Sách hay về nữ quyền

Sách về nữ quyền hay nhất. Khẳng định năng lực, vai trò, vị thế quan trọng của giới nữ trong mối quan hệ tương hỗ với giới nam, đề ra những giải pháp đấu tranh cho các quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ.

Đạm Phương Nữ Sử – Vấn Đề Phụ Nữ Ở Nước Ta

Đạm Phương nữ sử là một phụ nữ học hạnh tinh nhuần, là cháu nội của vua Minh Mạng. Bà có tài sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tinh thông ngoại ngữ. Trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ XX, nhận thấy vai trò của báo chí quốc ngữ, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, bắt đầu từ Nam phong, sau cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác, từ vấn đề phụ nữ mở sang nhiều vấn đề thiết hữu khác. Những năm giao thời, bà hoạt động sôi nổi nhất trên văn đàn, trở thành nữ kí giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, đồng thời bà cũng là nhà giáo dục, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội, biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo dục nữ giới, giáo dục gia đình và giáo dục nhi đồng.

Trên cơ sở các sách đã xuất bản về Đạm Phương nữ sử và những tài liệu quý do gia đình tác giả cung cấp cập nhật, bổ sung, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã công phu giới thiệu và tuyển chọn công trình Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta để nhìn nhận toàn bộ các trước tác của bà trong sự nghiệp đấu tranh vì nữ quyền.

Cuốn sách gồm 4 phần: Các bài báo trình bày quan điểm về vấn đề phụ nữ, Các bài báo về Nữ công học hội do Đạm Phương sáng lập, Các khảo cứu về vấn đề phụ nữ được in thành sách, và Các sáng tác văn thơ với chủ đề phụ nữ. Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta đã mang lại một cái nhìn tổng quan về những vấn đề thuộc nữ học, giúp phụ nữ thay đổi về nhận thức, điều chỉnh về hành vi khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ cận hiện đại. Những vấn đề Đạm Phương nữ sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thân đối với phụ nữ. Bà giảng giải cho phụ nữ từ việc trong nhà như: nấu ăn, nuôi dạy con cái, quán xuyến gia đình: Bổn phận con gái, Làm sao mà gọi là nội tướng… đến những việc ngoài xã hội: đối nhân xử thế, lập nghiệp lập thân: Bàn về giáo dục con gái, Nên lập học hội chức nghiệp, Chị em ta đã biết ham muốn thực nghiệp… Bà giúp phụ nữ vừa biết cách làm đẹp, vừa nâng cao đời sống tinh thần như đọc sách báo, văn chương giải trí. Bà cũng là người có tầm nhìn xa, thấy được tính cấp thiết của việc thành lập Nữ công học hội, tờ báo quốc văn, cơ sở thơ xã cho phụ nữ: Mấy lời hoan nghênh về việc sáng lập Phụ nữ tùng san, Đọc báo xem tiểu thuyết cũng là một thú tiêu khiển có ích…). Những sáng tác văn chương của Đạm Phương nữ sử lồng ghép rất khéo những tư tưởng về vấn đề nữ học của bà, giúp mở rộng nhãn quan của phụ nữ bấy giờ về việc tự do kết hôn, giáo dục gia đình.

Trong khi một số thức giả đương thời quan tâm đến vấn đề nữ học, chủ trương giáo dục học đường cho nữ giới, Đạm Phương đã đề xuất được quan điểm nữ học có thể nói là rất mới mẻ, được biện luận với chủ kiến rõ ràng: sự giáo dục trong gia đình mà bà gọi là “gia đình giáo dục”. Bởi với bà, tâm tính là cái thứ nhất, là cái nền tảng, học thức là cái bổ trợ vào đó, làm cho sự giáo dục phụ nữ được trở nên hoàn toàn (Gia đình giáo dục cần phải luyện tập tâm tính trước, Người đàn bà là chủ gia đình). Bên cạnh đó, với việc thành lập Nữ công học hội, Đạm Phương đã chủ trương hoạt động của hội đáp ứng được cả hai cách để thực hiện sự học: một là qua đường sách vở; hai là qua đường thực nghiệm, và đặc biệt chú trọng vào con đường thứ hai (Lễ khánh thành Học hội nữ công ở Huế, Hội nữ công có đặt tằm, Ở Huế sắp có hội nuôi trẻ con…). Đặt Đạm Phương nữ sử với quan niệm và sự hiện thực hóa quan niệm về giới nữ và sự nghiệp giáo dục của nữ giới vào trong lịch sự vấn đề phụ nữ Việt Nam dễ thấy được bản lĩnh văn hóa của bậc nữ lưu trước những đối kháng gay gắt của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng đã đánh giá Đạm Phương nữ sử là nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên xây dựng quan niệm nữ quyền của mình một cách có hệ thống và có tính tư tưởng: “Trong chủ nghĩa nữ quyền chánh trị xã hội… người đã để lại số lượng sách báo đồ sộ và những hoạt động thực tiễn không kém ấn tượng là Đạm Phương nữ sử, nhà giáo dục có tính cách tân đáng kinh ngạc; tôi nhận diện ở bà một nhà hoạt động nữ quyền ôn nhu, trầm tĩnh nhưng tâm huyết và quyết đoán trong sứ mạng khai trí của mình. Là mẹ và là bà của hơn một thế hệ thanh niên trí thức nam và nữ, tất cả đều được bà cho học lấy một nghề để mưu sinh, sống tự lập hay đã dấn thân hoạt động cách mạng, suốt đời bà chuyên tâm đào tạo và tổ chức đào tạo nhiều nhà giáo dục nữ khác, chia sẻ với họ tri thức, năng lực giáo dục và niềm tin rằng “giáo dục không phải là một công trình trói buộc người ta. Giáo dục là một công trình bồi bổ để nảy nở tất cả những năng lực cao quý trong một người”.

Cùng thuộc Tủ sách Phụ nữ tùng thư – Giới và Phát triển, nối tiếp cuốn sách Phan Khôi: Vấn đề phụ nữ ở nước ta, tập sách Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta và những ấn phẩm sắp xuất bản của Nhà xuất bản Phụ nữ nối tiếp mạch nguồn Vấn đề phụ nữ ở nước ta hi vọng sẽ giúp bạn đọc tiếp cận vấn đề phụ nữ một cách hệ thống cũng như quá trình dịch chuyển của các quan niệm và hành động mang tính nữ quyền ở Việt Nam.

Triết Học Nữ Quyền – Lý Thuyết Triết Học Về Công Bằng Xã Hội Cho Phụ Nữ

Triết học nữ quyền là hệ thống quan điểm, lý thuyết triết học nghiên cứu các vấn đề xung quanh chủ đề phụ nữ. Trong quá trình hình thành và phát triển, triết học nữ quyền có sự phân tách thành những xu hướng nghiên cứu đa dạng khác nhau. Mặc dù, có nhiều cách tiếp cận, phân tích, luận giải, song nội dung căn bản của các học thuyết triết học nữ quyền là phê phán sự thống trị của chế độ nam quyền, phụ quyền, gia trưởng; khẳng định năng lực, vai trò, vị thế quan trọng của giới nữ trong mối quan hệ tương hỗ với giới nam; đề ra những giải pháp đấu tranh cho các quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ. Triết học nữ quyền vì vậy có thể coi là lý thuyết triết học về bình quyền cho phụ nữ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của phong trào giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới, gợi mở những vấn đề thiết thực cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

Cuốn sách gồm 2 chương:

Chương I: Lý thuyết về triết học nữ quyền và vấn đề công bằng xã hội cho phụ nữ

Chương II: Hướng đến xây dựng cơ sở lý thuyết về công bằng xã hội cho phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.

Căn Phòng Riêng

“Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình.”

Căn Phòng Riêng – cuốn tiểu luận của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929 – đã được khai triển từ luận điểm trên. Một luận điểm mang màu sắc duy vật và đầy khiêu khích. Thẳng thắn, sắc sảo, với một chất hài hước kín đáo, đó là giọng điệu chủ đạo của Căn Phòng Riêng.

Cuốn sách mỏng này được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf tại hai trường Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và tiểu thuyết” năm 1928. Vào cái thời phụ nữ muốn vào thư viện của trường đại học cần phải có thư giới thiệu hoặc người có uy tín đi kèm, những luận điểm của Virginia Woolf thực sự có tính chất công phá lớn. Cuốn sách không chỉ mô tả tình thế chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng xã hội, cũng không đơn thuần làm nhiệm vụ phê bình, đánh giá lại vị trí của các tiểu thuyết gia nữ – những đại diện thường bị xem là bộ phận thứ yếu cấu thành nên diện mạo của nền văn học Anh. Nó đặt ra một câu hỏi then chốt: Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vốc như của Shakespeare không? Đó không đơn giản là một câu hỏi có tính chất giả định; nó là một đề nghị thử nhìn nhận lại vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hoá của nhân loại. Để làm được điều đó, cần phải thoát khỏi những định kiến vẫn được xem là đương nhiên, tự nhiên đối với người phụ nữ.

Căn Phòng Riêng, bởi tính chất đặt vấn đề quan trọng của nó, đã được xem như là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận trong văn học. Rộng hơn, nó được xem là một trong những cuốn sách khơi nguồn cho phong trào nữ quyền, vốn khởi phát từ phương Tây và ngày càng có sức lan toả rộng rãi, trở thành một khúc ngoặt văn hoá – khúc ngoặt nữ quyền (feminist turn), có thể nói như vậy – để dùng một thuật ngữ chỉ sự thay đổi động hình nhận thức của con người trong tiến trình tư tưởng.

Bí Ẩn Nữ Tính

Bước ngoặt, đột phá, kinh điển – những tính từ này chẳng xứng cho lắm với tầm nhìn tiên phong và ảnh hưởng lâu dài của cuốn Bí Ẩn Nữ Tính, được xuất bản vào năm 1963. Bí Ẩn Nữ Tính tiếp thêm năng lượng cho sự tái trỗi dậy của phong trào nữ quyền bằng mô tả đúng y chóc “vấn đề không tên”: những niềm tin và thể chế âm ỉ, những thứ đã hủy hoại lòng tin về khả năng tri thức của phụ nữ và giữ họ ở nhà. Viết vào thời mà phụ nữ trung bình kết hôn lần đầu ở tuổi thiếu niên và 60% nữ sinh đại học bỏ học để kết hôn – hoặc để ngăn mình khỏi trở nên ế ẩm – Betty Friedan đã bắt được những bực bội, khát khao bị ngăn trở của một thế hệ và cho phụ nữ thấy họ có thể giành lại đời mình như thế nào.

Friedan củng cố nhận thức sắc bén của mình bằng nghiên cứu trên diện rộng, bắt đầu với cuộc khảo sát bạn học ở Đại học Smith của mình 15 năm sau ngày họ tốt nghiệp. Phát hiện thấy nhiều người trong số họ phiền muộn nhưng chẳng thể chỉ ra nguyên do, bà đem nỗi thống khổ của họ bày ra trang giấy. Tuy nhiên, để chứng minh hoàn hảo cho hiện tượng mà Friedan phê bình trong sách, các tạp chí đã không sẵn lòng xuất bản tác phẩm của bà, và gạt vấn đề này sang một bên.

Friedan thành thạo làm dày thêm lập luận của mình trong Bí Ẩn Nữ Tính bằng những suy ngẫm cá nhân, những phân tích tâm lý và thống kê, những phê bình chi tiết về truyền thông và quảng cáo đương đại, và vô số cuộc phỏng vấn với các bà nội trợ ngoại ô, những cuộc phỏng vấn dần dà đã khiến người Mỹ nhận thức rõ về cuộc đời bị hạn chế mà người ta đòi hỏi đàn ông, đàn bà phải sống. Cuốn sách của bà thuộc loại bán chạy trên toàn quốc, với hơn một triệu bản được bán ra trong vòng năm năm đầu. Từ khi xuất bản, nó không ngừng cảnh tỉnh đàn ông, đàn bà với những vấn đề cơ bản về sự bình đẳng và cam kết cá nhân.

Tôi Là Malala

Lớn lên ở một vùng đất từng có thời yên bình của Pakistan nay bị chủ nghĩa khủng bố làm thay đổi, Malala được dạy đứng lên đấu tranh vì những điều mình tin tưởng. Vậy nên cô đấu tranh cho quyền được học hành của mình. Và ngày 9 tháng 10 năm 2012, cô đã suýt mất mạng vì lí tưởng: Cô bị bắn ở cự li cực gần trên chuyến xe buýt từ trường về nhà.

Không ai nghĩ rằng cô sẽ sống sót.

Ngày nay cô là một biểu tượng quốc tế cho sự phản kháng một cách hòa bình và là người trẻ tuổi nhất từng đạt giải Nobel Hòa bình.

Trong ấn bản này, cùng với những bức ảnh và tư liệu độc quyền, chúng ta được nghe trực tiếp câu chuyện phi thường về một cô gái đã biết rằng mình muốn thay đổi thế giới từ khi còn nhỏ và cô đã làm được.

Câu chuyện có tác động mạnh của Malala sẽ mở ra trước mắt bạn một thế giới khác và sẽ làm bạn tin vào hi vọng, sự thật, phép màu cũng như khả năng rằng một người – một con người trẻ tuổi – có thể truyền cảm hứng tạo ra thay đổi trong cộng đồng mình sống và xa hơn thế nữa.

Jane Eyre

“Tôi không phải là chim, không có chiếc lồng nào có thể bẫy được tôi. Tôi là một người tự do, với một ý chí độc lập.”

Jane Eyre là hình tượng tiêu biểu của những số phận có vị thế hết sức khiêm nhường, bị xã hội ruồng rẫy nhưng đã dũng cảm đứng lên phản kháng lại bằng tất cả ý chí, nghị lực và tâm hồn “nổi loạn” của mình. Cũng trong cuộc sống không cân sức này, phẩm giá của Jane càng tỏa sáng. Cô cũng đã tìm lại được tình yêu – một tình yêu tự nguyện, thuần khiết, không vụ lợi, không kém phần lãng mạn, nồng nhiệt và vị tha. Đó chính là hạnh phúc đích thực suốt cuộc đời của Jane.

Bảo Tàng Ngây Thơ

Stanbul.

Mùa xuân tuyệt đẹp năm 1975. Xã hội trưởng giả Âu hóa Istanbul háo hức với lễ đính hôn của Kemal và Sibel dòng dõi thế gia. Nhưng cuộc tái ngộ tình cờ cùng cô em họ xa nghèo, xinh đẹp Fusun dường như đã dứt lìa Kemal khỏi thế giới anh đang thuộc về. Suốt 8 năm đeo đuổi Fusun, Kemal miệt mài sưu tập các đồ vật níu giữ thời gian, lập nên Bảo tàng thơ ngây như một biên niên sử tin cậy về Fusun – tình yêu sầu muộn của anh. Ở đó, Kemal đắm đuối trong quá khứ đau đớn khôn nguôi, hạnh phúc tột cùng, giữa các hiện vật thấm đẫm hoài niệm, lùi sâu vào một Istanbul đa dạng bản sắc và biến động trong dòng lịch sử dần xuôi chảy đến phương Tây…

Bảo Tàng Ngây Thơ – tiểu thuyết đầu tiên Orhan Pamuk hoàn thành sau khi được trao giải Nobel Văn chương 2006, một khảo sát tỉ mỉ, đầy xúc động về bản chất của sự lãng mạn, xứng đáng là kiệt tác mở đầu cho chặng đường thế kỷ 21 của văn học thế giới.

Yêu Dấu – Toni Morrison

Nhìn thẳng vào vực thẳm của chế độ nô lệ, cuốn tiểu thuyết xuất sắc này đã biến lịch sử thành một câu chuyện dữ dội và rúng động. Seth, nữ nhân vật chính, sinh ra là nô lệ, bỏ trốn tới Ohio, nhưng mười tám năm sau chị vẫn chưa được tự do. Chị vẫn còn quá nhiều ký ức về Mái Ấm, về cái nơi tươi đẹp đã từng xảy ra biết bao chuyện kinh hoàng. Và ngôi nhà mới của chị bị ám bởi một hồn ma, hồn ma của chính đứa con chị đã giết, đứa trẻ đã chết mà chưa kịp có tên, trên mộ bia chỉ đề Yêu Dấu.

Yêu Dấu không dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác nghiệt của số phận và của lòng người, sau đòn roi, sau hàm sắt, sau những xác người lủng lẳng trên cây không đầu không chân, những bạo lực cực đoan, những chuyến tàu chở nô lệ nơi người da đen ngày ngày chết đi rồi bị vứt xác xuống biển, Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về tình yêu và hy vọng, về khát vọng – khát vọng sống và tự do – mãnh liệt, bạo liệt vô cùng.

Quả Chuông Ác Mộng

Khi nhìn vào sự điên rồ của thế giới và thế giới của sự điên rồ, chúng ta luôn phải đối diện với câu hỏi: “Thực tại là gì và làm thế nào để chấp nhận nó?” Trong Quả chuông ác mộng, áp lực thực tại đã hủy hoại hoàn toàn Esther Greenwood xinh đẹp và tài năng, đẩy cô vào thế giới trầm cảm, chênh vênh giữa biên cảnh của khát vọng sống và ham muốn chết..

Kiêu Hãnh Và Định Kiến

Khắp làng trên xóm dưới Herfordshire xôn xao: Netherfield sắp có người thuê, mà còn là một quý ông chưa vợ với khoản lợi tức lên đến năm nghìn bảng mỗi năm. Chao ôi, quả là tin đáng mừng đối với gia đình ông bà Bennett, vốn có tới năm cô con gái cần phải gả chồng. Giữa những quay cuồng vũ hội cùng âm mưu toan tính của cả một xã hội ganh đua nhau tìm tấm chồng tốt cho các cô gái, nổi lên câu chuyện tình của cô con gái thứ cứng đầu Elizabeth và chàng quý tộc Darcy – nơi lòng Kiêu hãnh phải nhún nhường và Định kiến cần giải tỏa để có thể đi đến kết cục hoàn toàn viên mãn.

Suốt hơn 200 năm qua, Kiêu hãnh và Định kiến luôn nằm trong số những tiểu thuyết tiếng Anh được yêu mến nhất. Chính Jane Austen cũng coi tác phẩm xuất sắc này là “đứa con cưng” của bà. Tài năng của Austen quả thực đã biến câu chuyện tình sôi nổi nơi miền quê nước Anh thành một bản châm biếm sắc sảo hóm hỉnh và một viên ngọc quý trong kho tàng Anh ngữ.

Chuyện Người Tuỳ Nữ

Tôi có chồng và con gái. Có mèo. Có mẹ, có bạn gái thân thiết. Có việc làm và một cái tên.

Tôi tỉnh dậy sau một cơn chính biến, một cuộc đào thoát bất thành và một cơn mê để thấy mình đã mất cho đến tận cái tên, chỉ còn là Tùy nữ – một trong những “cỗ tử cung có chân” của chính quyền Gilead.

Giữa Nước Cộng hòa Gilead – nhà nước thần quyền cực đoan dựng lên trên nền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xưa, nơi các Martha cặm cụi việc nhà, các Dì rao giảng đạo đức chính thống, các Phu nhân khóc ròng mỗi đêm Lễ tháng, các Tùy nữ tuyệt vọng tìm cách sinh con để khỏi phải ra quét chất thải phóng xạ trên đảo hoang, và không ai biết lúc nào tới lượt mình được “cứu chuộc” trên dây treo cổ – có một người đàn bà vừa tìm cách bám lấy sự sống nhờ mưu mẹo sắc bén và những hồi ức vỗ về từ “thời trước”, vừa cố gắng khám phá để kể lại chuyện mình cho các thế hệ về sau.

Cuốn tiểu thuyết phản-địa đàng (dystopia) này là một câu chuyện cảnh tỉnh để trả lời làn sóng chống nữ quyền và sự trỗi dậy của các thế lực tôn giáo bảo thủ ở nước Mỹ những năm 1980, nhưng trên hết là một cuốn sách viết sắc sảo và lôi cuốn đã được ấn hành ở gần 30 quốc gia. Đây là một trong năm tiểu thuyết đề cử Booker của nữ tiểu thuyết gia Canada danh tiếng Margaret Atwood và là cuốn sách đầu tiên của bà được giới thiệu ở Việt Nam.

Ba Phụ Nữ Can Đảm

Ba câu chuyện về trực diện đương đầu với cuộc đời này được viết ra không để tạo tâm trạng dễ chịu cho độc giả, vì cứ qua mỗi trang kế tiếp, sự cay nghiệt và tàn độc của cõi đời lại tăng thêm một mức nữa. Các hình dung ban đầu của độc giả còn kém xa những gì diễn tiến của hư cấu bày ra.

Cuộc đời những người phụ nữ châu Phi có chút dính dáng với phương Tây, không bao giờ mang màu hồng, nhưng phải có cái nhìn thấu suốt, “từ bên trong”. Như tác giả ba câu chuyện trong cuốn sách này thì toàn bộ sự thảm khốc mới được lột tả đầy đủ và cùng lúc là sức sống mãnh liệt của con người bị đẩy tới đường cùng.

Cái nhìn ấy và sức mạnh ngôn từ đặc biệt ấy, Marie Ndiaye sở hữu với một dung lượng lớn đến kinh ngạc.

Những Bước Đi Nhỏ – Nam Nữ Bình Quyền

Nữ quyền là gì? Tại sao người ta sinh trai hoặc sinh gái? Thế nào là định kiến nam nữ? Nữ có thể làm phi công không? Và tất cả những câu hỏi giúp bạn nhận thức về sự bình đẳng giới tính và hành xử phù hợp được giải đáp qua tập sách nhỏ này!

Dấn Thân

Sheryl Sandberg hiện là giám đốc hoạt động của facebook, là nhân vật đứng thứ hai sau tổng giám đốc và người sáng lập facebook. Cô được xem là một phụ nữ quyền lực ở thung lũng silicon. Cô từng giữ chức vụ lớn tại Google, tại bộ Tài chính Mỹ.

Thông qua quyển sách này, Sheryl Sandberg chia sẻ cuộc đời mình, những vươn lên cùng với thành công, để qua đó nhằm kêu gọi và truyền cảm hứng cho phụ nữ. Theo đó, phụ nữ hãy dám dấn thân, dám ngồi vào bàn để cùng tranh luận, trao đổi và theo đuổi ước mơ của cuộc đời mình. Cũng qua quyển sách này, Sandberg cũng muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về vai trò của phụ nữ và quá trình bình đẳng giới để mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là nam giới, cùng chia sẻ để hướng tới một xã hội bình đẳng hơn.

Phụ Nữ Hiện Đại Viết Lại Luật Thành Công

Cuốn sách trang bị cho phụ nữ hiện đại những kỹ năng hiệu quả nhất về nắm bắt cơ hội, chuyển đổi nghề nghiệp, phương pháp đàm phán, lãnh đạo nhóm, khởi nghiệp, quản lý công việc và gia đình, đồng thời giúp thay đổi cuộc sống tốt hơn vì quyền lợi của phụ nữ.

Tác giả mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ nhằm định nghĩa lại khái niệm thành công phù hợp với mỗi người và khuyến khích họ tạo lập một cuộc sống tôn trọng những đam mê và ưu tiên riêng theo cách chỉ họ mới có thể làm.

Ngày đăng: 15/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 15/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button