Sách hay về Phật giáo

Sách về Phật giáo hay nhất. Giới thiệu với người đọc những gì tinh tuý nhất trên con đường Phật pháp, nhấn mạnh đến cách thức và tại sao lại cần hành thiền cũng như cung cấp cho ta một nền tảng hiểu biết cơ bản về bản chất của Nghiệp, Tái sinh và Bát chính đạo – những giáo lý căn bản của Đạo Phật.

Dẫn Luận Về Phật Giáo

Cuốn sách hữu ích này nói về những lời dạy của Đức Phật và sự hội nhập của Phật giáo trong đời sống hàng ngày. Các đặc điểm nổi bật của Phật giáo là gì? Đức Phật là ai, và giáo lý của ngài là gì? Làm thế nào tư tưởng Phật giáo phát triển qua nhiều thế kỷ, và làm thế nào có thể đối mặt với những vấn nạn của thời đại từ quan điểm Phật giáo? Các từ như “Nghiệp” và “Niết bàn” đã xâm nhập vào vốn từ vựng của chúng ta, nhưng ý nghĩa thật sự của chúng là gì? Tác giả Keown đã giảng dạy giáo lý Phật giáo nhập môn trong nhiều năm, và trong cuốn sách này, ông cung cấp câu trả lời sống động cho những câu hỏi ấy.

Bộ sách Dẫn Luận Phật giáo nằm trong một series những tác phẩm dẫn nhập về nhiều chủ đề, đưa ra những lời giới thiệu ngắn gọn và độc đáo cho một loạt các đối tượng – từ Hồi giáo đến Xã hội học, Chính trị đến Tác phẩm kinh điển, Lý thuyết văn học đến Lịch sử, Khảo cổ học đến Thánh kinh. Không chỉ đơn giản trình bày các định nghĩa, mỗi cuốn trong series còn chứng minh làm thế nào chủ đề này có thể phát triển theo thời gian và nó ảnh hưởng đến xã hội ra sao, cung cấp cho đông đảo độc giả một thư viện tài liệu tham khảo phong phú.

Siddhartha

Trong các tác phẩm của Hemann Hesse, có lẽ Siddhartha là tác phẩm nổi tiếng nhất. Câu chuyện lấy thời điểm đức Phật còn tại thế, nói về một chàng thanh niên rời gia đình đi tìm giác ngộ. Dù được gặp Phật, dù bạn đồng hành đã gia nhập tăng đoàn, nhưng chàng thanh niên Siddhartha nhất quyết đi theo con đường của mình. Cuối cùng, sau khi trải nghiệm hết tất cả niềm vui và nổi khổ của cuộc sống thế gian, chàng thanh niên Siddhartha đã giác ngộ được chân lý bên cạnh một dòng sông. Chàng đã lắng nghe tiếng dòng sông và tìm thấy nơi đó mọi dạng hình của đời sống. Chàng đã thấy “pháp giới” trong dòng sông và ngộ được tính nhất thể của vạn sự.

Với Siddhartha người đọc sẽ cảm nhận như đọc một cuốn kinh Đại thừa, nhưng với văn chương du dương của một nhà thơ và sự miêu tả tinh tế của một nhà văn. Đọc tác phẩm này ta thấy rằng sự minh triết có thể được hàm chứa trong nhiều cách, sự thật cao tột có thể diễn tả bằng nhiều phương tiện thiện xảo khác nhau.

Hoa Trôi Trên Sóng Nước

“Hoa trôi trên sóng nước” là một câu chuyện đặc biệt. Đó là câu chuyện đi tìm “kiến tánh”, đạt được giác ngộ của ni sư Satomi Myodo – một trong những ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản.

Câu chuyện của ni sư Satomi Myodo đặc biệt ở chỗ, trước khi tu tập theo triết lý Phật Giáo, Satomi Myodo đã là vị thầy của Thần Đạo (một tôn giáo phổ biến ở Nhật Bản), được nhiều người kính nể. Hơn 40 tuổi, dù đã tu tập được nhiều công phu như nhìn được quá khứ vị lai và nhiều công phu khác, nhưng từ sâu trong thâm tâm Satomi Myodo vẫn phải chịu những nổi khổ đau dằn vặt của bản ngã, thứ mà bà “nghĩ rằng mình đã diệt được nó nhưng thực ra nó vẫn tiềm ẩn dưới một hình thức tinh tế không ngờ”.

Ở tuổi 40, đi theo con đường tọa thiền của Đức Phật, Satomi Myodo gặp phải 3 trở ngại lớn, ảnh hưởng đến việc tu tập của bà: Đó là việc ưa lý luận, suy nghĩ nhiều; có lòng tham mong cầu đạt ngộ; thụ động do việc thực hành thiền ngoại đạo. Cuối cùng, bằng một lòng dũng cảm và cả khát khao đi tìm sự giác ngộ, Satomi Myoyo đã quyết định vượt qua những trở ngại, định kiến; bà xuất gia, trở thành một người “sơ tâm” chưa biết gì và tu tập theo đúng con đường của Đức Phật.

Theo sự chỉ dẫn của thiền sư Bạch Vân Yasutani, Satomi Myoyo đã thực hành ba phương pháp tham cứu công án, quán hơi thở và Chỉ Quán Đả Tọa của tổ Đạo Nguyên (người sáng lập dòng thiền Tào Động Nhật Bản) để khắc chế ba trở ngại trên. Cuối cùng, Satomi Myoyo tìm được “kiến tánh”, điều mà bà mô tả là “khác với những hình ảnh lạ lùng, những màu sắc, âm thanh và một niềm vui tràn ngập châu thân, lần này con chỉ thấy một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thế diễn tả”.

Ngọc Sáng Trong Hoa Sen

Trong nửa thế kỷ qua, số người phương Tây thăm viếng phương Đông không phải là ít nhưng đã có mấy ai lĩnh hội được tinh hoa của phương Đông? Nếu có một thiểu số may mắn học hỏi được chút gì thì đã mấy người viết sách chia sẻ kinh nghiệm đó với chúng ta? Tất nhiên Lafcadio Hearn đã làm điều này, nhưng ông chỉ ghi nhận vài chi tiết huyền bí về châu Á. Alan Watts đi xa hơn trong việc tìm hiểu những giá trị tâm linh, nhưng ông cũng chỉ chú trọng về kỹ thuật và phương pháp chứ không đào sâu vào những phương diện khác. John Blofeld khác hẳn hai tác giả trên, ông không ghé thăm như một khách lạ mà sống hẳn ở đây gần trọn cuộc đời. Không những ông học hỏi và trải nghiệm nhiều, mà ông còn chia sẻ với chúng ta những vui buồn của kiếp người trong giai đoạn giao thời giữa Đông và Tây lúc đó.

Ngọc sáng trong hoa sen là cuốn sách nói về cuộc du hành của ông tại châu Á. Cho đến nay, dù thời gian trôi qua, nhiều sự kiện đã thay đổi nhưng Ngọc sáng trong hoa sen vẫn là một trong những cuốn sách giá trị về phương Đông và thường được dùng làm tài liệu tham khảo trong các trường đại học.

Trái Tim Của Bụt

” Trái tim của Bụt” là Phật pháp căn bản để dạy cho người xuất gia, đã và đang được sử dụng bởi các giáo thọ trẻ ở Việt Nam, dùng giảng dạy trong các trường Phật học cơ bản. Cuốn sách tập hợp 25 bài phật pháp căn bản. Các vị giáo thọ trẻ ở Việt Nam dùng “Trái Tim Của Bụt” làm tài liệu giảng dạy và họ cũng sử dụng nhiều tư liệu khác của Làng Mai. Trải qua quá trình dạy dỗ và thực tập thì tác giả đã sáng tạo ra được những pháp môn rất mầu nhiệm mà những người tại gia và cư sĩ cũng có thể thừa hưởng được. Những quan niệm như tăng thân, tăng nhãn, làm mới, soi sáng, thiền lạy, đệ nhị thân v.v … là những hoa trái của sự thực tập và học hỏi ở Làng Mai, Hiện nay cuốn sách không những được sử dụng trong giới xuất gia mà còn được sử dụng trong giới tại gia…

Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi

Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và kết thúc khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.

Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.

Không diệt Không sinh Đừng sợ hãi là tựa sách được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nên dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Ở đó, Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”

Đạo Phật Ngày Nay

Dẹp bỏ tất cả những huyền đàm siêu hình, con người trở về thực tại để giải quyết những vấn đề của thực tại. Cuộc đời đầy những khổ đau. Mũi tên độc khổ đau đang làm cho chúng ta rên xiết, hãy tìm cách nhổ mũi tên đó ra khỏi thân thể của nhân loại. Chúng ta phải ý thức rằng chúng ta đang khổ đau. Ðó là nhận thức căn bản. Làm sao giải quyết vấn đề khổ đau thực tại nếu chúng ta không có ý thức về khổ đau thực tại? Làm sao có thể chữa lành được bệnh khi ta không biết là ta đang có bệnh, hoặc giả biết là bệnh nhưng không rõ là bệnh gì?

Hình bóng của những con người yếu đuối, mắt không dám nhìn thẳng, chân bước ngập ngừng, sợ sệt khổ đau, khúm núm trước quyền lực, cố nhiên không phải là hình bóng của người Tăng sĩ. Hình bóng của người tăng sĩ phải là hình bóng của một Long Thọ, một Huyền Trang, một Vạn Hạnh… đời sống thì đạm bạc, gian khổ, ý chí thì vững chắc như kim cương, đức độ thì khiêm cung, nhẫn nhục, hành nguyện thì rộng lớn như sóng biển. Người xuất gia phải có đôi mắt sáng chiếu niềm tin, chói lòa nghị lực, người xuất gia phải có nụ cười bất diệt khinh thường khổ đau. Có như thế mới biểu lộ chân tướng sáng rỡ của đạo Phật. Mà muốn được như thế, điều thiết yếu trước tiên là nhận thức thực trạng khổ đau, sống trong khổ đau, luyện mình thành sắt thép. Ta có thể chết đuối trong khổ đau, nhưng ta thành Phật cũng nhờ khổ đau. Chính khổ đau, chữa lành khổ đau, và khi đặt vấn đề nhận thức khổ đau làm đệ nhất đế của Tứ Diệu Ðế, Đức Phật quả đã nhận thấy tầm quan trọng của sự thực ấy một cách thâm thiết.

Đạo Phật Của Tuổi Trẻ

Đạo Phật của tuổi trẻ là tổng hợp các bài giảng của Sư ông Thích Nhất Hạnh cho Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ trong các khóa tu năm 1997, 1998, và 1999 tại chùa Vạn Hạnh, Cali và tại đạo tràng Thanh Sơn, tiểu bang Vermont. Cuốn sách được tạm chia thành các chương riêng biệt để độc giả tiện theo dõi nên không theo thứ tự thời gian.

Nghệ Thuật Hạnh Phúc Trong Thế Giới Phiền Não

“Nghệ thuật sống hạnh phúc trong thế giới phiền não” được bác sĩ Howard C. Cutter tổng hợp và viết lại từ những lời dạy của đức Dalai Lama tại nhiều bối cảnh thuyết giảng khác nhau. Tác phẩm được trình bày theo một hệ thống gồm bốn phần, ba phần đầu là một tác phẩm độc lập mang cùng tựa đề tác phẩm này và phần 4 cũng là một tác phẩm bỏ túi độc lập, vì có cùng nội dung nên được gộp vào phần cuối của tác phẩm, để độc giả có thể thưởng thức hai tác phẩm trong một của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Đọc Nghệ thuật sống hạnh phúc, người đọc sẽ có thêm sức sống mới, nghị lực mới, niềm tin mới và con đường mới để vượt qua các bế tắc và khổ đau. Khi hạnh phúc được xem là mục tiêu, nghệ thuật sống hạnh phúc là cẩm nang sống cho mình. Chỉ khi nào mỗi người có khả năng sống với hạnh phúc, ta mới có khả năng góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc. Tác phẩm này tổng hợp các thông điệp hạnh phúc của Phật giáo góp phần hướng đến một thế giới hòa bình trên nền tảng hòa bình nội tại, sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu đối với mọi người.

Phật Học Tinh Hoa

Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại – Ấn Độ – và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông. Trải qua nhiều thế kỷ, với những biến động, thăng trầm, dù bị chia rẽ thành nhiều tông phái với nhiều lập trường giáo lý khác nhau nhưng Phật giáo vẫn giữ vững tinh thần chủ đạo của mình: từ bi, hỷ xả, khoan dung, đại lượng. Có lẽ vì thế mà Phật giáo luôn có chỗ đứng trong cộng đồng và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau (kết hợp với tín ngưỡng dân gian, hoặc với Nho giáo và Đạo giáo.v.v). Tại Việt Nam, việc nghiên cứu Phật học không chỉ giới hạn trong phạm vi các trường Đại học, các hội đoàn chuyên môn, mà đã lan ra đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhiều cuốn sách về Phật học đã ra đời, với nhiều trình độ khác nhau để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật giáo. Phật học tinh hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một cuốn sách dành cho những người bước đầu tìm hiểu Phật giáo. Có thể coi đây là một cuốn sách đại cương triết học Phật giáo hoặc nhập môn Phật học đều được.

Ai Đổ Đống Rác Ở Đây

Là cuốn sách thú vị về những câu chuyện nguyên thủy hài hước, tràn đày tính nhân văn sâu sắc và những lời khuyên giản dị. Từ đó thấy được trí tuệ tuyệt vời của Ajahn Brahm, rút ra cho bản thân những trải nghiệm trong cuộc sống. Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho nhiều người về mọi cảm xúc, tuy là một cuốn sách tâm linh nhưng cuốn sách này lại rất hài hước mang đến cho bạn đọc cảm giác thư thái và suy nghẫm về cuộc đời, mang đến sự nâng cao trí tuệ về tình yêu và cuộc sống phù hợp với nhiều lứa tuổi để mọi người nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn. Một trong những quyển sách rất hay và ý nghĩa của Ajahn Brahm.

Đức Phật – Cuộc Đời Và Giáo Huấn

Tên của Đức Phật là Siddhartha Gautama. Phật không phải là tên ông, từ đó chỉ trạng thái tỉnh thức của ông. Phật đơn giản nghĩa là “người tỉnh thức”. Đức Phật là người tỉnh thức nổi tiếng nhất nhưng không phải là người tỉnh thức duy nhất. Có nhiều vị Phật trước ông và nhiều vị Phật sau ông – và bởi mỗi con người đều có thể trở thành một vị Phật nên những vị Phật mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai. Tất cả mọi người đều có tiềm năng nà vấn đề chỉ là thời gian. Một ngày nào đó, bị thực tại bên ngoài quấy nhiễu, tuyệt vọng vì đã thấy mọi thứ và lại chẳng tìm ra điều gì, bạn chắc chắn sẽ quay vào trong.

Từ buddha (Phật) có nghĩa là “trí tuệ được đánh thức”. Từ buddhi (trí tuệ) cũng có chung một gốc với từ này. Gốc từ budh có nhiều tầng nghĩa. Không có từ đơn tiếng Việt nào mang nghĩa tương đương. Nó có nhiều ngụ ý, nó linh động và có tính thi ca. Không ngôn ngữ nào ngoài tiếng Phạn có một từ giống như budh. Nó có ít nhất năm nghĩa khác nhau. Nghĩa đầu tiên là thức dậy và đánh thức. Nói cách khác, nó đối nghịch với việc ngủ, với tình trạng lơ mơ trong ảo mộng mà từ đó ta thức tỉnh như thể bước ra khỏi một giấc mơ. Đó là nghĩa thứ nhất của trí tuệ, budh: tạo ra một sự thức tỉnh bên trong bạn.

Trí tuệ chính là khả năng sống trong hiện tại. Càng sống trong quá khứ hoặc tương lai thì bạn càng ít trí tuệ. Trí tuệ là khả năng ở đây, bây giờ, tại chính Đức Phật 9 khoảnh khắc này và không đâu khác. Như vậy là bạn tỉnh thức..

Dẫn Luận Về Đạo Đức Phật Giáo

Chúng ta có một nghĩa vụ đạo đức với môi trường không? Các nhà nước có nên duy trì chủ thuyết hòa bình trước nạn khủng bố không? Nhân bản vô tính con người có sai không?

Trong tác phẩm đáng suy ngẫm này, Damien Keown cho thấy bằng cách nào tư tưởng Phật giáo có thể soi rọi ánh sáng mới lên những vấn đề mà các xã hội hiện đại tiếp tục thấy là khó khăn và gây chia rẽ: từ quyền con người, phá thai, đến chiến tranh

Vô Ngã Vô Ưu

Vô Ngã Vô Ưu (Being Nobody, Going Nowhere) là một cuốn sách về Thiền quán hay nhất của Ni sư người Đức Ayya Khema. Là một tuyệt tác viết về Thiền quán, cuốn sách đã được giải thưởng của Chrismas Humphreys và là cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ năm 1988.

Trong cuốn sách này, Ni sư Ayya Kherma đã giới thiệu với người đọc những gì tinh tuý nhất trên con đường Phật pháp. Bà nhấn mạnh đến cách thức và tại sao lại cần hành thiền cũng như cung cấp cho ta một nền tảng hiểu biết cơ bản về bản chất của Nghiệp, Tái sinh và Bát chính đạo – những giáo lý căn bản của Đạo Phật. Với những lời khuyên hữu ích và thiết thực, Ni sư Ayya Khema đã dẫn dắt cho chúng ta những cách thức thực hành tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả và cách vượt qua những chướng ngại trên con đường tu tập. Rất ít cuốn sách cơ bản về Phật giáo có thể bao chứa cả hai tiêu chí giản dị và sâu sắc. Nhưng vô ngã vô ưu đã làm được cả hai điều này. Đây không những là một cuốn sách mọi thiền sinh không thể bỏ qua, mà còn là cuốn sách tuyệt vời cho tất cả mọi người.

Một Cội Cây Rừng

“Phật pháp đang hiển lộ trong mọi khoảnh khắc, nhưng chỉ khi tâm an tĩnh, chúng ta mới có thể thấu hiểu, vì Phật pháp đang giảng dạy chúng ta bằng vô ngôn”. Ajahn Chah khuyến khích chúng ta tìm Pháp, học Pháp từ thiên nhiên, từ mọi công việc đời thường.

Nghiên cứu Phật pháp là việc phải làm hàng ngày, nhưng ngay cả khi bạn đã dụng công nghiền ngẫm kinh sách mà không thực hành thì cũng giống như một lữ khách chỉ nghiên cứu lộ trình trên bản đồ mà không thực sự bước đi trên con đường đó. “Một cội cây rừng” giúp bạn học và hiểu Pháp một cách rõ ràng và sâu sắc. Bạn sẽ thấu đạt chân lý “trong khổ có lạc, trong hỗn độn có tĩnh lặng” nếu thấy được thực tướng của vạn pháp.

Tương tự như vậy, các dụ ngôn sinh động từ thực tế cuộc sống mà Ajahn Chah dẫn ra trong cuốn sách này sẽ giúp bạn thấu suốt thực tại, để tâm an tĩnh, buông bỏ tất cả và khởi sinh trí huệ. Ajahn Chah khẳng định rằng chúng ta có thể học điều đó từ thiên nhiên và mọi vật xung quanh chúng ta.

Buông Xả Phiền Não

Hạnh phúc là gì và vì sao có những người đạt được mọi thứ mình muốn mà vẫn không được hạnh phúc? Thật ra, hạnh phúc là tự mình phải xả bỏ tự ngã và tiêu diệt phiền não, chứ không phải đạt được những thứ nào bên ngoài. Hòa thượng Thánh Nghiêm cho rằng hạnh phúc chân thật thì không cần dựa vào bất kỳ cá nhân, sự vật nào bên ngoài, cũng không phải xuất phát từ tình cảm và cảm giác huyễn hóa vô thường mà là trạng thái tâm vui vẻ, an lạc. Vì thế, chúng ta cần thấy rõ phiền não, mạnh dạn vận dụng phương pháp hóa giải, đối trị phiền não, cuối cùng là buông xả hoàn toàn phiền não, thì hạnh phúc sẽ ở trong tầm tay.

Cuốn sách gồm: phần thứ nhất, Hòa thượng bàn về nguồn gốc của phiền não; từ phần thứ hai đến phần thứ sáu, Ngài thảo luận kỹ năm loại phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi – chính là năm độc mà Đức Phật đã nói – đồng thời Ngài cung cấp cách giải quyết những phiền não này để có được an lạc, từ tâm.

Chỉ bằng vài lời ngắn gọn, súc tích, Ngài đã cho thấy con người chúng ta vì quá tham lam, ích kỷ chỉ nghĩ tới bản thân mình nên mãi không chịu xả bỏ để có được an lạc, hiện tiền.

Tư Tưởng Phật Học

Quyển sách này viết cho giới trí thức Âu – Mỹ, một giới trí thức có bối cảnh khoa học và văn minh Ki-tô giáo, nên các vấn đề thảo luận, phương pháp trình bày rất thiết thực, linh động, sát với thực tế và liên hệ ngay đến đời sống và những thắc mắc hiện đại. Giá trị quyển sách phần lớn nhờ ở điểm này.

Tác giả dẫn chứng rất nhiều lời dạy trong kinh điển Pàli để chứng minh cho sự trình bày của mình, một thái độ và một phương pháp khoa học đáng được hoan nghênh và học hỏi. Thường chúng ta trình bày đạo Phật ngang qua sự hiểu biêt của chúng ta, và điều nguy hại hơn ngang qua cảm tình và sở thích của chúng ta, vì vậy nhiều khi tư tưởng và thái độ của Đức Phật bị bóp méo rạn nứt rất nhiều. Để bớt tệ hại này, phương pháp hữu hiệu nhất là dẫn chứng trong kinh điển những lời dạy của chính Đức Phật để xác chứng quan điểm của mình trong khi trình bày một thái độ mà tác giả tập sách này đã theo rất trung thành.

Tổng Quan Về Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng

Cuốn sách “Tổng quan về Phật giáo Mật tông Tây Tạng” trình bày và tìm hiểu một cái nhìn toàn diện của Mật tông Tây Tạng, với hy vọng đưa ra một “tổng hợp thể” về Mật tông Tây Tạng. Sự hiểu biết tổng quan và đại cương này rất cần thiết, để cho những người muốn tìm về giáo lý và hành trì Mật tông có được một tài liệu tham khảo và minh định hướng đi của mình trên con đường tìm về chân lý của chư Phật.

Mỗi chúng sinh đều thọ thân người với những thuộc tính và căn cơ khác nhau. Cho nên mỗi người phải tự mình chọn lựa pháp môn thích hợp. Chỉ riêng về Mật tông Tây Tạng đã có nhiều trường phái riêng biệt, mỗi trường phái lại có ngàn vạn pháp môn khác nhau, không thể nào tìm học cho hết dù dành cả đời mình để học hỏi.

Do đó cuốn sách này cũng chỉ giới hạn về đại cương quá trình hình thành Mật tông Tây Tạng qua lịch sử và các trường phái chính cũng như các pháp môn hành trì rộng rãi nhất của các trường phái đó, để người sơ cơ có thể từ đó tìm hiểu và chọn hướng đi phù hợp với căn cơ của mình.

Việt Nam Phật Giáo Sử Luận

Tác phẩm Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Giáo sư Nguyễn Lang (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) là một đóng góp đáng kể trong số rất ít công trình nghiên cứu công phu về lịch sử Phật giáo Việt Nam trong vòng hơn 40 năm qua (kể từ khi ấn bản đầu tiên được phát hành vào những năm 70). Đây là một công trình kết hợp được tính vững chắc của phương pháp biên khảo và kiến thức sâu rộng về giáo lý đạo Phật. Tác giả đã trình bày một cách rành mạch và khoa học những dữ kiện lịch sử, phân tích và bình luận những tư tưởng, hệ tư tưởng trong suốt diễn biến của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tác phẩm Việt Nam Phật Giáo Sử Luận không chỉ hữu ích cho giới nghiên cứu Phật học nói riêng mà còn có giá trị đối với những bạn đọc muốn tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam hay văn học, văn hóa Việt Nam nói chung.

Các Bộ Phái Phật Giáo Tiểu Thừa

Từ các thế kỷ đầu hiện hữu, cộng đồng Tăng-già Phật giáo đã rẽ thành nhiều bộ và phái, nhân các lần phân phái đôi khi nhiều tai tiếng, và mỗi bộ phái phân ly đều giữ một số quan điểm bị các học phái khác dán cho nhãn hiệu ngoại thuyết. Chính các bộ phái, các học phái, các lần phân ly và các ngoại thuyết ấy là đối tượng của công trình nghiên cứu này. […]

500 Vị La Hán

500 Vị La Hán là một cuốn sách mang ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc. Ngoài những kiến thức về xuất xứ cũng như quá trình chứng quả vị La hán của các vị La hán, các câu chuyện trong sách còn toát lên những điều áo diệu của giáo lý nhà Phật.

Bên cạnh đó, các câu chuyện trên còn có tác dụng vô cùng to lớn đối với tư tưởng, tình cảm và hành động của con người. Sách khuyên con người phải hành thiện, từ bỏ điều ác, sự đố kỵ, lòng tham… biết hy sinh, ban tặng, khoan dung với đồng loại và cả những loài vật nhỏ bé tầm thường.

Phật Giáo Có Là Tôn Giáo Không

Phật Giáo Có Là Tôn Giáo Không? giới thiệu về Phật giáo dễ hiểu nhất bằng tiếng Anh. Tác giả trình bày giáo lý cốt lõi của Phật giáo bằng một hình thức ngắn gọn, súc tích, phong phú với những câu chuyện minh họa và được truyền đạt với tinh thần mà theo đó truyền thống vĩ đại này đã mở ra. Alan W. Watts truy nguyên nguồn gốc, những thuật ngữ căn bản và những điểm cốt yếu trong giáo lý và xem xét tường tận những điều căn bản của Phật giáo Đại thừa bao gồm Thiền và truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Những bài viết chọn lọc trong sách cung cấp cho độc giả một tổng quan sâu sắc về sự phát triển của tư tưởng Phật giáo và đồng thời giới thiệu một trong những con đường giải thoát hấp dẫn nhất của nhân loại.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button