Sách hay về triết học

Sách về triết học hay nhất. Dành cho những ai thích suy tư, khám phá bản thân, kiến giải những gì xảy ra xung quanh và suy ngẫm về chúng.

Nhập Môn Triết Học Đông Phương

Nhập môn triết học Đông phương không phải là một cuốn sách giáo khoa về triết học. Ở đây, học giả Nguyễn Duy Cần bàn về những điểm đặc sắc và cốt lõi của triết học phương Đông: về khái niệm âm dương, triết học Phật – Lão – Trang. Trong sách, Nguyễn Duy Cần đề cao triết học nhất nguyên, coi những sự đối lập là bề mặt và bề trái của một chỉnh thể thống nhất. Đọc Nhập môn triết học Đông phương, ta nhìn thấy được một khía cạnh khác ít gai góc và khô khan hơn của triết học cũng như tìm thấy được vẻ đẹp muôn màu của triết học Đông phương.

Giáo Trình Triết Học Phương Tây Hiện Đại

Triết học phương Tây hiện đại (hiểu theo nghĩa ngoài mácxít) là sự phát triển tư tưởng triết học phương Tây trong điều kiện mới, theo tinh thần mới, tinh thần “phi cổ điển”, rà soát lại những vấn đề truyền thống, bắt đầu từ Hy Lạp cổ đại.

Quá trình này diễn ra cùng với xu thế phi cổ điển hóa trong văn hóa châu Âu, thông qua văn chương, nghệ thuật, âm nhạc và các hoạt động sáng tạo khác, phản ánh sự tái bố trí lực lượng chính trị – xã hội tại châu Âu, được nhen nhóm ngay từ thời Phục hưng (thế kỷ XIV–XVI), được tiếp sức bởi các cuộc cách mạng tư sản và sự ra đời nhà nước kiểu mới tại một số nước Tây Âu, thay thế chế độ quân chủ phong kiến ngự trị hàng ngàn năm.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, giáo trình này góp phần hệ thống hóa và đưa ra luận giải mới về sự ra đời và phát triển, đặc trưng và vai trò của lịch sử triết học phương Tây hiện đại; về những tư tưởng, quan niệm mà các trường phái kế thừa của quá khứ và của thời đại thể hiện đồng tâm dưới các phạm trù, nguyên lý, nguyên tắc.

Đặc biệt, những người biên soạn đã tổng hợp bức tranh tư tưởng triết học phương Tây hiện đại thành nhóm bốn khuynh hướng chủ đạo: phi duy lý – nhân bản, thực chứng – khoa học, tôn giáo, chính trị – xã hội.

Triết Học Hiện Sinh

Sách gồm 10 chương, tạm chia thành 2 phần:

3 chương đầu tìm hiểu về: Triết học hiện sinh là gì? (Lập trường của triết học hiện sinh, Triết học về con người); Những đề tài chính của triết học hiện sinh; Hai ngành của phong trào triết học hiện sinh.

7 chương sau viết về bảy triết gia hiện sinh lừng danh:

– Kierkergaard, ông tổ hiện sinh chính thực

– Nietzsche, ông tổ hiện sinh vô thần

– Husserl, ông tổ văn chương triết lý hiện tượng học

– Jaspers, hiện sinh và siêu việt

– Marcel, hiện sinh và huyền nhiệm

– Sartre, hiện sinh phi lý

– Heidegger, hiện sinh và hiện hữu

Các Vấn Đề Của Triết Học

Bertrand Russell (1872 – 1970) viết tác phẩm nhập môn triết học lừng danh này năm 1911, từ đó, trong cũng như ngoài các trường Đại học, nhiều thế hệ sinh viên triết đã đọc quyển “Các vấn đề của Triết học” này. Quyển này thuộc về một trong những giai đoạn sáng tác triết học sung mãn nhất của Russell.

Mặc dù quyển sách này viết để giới thiệu cho giới bạn đọc phổ thông – Russell gọi nó là “tác phẩm gây sửng sốt đáng vài xu” – nhưng nó trưng ra nhiều lập trường xác định và giới thiệu nhiều ý tưởng hoàn toàn mới, chẳng hạn về chân lý. Nó làm được như thế một cách sinh động, không giáo điều, không rối rắm, cùng một tính rõ ràng sáng tỏ. Chắc chắn cuốn sách này xứng đáng được hoan nghênh liên tục.

Cửa Hiệu Triết Học

Cửa hiệu Triết học là một cửa hàng thực sự của những câu đố và thách thức triết học để phát triển tư duy trong và ngoài lớp học. Triết gia Socrates đã bày ra một kiểu trao đổi hoàn toàn khác, tiền của ông là các ý tưởng. Cửa hiệu sẽ đóng vai trò như Socrates đang nói chuyện với người đọc: có lúc lôi cuốn, khôi hài và hứng khởi; có lúc chọc ngoáy như một kẻ ưa châm chích, khiến chúng ta không yên; cũng có lúc nói lòng vòng phát ngán hay bỏ lửng, nhưng luôn kích thích suy nghĩ của mọi người.

Cuốn sách này chỉ đường cho bạn đi qua cửa hiệu đó bằng những hướng dẫn ngắn gọn dù bạn không nhất thiết phải biết bạn đang muốn món hàng gì. Phương cách làm được việc này là thông qua cấu trúc – hay địa hình học – của cuốn sách này. Nội dung chính được chia thành bốn “gian hàng”, mỗi gian hàng có những tiểu mục riêng:

  • 1. Siêu hình học hay Cái hiện hữu
  • 2. Tri thức luận hay Những gì có thể biết được về cái hiện hữu
  • 3. Giá trị hay Điều quan trọng trong cái hiện hữu
  • 4. Ngôn ngữ và ý nghĩa hay Có thể nói gì về cái hiện hữu

Câu Chuyện Triết Học – Đời Sống Và Quan Điểm Của Những Triết Gia Lớn Phương Tây

Thật tài tình và thú vị khi Will Durant (1886-1981) đặt tên cho công trình lịch sử triết học của mình là “The Story of Philosophy”. Lịch sử triết học vốn khét tiếng là khô khan và nhức đầu! Will Durant có cái nhìn khác: nó rất hấp dẫn, lôi cuốn, nhất là với những ai có tính tò mò, “ham chuyện” như chúng ta. Với ông, ở đây ta có một câu chuyện thật gay cấn và đáng được kể lại cho nhiều người nghe dưới hình thức một câu chuyện!

Viết lịch sử như một câu truyện là một nghệ thuật cao cường của tác giả. Dễ hiểu tại sao “Câu truyện” này lại thành công ngoạn mục đến thế. Từ khi ra mắt vào năm 1926, trong vòng 50 năm (1976) tác phẩm đã được tái bản đến 28 lần, và đến nay (đầu 2008) không biết đã đến lần thứ bao nhiêu!…

Tuy nhiên, Will Durant, xuất thân là một ông nghè triết học của đại học Columbia, Hoa kỳ từ năm 1917, không chỉ khéo léo về phương pháp viết lịch sử triết học như một Câu truyện mà còn có đủ thẩm quyền chuyên môn để hiểu bản chất của lịch sử triết học (Tây Phương) như một câu chuyện. Đó là một câu chuyện đúng nghĩa vì đầy những tình tiết éo le, những thăng trầm kịch tính, những đường chim nẻo nguyệt của tâm thức con người được chưng cất ở mức độ đậm đặc nhất.

Sự An Ủi Của Triết Học

Chúng ta sống ngày này qua ngày khác cùng những nỗi bận tâm: không tiền, thất tình, thiếu thốn vật chất và tinh thần, lo lắng, sợ thất bại và giảm áp lực phải hành xử theo chuẩn mực… Nỗi bận tâm nhỏ khiến ta dằn vặt. Nỗi bận tâm lớn có thể huỷ hoại cả đời người. Alain de Botton viết về cách mà các bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử triết học bàn về những nỗi bận tâm, niềm đau khổ trong cuộc sống thường ngày ấy. Khi không được ưa thích, khi chịu áp lực phải hành xử theo chuẩn mực…, ta có thể tìm đến Socrates. Khi không có tiền, ta có thể hỏi ý kiến Epicurus. Còn khi thất tình, ta hoàn toàn có thể chia sẻ với Schopenhauer.

Qua tư tưởng của sáu triết gia vĩ đại, de Botton đã đưa triết học trở lại với mục đích giản dị và quan trọng nhất của nó: giúp chúng ta sống cuộc đời của mình.

Những Tìm Sâu Triết Học

Ngay sau khi xuất bản vào năm 1953, Những Tìm Sâu Triết Học của Ludwig Wittgenstein đã được ca ngợi là một kiệt tác, và những năm tiếp theo đó đã xác nhận đánh giá ban đầu này. Ngày nay nó được thừa nhận rộng rãi là tác phẩm triết học quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Bản dịch tiếng Việt này đã dựa trên ấn bản lần tư, do hai chuyên gia chuyên về Wittgenstein là Peter Hacker và Joachim Schulte, họ đã thêm những thay đổi biên tập quan trọng vào trong các ấn bản trước của tác phẩm này nhằm thể hiện ý định ban đầu của Wittgenstein: sắp xếp lại các nốt của Wittgenstein, chỉnh sửa cho bản gốc Đức, và đánh số lại tất cả các nhận xét trong Phần 2 đồng thời đặt tên lại là “Triết học Tâm lý – Một phân đoạn”. Các thay đổi, chỉnh sửa sâu rộng cũng áp dụng cho cả bản dịch tiếng Anh ban đầu của G. E. M. Anscombe.

Được coi là một triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Ludwig Wittgenstein đóng vai trò trung tâm, gây tranh cãi, trong triết học phân tích thế kỷ 20. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tư tưởng triết học trong các chủ đề đa dạng như logic và ngôn ngữ, nhận thức và ý định, đạo đức và tôn giáo, mỹ học và văn hóa.

Theo Stanford Encyclopedia of Philosophy – Mục Wittgenstein

Triết Học Ấn Độ – Một Cách Tiếp Cận Mới

Trải bao thiên niên kỷ, mục đích cũng như nỗ lực của triết học Ấn Độ vẫn là tìm cách vén mở và hòa nhập vào ý thức – một quá trình luôn bị những sức mạnh của cuộc sống chống kháng và che giấu, hạn chế việc tìm hiểu và mô tả thế giới hữu hình.

Thành quả đạt được tiêu biểu và quan trọng nhất của tinh thần hướng về ĐẠI NGÃ (BRATMAN) là sự khám phá ra cái NGÃ (ATMAN) như một thực thể độc lập, bất tử làm nền tảng cho cá nhân ý thức và cấu trúc thân xác.

Heinrich Zimmer, nhà Ấn Độ học nổi tiếng đã dẫn giải một lối đi vào triết học Ấn Độ mới mẻ, như mở ra thêm cách tìm hiểu, nghiên cứu đầy nhiệt tâm và khoa học hướng độc giả muốn đi sâu vào triết học phương Đông nói chung và triết học Ấn Độ nói riêng.

Triết Học – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Vũ trụ khởi đầu như thế nào? Chân lí là gì? Làm thế nào để ta có thể sống một cuộc đời tốt đẹp?

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, loài người đã tự hỏi mình những điều này cùng những câu hỏi lớn lao khác về bản chất của đời sống và tồn tại và các tư tưởng gia vĩ đại đã đưa ra những lời giải đáp mà cho đến nay vẫn đang tiếp tục định hình thế giới của chúng ta.

Với văn phong dễ hiểu và sáng sủa, Triết học – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp những bài viết ngắn gọn hàm súc giải thích rõ những điều khó hiểu, những sơ đồ từng bước một giúp làm sáng tỏ những lí thuyết rối rắm, những trích dẫn kinh điển giúp triết học trở nên dễ nhớ và những hình ảnh minh họa dí dỏm giúp chúng ta chơi đùa với những tư tưởng của chính mình.

Những Tiểu Luận Triết Học

Được xuất bản lần đầu vào năm 1910, Những tiểu luận triết học của Betrand Russell đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc cách mạng tư tưởng của ông. Quyển sách là tập hợp 7 tiểu luận triết học được trình bày một cách rõ ràng về các vấn đề đạo đức và chân lý. Các tiểu luận này đều là những bài in lại, có chút ít chỉnh sửa, đã được đăng trên nhiều tạp chí.

Qua 7 tiểu luận trong tác phẩm, Betrand Russell đã tiếp cận vấn đề một cách hợp lý từ đạo đức đến chủ nghĩa thực dụng với phong thái tự kiềm chế, phát biểu sáng sủa và lập luận chặt chẽ.

Theo tác giả, tất cả các tiểu luận, có lẽ ngoại trừ tiểu luận về “Lý thuyết nhất nguyên về chân lý” được trình bày sao cho thu hút được những độc giả quan tâm đến những câu hỏi triết học nhưng chưa được thụ huấn chuyên nghiệp về triết học. Bởi vì, với ông, “Khoa triết học, từ những thời kỳ xa xưa nhất, đã tuyên bố nhiều điều lớn lao, và đạt được thành quả ít ỏi, hơn bất kỳ ngành học nào khác… Nay đã đến thời có thể đặt dấu chấm hết cho tình trạng chưa lấy gì làm mãn lòng đó”.

Chủ nghĩa vô thần – Dẫn nhập ngắn

“Chủ nghĩa vô thần thường được coi là một niềm tin tiêu cực, đen tối và bi quan, được đặc trưng bởi sự bác bỏ các giá trị và mục đích và sự phản đối quyết liệt đối với tôn giáo. Chủ nghĩa vô thần: Một giới thiệu rất ngắn được đặt ra để xua tan những huyền thoại xung quanh chủ nghĩa vô thần và cho thấy một cuộc sống không có niềm tin tôn giáo có thể tích cực, có ý nghĩa và đạo đức như thế nào. Nó cũng đối mặt với sự thất bại của các quốc gia vô thần chính thức trong Thế kỉ XX. Cuốn sách trình bày một trường hợp trí tuệ cho chủ nghĩa vô thần, dựa nhiều vào những lí lẽ tích cực cho sự thật của nó cũng như về những lập luận tiêu cực chống lại tôn giáo”.

Lược Sử Triết Học Trung Quốc

Tác giả đã trích dẫn rất nhiều đoạn cổ văn từ các nguồn thư tịch gốc. Việc này khiến tác phẩm của Phùng Hữu Lan không những là một sách tham khảo quý báu về các văn bản gốc của triết học Trung Quốc, mà còn tạo sự thuận lợi bởi vì nó để cho các văn bản cổ xưa tự lên tiếng. Đó là một điều rất quan trọng trong một lĩnh vực như triết học Trung Quốc, khi một văn bản thường có nhiều lời bình chú.

Các nhà nghiên cứu lịch sử triết học Tây phương thường phân chia lịch sử triết học Tây phương làm ba thời kỳ: Thượng cổ, trung cổ, và cận đại. Điều ấy chẳng phải là một sự phân biệt tuỳ ý, bởi vì trong lịch sử triết học Tây phương mỗi thời kỳ quả thực đều có tinh thần đặc biệt và diện mục đặc thù của nó. Tương tự, lịch sử triết học Trung Quốc nếu chỉ chú ý về phương diện thời kỳ, thì cũng có thể phân chia làm ba thời kỳ: Thượng cổ, trung cổ, và cận đại. Mỗi thời kỳ đều có một nền triết học riêng, nên cũng có thể lấy “thượng cổ, trung cổ, và cận đại” để đặt tên cho chúng. Những danh xưng này cũng được dùng trong quyển sách này. Nhưng từ một phương diện khác mà nói, Trung Quốc quả thực chỉ có triết học thượng cổ và triết học trung cổ, chứ không có triết học cận đại.

Triết Học Nhập Môn – Một Dẫn Nhập Cơ Bản Và Thực Nghiệm

Triết Học Nhập Môn là một cuốn sách bàn về ý nghĩa của triết học, so sánh giữa triết học phương Đông – triết học phương Tây, và sự giao thoa của hai nền triết học Đông Tây trong thời đại hiện nay.

“Tập sách Triết Học Nhập Môn này, trong ấn bản lần thứ nhất, đã trình bày về công việc suy tư triết học (chương một) và sự so sánh giữa Triết học phương Đông và Triết học phương Tây (chương hai) đưa tới phần sơ kết với ba viễn tượng: Xung đột, Tây phương hóa, Hội tụ. Viễn tượng thứ ba về Hội tụ xem ra có phần đáng ghi nhận và đáng khai triển hơn cả, nhất là trong thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay. Nhưng khái niệm Hội tụ đã chưa được quảng diễn rộng rãi trong ấn bản nói trên. Trong lần tái bản tập sách này, chúng tôi bổ sung tư tưởng đó bằng cách trình bày sâu và rộng thêm, đồng thời thích ứng hơn nữa với tình trạng toàn cầu hóa ăn nhịp với sự kiện liên văn hóa trong thế giới hiện đại. Sự bổ sung này như thế sẽ được diễn tả qua khái niệm một Triết học liên văn hóa trong chương ba được viết thêm vào đây”.

Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản

Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản là văn bản tốc kí, được Sartre sửa lại, buổi thuyết trình được tổ chức ở Paris vào thứ Hai ngày 29 tháng Mười năm 1945 theo yêu cầu của Câu lạc bộ Maintenant, do Jacques Calmy và Marc Beigbeder lập ra trong thời kì Giải phóng, với mục đích “thúc đẩy hoạt động văn học và trí tuệ”; văn bản này được Nhà xuất bản Nagel ấn hành sau đó một năm. Tại sao tác giả của Tồn tại và Hư vô (1943) lại muốn người ta chấp nhận chủ nghĩa nhân bản trong học thuyết của mình?

Tự Do Đầu Tiên & Cuối Cùng

“Tự do đầu tiên và cuối cùng” tập hợp 20 bài nói chuyện và 38 lời giải đáp thắc mắc về nhiều chủ đề của triết gia Ấn Độ thế kỷ XX- Jiddu Krishnamurti (1895-1986). Đây cũng là một trong những tựa sách đầu tiên đưa tên tuổi Krishnamurti trở thành một triết gia có ảnh hưởng lớn đối với thế giới.

Trong “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, Krishnamurti nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoát khỏi mọi định kiến, quy định, thoát khỏi mạng lưới tư duy, mọi hệ thống, uy quyền, để có được sự tự do tuyệt đối. Ông chỉ ra rất rõ những sai lầm, như tư duy đúng đắn không phải là kết quả của sự trau dồi trí năng đơn thuần hay tuân theo khuôn mẫu – dù khuôn mẫu ấy cao quý đến đâu đi nữa. Ông cũng nhấn mạnh tư duy đúng phải đi kèm với sự tự biết mình.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu

Thông qua môn khoa học nghiên cứu não bộ, tâm lý học, lịch sử, và thậm chí văn hóa đại chúng (pop-culture), triết gia đương đại người Đức Richard David Precht đã khéo léo soi sáng những vấn đề ở tâm điểm của tồn tại con người như: Sự thật là gì? Cuộc sống có ý nghĩa gì? Tại sao tôi nên tốt? và trình bày chúng qua lối văn ngắn gọn, thông tuệ, uốn hút. Kết quả là một chuyến du hành xuyên lịch sử triết học và một dẫn nhập sáng tỏ vào những nghiên cứu hiện thời về não bộ.

Thế Giới Của Sophie

Sophie Amundsen sắp tròn mười lăm tuổi khi được một người lạ mặt đội mũ nồi xanh tiết lộ cô đang sống trên mình một con thỏ trắng lấy ra từ chiếc mũ chóp cao. Và thế là khởi đầu một hành trình sửng sốt ngược dòng lịch sử, thỉnh vấn những “triết gia hàng hiên”, “triết gia hoa viên”, “triết gia thùng gỗ”… hòng giải đáp một nỗi băn khoăn đã ba ngàn năm tuổi song cũng nhanh chóng quên vào điều bí ẩn về chính sự tồn tại của cô.

Chẳng ai ngờ cuốn sách triết nhập môn cho thiếu niên của một thầy giáo Nauy lại trở thành “Cuốn sách bán chạy nhất hành tinh” năm 1995, giành được vô số giải thưởng danh giá trên toàn cầu, rồi được công nhận là một trước tác kinh điển. Thế giới của Sophie đến nay vẫn tiếp tục chinh phục những người đọc trẻ cũng như không còn trẻ nữa. Hàng chục triệu độc giả đã sững sờ thú vị khi thấy mình lại có thể bị hớp hồn vì một thứ nghe khô khan và khó nhằn như “triết học”! Bởi có ai lại không bị mê hoặc khi nhận ra mình cũng dự phần nào vào câu đố ba ngàn năm?

Còn bạn?

Người Xa Lạ

Người xa lạ của Albert Camus được khởi thảo năm 1938, hoàn tất năm 1940 và xuất bản lần đầu năm 1942. Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần dành cho người già cho đến gần cái chết của chính anh ta. Cuốn sách được chia thành 2 phần với 11 chương, với kiểu tự thuật về cuộc đời của nhân vật tôi – Meursault, một nhân viên thư ký lãnh việc gửi hàng hóa.

Thần Thoại Sisyphus

Tập sách là các tiểu luận triết học kinh điển của triết gia Albert Camus, bàn về phi lý, sự tự sát và các yếu tố xoay quanh.

Cộng Hòa

Cuốn sách được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Tác phẩm được trình bày dưới dạng đối thoại giữa Plato và những người khác. Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó cũng xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị. Trong các đoạn chính của Cộng hòa, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do.

Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra làm bạn với cái bóng của mình và mang họ đến thực tế. Vai trò của triết học, cụ thể là những gì Plato gọi là biện chứng, là đưa con người ra khỏi cái bóng và hướng bản thân họ tới thực tế. Đây là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không có nhà nước lý tưởng nào không làm. Độc giả hiện đại có thể đồng ý với mọi điều Plato nói, cũng như lập luận chặt chẽ, cái nhìn đầy chất thơ vẫn có sức mạnh trong việc kích thích và thách thức. Sức mạnh lâu dài này đã làm của Cộng hòa trở thành một trong những nền tảng của văn hóa phương Tây.

Suy Tưởng

Nghe nói Marcus Aurelius thích trích dẫn câu nói trên của Plato, và những ai đã từng viết về ông khó cưỡng lại vận nó vào bản thân Marcus. Và tất nhiên, nếu là đi tìm ông vua-triết gia của Plato bằng xương bằng thịt thì chúng ta cũng khó tìm được ai tốt hơn Marcus, người cai trị Đế quốc La Mã gần hai thập niên, và là tác giả cuốn Meditation (Suy tưởng) bất hủ. Thế nhưng danh hiệu này chắc chắn bản thân Marcus sẽ bác bỏ. Ông không bao giờ nghĩ mình là một triết gia. Ông chỉ tự nhận là một học trò cần mẫn và người thực hành chưa hoàn hảo của một triết thuyết do những người khác lập ra.

Còn về ngôi vua, nó đến một cách gần như tình cờ. Khi Marcus Annius Verus sinh ra, năm 121 CN, những người có mặt đã tiên đoán một sự nghiệp sáng chói trong Viện Nguyên lão của bộ máy cầm quyền. Họ không thể nào đoán được số phận đã dành cho ông ngôi hoàng đế, và trong trí tưởng tượng của họ không thể nào có cảnh tượng người kị sĩ đồng cô độc giơ tay vẫy chào chúng ta từ trên đỉnh đồi Capitol La Mã qua hai nghìn năm.

Friedrich Nietzsche Và Những Suy Niệm Bên Kia Thiện Ác

Ngày nay sự phát triển con người không thể tách rời việc quan tâm sâu sắc, toàn diện đến văn hóa của nó. Vấn đề quan trọng là làm thế nào con người có được hiểu biết, có ý thức và đời sống văn hóa thực sự cao, sâu sắc cho quá trình này. Hi vọng việc tìm hiểu tác phẩm nổi tiếng của F. Nietzsche Bên kia thiện ác được thể hiện qua nội dung cuốn sách Friedrich Nietzsche và những suy niệm bên kia thiện ác với tiếp cận “giả định” hay tiếp cận “tính khả thể” tư tưởng của ông, sẽ đem lại cho người đọc một trong những câu trả lời quan trọng và thuyết phục. Bởi vì, đối với F. Nietzsche văn hóa có nghĩa là giá trị, mà những giá trị cao quý chỉ có thể được sáng tạo bởi triết học.

Tôn Tử Binh Pháp

Tôn Tử nói: “Biết người biết mình, phần thắng sẵn dành; biết đất biết giời, phần thắng vẹn mười.”

Tôn Tử binh pháp là một trong những luận thuyết về chiến lược và chiến thuật thành công nhất trong mọi thời đại. Tôn Tử Binh Pháp do Tôn Tử viết vào thế kỉ 6 TCN, từ đó đã được vô số các nhà quân sự và chính trị nghiên cứu và tham khảo, trong đó có cả Napoleon, Montgomery và Mao Trạch Đông.

Được chia thành mười ba thiên, đề cập đến mọi khía cạnh của chiến tranh, luận thuyết của Tôn Tử đến nay vẫn còn giá trị sâu sắc không kém gì thời xưa. Chiến thuật linh hoạt, khả năng ứng biến nhanh trên chiến trường, cách vận dụng trí tuệ và thấu hiểu tình hình quân địch là những yếu tố cần thiết để dẫn đến thành công. Tôn Tử binh pháp sẽ có ích cho bạn trong mọi cuộc cạnh tranh, dù là ở lĩnh vực kinh doanh, thể thao hay chính trị.

Câu Chuyện Dòng Sông

Hermann Hesse sinh năm 1877, được giải thưởng Nobel Văn chương 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiểu cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904), Demian (1919), Der Steppemvolf( 1972), Narziss und Goldmund (1930), Das Glaserlenspiel (1943).

Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:
“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này’’

Khi viết dòng thơ trên phải chăng Hermann Hesse đã muốn nói lên tất cả ý nghĩa của sự nghiệp văn chương ông giữa cơn biến động phũ phàng của thời đại? Ý nghĩa thâm trầm ấy cũng bàng bạc trong quyển Câu chuyện dòng sông.

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Sáng tạo thêm bên cạnh TRIẾT HỌC một khái niệm mới: TIẾU HỌC, Thomas Cathcart và Daniel Klein đã mở rộng cánh cửa để ánh sáng của rừng cười tràn vào ngôi đền triết học. PLATO VÀ CON THÚ MỎ VỊT BƯỚC VÀO QUÁN BAR… dẫn dắt người đọc vào cuộc du hành vui vẻ và hài hước, qua truyện cười để hiểu lịch sử triết học cổ kim, đưa ra những câu trả lời đơn giản đến bất ngờ cho những ai muốn đi sâu vào bản chất Các Câu Hỏi Lớn mà không bị chìm nghỉm trong lý luận hàn lâm.

Từ đây, các nhà tư tưởng lớn từ cổ chí kim như Aristotle, Plato, Descartes Kant, Hegel, Wittgenstein, Sartre… với ta không còn quá xa cách; siêu hình học, siêu triết học, nhận thức luận, triết học tôn giáo hay đạo đức học… với ta không còn nằm ngoài tầm hiểu.

Heidegger Và Con Hà Mã Bước Qua Cổng Thiên Đường

Sau Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… lại đến bestseller Heidegger và con hà mã bước qua cổng Thiên đường, Thomas Cathcart và Daniel Klein lần nữa kích thích trí tò mò của độc giả.

Heiddegger thông thái cưỡi trên lưng Hà mã ư! Chuyện gì kỳ cục vậy? Thì ra họ lại làm cuộc chu du mới, dùng ống kính vạn hoa soi rọi những đề tài huyền hoặc về sống, chết và nỗi sợ chết khiến đời người bị hủy hoại, về Thiên đường, Địa ngục, bật mí những trò lừa thô sơ hoặc tinh quái dồn ép Thần Chết vào đường cùng thất nghiệp, và nhiều thứ thú vị không ngờ khác … trong lịch sử tinh thần và khoa học của nhân loại.

Với Heidegger và con hà mã bước qua cổng Thiên đường, nếu Freud, Jung, Groucho Marx, Socrates, Woody Allen, Kierkegaard, Lily Tomlin, Đức Phật, Heidegger… gây xoắn não, đã có ngay những họa sĩ truyện tranh New York, xác sống, tất nhiên là cả hà mã và các truyện tiếu lâm độc đáo làm bạn phá lên cười, sáng cả óc. Hàn lâm và vui vẻ, cuốn sách này đúng là triết tếu để lĩnh hội triết – thật là hay, thật là nhộn, thật đấy!

Walden – Một Mình Sống Trong Rừng

Walden – Một Mình Sống Trong Rừng là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm suy tư về quãng đời “hai năm hai tháng hai ngày” sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden, “Giọt nước của Trời”, “đáng yêu hơn kim cương” trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình.

Ở Walden, ông đã số́ng nhiệt thành say mê đầy tỉnh thức “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”. Ông chủ trương sống đơn giản vì “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người”. Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú.

Utopia – Địa Đàng Trần Gian

Trong suốt năm thế kỷ qua kể từ ấn bản đầu tiên, Utopia vẫn được cả thế giới tìm đọc – bất kỳ lúc nào và ở đâu, nó cũng làm cho người đọc phải giật mình, xúc động, và bâng khuâng suy ngẫm về nhân tình thế thái. Nó nhắc nhở, bàn tán, phân tích, giải thích, gợi ý…về tất cả những vấn đề mới mà bạn và tôi quan tâm hàng ngày, từ truyện trộm cắp, nghiện ngập, đĩ điếm nghèo khổ tham nhũng cho đến chuyện trách nhiệm của người tri thức, chuyện trọng dụng nhân tài, và tư chất của người cầm cân nảy mực trong xã hội. Nó bàn thế nào là khoái lạc, là hạnh phúc, cái gì là đáng quý, cái gì không. Nó lột trần những giả ngụy của luật pháp hiện hành, những cáo thậm vô lý của thói thường. Giải pháp tín ngưỡng của nó thật đáng kinh ngạc và rất đáng được cổ vũ trong thế giới khủng bố hiện nay. Nó thiết kế một chế độ chính trị vã xã hội mà nó tin rằng sẽ giúp cho con người được no ấm và hạnh phúc. Và nó khẳng định rằng con người là rào cản của chính mình, bắt nguồn từ lòng ngạo mạn, ý thích được hơn người, được coi là quan trọng vốn bắt rễ rất sâu trong mỗi cá nhân.

(Trịnh Lữ)

Suối Nguồn

… Trong lịch sử nhân loại, hiếm thấy ai phát biểu quan điểm này về con người. Ngày nay, quan điểm này hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, chính quan điểm này – dù tồn tại ở các cấp độ khác nhau của sự khao khát, ao ước, đam mê và hoang mang đau khổ – là quan điểm khởi đầu cuộc sống của những người ưu tú nhất của nhân loại. Đối với đa số họ, đây thậm chí không phải là một quan điểm rõ ràng mà chỉ là một cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt, nó được tạo thành từ những nỗi đau trần trụi và từ niềm hạnh phúc không thể diễn tả nổi. Nó là cảm giác về một kỳ vọng lớn, rằng cuộc sống của một người là quan trọng, rằng những thành tựu lớn lao có thể nằm trong khả năng, và rằng những điều vĩ đại còn nằm phía trước.

Bản chất của con người – và của bất cứ sinh vật nào – không phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tuỳ thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tồn tại. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự sống… Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống

Quân Vương – Thuật Cai Trị

Quân Vương – Thuật Cai Trị là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều thế hệ chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới.

Cuốn sách nhỏ của Niccolò Machiavelli đã hội tự những nguyên tắc làm nền móng cho khoa học quản trị nói chung và chính trị học nói riêng.

Người ta sẽ luôn đọc Quân vương chừng nào con người vẫn chưa thôi trò chơi nguy hiểm nhưng hấp dẫn có cái tên “chính trị”.

Qua cuốn sách, độc giả sẽ tìm ra chân dung một vị quân vương hình mẫu : keo kiệt hay rộng lượng, độc ác hay nhân từ, thất hứa hay giữ lời nếu lời hứa đi ngược lại lợi ích của mình, phải làm gì để tránh bị dân chúng căm ghét, phải thực thi những hành động lớn lao để nâng cao uy tín của mình.

Thiền Và Nghệ Thuật Bảo Dưỡng Xe Máy

Rùng mình vì cảm xúc cho đến trang cuối cùng. Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy một trong những tác phẩm best-seller cực kỳ quan trọng của thời đại chúng ta. Đây là hành trình tuyệt diệu của một người đi tìm lại chính mình. Một thiên sử thi hiện đại, chuyển hóa cả một thế hệ và tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người – một ví dụ thấm thía về cách chúng ta sống và làm thế nào sống tốt hơn.

Câu chuyện kể về một chuyến đi mùa hè bằng xe máy của hai cha con, Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy trở thành cuộc phiêu lưu triết học vào những câu hỏi nền tảng. Mối quan hệ của người kể chuyện với đứa con dẫn đến một sự xem xét bản thân sâu sắc; công việc bảo dưỡng xe máy khiến tiến trình khảo sát khoa học, tôn giáo và nhân văn trở nên cực kỳ cuốn hút.

Cộng hưởng với những khắc khoải nhân sinh, tác phẩm kinh điển này là một cuốn sách siêu nghiệm về cuộc đời vô cùng xúc động.

Đi Tìm Lẽ Sống

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button