cái Nhìn

Huế – Triều Nguyễn: Một Cái Nhìn

Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn là một tác phẩm gồm 47 bài viết về nhiều lĩnh vực khác nhau, phân chia thành hai chủ đề Huế – di sản văn hóa (35 bài) và Triều Nguyễn – những vấn đề lịch sử (12 bài). So với lần tái bản thứ hai của cuốn sách thì lần này tác giả đã bổ sung thêm 15 bài cho cả hai chủ đề, kể cả những bài gọi là “phụ lục” thì tính khoa học và thông tin mới cũng không kém những bài chính. Là một tập những bài viết phân tích về sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa của Huế và vương triều Nguyễn trong lịch sử đất nước, cuốn sách thể hiện góc nhìn đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa và di tích cổ ở Huế.

Nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa Huế Vĩnh Cao nhận xét : « Điểm đáng để chúng ta lưu tâm hơn cả là tác phẩm Huế – triều Nguyễn. Một cái nhìn đã giúp chúng ta thấy được « cái nhìn » của người đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa cùng di tích cổ. Dù là « cái nhìn » của một cá nhân, nhưng chúng ta vẫn thấy được sự gắn bó cùng hoài bão và sự trân trọng đối với di sản văn hó, một tấm lòng hoài cổ, cộng thêm nỗi trăn trở suy tư của lớp người trẻ đương đại. Chính với tấm lòng vả nỗi niềm đó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn văn hóa của ông cha. »

Ngành Đóng Thuyền Và Tàu Thuyền Ở Việt Nam Thời Nguyễn

Ngành Đóng Thuyền Và Tàu Thuyền Ở Việt Nam Thời Nguyễn

Cuốn sách biên khảo này dựa trên các nguồn sử liệu chính thống của Việt Nam và thông tin từ các hồi ký của những người nước ngoài từng đến Việt Nam trong các thế kỷ XVII – XIX. Cuốn sách cung cấp một cái nhìn tổng quát về ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và ở Việt Nam trong thời kỳ đầu của vương triều Nguyễn (1802 – 1945).

Theo tác giả, chính sách ưu tiên phát triển ngành đóng thuyền của nhà Nguyễn đã tạo nên một diện mạo mới cho thuyền bè và ngành giao thông đường thủy ở Việt Nam trong thế kỷ XIX, có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Đáng tiếc là những chính sách này chưa đủ sức mạnh để phát huy tiềm lực kinh tế biển của Việt Nam cũng như tăng cường sức mạnh của lực lượng thủy quân để bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm. Nguyên nhân là do những hạn chế về tầm nhìn chính trị, về tài chính, về khoa học kỹ thuật và đặc biệt là do sự thiếu quan tâm của các vị vua sau này, nhất là từ thời vua Tự Đức trở đi.

Theo Dòng Triều Nguyễn

Theo Dòng Triều Nguyễn

Tác giả Tôn Thất Thọ xuất thân là một nhà giáo, nguyên là Hiệu trưởng trường Trung học sơ sở ở Bình Phước, anh còn có bút danh Tôn Châu Quân, cộng tác viên th ường xuyên của tạp chí Xưa và Nay trong hơn mười năm qua. Tính đến nay, số bài viết của anh trên tạp chí đã vượt qua con số 100. Hầu hết các bài viết đều ngắn gọn, nhưng súc tích, chứa đựng nhiều nội dung có tính gợi mở, cũng như chứng minh làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử.

Cũng từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, và bằng cái nhìn khách quan, tác giả đã giúp người đọc đánh giá lại công trạng của nhiều nhân vật lịch sử nhà Nguyễn như Thượng thư Tôn Thất Hiệp, người đắp Đại đồn Chí Hòa đầu tiên khi quân Pháp xâm chiếm Gia Định, và một số nhân vật lịch sử khác mà trong một thời gian dài, do thiếu tài liệu nên sự đánh giá, nhận xét ít nhiều sai lạc. Những bài viết liên quan đến các nhân vật như Trần Văn Kỷ đầu đời Gia Long, Đốc học Định Tường Phan Hiển Đạo, Phan Tòng thời kháng Pháp,… đã được đông đảo bạn đọc quan tâm và ghi nhận.

Bên cạnh các bài viết về các nhân vật lịch sử, một số vấn đề về địa danh các địa phương cũng đã được tác giả lý giải dựa trên nhiều nguồn tư liệu, để từ đó người đọc rút ra những nhận định của mình.

Tổ Chức Phòng Thủ Và Hoạt Động Bảo Vệ Vùng Biển Miền Trung Dưới Triều Nguyễn Giai Đoạn 1802 – 1885

Tổ Chức Phòng Thủ Và Hoạt Động Bảo Vệ Vùng Biển Miền Trung Dưới Triều Nguyễn Giai Đoạn 1802 – 1885

Trong những năm gần đây, mặc dù có khá nhiều các chuyên gia trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, nhưng dường như chưa có mấy tác giả đi sâu nghiên cứu hệ thống phòng thủ, công tác tuần tra, kiểm soát và các hoạt động bảo vệ vùng biển vốn được các vương triều phong kiến độc lập của nhà Nguyễn triển khai thường xuyên, liên tục.

Cuốn sách Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 – 1885 của TS. Lê Tiến Công mà bạn đọc đang có trong tay là công trình nghiên cứu khoa học độc lập đầu tiên về vấn đề này.

Ngự Dược Nhật ký Trong Châu Bản Triều Nguyễn

Ngự Dược Nhật ký Trong Châu Bản Triều Nguyễn

Y học cổ truyền được hình thành từ ngàn xưa, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong một thời gian dài, đó là nền y học chính thống của đất nước. Ngày nay, y học cổ truyền là một bộ phận quan trọng của nền y tế quốc gia, được quan tâm kế thừa, phát huy và phát triển.

Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế xưa kia từng là thủ phủ xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, là kinh đô cả nước thời Tây Sơn (1789-1801) và thời Nguyễn (1802-1945), là nơi đặt Thái Y Viện của nhiều triều đại, với những thành tựu về y học cổ truyền, nơi hội tụ nhiều thế hệ ngự y.

Nhiều tài liệu y dược Thái Y Viện của các thời đại này, nhất là của Thái Y Viện triều Nguyễn đang còn lưu giữ trong các kho tư liệu khắp cả nước ở các thư viện nhà nước hay gia đình..

Giáo Dục Và Khoa Cử Nho Học Triều Nguyễn

Giáo Dục Và Khoa Cử Nho Học Triều Nguyễn

Giáo dục và Khoa cử ở Việt Nam dưới thời phong kiến là việc đào tạo và kén chọn nhân tài cho chế độ, nó là một định chế về chính trị mang tính chính thức và giữ địa vị thống trị trong xã hội cổ truyền ở vùng Đông Bắc Á, trong đó có Việt Nam.

Đây chính là con đường tìm kiếm về nguồn nhân lực và các nhân tài để bổ sung cho chế độ, nhằm làm rường cột cho bộ máy nhà nước thuộc về thời kỳ trước trong lịch sử ở nước ta, và nó mang tính chất hết sức khách quan. Chính tiền nhân của chúng ta đã từng tuyên bố một cách công khai rằng: “Nhân tài quốc gia chi nguyên khí, khoa mục sĩ tử chi thản đồ”.

Qua đó, nhà nước phong kiến ở Việt Nam đã khẳng định một cách rõ ràng về nguyên lý mang tính tuyên ngôn cho tất cả bả tính đều biết để mà phấn đấu rằng : “Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, mà khoa cử chính là con đường rộng mở đối với các học trò”.

Huế Và Triều Nguyễn

Huế Và Triều Nguyễn

Huế là mảnh đất nằm giữa miền Trung, là thủ phủ của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi kinh thành Phú Xuân của vương triều Quang Trung. Từ năm 1802 đến năm 1945, Phú Xuân – Huế trở thành kinh đô của vương triều Nguyễn, kinh đô của một quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả đất liền, hải đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Biển Đông như lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Huế gắn liền với triều Nguyễn bởi nơi đây còn lưu dấu nhiều thành lũy, cung đình, các giá trị văn hóa của triều Nguyễn. Cũng chính từ những giá trị đó, cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế lại được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể thế giới. Hiện nay, Huế được biết đến là một thành phố di sản nổi tiếng, một trung tâm du lịch hấp dẫn cả trong và ngoài nước.

Nghiên cứu về Huế và triều Nguyễn từ lâu đã được các nhà nghiên cứu đặt ra và đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu. Tuy nhiên, cách nhìn nhận và đánh giá về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn lại hết sức khác nhau, thậm chí lên án gay gắt và “phủ định sạch trơn” mọi thành tựu của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Năm 2008, Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng tổ chức đã đánh giá lại “công và tội” của triều Nguyễn; phân tích một cách khách quan, trung thực, công bằng những thành tựu và hạn chế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trước khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta.

Nam Phương – Hoàng Hậu Cuối Cùng Triều Nguyễn

Nam Phương – Hoàng Hậu Cuối Cùng Triều Nguyễn

Thuở nhỏ, mái trường mà tôi được vinh hạnh nhập học đầu tiên là Trường Couvent des Oiseaux do các nữ tu dòng Đức Bà quản giáo tọa lạc tại đường Parreua (gần Bưởi, nay là đường Hoàng Hoa Thám), Hà Nội. Khi tôi học ở lớp mẫu giáo của trường Convent des Oiseaux thì bà Nam Phương Hoàng hậu tới thăm. Chúng tôi là những học sinh nhỏ tuổi được cầm những bó hoa tươi đứng trước sân để nghênh đón Hoàng hậu. Hai em học sinh Việt và Pháp bưng hoa lên dâng tặng Nam Phương Hoàng hậu. Bà Nam Phương cảm ơn nhà trường và các em học sinh, rồi ôm hôn hai em đang tặng hoa.

Lý do bà Nam Phương tới thăm Trường Convent des Oiseaux Hà Nội vì những ngày du học tại Pháp, bà đã có thời gian theo học Trường Convent des Oiseaux Paris cũng do các nữ tu dòng Đức Bà phụ trách, mà hồi đó người ta đều kêu danh xưng là các Mẹ (Mère).

Lời tựa

Bảo Đại – Hoàng Đế Cuối Cùng

Bảo Đại – Hoàng Đế Cuối Cùng

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, có những vị vua được lưu danh sử sách vì những chiến công lẫy lừng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, hay vì những công lao hiển hách trong sự nghiệp dựng nước. Cũng có người bị liệt vào hàng bạo chúa, hay mải ăn chơi sa đọa đến nỗi bị truất phế mà mất ngô Nhưng riêng Bảo Đại, ông hầu như được nhắc đến chỉ vì một thực tế duy nhất: ông là vị Hoàng đế cuối cùng của nước Việt Nam phong kiến.

Cho đến tận ngày nay, cuộc đời của vị vua này vẫn bị bao phủ bởi những giai thoại, mà phần nhiều trong số đó là bảy thực, ba hư. Để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn Việt Nam, tác giả đã tập trung tham khảo nhiều tư liệu trong và ngoài nước, kể cả những người thân cận của Bảo Đại và cuốn hồi ký của chính ông mang tựa Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam) xuất bản tại Pháp năm 1980.

Qua đó hy vọng phác thảo nên những nét chính về chân dung của Bảo Đại, cũng như giúp bạn đọc phần nào giải mã được những bí ẩn nói trên, đồng thời cung cấp một cái nhìn chân thực hơn về Bảo Đại, người mà năm 1945 đã quyết định từ bỏ cương vị hoàng đế để trở thành công dân mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đằng sau quyết định có tính lịch sử ấy là gì? Và điều gì đã xảy ra với Bảo Đại sau sự kiện hệ trọng ấy? Rốt cuộc, ai đã khiến Bảo Đại phải ôm hận mà từ bỏ quê hương? Tất cả sẽ có trong cuốn sách nhỏ này.

Tư Tưởng Canh Tân Đất Nước Dưới Triều Nguyễn

Tư Tưởng Canh Tân Đất Nước Dưới Triều Nguyễn

Nghiên cứu trào lưu canh tân đất nước dưới triều Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX) đã thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo khoa học tập trung phân tích, đánh giá những đóng góp cũng như các mặt hạn chế về từng nhà canh tân.

Song nhìn nhận hệ tư tưởng yêu nước thuộc trào lưu canh tân, cải cách đất nước dưới triều Nguyễn và vai trò, trách nhiệm của triều Nguyễn đối với dòng chảy yêu nước mới mẻ này, cho đến nay vẫn là một chủ đề nghiên cứu hấp dẫn..

Kinh Tế Thương Nghiệp Việt Nam Dưới Triều Nguyễn

Kinh Tế Thương Nghiệp Việt Nam Dưới Triều Nguyễn

Có phải thực trạng tình hình kinh tế thương nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX như là một bức tranh “u ám” mà hậu quả là do triều Nguyễn thực thi chính sách “ức thương” và “bế quan tỏa cảng” đưa lại không?

Đó là câu hỏi được đặt ra những năm gần đây khi cần phải nhận thức lại vấn đề lịch sử triều Nguyễn để có đánh giá khách quan nhằm tổng kết kinh nghiệm lịch sử, để lịch sử tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước ở lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hóa, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, thực thi chính sách mở cửa cho phù hợp với đặc điểm dân tộc và tình hình thế giới hiện nay.

Trong những công trình biên khảo về triều Nguyễn không nhiều lắm thì việc nghiên cứu kinh tế thương nghiệp lại rất hiếm hoi. Phải chăng do đây không phải là trọng tâm khi nghiên cứu về một triều đại phong kiến, hoặc do nguồn tư liệu để lại quá ít ỏi làm cho các nhà nghiên cứu e ngại không tiếp cận với một sự thực khách quan mà vốn tư liệu cơ bản không đủ để thuyết phục?

Dù rằng, thế kỷ XIX chủ nghĩa tư bản đã phát triển, kinh tế hàng hóa và nền thương mại của các cường quốc đã chi phối toàn cầu trong bối cảnh thế giới lúc đó thì Việt Nam như thế nào? Trách nhiệm của triều Nguyễn đến đâu trước họa xâm lăng và trì trệ về kinh tế? Vấn đề này cần được nghiên cứu nghiêm túc mới có những nhận định thỏa đáng, khách quan và có những khuyến nghị hợp lý đối với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Định Chế Pháp Luật Và Tố Tụng Triều Nguyễn (1802-1885)

Định Chế Pháp Luật Và Tố Tụng Triều Nguyễn (1802-1885)

Trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng, đã thống trị đất nước hơn hai phần ba thế kỷ. Với đặc điểm lịch sử đó, triều Nguyễn đã học tập và đúc kết được nhiều kinh nghiệm về quản lý đất nước do các triều đại trước để lại. Những định chế pháp luật của Việt Nam dưới triều Nguyễn, vì thế, là một nền pháp chế tương đối hoàn chỉnh.

Việc nghiên cứu về chế định pháp luật ở Việt Nam dưới triều Nguyễn giúp chúng ta có một cái nhìn khái quát về nền pháp luật thực định của triều đại này thế kỷ XIX, cùng với những giá trị và đóng góp của nó đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Kinh Tế Và Xã Hội Việt Nam Dưới Các Vua Triều Nguyễn

Kinh Tế Và Xã Hội Việt Nam Dưới Các Vua Triều Nguyễn

Ra đời trong những năm 60-70 của thế kỷ XX, thời điểm các sử gia vẫn dành nhiều mối quan tâm đến diễn biến chính trị qua các triều đại lịch sử, những sự kiện xoay quanh các nhân vật nổi tiếng như hoàng đế của các triều đại, mà thực sự đánh giá đúng mức tới các vấn đề kinh tế và xã hội cũng như đến chính người dân thường trong cuộc sống hằng ngày của họ, cuốn sách Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn được xem như tác phẩm tiên phong tiếp cận vấn đề kinh tế và xã hội trong nghiên cứu sử học.

Dù không đề cập tất cả mọi khía cạnh của kinh tế và xã hội Việt Nam, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn cũng đã đặt một trong những viên gạch đầu tiên cho sự hiểu biết sâu rộng hơn về lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XIX, một lịch sử toàn diện, không còn tự giới hạn trong phạm vi những sự kiện chính trị. Bởi suy cho cùng thì cơ cấu kinh tế căn cứ trên cách thức sản xuất cũng quy định một phần lớn các vấn đề của một quốc gia, một dân tộc như các thể chế chính trị và pháp luật, các hoạt động tinh thần, các tín ngưỡng tôn giáo.

Nghệ Thuật Âm Nhạc Việt Nam – Tìm Hiểu Nhã Nhạc Triều Nguyễn

Nghệ Thuật Âm Nhạc Việt Nam – Tìm Hiểu Nhã Nhạc Triều Nguyễn

Cuốn sách được tác giả đúc kết sau nhiều năm nghiên cứu, cung cấp tới bạn đọc những thông tin cơ bản về nghệ thuật Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn và giới thiệu một số bài ký âm tiêu biểu trong hệ thống nhạc lễ cung đình giúp độc giả nắm bắt và tìm hiểu.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button