Sách hay về bình đẳng giới

Sách về bình đẳng giới hay nhất. Nhấn mạnh và kêu gọi mọi người tôn trọng sự bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Căn Phòng Riêng

Căn Phòng Riêng

Căn Phòng Riêng – cuốn tiểu luận của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929 – đã được khai triển từ luận điểm trên. Một luận điểm mang màu sắc duy vật và đầy khiêu khích. Thẳng thắn, sắc sảo, với một chất hài hước kín đáo, đó là giọng điệu chủ đạo của Căn Phòng Riêng.

Cuốn sách mỏng này được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf tại hai trường Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và tiểu thuyết” năm 1928. Vào cái thời phụ nữ muốn vào thư viện của trường đại học cần phải có thư giới thiệu hoặc người có uy tín đi kèm, những luận điểm của Virginia Woolf thực sự có tính chất công phá lớn. Cuốn sách không chỉ mô tả tình thế chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng xã hội, cũng không đơn thuần làm nhiệm vụ phê bình, đánh giá lại vị trí của các tiểu thuyết gia nữ – những đại diện thường bị xem là bộ phận thứ yếu cấu thành nên diện mạo của nền văn học Anh. Nó đặt ra một câu hỏi then chốt: Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vốc như của Shakespeare không? Đó không đơn giản là một câu hỏi có tính chất giả định; nó là một đề nghị thử nhìn nhận lại vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa của nhân loại. Để làm được điều đó, cần phải thoát khỏi những định kiến vẫn được xem là đương nhiên, tự nhiên đối với người phụ nữ.

Căn Phòng Riêng, bởi tính chất đặt vấn đề quan trọng của nó, đã được xem như là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận trong văn học. Rộng hơn, nó được xem là một trong những cuốn sách khơi nguồn cho phong trào nữ quyền, vốn khởi phát từ phương Tây và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi, trở thành một khúc ngoặt văn hóa – khúc ngoặt nữ quyền (feminist turn), có thể nói như vậy – để dùng một thuật ngữ chỉ sự thay đổi động hình nhận thức của con người trong tiến trình tư tưởng.

Phụ Nữ Hiện Đại Viết Lại Luật Thành Công

Phụ Nữ Hiện Đại Viết Lại Luật Thành Công

Cuốn sách trang bị cho phụ nữ hiện đại những kỹ năng hiệu quả nhất về nắm bắt cơ hội, chuyển đổi nghề nghiệp, phương pháp đàm phán, lãnh đạo nhóm, khởi nghiệp, quản lý công việc và gia đình, đồng thời giúp thay đổi cuộc sống tốt hơn vì quyền lợi của phụ nữ.

Tác giả mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ nhằm định nghĩa lại khái niệm thành công phù hợp với mỗi người và khuyến khích họ tạo lập một cuộc sống tôn trọng những đam mê và ưu tiên riêng theo cách chỉ họ mới có thể làm.

Những Bước Đi Nhỏ – Nam Nữ Bình Quyền

Những Bước Đi Nhỏ – Nam Nữ Bình Quyền

Nữ quyền là gì? Tại sao người ta sinh trai hoặc sinh gái? Thế nào là định kiến nam nữ? Nữ có thể làm phi công không? Và tất cả những câu hỏi giúp bạn nhận thức về sự bình đẳng giới tính và hành xử phù hợp được giải đáp qua tập sách nhỏ này!

Phẩm Cách Phụ Nữ

Phẩm Cách Phụ Nữ

Bà Bando Mariko là nhà bình luận và chủ tịch hội đồng đời thứ 5 Đại học nữ sinh Showa, trải qua các chức vụ như tổng lãnh sự tại lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Brisbane nước Úc (tổng lãnh sự nữ đầu tiên), trưởng phòng bình đẳng nam nữ trong phủ thủ tướng, cục trưởng bình đẳng năm nữ phủ nội các. Các công việc của bà chủ yếu liên quan đến phụ nữ và giải phóng phụ nữ.

Theo bà đấu tranh cho sự bình đẳng của phụ nữ không có nghĩa là người phụ nữ cũng sẽ được làm tất cả những việc như đàn ông, đỉnh cao nhất của bình đẳng giới tạo dựng môi trường để người phụ nữ phát huy hết được các “thuộc tính nữ” của giới mình..

Tôi Là Malala

Tôi Là Malala

Lớn lên ở một vùng đất từng có thời yên bình của Pakistan nay bị chủ nghĩa khủng bố làm thay đổi, Malala được dạy đứng lên đấu tranh vì những điều mình tin tưởng. Vậy nên cô đấu tranh cho quyền được học hành của mình. Và ngày 9 tháng 10 năm 2012, cô đã suýt mất mạng vì lí tưởng: Cô bị bắn ở cự li cực gần trên chuyến xe buýt từ trường về nhà.

Không ai nghĩ rằng cô sẽ sống sót.

Ngày nay cô là một biểu tượng quốc tế cho sự phản kháng một cách hòa bình và là người trẻ tuổi nhất từng đạt giải Nobel Hòa bình.

Trong ấn bản dành cho thiếu niên này của cuốn hồi kí bán chạy nhất của cô, cùng với những bức ảnh và tư liệu độc quyền, chúng ta được nghe trực tiếp câu chuyện phi thường về một cô gái đã biết rằng mình muốn thay đổi thế giới từ khi còn nhỏ và cô đã làm được.

Câu chuyện có tác động mạnh của Malala sẽ mở ra trước mắt bạn một thế giới khác và sẽ làm bạn tin vào hi vọng, sự thật, phép màu cũng như khả năng rằng một người – một con người trẻ tuổi – có thể truyền cảm hứng tạo ra thay đổi trong cộng đồng mình sống và xa hơn thế nữa.

Bà Dalloway

Bà Dalloway

Virginia Woolf viết Bà Dalloway trong lúc đang cố chống chọi với chứng bệnh thần kinh của chính mình. Và đây cũng là tác phẩm đầu tiên bà khai thác thủ pháp Dòng ý thức. Phần vì bút pháp mới thử nghiệm ở đây chưa tinh luyện và nhuần nhuyễn như ở “Tới ngọn hải đăng”, phần vì lượng nhân vật cũng quá nhiều (Ngoài khoảng mười mấy nhân vật chủ yếu có tới mấy chục nhân vật phụ; có nhân vật chỉ thoáng hiện ra rồi biến mất hoàn toàn); mặt khác, ý nghĩ và hành động của các nhân vật đan xen như những sợi tơ nhện từ quá khứ sang hiện tại, rồi lại từ hiện tại sang quá khứ, với rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, nên đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung.

Chủ đề nổi bật trong tác phẩm này là tác động của Thế chiến I lên mọi tầng lớp xã hội ở Anh. Cuộc chiến tranh đã qua, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn nặng nề, sâu thẳm. Như với Septimus, một cựu chiến binh, bị chấn thương tâm lý trong chiến tranh và sau đó đã tự sát…

Chuyện Người Tùy Nữ

Chuyện Người Tùy Nữ

Tôi có chồng và con gái. Có mèo. Có mẹ, có bạn gái thân thiết. Có việc làm và một cái tên.

Tôi tỉnh dậy sau một cơn chính biến, một cuộc đào thoát bất thành và một cơn mê để thấy mình đã mất cho đến tận cái tên, chỉ còn là Tùy nữ – một trong những “cỗ tử cung có chân” của chính quyền Gilead.

Giữa Nước Cộng hòa Gilead – nhà nước thần quyền cực đoan dựng lên trên nền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xưa, nơi các Martha cặm cụi việc nhà, các Dì rao giảng đạo đức chính thống, các Phu nhân khóc ròng mỗi đêm Lễ tháng, các Tùy nữ tuyệt vọng tìm cách sinh con để khỏi phải ra quét chất thải phóng xạ trên đảo hoang, và không ai biết lúc nào tới lượt mình được “cứu chuộc” trên dây treo cổ – có một người đàn bà vừa tìm cách bám lấy sự sống nhờ mưu mẹo sắc bén và những hồi ức vỗ về từ “thời trước”, vừa cố gắng khám phá để kể lại chuyện mình cho các thế hệ về sau..

Cuốn tiểu thuyết phản-địa đàng (dystopia) này là một câu chuyện cảnh tỉnh để trả lời làn sóng chống nữ quyền và sự trỗi dậy của các thế lực tôn giáo bảo thủ ở nước Mỹ những năm 1980, nhưng trên hết là một cuốn sách viết sắc sảo và lôi cuốn đã được ấn hành ở gần 30 quốc gia. Đây là một trong năm tiểu thuyết đề cử Booker của nữ tiểu thuyết gia Canada danh tiếng Margaret Atwood và là cuốn sách đầu tiên của bà được giới thiệu ở Việt Nam.

Bị Thiêu Sống – Souad

Bị Thiêu Sống – Souad

Bị Thiêu Sống là một cuốn hồi ký đầy lửa và tràn ngập đau đớn, như thể những giọt nước mắt mặn đắng chảy tràn trên những vết thương chưa lành.

Có một ngôi làng hẻo lánh của Palestine, nơi nữ giới chỉ được xem như nô lệ của gia đình và phải làm việc quần quật từ sáng đến tối trong sự vâng lời tuyệt đối với cha, anh, em, thậm chí là con trai. Ngôi làng ấy có Souad, cũng như bao cô gái khác, phải chịu đựng tất cả tăm tối của hủ tục, định kiến giới tính, định kiến dân tộc nghiệt ngã đến không thể thở nổi. Souad đã vùng vẫy để giải thoát mình nhưng đáp lại cô, với sự vô trách nhiệm tàn nhẫn của người tình, là cái chết đã được biết trước – Bị Thiêu Sống, vì “danh dự”.

Cuốn sách đã lay động hàng triệu trái tim bởi câu chuyện khủng khiếp mà Souad phải trải qua, không hư cấu, không tưởng tượng , đau đớn đến tột cùng và tuyệt vọng đến tột cùng. Bức màn xa xôi của một vùng đất Ả rập được vén mở với tập tục, tôn giáo và cả tội ác. Thì ra trên thế giới này, vẫn còn có những con người tàn nhẫn như thế, vẫn còn có những con người phải chịu đựng như thế. Souad đã thoát chết, nhưng có bao nhiêu cô gái khác không được may mắn như cô? Hay bao nhiêu bé gái đã bị bóp chết ngay khi mới ra đời như chị em cô? Hay bao nhiêu người phụ nữ bị dẫm đạp dưới cái gọi là “danh dự”?

Từng câu từng chữ của Bị Thiêu Sống như một con dao cắt vào tâm trí người đọc như một nỗi ám ảnh đáng sợ về thân phận con người giữa thời hiện đại. Và dường như còn xa xôi lắm mới đến khi mọi người phụ nữ trên thế giới này đều được đối xử bình đẳng.

Đạm Phương Nữ Sử – Vấn Đề Phụ Nữ Ở Nước Ta

Đạm Phương Nữ Sử – Vấn Đề Phụ Nữ Ở Nước Ta

Đạm Phương nữ sử là một phụ nữ học hạnh tinh nhuần, là cháu nội của vua Minh Mạng. Bà có tài sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tinh thông ngoại ngữ. Trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ XX, nhận thấy vai trò của báo chí quốc ngữ, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, bắt đầu từ Nam phong, sau cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác, từ vấn đề phụ nữ mở sang nhiều vấn đề thiết hữu khác. Những năm giao thời, bà hoạt động sôi nổi nhất trên văn đàn, trở thành nữ kí giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, đồng thời bà cũng là nhà giáo dục, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội, biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo dục nữ giới, giáo dục gia đình và giáo dục nhi đồng.

Trên cơ sở các sách đã xuất bản về Đạm Phương nữ sử và những tài liệu quý do gia đình tác giả cung cấp cập nhật, bổ sung, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã công phu giới thiệu và tuyển chọn công trình Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta để nhìn nhận toàn bộ các trước tác của bà trong sự nghiệp đấu tranh vì nữ quyền..

Dấn Thân

Dấn Thân

Sheryl Sandberg hiện là giám đốc hoạt động của facebook, là nhân vật đứng thứ hai sau tổng giám đốc và người sáng lập facebook. Cô được xem là một phụ nữ quyền lực ở thung lũng Silicon. Cô từng giữ chức vụ lớn tại Google, tại bộ Tài chính Mỹ.

Thông qua quyển sách này, Sheryl Sandberg chia sẻ cuộc đời mình, những vươn lên cùng với thành công, để qua đó nhằm kêu gọi và truyền cảm hứng cho phụ nữ. Theo đó, phụ nữ hãy dám dấn thân, dám ngồi vào bàn để cùng tranh luận, trao đổi và theo đuổi ước mơ của cuộc đời mình.

Cũng qua quyển sách này, Sandberg cũng muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về vai trò của phụ nữ và quá trình bình đẳng giới để mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là nam giới, cùng chia sẻ để hướng tới một xã hội bình đẳng hơn. Sheryl cũng cập nhật những số liệu ở Việt Nam, để cuốn sách phù hợp với độc giả và môi trường của Việt Nam.

Bình Đẳng Giới Trong Chính Trị Từ Chiều Cạnh Thể Chế, Văn Hóa Và Hội Nhập Quốc Tế

Bình Đẳng Giới Trong Chính Trị Từ Chiều Cạnh Thể Chế, Văn Hóa Và Hội Nhập Quốc Tế

Cuốn sách này phân tích các nguồn số liệu, thông tin, nghiên cứu đã thực hiện những năm gần đây, nhằm cung cấp một bức tranh khái quát về thực trạng mối quan hệ giới trong sự tham gia chính trị hiện nay ở Việt Nam và các nguyên nhân, rào cản văn hóa, thể chế của thực trạng này.

Từ các mảnh ghép về bình đẳng giới trên các lĩnh vực, báo cáo thường niên này sẽ nhìn lại và chắt lọc những vấn đề nổi bật, những kết quả nghiên cứu chính về chủ đề, đồng thời nhận định những vấn đề giới trong lĩnh vực chính trị nảy sinh trong xã hội để có những kiến nghị giải pháp phù hợp.

Luật Bình Đẳng Giới

Luật Bình Đẳng Giới

Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button