Sách hay về Trung Đông

Sách về Trung Đông hay nhất. Khắc họa rõ nét và chân thực một Trung Đông với cuộc sống thấm đẫm tôn giáo, cùng vẻ hiện đại và hào nhoáng tột cùng, nhưng đầy băn khoăn về danh tính dân tộc, rồi những bi kịch, sự khốn cùng, và những giá trị không dễ phán xét đúng sai.

Từ Beirut Đến Jerusalem

Từ Beirut Đến Jerusalem

Cuốn sách viết về những xung đột gay gắt ở khu vực Trung Đông, được chia làm hai phần: Beirut và Jerusalem.

Phần thứ nhất: Beirut, Friedman đã tái hiện một cách sống động về cuộc nội chiến của người dân Liban. Từ lịch sử cuộc nội chiến, những xung đột nội bộ gay gắt đến chi tiết nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến này bằng cách nào và diễn biến ra sao đều được ống kính phóng viên của ông thu trọn.

Phần thứ hai: Jerusalem, hai chương đầu là bức tranh thu nhỏ nền văn hóa của người Do Thái và nguồn gốc của người Israel, từ đó tác giả đi sâu phân tích lịch sử và diễn biến của cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel.

Với giọng văn sắc sảo, trong sáng, Từ Beirut đến Jerusalem đã chạm sâu hơn vào lịch sử đau thương và vô cùng phức tạp của cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Cuốn sách khiến độc giả trải nghiệm hết những cung bậc cảm xúc, từ những đau đớn tột cùng đến những nụ cười sảng khoái. Một cuốn sách không thể bỏ qua đối với bất cứ ai đang tìm kiếm cái nhìn sâu hơn về những nguyên nhân chính trị và những ảnh hưởng tâm lý của cuộc xung đột đa sắc tộc đã bủa vây khu vực chưa bao giờ chấm dứt tiếng súng này.

Lịch Sử Trung Đông – 14 Thế Kỷ Ra Đời & Phát Triển Của Hồi Giáo

Lịch Sử Trung Đông – 14 Thế Kỷ Ra Đời & Phát Triển Của Hồi Giáo

Trung Đông, nơi khởi nguồn của Hồi giáo, một khu vực hợp nhất với ba châu: Âu – Á – Phi, đồng thời luôn giữ một vai trò trọng yếu trong lịch sử Thế giới.

Lịch sử Trung Đông – 14 thế kỷ ra đời và phát triển của Hồi giáo là bức tranh toàn cảnh mô tả chi tiết, cụ thể về lịch sử của vùng Trung Đông, tập trung chủ yếu vào Ai Cập, bán đảo Ả Rập, các nước Hồi giáo đang phát triển, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… từ khi Hồi giáo ra đời và phát triển cho đến ngày nay. Người đọc có thể tìm thấy ở đây những nét khái quát cơ bản nhưng rất hữu ích và sâu rộng về sự hình thành và phát triển của từng dân tộc, từng quốc gia – một vùng đất giàu có về văn hóa, tài nguyên và nhất là mang đậm màu sắc tôn giáo.

Đây là một trong những cuốn sách lịch sử khách quan, toàn diện, lôi cuốn, dễ đọc và có ảnh hưởng nhất về lịch sử Trung Đông; một tài liệu tham khảo thiết thực cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến lịch sử Trung Đông nói riêng và lịch sử Thế giới nói chung.

Trung Đông Trong Thế Kỷ XX – Lịch Sử

Trung Đông Trong Thế Kỷ XX – Lịch Sử

Có lẽ trên hành tinh này hiếm có vùng đất nào quy tụ nhiều đặc điểm quan trọng như Trung Đông. Từ vị trí địa chính trị, an ninh có tính chiến lược, ngã ba-ngã tư của các châu lục Á-Âu-Phi đến vai trò kinh tế tối quan trọng vì nắm trong tay vũ khí “dầu lửa”, đến sự hội tụ văn hóa đa diện, đa tôn giáo, mảnh đất linh thiêng đầy những huyền thoại và truyền thuyết này là cái nôi của nhiều nền văn minh rực rỡ, từ Lưỡng Hà đến Ai Cập, là đất thánh của ba tôn giáo lớn (Do Thái, Cơ Đốc, Hồi Giáo). Những trầm tích văn hóa tích tụ hàng ngàn năm đã tạo ra những nét văn hóa đặc sắc không nơi nào có được.

Cuốn “Trung Đông trong thế kỷ XX – Lịch sử” xuất hiện đúng lúc, khi mà nhu cầu tìm hiểu về vùng đất này đang trở nên ngày càng lớn ở Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Thọ Nhân là một nhà khoa học khả kính trong lĩnh vực năng lượng và điện hạt nhân. Thế nhưng, nghiên cứu về Trung Đông và Hồi giáo đối với ông là một niềm đam mê lớn ngoài công việc. Và ông cũng dành cho sự đam mê đó nhiều sức lực, công phu tìm tòi, nghiên cứu cũng như khi ông say sưa khám phá những bí ẩn của năng lượng.

Với thái độ khoa học khách quan và một phong cách viết đầy ắp những sự kiện, cuốn sách chắc chắn sẽ lôi cuốn độc giả vào những vòng xoáy phức tạp, khốc liệt và bất ngờ của lịch sử miền đất linh thiêng này.

Miền Đất Hứa Của Tôi – Khải Hoàn Và Bi Kịch Của Israel

Miền Đất Hứa Của Tôi – Khải Hoàn Và Bi Kịch Của Israel

Miền đất hứa của tôi là cuộc phiêu lưu cá nhân của một người Israel, băn khoăn trước ngập tràn biến cố lịch sử trên quê hương mình. Đây là một hành trình vượt không gian và thời gian của một người sinh ra tại Israel, nhằm khám phá câu chuyện đại sự của dân tộc mình. Thông qua lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân và các bài phỏng vấn sâu, Shavit đã cố gắng tiếp cận câu chuyện sâu xa hơn và những câu hỏi sâu sắc hơn về Israel, về sự định hình tương lai của người Do Thái.

Đây là một trong những cuốn sách quan trọng và có tác động mạnh mà Ari Shavit viết nhằm phục hồi cảm giác về thực tính của Israel và say sưa với nó, để khôi phục lại sự hùng vĩ của một thực tế đơn giản trong cái nhìn đầy đủ về các sự kiện phức tạp. Miền đất hứa của tôi gây ngạc nhiên về nhiều mặt, nhất là việc nó tương đối ít chú trọng tới việc cung cấp cho người đọc các thông tin về chính trị. Shavit, nhà bình luận trong ban biên tập của Haaretz, có một tư duy độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ học thuyết nào. Ông viết không để ca ngợi hay đổ lỗi, dù trong quá trình ấy ông đã làm cả hai điều này, thay vào đó, với sự uyên bác và tài hùng biện; ông viết để quan sát và phản ánh.

Đây là cuốn sách ít thiên vị nhất về Israel. Một cuốn sách Phục quốc Do Thái nhưng không bị kích động bởi chủ nghĩa phục quốc. Nó nói về toàn thể trải nghiệm Israel. Shavit đắm mình trong toàn bộ lịch sử của đất nước mình. Dù một số sự kiện trong đó làm ông tổn thương, song không gì là xa lạ đối với ông. Ông đã viết một chương xuất sắc về chính trị gia tham nhũng nhưng đầy sức hút, Aryeh Deri, và sự trỗi dậy trên chính trường của tôn giáo dòng Sephardi tại Israel, qua đó minh họa rõ nét tầm hiểu biết của mình.

Tuy nhiên thật may đây không phải là một cuốn hồi ký; nó là một cuộc điều tra được viết với văn phong gần gũi. Shavit khám phá xã hội của ông với sự tỉ mỉ của một người đàn ông cảm thấy bản thân mình gắn với số phận của nó, và ông không ngần ngại nói về sự tan rã của nước cộng hòa Israel trong những năm gần đây.

Theo quan sát của ông “Trong vòng chưa đầy 30 năm, Israel đã trải qua bảy cuộc nổi loạn trong nước khác nhau: cuộc nổi dậy của người định cư, các cuộc nổi dậy hòa bình, cuộc nổi dậy vì tự do tư pháp, cuộc nổi dậy phương Đông, cuộc nổi dậy của dòng Chính thống cực đoan, cuộc nổi dậy của chủ nghĩa khoái lạc cá nhân và cuộc nổi dậy của người Israel gốc Palestine.” Ông lo lắng, có lẽ có phần hơi quá, rằng đất nước ông đang tan rã: “Quốc gia khởi nghiệp này phải tự khởi động lại”. Chắc chắn là không có tình tiết giảm nhẹ nào cho sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội mà ông mô tả, hoặc những xáo trộn hoàn toàn các chính sách định cư trong vùng lãnh thổ mà Israel có một mối quan tâm khẩn cấp và lâu dài trong việc di tản.

Nhưng những lời khuyên và khích lệ của Shavit rằng “luận điểm cũ về nghĩa vụ và sự cam kết đã được thay thế bằng một luận điểm mới về sự phản kháng và chủ nghĩa khoái lạc”, và “thách thức trước mắt là thách thức giành lại quyền lực quốc gia”, là u ám và khắc nghiệt hơn so với giọng văn đầy nhiệt huyết và phóng khoáng trong cuốn sách. Và khái niệm “quyền lực quốc gia” thì đi kèm với những mối liên hệ không mấy hấp dẫn. Vùng đất hỗn loạn và ồn ào trong Miền đất hứa của tôi sẽ không thể được chữa lành chỉ với những cố gắng đơn thuần để đưa nó trở lại bình thường như trước đây.

Bán Đảo Ả Rập: Tinh Thần Hồi Giáo Và Thảm Kịch Dầu Mỏ

Bán Đảo Ả Rập: Tinh Thần Hồi Giáo Và Thảm Kịch Dầu Mỏ

Bán đảo Ả Rập là đế quốc của Hồi giáo mà cũng là đế quốc của Dầu lửa vì Dầu lửa chi phối nó cũng như Hồi giáo, còn mạnh hơn Hồi giáo. Hồi giáo liên kết Ả Rập thì Dầu lửa chia rẽ Ả Rập.

Vì vậy mà ba bốn chục năm nay ở bán đảo Ả Rập xảy ra không biết bao nhiêu xung đột: xung đột giữa các đế quốc, xung đột giữa các quốc gia Ả Rập, xung đột giữa các đảng phái trong mỗi quốc gia.

[…]

Lịch sử hiện đại bán đảo Ả Rập li kì như lịch sử Trung Hoa thời Đông Chu liệt quốc, và cũng có đủ những nhân vật lạ lùng như nhân vật Đông Chu.

Cuốn này hấp dẫn như cuốn Bài học Israel. Hai cuốn họp thành một bộ rất đầy đủ về vần đề Trung Đông mà những ai quan tâm tới thời cuộc đều không thể không đọc.

Sự Hình Thành Cục Diện Chính Trị – An Ninh Mới Tại Khu Vực Trung Đông – Bắc Phi Và Tác Động

Sự Hình Thành Cục Diện Chính Trị – An Ninh Mới Tại Khu Vực Trung Đông – Bắc Phi Và Tác Động

Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc cuốn sách Sự hình thành cục diện chính trị – an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động của PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền (chủ biên) được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2018. Đây là một cuốn sách chuyên khảo bổ ích cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về cục diện chính trị – an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động của nó.

Trung Đông – Bắc Phi là khu vực có vị trí địa chính trị – kinh tế quan trọng trên thế giới, là vùng đất giao thoa giữa ba châu lục A – Âu – Phi, giữa biển Địa Trung Hải và biển Ấn Độ Dương, là mạch giao thông quan trọng của thế giới và là nơi tập trung nguồn tài nguyên dầu mỏ có trữ lượng lớn nhất toàn cầu. Do vị trí quan trọng đó, Trung Đông – Bắc Phi là địa bàn tranh giành và gây ảnh hưởng của các nước lớn trong nhiều thập kỷ qua. Những biến động chính trị xã hội mạnh mẽ (còn thường được gọi là Phong trào mùa xuân Arab) ở đây từ cuối năm 2010 đến nay đã làm đảo lộn kết cấu các lực lượng chính trị trong phạm vi từng quốc gia cũng như của khu vực và phá vỡ cục diện chính trị an ninh mới đang được phôi thai tại đây.

Do sự tham gia và can dự của các nước lớn vào khu vực rất mạnh mẽ nên thế trận mới của các cường quốc thế giới tại Trung Đông – Bắc Phi và cấu trúc mới của các quan hệ quốc tế đan xen giữa các cường quốc thế giới với các cường quốc khu vực, giữa các quốc gia trong khu vực với nhau và với các cường quốc nói trên làm cho cục diện chính trị – an ninh mới tại đây có ý nghĩa rất quan trọng, tác động vô cùng to lớn đối với cục diện thế giới trong thời gian tới, thậm chí còn là hình ảnh thu nhỏ của cục diện thế giới.

Mục tiêu của công trình Sự hình thành cục diện chính trị – an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi và tác động là xác định và nghiên cứu cụ diện chính trị – an ninh mới đang được hình thành tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, nghiên cứu tác động của nó đến khu vực, thế giới và Việt Nam; rút ra một số bài học kinh nghiệm về xử lý những vấn đề chính rị – an ninh và quan hệ quốc tế cùng một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông – Bắc Phi trong bối cảnh mới.

Cuốn sách dày 311 trang, gồm 3 chương:

  • Chương 1: Khái quát về cục diện chính trị – an ninh khu vực Trung Đông – Bắc Phi trước khi diễn ra biến động mùa xuân Arab.
  • Chương 2: Sự hình thành cục diện chính trị – an ninh mới của khu vực Trung Đông – Bắc Phi và từ sau biến động mùa xuân Arab.
  • Chương 3: Xu hướng và tác động của cục diện chính tri – an ninh mới đang được hình thành tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Con Đường Hồi Giáo – Nguyễn Phương Mai

Con Đường Hồi Giáo – Nguyễn Phương Mai

Giữa cơn sôi trào nóng bỏng của Mùa xuân Ả Rập, Nguyễn Phương Mai lên đường đến Trung Đông, từ Ả Rập Saudi theo con đường Hồi giáo tỏa lên phía tây, để nhìn tận mắt, chạm tận tay một Trung Đông thật, từ trải nghiệm của chính mình.

Hóa ra, Trung Đông không phải là bức tranh một màu xám xịt của “Hồi giáo cực đoan”, “khủng bố”, “bất bình đẳng giới”, mà là tấm thảm Tunisia nhiều màu sắc với trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, những công trình kiến trúc đẹp đến nghẹt thở, với cuộc sống thấm đẫm tôn giáo, cùng vẻ hiện đại và hào nhoáng tột cùng, nhưng đầy băn khoăn về danh tính dân tộc, rồi những bi kịch, sự khốn cùng, và những giá trị không dễ phán xét đúng sai.

Những câu chuyện ngờm ngợp hơi thở cuộc sống, những nhìn nhận sắc bén của một nhà nghiên cứu, nhà báo được chuyển tải trong lối viết trẻ trung, cuốn hút sẽ khiến bạn khó lòng kìm nổi thôi thúc được bước cùng cô trên Con đường Hồi giáo.

“Bởi tôi biết còn có rất nhiều điều thiêng liêng hơn niềm tin tôn giáo, ấy là niềm tin vào sự ràng buộc cội rễ của giống loài; vào sự giống nhau giữa người với người hơn là sự khác biệt về đức tin; vào lòng tốt; vào sự đồng cảm và hướng thiện.

Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông, với trái tim này mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi – một cô gái Việt Nam vô thần.”

(Nguyễn Phương Mai)

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button