Sách hay về lạm phát

Sách về lạm phát hay nhất. Hiểu biết và nhận thức về lạm phát và tốc độ trượt giá của đồng tiền. Tìm thấy sự khích lệ, các bước hành động cụ thể để hướng đến sự thay đổi trong tương lai.

Đô-La Hay Lá Nho

Đô-La Hay Lá Nho

Là một cuốn sách kinh tế học, tuy nhiên Naked Economics (với tên tiếng việt là Đô-la hay lá nho ?) không hề khô khan với các khái niệm, thuật ngữ và nguyên lý sơ đẳng của môn kinh tế học được liệt kê theo kiểu “gạch đầu dòng” nhạt nhẽo và buồn tẻ. Bức chân dung kinh tế học mà Wheelan vẽ ra trong cuốn sách của mình với tựa đề vừa khêu gợi, vừa thách thức, lại vừa mang tính cổ động quả thật rất sinh động và đầy sức cuốn hút.

Cuốn sách Đô-la hay lá nho ? – Lột trần cô nàng kinh tế học của Wheelan bàn về những vấn đề cơ bản của kinh tế học, hay cụ thể hơn, các nguyên lý về nền kinh tế thị trường. Chúng được giới thiệu thông qua việc mổ xẻ các sự kiện, biến cố hay các vấn đề kinh tế cụ thể, gần như thường nhật, theo một cách đơn giản và dễ hiểu. Việc mổ xẻ đó làm cho người đọc dễ dàng “hóa giải” những vấn đề thiết thân, gần gũi của cuộc sống nhưng vốn có vẻ phức tạp, khó hiểu nếu tiếp cận theo kiểu hàn lâm. Qua cách tiếp cận của Wheelan, các nguyên lý, nguyên tắc khô khan của kinh tế học thoát khỏi lớp vỏ khái niệm trừu tượng để hóa thân thành những vấn đề của chính đời sống thực tiễn.

Đây là một cuốn sách “nguyên lý kinh tế” rất độc đáo. Không phương trình, không thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, cũng không có các đồ thị rối rắm. Wheelan đã chứng minh rằng các quan điểm kinh tế học hoàn toàn có thể được giải thích đơn giản, dễ hiểu bằng ngôn ngữ thuần túy. Kinh tế học qua cách viết của ông được đúc rút lại trong những yếu tố cơ bản nhất. Và qua cuốn sách, người ta có thể dễ dàng thấy kinh tế học thật sự dễ hiểu.

Đón Đầu Siêu Lạm Phát

Đón Đầu Siêu Lạm Phát

Chúng ta đang được chứng kiến thị trường tài chính tiền tệ đang chao đảo trong những ngày gần đây với động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc.

Điều gì xảy ra tiếp theo khi Nhà nước bắt buộc phải phá giá đồng nội tệ? Chắc chắn khi đồng tiền bị làm giảm giá trị thì lạm phát xảy ra như một điều tất yếu. Nói một cách khác là sức mua của số tiền ta đang sở hữu ngày hôm nay đã bị giảm đi, hay dễ hiểu hơn, Chúng ta cần nhiều tiền hơn ngày hôm nay để mua một sản phẩm có giá thấp hơn so với ngày hôm qua. Đây là 1 vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ Việt Nam, mà các cường quốc thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc cũng đau đầu đối phó với sự kiện này.

Cuốn sách sẽ đưa bạn đến với một thế giới bí mật – thế giới trước nay luôn bị các nhà tài phiệt và truyền thông quốc tế âm mưu che giấu. Trong thế giới của hệ thống tài chính quá khứ, hiện tại và tương lai mịt mùng, có lẽ bạn sẽ cảm thấy chóng mặt trước tốc độ trượt giá của đồng tiền, nhưng hơn hết bạn cũng sẽ tìm thấy sự khích lệ, các bước hành động cụ thể để hướng đến sự thay đổi tốt đẹp trong tương lai.

Lời Nguyền Tiền Mặt

Lời Nguyền Tiền Mặt

Bằng lập luận chặt chẽ, dựa trên các sự kiện và số liệu thực tế, tác giả Kenneth S. Rogoff đã giúp độc giả đánh giá được vai trò của tiền mặt trong nền kinh tế hiện đại cũng như tầm quan trọng của nó đối với chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Phần I cuốn sách đề cập đến mặt trái của tiền giấy. Đó là trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm và các vấn đề an ninh. Theo Rogoff, một trong những ưu điểm của tiền giấy là bảo đảm tính riêng tư, tuy nhiên, các thành phần tội phạm cũng mong muốn sự riêng tư đó. Tiền giấy, đặc biệt là tiền mệnh giá lớn trở thành một công cụ hỗ trợ cho tội phạm. Việc loại bỏ tiền giấy mệnh giá lớn được cho là một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tội phạm và tăng doanh thu thuế.

Phần II cuốn sách trình bày về lãi suất âm, giúp bạn đọc hiểu được những ảnh hưởng của “giới hạn gần 0” tới nền kinh tế vĩ mô; lãi suất âm đối với mục tiêu lạm phát cao hơn, GDP danh nghĩa, chính sách tài khóa,…; việc áp dụng lãi suất âm là giải pháp tích cực hay tiêu cực trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai,…

Phần III cuốn sách tập trung bàn luận về phương diện quốc tế đối với việc loại bỏ tiền giấy và cập nhật tình hình tiền kỹ thuật số trong thời đại hiện nay.

Mặc dù dựa trên những đặc điểm, tình hình của nền kinh tế phương Tây nhưng cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, những người theo học chuyên ngành kinh tế, tài chính cũng như độc giả quan tâm đến vấn đề này.

Các Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ

Các Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ

Cuộc chiến tranh tiền tệ được định nghĩa là cuộc chiến do một quốc gia khởi xướng bằng cách hạ thấp giá trị đồng tiền của chính quốc gia đó. Hành động này tạo ra những kết cục tàn phá và đáng sợ nhất với hệ thống kinh tế thế giới. Hệ lụy kinh tế đi kèm với chiến tranh tiền tệ là tăng trưởng đình trệ, lạm phát, các biện pháp khắc khổ và hoảng loạn tài chính.

Kinh tế thế giới đã chứng kiến cuộc chiến tiện tệ trong giai đoạn 1921-1936 và 1967-1987. Và theo tác giả, thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh tiền tệ mới khởi đầu từ năm 2010, chưa có thời điểm kết thúc cụ thể.

Trong quyển sách này, tác giả cung cấp sơ lược nhưng đầy đủ về hai cuộc chiến tranh tiền tệ trong lịch sử, cùng với lý thuyết hữu ích về tài chính và tiền tệ, từ đó tác giả liên hệ với tình hình hiện tại của sự giằng co giữa các đồng tiền mạnh trên thế giới.

Cuộc Đại Lạm Phát & Những Hệ Lụy

Cuộc Đại Lạm Phát & Những Hệ Lụy

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, có thể nói lạm phát là đề tài luôn dành được sự quan tâm thường xuyên và to lớn từ tất cả mọi người: giới học thuật, các Chính phủ và các cơ quan điều tiết, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, người lao động v.v… Lạm phát gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và theo đó là hành vi kinh tế của tất cả chúng ta. Cuốn sách này nó về chính đề tài luôn nóng bỏng này – lạm phát ở nước Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đây chính là một khoảng trống lớn trong lịch sử nước Mỹ. Trong tác phẩm đầy tính thách thức này, theo tác giả Robert J.Samuelson – một phóng viên chuyên mục của Washington Post và Newsweek – cuộc Đại Lạm phát là sai lầm chính sách tệ hại nhất của nước Mỹ trong giai đoạn sau Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong việc biến đổi chính trị, kinh tế cũng như đời sống hàng ngày tại đất nước này, thế nhưng câu chuyện về nó lại chưa hề được lắng nghe hay quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn kinh tế bất ổn hiện nay, chúng ta lại càng cần phải tìm hiểu cho rõ những gì đã xảy ra vào những năm 1960 và 1970, nếu không muốn lặp lại những sai lầm đã qua!

Từ 1960 đến 1979, lạm phát tại Mỹ đã leo thang từ mức hơn 1% lên gần 14%. Đây là giai đoạn lạm phát trong thời bình lớn nhất tại Mỹ, gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống của tất cả mọi người. Những hậu quả trực tiếp của đợt lạm phát này bao gồm việc Ronald Reagan đắc cử Tổng thống năm 1980, sự trì trệ trong mức sống, cùng với niềm tin phổ biến rằng sức mạnh siêu cường của nước Mỹ đang đi vào hồi kết. Tác phẩm Cuộc Đại Lạm phát và những hệ lụy truy tìm căn nguyên của thời kỳ lạm phát bùng nổ lên mức hai chữ số, sự sụt giảm tiếp theo của lạm phát trong giai đoạn suy thoái 1981-1982 do quyết tâm và đường lối của Cục Dự trữ Liên bang (FED), với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tổng thống Reagan.

Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Sự kết thúc của lạm phát cao lại châm ngòi cho những thay đổi về kinh tế và xã hội hiện vẫn đang hiện diện cùng chúng ta ngày hôm nay. Các bong bóng nhà đất và chứng khoán là những hậu quả trực tiếp, ngoài ra còn có những hậu quả khác như doanh nghiệp Mỹ trở nên có năng suất cao hơn, ít bảo vệ người lao động hơn, và toàn cầu hóa được khuyến khích.

Theo tác giả Robert J.Samuelson, chúng ta sẽ không thể hiểu thế giới ngày nay nếu như không hiểu cuộc Đại Lạm phát và những hệ lụy của nó. Chúng ta cũng không thể chuẩn bị tốt cho tương lai nếu không học được những bài học từ thời gian này. Tác phẩm sắc sảo và nhiều thông tin này xứng đáng là một bản tổng kết có giá trị về một sự kiện quan trọng trong thời đại của chúng ta.

Bong Bóng Kinh Tế Và Làn Sóng Vỡ Nợ Quốc Gia

Bong Bóng Kinh Tế Và Làn Sóng Vỡ Nợ Quốc Gia

Cơn sóng thần tín dụng giá rẻ quét qua thế giới từ năm 2002 đến năm 2008 không phải là một hiện tượng tài chính đơn giản: đó là một sự cám dỗ, một cơ hội cho mọi xã hội phô bày những khía cạnh trong tính cách mà bình thường chúng ta không bao giờ để lộ ra. Người Iceland muốn ngừng câu cá và trở thành nhân viên ngân hàng đầu tư, người Đức muốn trở nên Đức hơn, còn người Ireland không muốn làm người Ireland nữa.

Cuốn sách này bắt đầu với một bản điều tra về những bong bóng vượt ra ngoài nước Mỹ. Nó tuyệt vời và bi hài đến mức các độc giả người Mỹ phải thốt lên rằng: “Ồ, những kẻ ngoại quốc này thật ngu ngốc”. Nhưng ngay sau đó, khi Lewis chuyển con mắt xét đoán không khoan nhượng về California và Washington, người Mỹ sẽ biết sự hài hước ấy chỉ là miếng mồi dẫn họ đến một cái bẫy khi choáng váng nhận ra rằng những khoản nợ của nước Mỹ – con nợ lớn nhất và tham lam nhất thế giới này – sắp đến hạn thanh toán.

Mối Quan Hệ Giữa Lạm Phát Và Tỷ Giá Hối Đoái Trong Nền Kinh Tế Việt Nam

Mối Quan Hệ Giữa Lạm Phát Và Tỷ Giá Hối Đoái Trong Nền Kinh Tế Việt Nam

Nội dung cuốn sách trình bày cơ sở lý luận chung về lạm phát, tỷ giá hối đoái và mối quan hệ giữa hai biến số này; đánh giá thực trạng lạm phát, tỷ giá hối đoái ở Việt Nam và nghiên cứu thực nghiệm mối quan hệ giữa chúng thông qua mô hình véc tơ tự hồi quy (VAR); qua đó khuyến nghị các giải pháp quản lý lạm phát nhằm ổn định tỷ giá hối đoái tại Việt Nam.

Trong quá trình biên soạn, tác giả đã cố gắng bám sát thực tiễn diễn biến của lạm phát và tỷ giá hối đoái tại Việt Nam để đưa ra những nhận định khách quan, trung thực và đề xuất những giải pháp phù hợp.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button