Sách hay về giáo dục

Sách về giáo dục hay nhất. Giáo dục là đào tạo, phát triển khả năng con người, tạo nền tri thức rộng, tạo ý thức lịch sử, nhân loại, để làm công dân, làm người văn hóa chứ không đơn thuần là một chuyên gia trong một lãnh vực chuyên môn.

Thiên Tài & Sự Giáo Dục Từ Sớm

Nhiều năm trước đây thường xảy ra chuyện con cái của những gia đình giàu có bị bắt giữ vì những hành vi trái đạo. Khi ấy, những gia đình giàu có này sẽ tìm đến cánh nhà báo mà họ vẫn hay qua lại để phân bua: “Tôi vì quá bận rộn với việc kinh doanh nên không để mắt đến con cái được. Nay xảy ra hậu quả thế này, tôi thật không còn mặt mũi nào nữ”. Những lời nói như thế từng được đăng trên khắp các mặt báo.

Nói rằng công việc kinh doanh bận rộn đến mức không có thời gian dành cho con cái chỉ là ngụy biện cho sự quá ham mê kiếm tiền của bản thân. Trên đời này chắc chắn có nhiều những người như thế và cuốn sách này viết ra hiển nhiên không phải để cho những người đó đọc.

Cũng có những cô gái “của thời đại mới” mang trong mình suy nghĩ: “Việc làm mẹ sẽ cản trở sự phát triển cá nhân, phá hỏng công việc cũng như làm đảo lộn sinh hoạt của bản thân”. Như thế, những người này ghét làm mẹ ít nhiều là vì điều đó ảnh hưởng đến thói ích kỷ của họ. Trên đời này có không ít những cô gái như thế, và đương nhiên, cuốn sách này được viết ra không dành cho họ.

Nhưng vẫn còn những người, tuy biết rằng bản thân chỉ đạt đến đây thôi, nhưng ít nhất sẽ cố gắng làm cho con mình trở thành hoàn hảo. Họ hiểu rằng mình chỉ là nấc thang thứ nhất, con mình sẽ là nấc thứ hai, và những gì mình đã không thể làm được thì con cái sẽ tiếp tục giúp mì Những con người đó, bất kể họ thành công hay thất bại, nhưng đối với xã hội, đối với nhân loại, họ vẫn là những thiên tài, là những con người ưu tú mà hàng ngàn vạn người mới có một.

Cuốn sách này của tôi được viết ra với kỳ vọng dành cho những người như thế.

Giáo Dục Stem/ Steam: Từ Trải Nghiệm Thực Hành Đến Tư Duy Sáng Tạo

Sự ảnh hưởng của khoa học và công nghệ đối với đời sống của con người nói chung cũng trở thành một xu hướng tất yếu không thể đảo ngược được. Do vậy, ngoài những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong đời sống xã hội, chúng ta còn phải giúp cho các học sinh có được những năng lực mang tính chất nền tảng liên ngành về STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) để có thể trở thành những công dân toàn cầu thích ứng trong thế giới tương lai.

Cuốn sách nhỏ này được viết ra nhằm chia sẻ thông tin dựa trên một số nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực giáo dục STEM, được viết dưới dạng dễ hiểu, đồng thời kết hợp với những kinh nghiệm thực tế từ các cuộc hội thảo, lớp tập huấn mà tác giả có dịp được tham dự và chủ trì trong cả hai môi trường Việt Nam và Mỹ.

Émile Hay Là Về Giáo Dục

Émile Hay Là Về Giáo Dục (Émile ou de l’éducation) là sự hoà quyện giữa văn chương và triết lý. Như tiêu đề của nó đã chỉ ra, đó là một chuyên luận về giáo dục, hay đúng hơn là một chuyên luận về “nghệ thuật hình thành con người”. Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là một tiểu thuyết xã hội – sư phạm với nhân vật hư cấu là cậu bé Émile. Việc giáo dục Émile chỉ nhằm một mục đích: đào tạo một con người tự do, có khả năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng; mà muốn đào tạo một con người tự do thì chỉ có một cách duy nhất là đối xử với họ như một sinh thể tự do, tôn trọng tự do của đứa trẻ. Chính ở chỗ này nảy sinh một sai lầm nghiêm trọng trong cách hiểu tác phẩm, tuy rằng Rousseau đã cẩn thận phân biệt rõ việc tôn trọng các nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ (và tự do là nhu cầu đầu tiên trong các nhu cầu đó) với việc thỏa mãn các ham muốn, các ý thích thất thường của trẻ.

Tấm Da Dê Giáo Dục

Cuốn sách Tấm Da Dê Giáo Dục cung cấp các phương pháp giáo dục trẻ, giúp đỡ trẻ trở thành những con người chân chính, dũng cảm và tự tin trong xã hội.

Đây là cuốn sách giáo dục kinh điển, vĩ đại nhất thế giới. Ấn phẩm sách có lượng tiêu thụ bán chạy hàng đầu trong suốt 300 năm trên toàn cầu.

Những kiến thức trong cuốn sách này giúp mỗi người cha, người mẹ đều có thể trở thành những nhà đào tạo nhân tài xuất chúng.

“Thiên tài”, “Thần đồng” chỉ có 1% là bẩm sinh, còn 99% còn lại là sự rèn luyện. Karl Witte không chỉ hướng dẫn người con của mình phương pháp học tập, những kiến thức khoa học, văn hóa quan trọng hơn ông đã giúp bồi dưỡng cậu bé trở thành con người có nhân cách cao đẹp, có thế giới quan đúng đắn, có nhân sinh quan và giá trị quan vững vàng.

Dân Chủ Và Giáo Dục

“Trong nhà trường, sự sốt ruột muốn có được tính thống nhất về phương pháp và việc muốn có ngay những kết quả bề ngoài, là kẻ thù lớn nhất của tính cởi mở. Người thầy nào không cho phép và không khuyến khích tính đa dạng trong giải quyết vấn đề thì người thầy đó đang “bịt mắt” học sinh, xét trên phương diện trí tuệ – tức là giới hạn tầm nhìn của chúng vào một con đường mà trí óc của người thầy vừa hay cho phép. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân chính của sự tôn thờ tính cứng nhắc của phương pháp lại nằm ở chỗ dường như sự tôn thờ đó hứa hẹn những kết quả mau lẹ, những kết quả có thể đo lường, những kết quả cụ thể. Thái độ sốt sắng phải có “lời giải đáp” giải thích cho phần lớn sự sốt sắng dành cho các phương pháp cứng nhắc và máy móc. Ép buộc và thúc ép thái quá đều có chung nguyên nhân, và gây ra hệ quả như nhau cho hứng thú trí tuệ linh hoạt và đa dạng.”

Giáo Dục Việt Nam Học Gì Từ Nhật Bản

“Cải cách giáo dục là công việc hệ trọng có quan hệ mật thiết đến sự suy thịnh quốc gia dân tộc và tương lai của nhiều thế hệ, vì vậy cần phải được tiến hành dựa trên nghiên cứu khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục thay vì tiến hành theo kinh nghiệm, ý chí chủ quan hoặc chỉ chú trọng du nhập phần kỹ thuật thuần túy từ thành tựu giáo dục của thế giới.

Giữa chán học môn Sử trong nhà trường và quan tâm tới lịch sử, có ý thức lịch sử mạnh mẽ hay không lại là chuyện khác… Trong công cuộc tái khai sáng quốc dân mà các tri thức đầu thế kỷ XX đang tiến hành dang dở thì những thanh niên thuộc làu lịch sử học trong nhà trường và tin rằng đó là chân lý bất biến lại có nguy cơ trở thành những hòn đá cản đường.”

Giáo Dục Không La Mắng

Có thể nói, nuôi dạy trẻ là cả một quá trình dài hơi, tốn sức, tốn thời gian và đầy “cân não” đối với các ông bố, bà mẹ. Quá trình đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và dụng tâm từng chút một của bố mẹ, quan sát từng hành vi học hỏi của trẻ qua những hành động hiếu kỳ, phá phách, tìm tòi để thỏa mãn trí tò mò của chúng.

Trong cuốn sách Giáo dục không la mắng, tác giả – GS. Nobuyoshi khẳng định sự phá phách của trẻ là hành động sinh ra từ tính hiếu kỳ và chính tính hiếu kỳ là động lực cho tinh thần hành động tích cực của trẻ sau này. Khi là một người mẹ, có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vì căn phòng đầy những thứ rơi vãi; nhưng nếu bạn bảo: “Không được” và cấm đoán trò phá phách của con trẻ thì hạt mầm hiếu kỳ cũng sẽ bị bóp nát.

Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

“Người Do Thái là dân tộc thông minh nhất thế giới, họ dường như được sinh ra là để làm chủ thế giới này”. Dù không phải là một chủng tộc lớn, đất nước Do Thái chỉ có hơn 7 triệu dân nhưng không một nhóm chủng tộc nào có thể sánh được với người Do Thái về khả năng và thành tích vượt trội. Góp phần làm biến động lịch sử nhân loại thế kỉ XX, phải kể đến nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein, bộ óc của thế kỉ Sigmund Freud, họa sĩ theo trường phái lập thể Picasso, người sáng tạo ra chủ nghĩa Cộng sản Karl Marx hay những người giàu nhất thế giới như Bill Gates, Warren Bufett, Micheal Dell… Nói về người Do Thái thì ai trong chúng ta cũng đều trầm trồ ngưỡng mộ và khâm phục.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao họ lại có trí tuệ phi thường như vậy? Tại sao họ lại được sinh ra với quá nhiều ưu việt như thế? Có phải tất cả đều là tự nhiên? Liệu Việt Nam chúng ta có thể tạo ra những thế hệ ưu việt như thế không? Tất cả câu hỏi trên đều có thể được giải đáp bởi chính các bạn và cuốn sách bạn đang cầm trên tay.

Cuốn sách chia sẻ bí quyết trở thành thiên tài của người Do Thái. Trí tuệ phi thường của họ không tự nhiên mà có, sở dĩ người Do Thái có trí tuệ siêu Việt như vậy, bởi họ có một nền tảng giáo dục vững chắc, cha mẹ Do Thái rất coi trọng sự giáo dục con cái. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi phương pháp giáo dục con tuyệt vời của người Do Thái qua cuốn sách này. Trẻ em Do Thái ngay từ nhỏ không chỉ được rèn luyện về trí tuệ, khả năng sinh tồn, các phẩm chất đạo đức mà còn được giáo dục về cách quản lí tài chính, giá trị của đồng tiền, sự thành tín trong kinh doanh, về việc tự bảo vệ sức khỏe của mình “một cơ thể khỏe mạnh là tiền đề của hạnh phúc”…

Đại Học – Định Chế Giáo Dục Cao Thay Đổi Thế Giới

Đại học là một định chế giáo dục cao phát triển tri thức của Châu Âu Kitô giáo Trung cổ, một hiện tượng rất đặc thù không nền văn minh nào khác có, đánh dấu sự thức tỉnh tinh thần của một nền văn minh mới của thế giới sau đêm dài một nghìn năm vắng bóng học thuật, và tiếp nối truyền thống trí thức Hy Lạp cổ đại.

Trong ba loại quyền: Vương quyền, Thần quyền và Trí quyền thì Vương quyền ngày nay đã sụp đổ, Thần quyền không còn ảnh hưởng như một nghìn năm trước nữa, trong khi đó Trí quyền, mà đại học là sự tượng trưng, không ngừng ngày càng phát triển mạnh mẽ cho đến hôm nay.

Không thể giải thích nền văn minh phương Tây mà không giải thích vai trò và sứ mệnh cốt lõi Đại học. Đại học Đức thế kỷ XIX, và Đại học Hoa Kỳ nửa sau thế kỷ XX là sự minh họa sáng chói nhất.

Quyển sách Đại Học muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam toàn cảnh lịch sử của định chế này.

Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống

Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức. Được trao tặng Huân chương Hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1984, ông được xem là một hiền nhân, triết gia và nhà tư tưởng đã tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả các tôn giáo. Ông can đảm đối diện với những vấn đề của xã hội và phân tích bằng sự rõ ràng, tính khoa học những hoạt động của tâm trí con người. Ông không trình bày bất kỳ triết thuyết nào, trái lại chỉ nói về những sự việc có liên quan đến tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

Khi phát biểu rằng: nếu ta được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực hơn, thống trị người khác nhiều hơn, thì cuộc sống của ta sẽ trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng, J.Krishnamurti đã tạo nên sự rúng động không chỉ ở Ấn Độ, quê hương ông, mà còn với cả thế giới.

Càng đi sâu vào tác phẩm, càng nhận ra, Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống mang đến câu chuyện hoàn toàn mới về giáo dục. Theo đó, con người là một tổng thể hài hòa được tạo thành từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nền giáo dục phải mang đến sự hợp nhất các khía cạnh riêng biệt này – vì nếu không có sự hợp nhất ấy, cuộc sống sẽ trở thành một chuỗi những cuộc xung đột và nỗi bất hạnh. Muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó.

Biện Hộ Cho Một Nền Giáo Dục Khai Phóng

Giáo dục khai phóng là một lãnh vực rộng, bao gồm những môn học không phải thuần kỹ thuật, hay khoa học chuyên môn, mà liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc, lịch sử, triết học, văn học, ngôn ngữ,v.v…, tức mang tính nhân văn.

Nó nhằm đào tạo con người toàn diện, phát triển nhiều khả năng, tạo nền tri thức rộng, tạo ý thức lịch sử, nhân loại, để làm công dân, làm người văn hóa, hơn là một chuyên gia trong một lãnh vực chuyên môn. (TS Nguyễn Xuân Xanh)

Gia Đình Giáo Dục

Nhiều bậc cha mẹ có cái tư tưởng phó mặc tự nhiên, mỗi khi thấy ai phàn nàn về sự kém cỏi của con cái, thường tặc lưỡi: ” Chà! Trăng đến rằm, trăng tròn!”.

Cái tư tưởng phóng nhiệm lầm lạc ấy gốc ở bộ óc đầy thiên kiến cũng có, nhưng ở tính biếng lười thì nhiều hơn.

Cũng có người hình như không quan tâm đến cái kết quả học tập của con cái. Chung quanh họ, chán vạn người đã làm nên giàu có, đã bước được lên những địa vị cao quý, trước kia có phải là những cậu học trò giỏi đâu. Có phải chính họ bây giờ được nên ông nọ ông kia mà xưa kia chẳng là những “vua zero” ở trong lớp là gì? Tuy nhiên họ chỉ là số ít đối với những người vui vẻ hay lo âu khi đưa mắt đọc tờ giấy báo cáo của học đường gửi đến nói về cái thành tích của con cái trong khoảng một tháng hay sáu tháng vừa qua. Còn biết bao nhiêu người muốn cho con học chóng giỏi, đã chính mình kèm con những buổi tối hay thuê thầy dạy thêm con ở nhà..

Một Nền Giáo Dục Việt Nam Mới

Thật ra thì người ta đã cải cách nhiều rồi, mà việc giáo dục ở đây vẫn chẳng được cải cách gì cả. Vì người ta chỉ làm những việc cải cách bề mặt mà không hề chạm đến cái nguyên lý của sự giáo dục.

Nghề giáo dục là một cấm địa, ai xét mình không đủ hai điều kiện thiết yếu ấy thì chớ có bước vào. Miễn cưỡng bước vào để ‘làm hại con người ta’ là tội nhân của tổ quốc vậy.

Trong mối bận tâm cao độ về việc kiến thiết một nước Việt Nam mới tân tiến và hiện đại đầu thế kỷ XX, Một nền giáo dục Việt Nam mới đã ra đời như một cách thực hành quyết liệt và táo bạo của nhà báo, nhà giáo dục Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong. Tuyệt đối thẳng thắn, Thái Phỉ đưa ra một loạt những tiêu chí, nội dung và phương pháp giáo dục nhằm xây dựng “một người Việt Nam mới của xã hội Việt Nam mai sau”. Những phác thảo tuy sơ khởi nhưng toàn diện về một nền giáo dục mới đã cho thấy tinh thần nhiệt huyết của một trí thức nhanh nhạy, mẫn cảm với thời cuộc, đồng thời, như tác giả mong muốn, có thể đánh thức các nhà giáo dục hôm nay không ngừng thức nhận và hành động sáng suốt hơn.

Vài Suy Nghĩ Về Giáo Dục

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục là tác phẩm duy nhất John Locke viết về giáo dục, nhưng từ khi ra đời, tác phẩm này đã được sự đón nhận nồng nhiệt không những tại Anh quốc mà còn được dịch ra hầu hết các thứ tiếng khác trên lục địa Âu châu trong suốt thế kỷ 18.

Trong tác phẩm này, Locke bàn đến các nguyên tắc chính yếu trong sự giáo dục trẻ em khởi đầu bằng việc rèn luyện kỷ luật tự giác cho trẻ em; đối thoại với trẻ em khi chúng bắt đầu biết nhận thức, và nhất là rèn luyện và trau dồi đức dục.

Những nguyên tắc mà Locke đề ra trong tiểu luận này, đối với chúng ta ngày nay, vẫn còn đầy đủ giá trị về giáo dục.

Tác phẩm đã có một ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng giáo dục sau này.

Cách Biệt Toàn Cầu Về Thành Quả Giáo Dục

Trong cuốn sách Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục, nhà giáo dục Tony Wagner đã chỉ ra những yếu điểm của giáo dục Hoa Kỳ và những phương pháp khắc phục, nhằm giúp nước Mỹ giữ vững vị thế lãnh đạo về kinh tế và tri thức trên toàn thế giới. Cuốn sách mổ xẻ các trường công của Mỹ này thực ra không chỉ hữu ích cho nền giáo dục Mỹ, mà còn là một tài liệu tham chiếu vô cùng cần thiết cho các nhà giáo dục, nhà cải cách giáo dục ở bất kỳ quốc gia nào.

Dù với nỗ lực cao nhất của các nhà giáo dục, nền giáo dục Mỹ vẫn phải đối mặt với sự lỗi thời. Thay vì dạy học sinh trở thành những người có tư duy phản biện và những công dân có khả năng giải quyết vấn đề, theo Tony Wagner, chúng ta đang yêu cầu các em ghi nhớ dữ liệu qua việc tăng cường số lượng các bài kiểm tra. Vấn đề này không chỉ giới hạn ở các trường cho đối tượng thu nhập thấp, thậm chí các trường tốp ở Mỹ cũng không dạy hoặc kiểm tra các kỹ năng cần thiết nhất trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Trong suốt hơn 50 năm, trường học hầu như không có gì thay đổi, trong khi thế giới thay đổi một cách ngoạn mục. Học sinh vẫn học thuộc nội dung bài học và học để dự thi những bài thi được chuẩn hóa, nhưng họ không bao giờ được học cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề hoặc học cách sáng tạo.

Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Mỹ

Trong quan niệm của chúng ta, trẻ con Mỹ luôn rất thông minh, tài năng, tự lập và dũng cảm. Các bé không chỉ thông minh trong học tập mà còn rất sáng tạo trong công việc. Hẳn bạn đã từng ngạc nhiên khi biết trẻ em Mỹ thường ngủ một mình vào ban đêm, đi ra ngoài mà không sợ bóng tối hay côn trùng, thậm chí các bé có thể tự mình sửa chữa những món đồ chơi bị hỏng hoặc tự kiếm tiền chi trả học phí… Thực ra, có được những phẩm chất này là nhờ phương pháp giáo dục ưu việt của cha mẹ người Mỹ. Họ không chỉ là bạn mà còn là người thầy ở bên con trong suốt cuộc đời.Cha mẹ Mỹ biết lúc nào nên dành tình yêu thương cho bé, lúc nào nên để bé tự lập làm việc. Qua phim ảnh, chúng ta vẫn được chứng kiến những hình ảnh xúc động đầy tình yêu thương khi cha mẹ người Mỹ cùng con vui chơi đón giáng sinh; cổ vũ, động viên con trong cuộc thi đấu bóng chày hay rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi con nhận bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy những biểu hiện tự lập rất cao của trẻ như: từ nhỏ đã biết tự mặc quần áo, đưa báo đến từng nhà khi trời còn chưa sáng, thậm chí có thể tự đi picnic cùng bạn bè… Đó là những minh chứng cho hiệu quả của phương pháp giáo dục con đặc biệt. Chính bởi những phương pháp này mà trẻ con Mỹ luôn trưởng thành tự tin, độc lập và thành công như thường thấy.

Cuốn sách gồm 7 chương, chia sẻ bí quyết giáo dục con của cha mẹ Mỹ một cách toàn diện, trẻ sẽ được rèn luyện từ tính cách, năng lực đến phẩm chất, trí tuệ… để trở thành người xuất sắc nhất. Với ngôn từ dễ hiểu, ví dụ sinh động, hấp dẫn mang tính nhận thức cao sẽ mang lại những phương pháp giáo dục phương Tây hiệu quả và tuyệt vời nhất cho các bậc phụ huynh. Quyển sách này chính là lựa chọn hàng đầu, là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những bậc cha mẹ muốn con yêu của mình trưởng thành tài năng và xuất sắc.

Đi Tìm Triết Lý Giáo Dục Việt Nam

“Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” là tập hợp những bài viết của tôi về giáo dục Việt Nam và những vấn đề liên quan đến giáo dục trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2014 đến nay. Phần lớn trong khoảng thời gian đó tôi học ở Nhật Bản. Khoảng cách về địa lý khiến tôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận, quan sát trực tiếp hiện trường giáo dục Việt Nam, nhưng nó cũng đem lại cho tôi một lợi thế: tôi có thể quan sát và suy ngẫm về giáo dục nước nhà từ bên ngoài, bằng con mắt của ” người ngoài cuộc” và tư duy so sánh.

Những bài viết về giáo dục Việt Nam trong cuốn sách này là kết quả của cái nhìn và suy ngẫm ấy.

Cho dù chúng được viết ra ở nhiều thời điểm khác nhau, có những bài được viết theo dòng thời sự, nhưng xét cho cùng, ở tất cả những bài viết ấy, khi phân tích và lý giải nguyên nhân của khùng hoảng giáo dục và gợi ý cách thức cải cách của tôi đều hồi quy chúng về môt điểm là ” triết lý giáo dục”. Nói cách khác ” triết lý giái dục” đã trở thành “cơ cấu” quan trọng số một và chủ yếu để tôi sử dụng khi phân tích và lý giải các vấn đề của giáo dục Việt Nam.

Phương Pháp Giáo Dục Montessori – Thời Kỳ Nhạy Cảm Của Trẻ

Từ lúc bé cất tiếng khóc chào đời cho đến khi biết đi, biết nói, biết viết… tất cả đều bắt đầu từ con số 0. Trẻ đã làm thế nào để hoàn thành những “nhiệm vụ bất khả thi” ấy, để thích ứng với thế giới phức tạp này?

Montessori từng nói: “Những đứa trẻ trải qua thời kì nhạy cảm đang nhận sự “chỉ huy” từ một mệnh lệnh thần kì trong vô thức, ngay cả tâm hồn bé nhỏ của chúng cũng nhận được sự khích lệ”.Trong quá trình phát triển từ 0~6 tuổi, trẻ chịu sự chi phối của sức sống nội tại, ở một giai đoạn nào đó sẽ vô cùng chú ý tới những đặc trưng của sự vật trong một môi trường nào đó, đồng thời không ngừng lặp lại quá trình thực tiễn. Sau khi thuận lợi vượt qua thời kì nhạy cảm, trí tuệ của trẻ sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Thời kì nhạy cảm không chỉ là giai đoạn quan trọng cho việc học tập của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm hồn và tính cách của chúng. Do vậy, các bậc phụ huynh nên tôn trọng những hành động mà tự nhiên đã ban tặng cho trẻ, đồng thời đưa ra những định hướng cần thiết, giúp trẻ không bỏ lỡ cơ hội duy nhất này.

John Dewey Về Giáo Dục

Chúng ta đã sang thế kỷ thứ 21 – còn John Dewey thì đã nằm khá xa hoặc quá xa rồi trong quá khứ: ông sinh năm 1859 và mất năm 1952 (cách nay ba phần năm thế kỷ!). Các trước tác của ông đã được xuất bản cách nay gần một trăm năm!. Từ đó tới nay, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu, như người ta thường nói. Ngay cái “nghiệp danh” của John Dewey cũng dài dòng: đến bây giờ, người ta vẫn phải vừa gọi tên vừa giảng giải cái danh cho ông: nhà triết học chuyên nghiên cứu tâm lý học thực hành và chuyên về sư phạm chứ không gọi theo “chuyên nghiệp hẹp” như về sau đối với Jean Piaget (1896-1980), Lev Vygotski (1896-1934), Howard Gardner (sinh 1943) …những người chỉ một danh xưng thôi là đủ: nhà tâm lý học.

Sở dĩ vậy, có lẽ là vì bản thân sự nghiệp của John Dewey dường như vẫn còn nằm ở thời kỳ quá độ từ lúc tâm lý học mới tách được ra khỏi triết học để tự đứng một mình thành một bộ môn khoa học độc lập.

Thế nhưng, dù ở vị trí chuyển tiếp đó, dù sự nghiệp tâm lý học của ông vẫn chưa sang giai đoạn hoàn toàn thực nghiệm để có thể đàng hoàng đi trong đội ngũ tâm lý học nhận thức – tâm lý học phát triển, sự nghiệp của John Dewey vẫn được đánh giá cao, vì sao vậy? Đó là nhờ tư tưởng triết học dắt dẫn các tác phẩm của Dewey mà cho tới tận hôm nay, khi đã sang thế kỷ 21, nó vẫn giữ đầy đủ giá trị.

Tư tưởng đó là gì? Ngay trong chương đầu tiên của Dân chủ và Giáo dục (được trích đăng một chương trong cuốn sách này), một tư tưởng đã lóe sáng; dựa trên những căn cứ không mới nhưng lại tương thích với thực tại thế kỷ 21 chúng ta, Dewey suy tư về vấn đề các xã hội càng ngày càng trở nên phức tạp, mà chính vì sự phức tạp đó nên phải suy tư về hệ thống giáo dục. Các xã hội càng ngày càng biến đổi nhanh lên, do đó mà có nguy cơ ngày càng cao xuất hiện cái khoảng cách giữa các tri thức muốn truyền đạt tới trẻ em và thực tiễn cuộc sống ở chính những xã hội đang biến đổi nhanh chóng ấy. Dewey cho thấy toàn bộ các tương tác xã hội được tạo ra đối với người học – từ đó mà có kết luận đầu tiên rằng người học sẽ càng học giỏi hơn nếu được tham gia vào sự vận hành của môi trường sống. Vai trò của một hệ thống giáo dục tử tế là tạo ra ở trẻ em cái ước vọng được không ngừng thay đổi tiến bộ và hệ thống giáo dục tử tế phải làm công việc cung cấp phương tiện cho sự tiến lên không ngừng đó.

Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Nhật

Làm cha mẹ, bạn có thể nuôi dưỡng con mình thành một đứa trẻ ưu tú. Bạn muốn dạy dỗ con mình như thế nào?

– Tôi mong muốn đứa con đáng yêu của mình sẽ khỏe mạnh và phát triển một cách lành mạnh

– Tôi hy vọng nó sẽ học thật giỏi và không làm tôi phiền lòng

– Tôi hy vọng hai mẹ con sẽ sống hòa hợp, vui vẻ và hạnh phúc

– Tôi hy vọng có thể cảm nhận được sự thoải mái và niềm vui trong việc dạy dỗ con cái.

Có phải bạn có những suy nghĩ như vậy không? Nếu đúng vậy thì cuốn sách này chính là được viết để dành cho bạn.

Những Nguyên Tắc Đạo Đức Trong Giáo Dục

Nhà giáo dục và triết gia John Dewey sinh năm 1859 tại Burlington, bang Vermont, Mỹ. Ông nhận học vị tiến sĩ tại ĐH Johns Hopkins vào năm 1884. Ông dạy triết học tại ĐH Michigan và sau đó giữ vị trí trưởng khoa Triết, Tâm lý và Giáo dục tại trường này; chịu ảnh hưởng của Darwin, Freud và các quan điểm khoa học. Năm 1904, John Dewey tham gia giảng dạy tại ĐH Columbia. Ông đã hướng dẫn việc nghiên cứu quốc tế và nhận được nhiều giải thưởng danh giá về học thuật khắp thế giới.

Dewey hài lòng thấy rằng giảng dạy “đạo đức” (không theo nghĩa giáo điều) vẫn cần thiết để trau dồi trí tuệ của tất cả sinh viên. Việc giảng dạy đạo đức (hầu như luôn gián tiếp) giúp tạo lập ý thức cộng đồng, tính liêm chính, hiểu biết, năng lực, và sự hài lòng cá nhân ngay trong một sinh viên. Sinh viên học hỏi để nuôi dưỡng niềm tin riêng về thế giới, về cộng đồng và về những người cùng địa vị của họ…

Bầy Cừu Xuất Chúng – Lật Tẩy Khoảng Tối Của Nền Giáo Dục Tinh Hoa Mỹ

Bầy cừu xuất chúng đưa ra cái nhìn sắc sảo về một “dây chuyền” áp lực cao, bắt đầu từ các bậc phụ huynh và chuyên gia tư vấn giáo dục, những người luôn đòi hỏi điểm số hoàn hảo và đỉnh cao là áp dụng những phương pháp lệch lạc. Tác giả William khẳng định rằng điều then chốt ở đây là khi học đại học, sinh viên được tự khám phá bản thân, thiết lập những giá trị và cách thức đi tới thành công cho riêng mình, từ đó tiến bước trên con đường đã chọn. Cuốn sách đã phơi bày những lỗ hổng của hệ thống giáo dục và đưa ra các giải pháp để sửa chữa chúng.

Về nội dung cuốn sách gồm bốn phần. Tác giả bắt đầu cuốn sách bằng cách thảo luận về chính hệ thống giáo dục tinh hoa (có nghĩa là nói về những ngôi trường, học viện danh giá như Harvard, Stanford hay Williams cũng như các trường trong phạm vi rộng lớn, tính đến cả những ngôi người hạng hai) – một hệ thống, nói ngắn gọn, đã buộc bạn phải lựa chọn giữa việc học tập và thành công. Giáo dục là cách mà một xã hội thể hiện rõ nhất các giá trị: cách mà xã hội lưu truyền các giá trị của mình. Qua việc thường xuyên phê phán kiểu con trẻ đến các trường chuyên lớp chọn, tác giả nhắm vào người lớn, những người đã khiến bọn trẻ trở nên như vậy – nghĩa là, phê phán phần lớn chúng ta.

Phần 2 nói về những việc mà sinh viên, với tư cách cá nhân, có thể làm để cứu chính họ ra khỏi hệ thống này: mục đích của việc học đại học là gì, làm sao để tìm được một lối đi khác trên đường đời, một người lãnh đạo thực sự có nghĩa là như thế nào.

Phần 3 mở rộng thêm lập luận này, bàn luận chi tiết về mục đích của một nền giáo dục tự do, giá trị nhân văn, về nhu cầu cần có các giáo viên tận tụy và những phòng học nhỏ. Mục đích không phải là nói với các bạn trẻ nên học trường nào, mà chia sẻ với họ tại sao phải học.

Phần 4 quay trở lại câu hỏi mang tính xã hội lớn hơn. Hệ thống này có trách nhiệm trong việc tạo ra tầng lớp lãnh đạo, hay còn gọi là giới tài năng – những người điều hành các tổ chức, Chính phủ, và tập đoàn của chúng ta. Vậy điều này diễn ra như thế nào? Cho đến lúc này, rõ ràng nó diễn ra không xuất sắc gì cho lắm. Sau rốt, điều chúng ta làm với con cái cũng chính là điều chúng ta làm với bản thân mình. Nền giáo dục tinh hoa này đã tồn tại quá lâu và đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc lại, cải cách, và đảo ngược toàn bộ cơ cấu của nó.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button