Sách hay về nhân quyền

Sách về nhân quyền hay nhất. Nhận thức về sự sắp đặt, kìm kẹp của xã hội, tìm lại nhân quyền và bản ngã của chính mình. 

1984 – George Orwell

1984 –  George Orwell

Mặc dù nhiều người biết đến Animal Farm (Trang trại súc vật) hơn nhưng 1984 (xuất bản năm 1949) mới là tác phẩm được đánh giá cao nhất của George Orwell. Nhà văn kiêm phóng viên người Anh này đã phác họa ra một thế giới hư cấu với cốt truyện chính được diễn ra tại miền đất Airstrip One, một tỉnh thành của siêu nhà nước Oceania. Trong thế giới của 1984, chiến tranh diễn ra liên miên thông qua sự giựt dây của nhà nước chuyên chế Ingsoc với mục tiêu là những người theo chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết – Winston Smith – là một nhân viên chăm chỉ của Ministry of Truth (Bộ Sự thật) và luôn mang trong mình hoài bão đảo chính nhà nước Ingsoc cùng thủ lĩnh của nó là Big Brother (Anh Cả).

1984 được xem là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại tư tưởng chính trị và khoa học giả tưởng. Nhiều từ vựng được George Orwell sử dụng trong cuốn tiểu thuyết thậm chí còn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay tại những quốc gia nói tiếng Anh. Có thể nói, trong một thế giới đầy biến động chính trị như hiện nay thì thông điệp của 1984 lại càng trở nên thực tiễn hơn bao giờ hết.

Giết Con Chim Nhại

Giết Con Chim Nhại

Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.

Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.

Pachinko

Pachinko

“Trong tác phẩm hoành tráng đầy ám ảnh này, không câu chuyện nào là phụ và chỉ để lướt qua. Lee đã cho chúng ta thấy rằng, đằng sau vẻ ngoài của những con người rất khác nhau là vô số ham muốn, hy vọng và những nỗi niềm riêng tư, chỉ cần chúng ta có đủ kiên nhẫn và từ bi để nhìn ngắm và lắng nghe.” – The New York Times Book Review

“Thật đáng kinh ngạc. Bóng dáng bút pháp của Dickens và Tolstoy đã được áp dụng cho câu chuyện về một gia đình người Hàn sống ở Nhật trong thế kỷ 20.” – Gary Shteyngart, tác giả ăn khách nhất theo The New York Times

“Pachinko đã đưa Lee lên hàng những tiểu thuyết gia tài giỏi nhất của chúng ta.” – Junot Díaz, nhà văn đoạt giải Pulitzer 2008

Bàn Về Tự Do

Bàn Về Tự Do

Khác với việc tiếp cận các học thuyết tư tưởng phương Đông, việc tiếp cận các trào lưu tư tưởng tinh hoa của phương Tây đối với độc giả Việt Nam đã và vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. Không nói tới các nhà tư tưởng cổ đại như Socrates, Plato, Aristotle, v.v… mà ngay cả các nhà tư tưởng cận đại của phong trào Khai sáng, độc giả cũng hiếm có cơ hội để có được bản dịch các tác phẩm kinh điển quan trọng. Nhìn tổng thể, có thể nói các sách biên khảo khoa học và các học thuyết quan trọng của phương Tây vẫn chưa được giới thiệu một cách nghiêm túc và hệ thống ở Việt Nam.

Khoảng trống về đề tài quan trọng này là điều bất lợi lớn với một đất nước đang muốn xây dựng nền kinh tế tri thức và mở rộng quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hoá với các nước phát triển. Trên tinh thần mong muốn truyền tải những tư tưởng đó, bồi đắp thêm những khoảng trống về tri thức còn thiếu hụt, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả bản dịch luận văn Bàn về tự do (On Liberty – 1859) của John Stuart Mill qua bản dịch của Nguyễn Văn Trọng.

Mặc dù được viết ra cách đây đã gần 150 năm nhưng Bàn Về Tự Do vẫn còn nguyên giá trị và là tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong tư duy lý luận và tư tưởng phương Tây. Thời Canh tân Minh Trị ở Nhật Bản và thời Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc, hai nước đã cho dịch và phát hành rộng rãi cuốn sách này để mở mang tri thức cho dân tộc.

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J. J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị (Du Contrat social – ou principes du droit politique).

Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”.

Về mục đích cuốn sách, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.

Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ được chia làm bốn quyển:

  • Quyển thứ nhất gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập Công ước xã hội.
  • Quyển thứ hai gồm 12 chương, chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp.
  • Quyển thứ ba gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp.
  • Quyển thứ tư gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề cơ quan tư pháp.

Những người yêu J. J. Rousseau và đã đọc Khế ước xã hội thường nói: đọc Khế ước xã hội thật là mệt. Vì văn chương của tác giả vừa uyên thâm, vừa uẩn súc; cách lập luận của ông dựa vào phương pháp logic kiểu Descartes, rành rọt, hiển nhiên, nhưng đồng thời bao quát nhiều ý niệm, soi vào nhiều góc cạnh của vấn đề, lại phải trình bày rất khéo léo những quan điểm đối nghịch với chính thống đương thời.

Bài luận văn có những câu dài tới trên 10 dòng, phải tách nhỏ ra một cách linh hoạt thì mới diễn dịch được tư duy của tác giả. Nhưng thật là một niềm vui lớn cho người nghiên cứu khi nắm bắt được những ý lớn và khái quát được tư tưởng vĩ đại của J. J. Rousseau trong Khế ước xã hội. Cuốn sách được in chui và phát hành đầu năm 1762, khi mà Chính phủ Hoàng gia và Nghị viện Pháp ra lệnh đốt một số sách của Rousseau. Ông phải chạy trốn, sống cuộc đời lưu vong, không ổn định và nghèo khổ, cho đến ngày 2/7/1788, từ giã cõi đời tại làng Camenonville, và chôn trên hòn đảo Dương Liễu heo hút ngày 4/7/1788.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button