Sách hay về Không quân

Sách về Không quân hay nhất. Những điều bạn cần biết về lực lượng Không quân, các chiến trận trên không rực lửa và hồi ức sống động của những người phi công.

Nhật Ký Phi Công Tiêm Kích

Nhật Ký Phi Công Tiêm Kích

Cuốn sách là những ghi chép của Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát suốt 7 năm 1966-1972

“từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 27 tuổi.

Chuyện của một người nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh; thấy được những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp …

Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta – địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử… – ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trắng, tận hiến tự – nhiên – ý – thức cho Tổ quốc, nhân dân, Đảng và quân đội, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, mọi khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng.” (Hữu Việt)

Cuộc Đối Đầu Không Cân Sức

Cuộc Đối Đầu Không Cân Sức

Tập bút ký của Trung tướng Phan Thu kể về cuộc đối đầu không cân sức của Phòng không – Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam chống lại chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ.

Bằng sự thông minh và tinh thần vượt khó, quân đội ta đã giành được chiến thắng kỳ diệu, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không vang lừng, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán ở Paris, góp phần thống nhất đất nước.

Sách giải thích các vấn đề kỹ thuật của việc chống B-52, đi đến làm rõ “vì sao ta thắng?”; ngoài ra, sách cũng kể những câu chuyện bên lề cuộc chiến hết sức cảm động.

Mang đậm hơi thở lịch sử của một thời đại oai hùng, với văn phong ngắn gọn, chính xác mà không thiếu những trang viết thấm đẫm tình cảm, Cuộc đối đầu không cân sức là bản tụng ca sức mạnh và ý chí chiến đấu của một dân tộc hàng nghìn năm lịch sử, không chịu khuất phục trước kẻ thù bạo tàn.

Lính Bay

Lính Bay (Tập 2)

Tôi đọc hồi ký của Trung tướng Phạm Phú Thái – một trong những phi công tài hoa của Không quân nhân dân Việt Nam, người đã từng bay và chiến đấu với tôi từ chiến tranh chống Mỹ, tôi thấy thật bất ngờ!

Bất ngờ về khả năng lưu giữ sự kiện, bất ngờ về ý tưởng làm sống lại những ký ức của thế hệ phi công MiG-21 chúng tôi trong chiến tranh bằng những trang viết rất chân thực nhưng cuốn hút như tiểu thuyết!

Đọc “Lính bay”, tôi có cảm tưởng như mình cũng đang bay, đang cầm cần lái cùng biên đội với phi công Phạm Phú Thái quần nhau với máy bay Mỹ năm nào. Mong rằng cuốn hồi ký sẽ là một trong những tài liệu quý giá giúp các thế hệ trẻ phi công Việt Nam học tập và vận dụng.

Bạn đọc nhận xét

Không Chiến Zero Rực Lửa

Không Chiến Zero Rực Lửa

“Các chiến cơ Zero thật sự rất đáng sợ. Zero nhanh đến mức không thể tin được. Sự chuyển động đó là thứ chúng tôi không thể dự đoán được, như ma trơi vậy. Mỗi lần chiến đấu, chúng tôi lại bị cảm giác yếu thế bao trùm. Thế nên, mới có mệnh lệnh rằng không để xảy ra không chiến với Zero.

Chúng tôi biết việc chiến cơ tinh nhuệ mới của Nhật Bản được đặt tên mã là Zero. Cách đặt tên mới kỳ quặc làm sao. Zero nghĩa là không có gì cả, ấy vậy mà chiếc chiến cơ đó đã bỏ bùa chúng tôi với chuyển động không thể tin được. Tôi từng nghĩa đó chính là sự huyền bí của phương Đông.

Chúng tôi đã từng nghĩ những phi công lái Zero không phải là người. Họ là ma quỷ. nếu không thì cũng là những cỗ máy chiến tranh.”

Những Trận Không Chiến Trên Bầu Trời Việt Nam (1965-1975) Nhìn Từ Hai Phía

Những Trận Không Chiến Trên Bầu Trời Việt Nam (1965-1975) Nhìn Từ Hai Phía

Cuốn sách với nhiều tư liệu, là những hồi ức, ghi chép của các chỉ huy, các phi công trực tiếp tham gia chiến đấu trong suốt những năm kháng chiến oanh liệt chống Mỹ cứu nước, nhất là thời điểm năm 1972 với những chiếc B52 bùng cháy trên bầu trời Hà Nội. Điều đặc biệt của cuốn sách là, ngoài những thông tin cụ thể về từng trận không chiến được hai phía là không quân Việt Nam và Mỹ đưa ra có những tổng kết, nhận định về kết quả của các trận đánh do nhiều yếu tố có thể không trùng khớp nhau vẫn được giữ nguyên để đảm bảo tính khách quan.

Cuốn sách cũng mạnh dạn đưa ra một số nhận xét ban đầu về chiến thuật, vai trò của hệ thống chỉ huy – dẫn dường của hai phía trong các trận không chiến, chứng minh chiến thắng của Không quân Việt Nam không chỉ là trí lực và lòng dũng cảm của các phi công mà còn là tầm nhìn chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh, trí tuệ tập thể, khả năng tổ chức-chỉ huy, điều hành chiến dịch, chiến thuật của các cán bộ chỉ huy, tham mưu, dẫn đường, các kíp trực tại các Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân, các binh chủng, trung đoàn.

Vòng Cung Lửa Trên Bầu Trời Hà Nội

Vòng Cung Lửa Trên Bầu Trời Hà Nội

Từ cuối năm 1964, nhằm cứu vãn thế nguy ngập trên chiến trường miền Nam, đồng thời ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc, đế quốc Mỹ không ngừng leo thang, mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc nước ta. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon đã phát động chiến dịch tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc mang tên Linebacker II, với ý định “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”. Đây là chiến dịch quân sự cuối cùng và điên cuồng nhất, tàn bạo nhất và đẫm máu nhất mà đế quốc Mỹ đã phát động chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, huy động 193 máy bay B52 với 663 lượt chiếc và 999 máy bay chiến thuật với 3.920 lượt chiếc, sức tàn phá của số lượng bom đạn tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945.

Trước sức mạnh của không lực Mỹ, thấm nhuần chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, Bộ Chính trị – Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích này, làm nên chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945 – 1975), quân và dân ta đã tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng B52, cuộc tập kích lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Bằng chiến thắng này, ta đã giáng một đòn quyết định vào ưu thế của không lực Hoa Kỳ, đánh bại toàn diện chiến lược của Mỹ cả về quân sự lẫn chính trị.

Với những ký ức còn nguyên vẹn của một chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch 12 ngày đêm đó, Đại tá Lê Văn Chung đã sưu tầm, tập hợp các thông tin, dữ liệu một cách tương đối đầy đủ, khách quan của “người trong cuộc” về chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tác giả nguyên là trợ lý của Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trong những ngày khói lửa đó, nên các thông tin được đưa ra rất khách quan, chính xác, nhiều thông tin lần đầu tiên được công bố từ cả hai phía ta và Mỹ. Đặc biệt, cuốn sách được đích thân Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh đầu tiên Binh chủng Phòng không, nguyên Tư lệnh đầu tiên Quân chủng Phòng không – Không quân tham gia góp ý nội dung bản thảo và viết lời tựa.

Cuốn sách là một kho tư liệu quý không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân mà đối với cả nhân dân ta và bạn bè quốc tế, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau; giúp cho mỗi chúng ta hiểu thêm và càng tự hào về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button