Sách hay về sông Mekong

Sách về sông Mekong hay nhất. Dẫn người đọc vào chuyến hành trình khám phá Mekong từ thượng đến hạ nguồn, tìm hiểu về về cuộc sống dọc theo dòng Mekong, và những người phụ thuộc vào tài nguyên nơi đây.

Những Ngày Cuối Cùng Của Dòng Mekong Hùng Vĩ

Những Ngày Cuối Cùng Của Dòng Mekong Hùng Vĩ

Tác giả Brian Eyler là giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington, DC. Ông từng có thời gian quản lý các trung tâm du học ở Bắc Kinh và Côn Minh, Trung Quốc cho IES Abroad và dẫn đầu nhiều chuyến tham quan học tập trên khắp khu vực sông Mekong.

Trong Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ, Brian Eyler dẫn người đọc bước vào một chuyến khảo sát Mekong từ thượng đến hạ nguồn, tìm hiểu về những người phụ thuộc vào tài nguyên nơi đây. Thông qua câu chuyện sinh kế của các cộng đồng cư dân chịu tác động bởi chính sách khai thác và tái định hình môi trường dòng sông này, ông đưa ra các giải pháp hợp lý, và cũng cảnh báo nếu những kịch bản tốt lành không xảy ra.

“Một tác phẩm tuyệt vời, giàu thông tin về cuộc sống dọc theo dòng Mekong, và về các lực lượng đang làm thay đổi vùng này. Eyler đưa ra những kiến giải sâu sắc chỉ có thể có được sau nhiều năm làm việc tại thực địa”_Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Mekong – Phù Sa Phiêu Bạt

Mekong – Phù Sa Phiêu Bạt

Khải Đơn không phải là một tác giả mới. Cô là một cây bút quen thuộc với bạn đọc qua nhiều bài xã luận gây chú ý trên báo chí, mạng xã hội và nhiều tác phẩm đã xuất bản như Đừng tháo xuống nụ cười (2014), Sài Gòn – Thị thành hoang dại (2015), Ta có bi quan không? (2017), Gập ghềnh tuổi 20 (2017). Các tác phẩm của cô chủ yếu viết về lối sống, tâm thế giới trẻ thành thị, lan tỏa thái độ sống tích cực.

Với Mekong, phù sa phiêu bạt, Khải Đơn thể nghiệm một hướng viết khác: du ký. Nhưng không phải du ký “check in” điểm đến, cảnh đẹp và ăn gì chơi gì. Đó không phải những chuyến du lịch chớp nhoáng, ào ào lũ lượt vội đến vội đi. Khải Đơn đi nhiều, nhưng ở mỗi nơi đi qua, cô đều cố gắng tìm đến những ngóc ngách ẩn mật, khám phá một đời sống che đậy bên dưới cái lạ, cái mới, sự hào nhoáng bề mặt.

Cuốn sách chia làm bốn phần: Thái Lan, Campuchia, Lào & Myanmar và Việt Nam. Đây là năm quốc gia hạ nguồn, đang thụ hưởng nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn mà dòng Mekong mang lại. Nhưng đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi cực đoan đang diễn ra ở vùng thượng lưu dòng sông này. Không tham vọng chuyển tải những quan điểm mang tính đại tự sự, Khải Đơn lặng lẽ với những chuyến du hành cá nhân đơn độc để kể câu chuyện những số phận: số phận một giới tuyến, một cây cầu hay một con người vô danh lưu lạc…

Ở Campuchia, đó là những đứa bé nhà quê nghèo đói lên thành phố phục vụ tình dục cho khách Tây thích tìm “của lạ”, đó là ngôi đền nằm chênh vênh nơi đường biên giới Campuchia – Thái Lan, một điểm nóng tranh chấp, một đường biên mong manh vô hình có đời sống riêng. Ở Thái Lan, đó là những phận người hoang mang đi tìm lại bản dạng giới, là cung đường đẫm máu người trên chiếc cầu bắc qua sông Kwai huyền thoại, là vị sư quyết tâm giữ rừng cho quê hương, là thị trấn nơi những thuyền nhân Việt Nam ngày xưa dạt đến. Ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long thuộc Việt Nam, đó là những cồn lở, nhà trôi, những con cá khổng lồ chỉ còn trong huyền thoại. Ở Myanmar, đó là xung đột tôn giáo bên dưới vẻ bề ngoài tưởng chừng êm ả và cuộc truy quét cả một dân tộc bị cố tình nhấn chìm vào quên lãng. Và ở Lào, đó là phẳng lặng và cuộc sống an lành của một vùng đất giữ gìn truyền thống Phật giáo Tiểu thừa…

Những con người bình thường, những cảnh sống trôi nổi, những sinh phần buồn bã, lãng quên được lưu giữ lại trên trang viết của Khải Đơn có sức lấp lánh như những hạt phù sa lang thang mà dự phần làm nên cuộc sống lớn lao của Mekong, dòng sông có một lịch sử, một thực tại đặc biệt, một tương lai bất định.

Tác giả cũng hòa mình vào trong dòng chảy phù sa phiêu bạt ấy để trang viết ánh lên những giá trị của dấn thân, trầm tư, thấu hiểu và yêu thương.

Điều đó làm cho du ký của nhà văn trẻ này mang một sức sống hướng nội, một sự quyến rũ rất riêng, khó lẫn vào dòng chảy sách du ký của những người cùng thế hệ.

Sông Mê Kông Hay Sông Cửu Long Với Biến Đổi Khí Hậu Toàn Cầu

Sông Mê Kông Hay Sông Cửu Long Với Biến Đổi Khí Hậu Toàn Cầu

Giờ đây, khi đã ở tuổi 80 – tuổi được nghỉ ngơi, nhưng kỹ sư cao cấp Ngô Lực Tải vẫn nặng tình với quê hương, với những vấn đề biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long để hoàn thành một công trình đầy ý nghĩa.

Đó là công trình Sông Mêkông hay Cửu Long với biến đổi khí hậu toàn cầu. Như tên gọi của cuốn sách, nội dung tập trung làm rõ những nhân tố tác động đến biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như những hậu quả tiêu cực mà biến đổi khí hậu mang đến cho vùng đồng bằng.

Cuốn sách mà bạn đọc đang có trong tay, là kết quả của một quá trình lao động không mệt mỏi của một tri thức đầy tâm huyết và trách nhiệm đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi kỹ sư cao cấp Ngô Lực Tải sinh ra và lớn lên.

Đi Dọc Dòng Sông Phật Giáo

Đi Dọc Dòng Sông Phật Giáo

Mê Kông (dài 4.880km) là dòng sông dài thứ tư châu Á sau Trường Giang (6.300km), Hoàng Hà (5.464km) và Ô Bi (5.410km), và dài thứ ba Trung Quốc sau Trường Giang và Hoàng Hà. Riêng thượng nguồn Mê Kông (thuộc Trung Quốc) được coi là kỳ bí, hiểm trở và phức tạp hơn cả thượng nguồn của Trường Giang và Hoàng Hà. Trong ba dòng sông lớn nhất Trung Quốc thì Mê Kông là con sông quốc tế duy nhất bởi nó chảy qua lãnh thổ tới sáu nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong bốn dòng sông vĩ đại nhất châu Á thì Mê Kông là dòng chảy duy nhất băng qua lãnh thổ nước ta với đoạn hạ lưu cực kỳ quan trọng được biết dưới cái tên nổi tiếng “Cửu Long Giang”.

Ý tưởng làm phim về Mê Kông đã được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thai nghén từ lâu nhưng việc chuẩn bị mới bắt đầu từ năm 2000 bằng chuyến đi thăm dò đầu tiên trên đất Trung Hoa. Sở dĩ phải thăm dò vì hiểu rằng phần kì bí, hiểm trở, ngoạn mục và khó tiếp cận nhất chính là đoạn đầu nguồn trên đất Trung Quốc, chiếm tới một nửa chiều dài của dòng chảy. Mục đích thăm dò là tìm hiểu về khả năng tiếp cận dòng sông, đặc biệt là về các mặt thủ tục hành chính, ngoại giao và đường sá. Mục tiêu này được kết hợp với nhiệm vụ chính của chuyến đi là thực hiện bộ phim tài liệu Trung Hoa du ký, đã lên kế hoạch từ nhiều năm trước, dài 23 tập. Năm 2001, HTV lại tổ chức một chuyến đi tiền trạm Trung Quốc kết hợp với việc làm bộ phim tài liệu Những nẻo đường Trung Hoa dài chín tập.

Tác giả Trần Đức Tuấn có may mắn là người được tham gia trọn vẹn cả 15 chuyến đi được coi là “lịch sử” của đoàn làm phim. Đối với tác giả, đó là những hành trình có một không hai trong nghề, thậm chí trong cả cuộc đời, bởi được trực tiếp đặt chân hoặc tận mắt quan sát các miền đất kỳ lạ, nhiều cảnh tượng kỳ vĩ, không gian tráng lệ, những góc trời u tịch hẻo lánh, những đỉnh đèo lơ lửng trong mây, những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu, những cửa ải biên thùy quạnh vắng, kinh thành cổ kính, những thác ghềnh hiểm trở, những dòng sông thơ mộng nổi tiếng, kể cả sào huyệt của bọn thảo khấu giang hồ khét tiếng, những địa danh được nói đến trong nhiều áng thơ Đường bất hủ và trong các trang tiểu thuyết lừng danh, những đền đài lăng tẩm vĩ đại, địa bàn cư trú của nhiều tộc người độc đáo, các sa mạc mênh mông, những thảo nguyên bất tận, cao nguyên trên nóc nhà thế giới và trên tất cả là được hình dung phần nào diện mạo toàn cảnh của Mê Kông hùng vĩ.

15 chuyến đi dài ngày đã đem lại cho các thành viên đoàn làm phim biết bao cảm nhận, hiểu biết lạ kỳ, lý thú, nhiều kỷ niệm để đời, nhiều ấn tượng sâu đậm. Tuy nhiên, hạnh phúc lớn nhất chưa phải là những điều vừa kể mà chính là cơ hội được chia sẻ thông tin và cảm xúc tuyệt vời của mình với hàng triệu khán giả trong đó có tình yêu bao la đối với dòng sông vĩ đại.

Riêng Mê Kông, ngay từ khi còn chưa được tiếp cận, đoàn của tác giả đã có cảm giác rằng đó là một tạo vật phi thường của tạo hóa, là một trong những dòng sông huyền bí nhất trên mặt địa cầu. Cảm giác đó cho tới tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí mạnh mẽ hơn. Dòng nước ra đi từ một cõi hư vô tuyết sơn vĩnh cửu và chấm dứt hành trình ở một cõi hư vô khác, tức biển cả mênh mông. Cuộc trường hành gần 5.000km đó thực sự lạ lùng và kỳ bí, chủ yếu lặng lẽ âm thầm như chàng lãng tử rời khỏi chốn bồng lai, một mình lang bạt nơi hoang vu hẻo lánh, giữa núi rừng cô quạnh hoặc thờ ơ lướt qua chốn phồn hoa đô hội ở giữa cõi trần.

Đặc biệt, cả năm quốc gia mà dòng Mê Kông chảy qua đều là những xứ sở Phật giáo điển hình. Những nẻo đường mà tác gải Trần Đức Tuấn đặt chân đều dày đặc những dấu tích của nền văn hóa Phật giáo, từ lịch sử cho tới kiến trúc, tín ngưỡng, nghệ thuật, truyền thuyết dân gian.

Cuốn sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo” không phải là bức tranh toàn cảnh, dù sơ sài của dòng sông vĩ đại, mà chỉ là một vài góc nhìn thấp thoáng, dọc theo cuộc hành trình của đoàn làm phim thám hiểm tìm kiếm dấu chân của chàng lữ khách Mê Kông phiêu lãng.

Đó là một số ký sự ngắn trong số những bài đăng trên hai tờ tạp chí HTV và Văn hóa Phật giáo mà tác giả viết rải rác sau mỗi chuyến đi làm phim về. Nội dung sách cũng không khái quát toàn bộ 15 chuyến đi, ví dụ thiếu hẳn chuyến đi cực kỳ quan trọng năm 2003 xuyên suốt chiều dài Bắc Nam tỉnh Vân Nam Trung Quốc lần theo cả ngàn kilômét Mê Kông hoặc thiếu đi gần như toàn bộ chuyến đi năm 2000. Hy vọng phần khiếm khuyết này sẽ được bổ sung trong một ấn phẩm khác. Riêng về sông, ngoài việc kiếm tìm dòng chính Mê Kông cùng với một số chi lưu, phụ lưu tiêu biểu của nó ở cả trong và ngoài biên giới Việt Nam, sách còn đề cập tới một số cuộc tiếp cận thượng nguồn hai đại trường giang số một và số hai châu Á là Hoàng Hà và Dương Tử mà đoàn làm phim có may mắn lớn được tới thăm.

Đó là những khoảnh khắc cực kỳ quý hiếm bởi chúng là những đoạn sông kỳ vĩ ở tận lưng trời, rất hẻo lánh, khuất nẻo, hoàn toàn xa lạ đối với các tuyến du lịch. Hai bài viết về thượng nguồn Hoàng Hà và Dương Tử (tức Trường Giang) sẽ phần nào giúp độc giả tham khảo và so sánh chúng với Mê Kông trên các nét tương đồng và dị biệt.

Người Tình – Marguerite Duras

Người Tình – Marguerite Duras

Người Tình (Tái Bản) là một tiểu thuyết dạng hồi ký của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras. Từ cuộc đời thơ ấu của mình, bà tái hiện lại bối cảnh đầy bi kịch của người Pháp trên đất thuộc địa Đông Dương một thuở.… là một cô gái đẹp, có một sức sống cuồng nhiệt tỏa ra từ sức quyến rũ lạ kỳ. Theo cha sang tham chiến ở Việt Nam với những giấc mộng xa hoa, cả gia đình cô đã sớm mang nỗi thất vọng câm lặng. Nỗi thất vọng đó trở thành vũng lầy khi cha cô chết và người mẹ đau khổ của cô trở nên điên loạn trong mọi cư xử thường nhật, cũng như trong nỗ lực bám trụ vùng thuộc địa. Cuộc sống gia đình là một địa ngục, nơi cô thậm chí không dám vùng vẫy thoát ra vì biết nếu những người thân còn hơi thở, thì sự khốn khổ của họ còn phả phất khôn nguôi trong tâm trí của cô.

Đối diện với cái chết, đói khát, tuyệt vọng, những linh hồn bị đọa đày, bệnh hoạn, cô gái trẻ 15 tuổi rưỡi đã ngột thở trong nỗi đau đầy ám ảnh. Một trí tuệ hơn người càng khiến cho sự ám ảnh đó bóp chặt trái tim non trẻ, đưa cô đến những tâm tưởng vượt qua thời thiếu nữ, những suy nghĩ khinh nạm trong bất lực, những mơ ước bị chôn vùi. Và khi gặp người đàn ông gốc Hoa trên bến phà Cửu Long đó, cô tức khắc hiểu được con đường duy nhất giải thoát linh hồn bằng bản năng thơ dại. Đó là một người tình. Tất cả chuyện yêu đương của họ nằm trong vòng tình dục. Tình dục lôi họ ra khỏi nỗi đau thực tại, xóa bỏ tất cả sợ hãi, khơi dậy mọi mặc cảm để rồi nhấn chìm nó trong niềm kiêu hãnh của thể xác…Cuộc tình đó có số phận hòa lẫn vào số phận cô gái trẻ. Và cũng như cái thực tại mong manh, vô vọng, cuộc tình của họ đã biết một ngày mai không hứa hẹn. Vết thương chia ly đó hàng chục năm sau cũng không lành. Người tình là tột cùng đau khổ của những số phận trong tác phẩm, nhưng cũng chính là chấm điểm hạnh phúc nhỏ nhoi duy nhất mà, bám vào đó, họ biết mình còn tồn tại.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button