Sách hay về trà đạo

Sách về trà đạo hay nhất. Khám phá và hiểu sâu hơn về Trà đạo và thông qua Trà đạo, hiểu cốt tủy nền văn hóa Phương Đông, về cái lõi của những nền văn hóa truyền thống lâu đời.

Trà Đạo (Tiểu Luận)

Trà đạo là một nét đẹp đã góp phấn làm nên diện mạo cho văn hóa truyền thống Nhật Bản. 100 năm đã qua kể từ lần xuất bản đầu tiên song tác phẩm Trà Đạo của Kakuzo Okakura vẫn được đánh giá là một trong những cuốn sách hàng đầu giúp bạn bè thế giới hiểu Trà đạo và thông qua Trà đạo, hiểu cốt tủy nền văn hóa Nhật Bản.

Nội dung tác phẩm Trà Đạo của Okakura Kakuzo xoay quanh bảy điểm chính yếu của trà luận Nhật Bản như Chén trà nhân loại, Các trường phái Trà đạo, Đạo Lão và Thiền tông, Trà thất, Hoa pháp, Trà nhân. Với nội dung sâu sắc và đầy chất gợi cảm, nó giống như một sự khám phá và hiểu sâu hơn về Phương Đông, về cái lõi của những nền văn hóa truyền thống lâu đời. Cuốn sách sẽ đem lại cho người đọc những cảm nhận sâu sắc và những rung động riêng của chính mình.

Trà Kinh

Một cuốn sách giới thiệu về “nghệ thuật thưởng trà trong lịch sử và văn hóa phương Đông” – lời tác giả.

Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và cho đến chết vẫn còn được tẩm liệm với trà (chưa kể “được” con cháu pha trà cúng trong các dịp Tết, giỗ). Thế nhưng viết về trà thì gần như chưa có ai viết cả. Tìm tài liệu trong sách xưa, tôi tìm từ các trứ tác của nhà học giả lỗi lạc Lê Quí Đôn( người đã từng ghi chú kĩ lưỡng hàng trăm loại lúa gạo trồng ở Việt Nam trong bộ “ Bách Khoa” Vân Đài Loại Ngữ) cho đến toàn bộ trứ tác của gia đình danh sĩ họ Ngô ( Ngô gia văn phái) trở lên các tác giả thời kỳ Lý Trần…cũng chỉ thấy ghi vô cùng sơ lược . Cho đến các tác giả cận đại, khi mà trà đã phổ biến và nổi tiếng khắp thể giới với nhiều bộ sách lớn và quan trọng viết về trà, thì tình cảnh cũng không khác.

Trà là một nghệ thuật lớn. Khởi từ nơi trồng, địa hình, khi núi gió mưa nắng tuyết nhào nặn thành lộc non lá nõn, cho đến khi pha trà, uống trà, đều là một nghệ thuật. Mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: Một ly trà ngon, mới thật là viên mãn. Đâu cứ phải trà Vũ Di là phải ngon.

Mỗi lần được thêm một bài văn, một quyển sách viết về trà, là tôi lại có một cảm giác bứt rứt. Mỗi lần nghe chuyện thân hữu, phần đông các vị trọng tuổi, nói chuyện về trà, thì cảm giác này lại đến nặng hơn. Rồi thế nào cũng phải viết một quyển sách về trà…tự hứa và đã hứa với một số thân hữu. Nhưng chẳng có cách nào hoàn thành như dự tính. Đời sống quanh đây thật bận rộn trăm chiều. Trong khi đó lại có những tác phẩm khác quan trọng hơn tôi đã viết xong hoặc gần xong, đang cần để hết thời giờ chăm sóc.

Nhưng rồi cuối cùng cũng tìm ra được thời giờ để hoàn thành. Cũng là một cơ hội tâm tình với bạn tri âm (trà), một người bạn vô hình nhưng luôn gần gũi trong những lúc vui lúc buồn, nhất là trong những đêm cô đơn tha hương.

Nhưng khó khăn không phải là chấm dứt. Viết gì về trà? Không quá dài (để in không nổi) mà có quá nhiều để viết. Viết một cách nghiêm túc theo sách giáo khoa, kinh viện chăng? Độc giả sẽ chán nản. Nhưng cũng không thể viết theo kiểu phóng bút văn chương được…sau cùng quyển TRÀ KINH được thành hình.

Thiền Và Văn Hóa Nhật Bản

Cuốn sách gồm những nội dung chính như sau:

  • Lời tựa
  • Chương 1: Thiền học nhập môn
  • Chương 2: Thiền và Nghệ Thuật
  • Chương 3: Thiền và Võ sĩ đạo
  • Chương 4: Thiền và Kiếm đạo
  • Chương 5: Thiền và Nho học
  • Chương 6: Thiền và Trà đạo
  • Chương 7: Thiền và Hài cú
  • Ghi chép sau khi dịch sang Trung văn.

“Khi viết tác phẩm này, tôi chỉ nhằm vào độc giả nước ngoài, nhưng sau này mọi người đều yêu cầu tôi nên dịch ra tiếng Nhật để người Nhật có thể đọc được, biết đâu họ có thể cảm nhận được những điều bổ ích, và những giá trị mang tính tham khảo, ví thề mới xuất hiện bản dịch tiếng Nhật. Nếu như lúc ban đầu tôi có ý định viết cho người Nhật xem, thì có lẻ phong cách viết sẽ khác, có thể sẽ thiên về tính nghiên cứu hơn, nhưng tình hình bây giờ đã lỡ rồi cũng đành chịu thôi.

Gần đây, dường như người Nhật Bản có hơi rụt rè không giống trước đây, nhưng tôi tin rằng, trên tinh thần và tư tưởng của họ phát triển theo xu hướng hướng ngoại thì cuối cùng rồi người Nhật Bản cũng thật sự trưởng thành, bởi vì trong lòng chúng tôi đang sở hữu của báu vô giá.”

(D. T. Suzuki)

Ngàn Cánh Hạc

Là hậu duệ một gia tộc trà đạo, thay vì duy trì truyền thống, Kikuji lại tìm cách trốn tránh nó, coi nhẹ nó, thậm chí bán luôn cả trà thất của gia đình để đoạn tuyệt nó.

Sau một lần vô tình ghé thăm buổi thưởng trà ở nhà tình nhân của cha, anh đã sa chân vào những mối quan hệ trầm luân, dằn vặt và bất hạnh.

Trà đạo, bằng cách đó, dai dẳng níu chặt lấy anh. Từ những cái chén có lịch sử vài trăm năm đã in dấu nhiều khuôn miệng cố nhân, cho đến những con người sống trong hiện tại vẫn ấp ủ hoài duyên nợ cũ. Tất cả tìm đến quanh Kikuji, len vào cào cấu tâm can, thậm chí khuấy động cả quãng đời hạnh phúc sau này của anh.

Thưởng trà là thưởng thức nghệ thuật tâm tưởng, nhưng Ngàn cánh hạc lại thưởng trà bằng cách nhấn mạnh sự mong manh của đời người đặt bên chiều dài những đạo cụ pha, rồi lại nếm náp chính cái suy vi tan vỡ của những đạo cụ ấy.

Nói khác đi là, dùng sự vô thường của trà để mà thưởng trà.

Ngang Dọc Đường Trà

Trà, không chỉ là vưu vật của đất trời ban tặng cho con người cái tinh túy, thanh khiết, thơm tho, mà còn dẫn dắt, đưa lối chúng ta về với sự bình an, tĩnh lặng trong tâm hồn. Nhấp một ngụm trà, bạn hoàn toàn tự do, vượt khỏi phiền muộn chỉ còn khoảnh khắc tận hưởng dư vị thanh tao và sâu lắng.

Ngang dọc đường trà là hành trình 10 năm của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng theo chân những tao nhân mặc khách đi tìm cảnh đẹp, trà ngon để thưởng thức; theo chân những thương nhân đi khám phá những vùng trà quý, để mở mang cơ hội giao thương và chia sẻ của ngon vật lạ với nhiều người. Mỗi trang văn mang đậm chất du ký, vừa phóng khoáng lại vừa chân thật, giúp người đọc, đặc biệt những người yêu trà hiểu và trân trọng hơn từng vùng đất đã qua, từng dấu chân của người lữ khách.

Lịch Sử Của Trà

Là loại đồ uống phổ biến thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước, bạn thật sự có thể tìm thấy trà ở bất cứ đâu, từ Á sang Âu, từ nông thôn đến thành thị, từ những quán nước bình dân bên lề đường đến các nhà hàng sang trọng bậc nhất. Trà là thức uống quen thuộc được thưởng thức và yêu thích bởi tất cả tầng lớp trong xã hội bất kể giới tính, tuổi tác hay nghề nghiệp.

LỊCH SỬ CỦA TRÀ cung cấp một cái nhìn tổng quát, tinh tế và đầy thú vị về dòng chảy hai ngàn năm của thứ đồ uống quyền lực này, đưa chúng ta du ngoạn qua vùng rừng núi Trung Quốc với những câu chuyện thần thoại, qua phòng trà Nhật Bản với các nghi thức trà đạo khắt khe, qua cả những bữa tiệc trà phù phiếm tại Anh hay các đồn điền trà bát ngát ở Ấn Độ và Sri Lanka.

Sau tất cả, bạn sẽ nhận ra rằng thứ đồ uống giản dị mà trang nhã này đã và đang tác động sâu sắc đến thế giới loài người về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, triết học và nghệ thuật.

Văn Minh Trà Việt

“… Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát trà vạn nỗi ưu phiền tan biến”

(Tuệ Tĩnh)

Cuốn sách Văn Minh Trà Việt đã mô tả hành trình văn hóa uống trà của người Việt. Nó hội tụ đủ cả: văn hóa trà Việt, nghệ thuật trà Việt, trà cụ Việt, trà nghiệp Việt… Cuốn sách sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về: Nguồn gốc của Trà Việt Nam là như thế nào? Văn hóa Trà của Việt Nam có từ bao giờ? Người Việt thưởng thức trà như thế nào qua các giai đọan lịch sử? Có lúc nào bạn tự hỏi Việt Nam có Trà cụ nào đáng để tự hào không? Và Trà của Việt Nam có gì khác biệt so với các nước khác trên thế giới?…

Điều quan trọng nhất là cuốn sách đã làm toát lên cái vóc dáng kỳ vĩ của dân tộc Lạc Việt dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa đầy hào hùng, đầy thăng trầm. Cuốn sách Văn minh trà Việt không chỉ là kho tư liệu, kiến thức quý báu về trà, mà còn cho chúng ta thêm tự hào về một đất nước Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button