Sách hay về Thụy Sĩ

Sách về Thụy Sĩ hay nhất. Khám phá đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa lâu đời và là nguồn cảm hứng cho bao tác phẩm nghệ thuật, điện ảnh và thơ ca ra đời.

Heidi – Johanna Spyri

Heidi – Johanna Spyri

Nội dung tác phẩm: Vì vội vã đi kiếm việc làm mới, người dì ích kỉ đã gửi Heidi đến cho ông nội của cô bé, đang sống cô độc trên vùng núi Alm. Ai cũng ái ngại cho Heidi khi phải sống với ông già lập dị và cục cằn ấy. Nhưng ai ngờ được rằng, Heidi bé bỏng với tấm lòng nhân hậu tự nhiên, chẳng những giúp ông nội tìm lại lòng yêu cuộc sống, mà còn mang đến bao đổi thay kì diệu. Những ai từng gặp Heidi, dù ở Dörfli hay Frankfurt, đều muốn cô bé mãi mãi ở bên mình. Nhưng tất cả đều hiểu, chỉ ở giữa cánh đồng hoa rực rỡ, thung lũng mênh mông và ráng chiều rực đỏ trên những ngọn núi thanh tĩnh ngàn đời của dãy Alm, Heidi mới thực sự hạnh phúc để tặng niềm vui cho mọi người.

Ra đời cách đây 140 năm, Heidi của nữ nhà văn Johanna Spyri được coi là một tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi. Với văn phong giản dị, trong sáng, tác phẩm này đem đến cho người đọc những bức tranh thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ của đất nước Thụy Sĩ, cùng những điều bí ẩn của tạo vật và tâm hồn con trẻ. Heidi đã nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch bản sân khấu và anime.

Cuốn sách kinh điển của Johanna Spyri đã được Đông A xuất bản với bản dịch được yêu thích của dịch giả Thanh Vân, minh họa của Elena Selivanova. Sách in màu, bìa cứng, có bìa áo.

Thông tin tác giả: Johanna Spyri (1927 – 1901)

Johanna Spyri sinh ngày 12 tháng 6 năm 1827 tại Hirzel, một vùng quê hẻo lánh của Thụy Sĩ. Sau khi kết hôn và chuyển đến sống với chồng ở Zürich, bà bắt đầu viết văn. Tình yêu với trẻ thơ và vùng thôn dã đã mang đến nhiều chất liệu cho các sáng tác của bà, trong đó Heidi là tác phẩm thành công nhất, ra đời năm 1890.

Suốt từ đó đến nay, câu chuyện về cô bé mồ côi đáng yêu Heidi vẫn được độc giả khắp thế giới yêu thích bởi những mô tả tinh tế tuyệt vời về cảm xúc của trẻ em và những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Thụy Sĩ. Năm 1884, người chồng và con trai của Johanna Spyri đều qua đời. Từ đó bà tập trung vào các hoạt động từ thiện và viết thêm nhiều tác phẩm nữa.

Johanna Spyri mất năm 1901. Chân dung của của bà đã được in trên tem và đồng xu tưởng niệm tại Thụy Sĩ.

Swiss Made – Chuyện Chưa Từng Được Kể Về Những Thành Công Phi Thường Của Đất Nước Thụy Sỹ

Swiss Made – Chuyện Chưa Từng Được Kể Về Những Thành Công Phi Thường Của Đất Nước Thụy Sỹ

Năm 2012, GDP của Thụy Sĩ đạt hơn 600 tỉ đô-la Mỹ, tương đương với thu nhập bình quân đầu người hàng năm của quốc gia là trên 75 nghìn đô-la.Trong khi đó, tại Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 50 nghìn đô-la; tại Pháp và Đức, con số này khoảng 43 nghìn đô-la, còn tại Anh Quốc là 41 nghìn đô-la.

Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới. Điều gì đã làm nên thành quả phi thường này của đất nước Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với nguồn tài nguyên ít ỏi (ngoại trừ tài nguyên nước và thắng cảnh tuyệt mỹ phục vụ du lịch)?

Cuốn sách “Swiss made – Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sỹ” do một cựu phóng viên tờ The Economist, người đã làm việc rất nghiêm túc và có hệ thống, đã giải đáp phần nào cho câu hỏi này.

Thoạt nhìn, “Swiss made” của R.James Breiding dường như chỉ là một cuốn sách tràn ngập các câu chuyện thành công – và cả thất bại – của những công ty hoặc của những lĩnh vực kinh tế khác nhau tại Thụy Sĩ. Song những độc giả tâm huyết sẽ nhận ra đây chính là một cuốn bách khoa toàn thư sống mãi với thời gian, chứa đựng những bài học hàng trăm năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong tư duy và hành động thực tế của người Thụy Sĩ, từ các chính khách, nhà quản lý, các doanh nhân cho đến những công dân bình thường. Những bài học được đúc rút này đã tác động sâu sắc đến Kiến trúc luật pháp, hành chính, giáo dục và cơ sở hạ tầng của đất nước, trở thành nền tảng cho một sân chơi công bằng của mọi công dân và doanh nhân, từ đó thúc đẩy đãi ngộ hiền tài và sáng tạo.

Tác phẩm này đích thực là một ‘vị quân sư và người cổ vũ’ tuyệt vời cho giới doanh nhân Việt Nam. Nó đồng thời là cẩm nang dành cho những người ra quyết sách trong Chính phủ, từ cấp trung ương, tỉnh thành cho đến xã phường, cũng như trong Quốc hội về điều kiện khung ở cấp nhà nước tốt nhất có thể cho hoạt động kinh doanh.

Với các độc giả trẻ, cuốn sách chính là nguồn cảm hứng quý giá cho sinh viên các ngành kinh tế, pháp luật, khoa học chính trị, cũng như kỷ thuật công nghệ, kiến trúc và du lịch. Nestlé, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới được gây dựng nên bởi một người đàn ông, Henri Nestlé. Ông đã bắt đầu sự nghiệp năm 1839 với vị trí phụ tá cho một dược sĩ.

Những Thứ Trong Suốt

Những Thứ Trong Suốt

Những thứ trong suốt (Transparent Things) là một trong các tiểu thuyết cuối cùng của Vladimir Nabokov, được xuất bản năm 1972 tại Mỹ, khi nhà văn 73 tuổi. Nó cũng là tiểu thuyết thứ 16 (hoặc thứ 7 nếu chỉ tính tiếng Anh) của ông.

Đây là câu chuyện về 4 lần viếng thăm Thụy Sỹ của nhân vật chính Hugh Person.

Chuyến đi đầu tiên của Person đến ngôi làng Thụy Sỹ ấy là khi anh còn trẻ, cùng với cha. Chuyến thứ hai thì nhà xuất bản nơi Person làm việc gửi anh đến để bàn việc với R. – một nhà văn lớn. Chuyến thứ ba bắt đầu có tai nạn và chứng điên, vợ Person qua đời trong chuyến đi này. Rốt cuộc, chuyến thứ tư của Person cho anh cơ hội nhớ lại toàn bộ dĩ vãng, nhưng anh cũng chết tại đúng khách sạn nơi vợ anh đã qua đời.

Những thứ trong suốt là tiểu thuyết đầu tiên được sáng tác sau khi Nabokov đã dịch và hỗ trợ dịch gần như tất cả các tiểu thuyết tiếng Nga của ông qua tiếng Anh, chính vì vậy nó là sự khởi đầu mới với ông, thể loại mới của ông theo lời ông nói trong một cuộc phỏng vấn. Và quả thật Những thứ trong suốt rất khác những gì ông từng viết trước đấy, mặc dù xét về mặt nào đó nó khá giống Pnin, về mặt nào đó khác nó lại gợi nhớ đến Phòng thủ Luzhin. Sự khác biệt không chỉ ở văn phong mà ở cách tư duy chung về nhiều vấn đề quan trọng như ký ức, cái chết và những gì đến sau cái chết.

Với cá nhân người dịch, Những thứ trong suốt là mảng ghép quan trọng trong bức chân dung sự nghiệp Vladimir Nabokov. Không khó thấy ở nó những nhân vật nổi tiếng đã tạo nên tên tuổi nhà văn — chẳng hạn Lolita, ngoài ra còn các ám ảnh về cuộc sống riêng tư, thậm chí ác cảm không che giấu với Freud, người mà Nabokov luôn gọi là gã lang băm thành Viên, và các giễu nhại cũng như sự tôn trọng của tác giả dành cho nhiều văn hào khác.

Nếu ai hỏi cần phải đọc cuốn sách này thế nào thì có lẽ câu trả lời của tôi là hãy đọc nó tự nhiên nhất có thể, chấp nhận nó bình thản như cơn mưa, trận bão, ánh trăng, giọt nắng, bóng mây hoặc một tiếng lá rơi đêm, và rồi, cũng như cuộc sống, có những chuyện hôm nay bạn chưa hiểu, nhưng, một ngày nào đó, một sát-na nào đó, tự chúng sẽ hiện lên, lấp lánh, bình yên, trong suốt.

(Trích “Lời người dịch”)

Wilhelm Tell – Xạ Thủ Huyền Thoại

Wilhelm Tell – Xạ Thủ Huyền Thoại

Cuốn sách viết về một anh hùng dân tộc của Thụy Sĩ, có tài bắn cung, nhưng lại được lồng ghép dưới một cốt truyện hiện đại, qua lời kể của ông cho cháu.

Cậu bé được gửi về quê nội ở với ông bà tại vùng quê Altdorf, chính là quê hương của vị anh hùng “thần xạ” Wilhelm Tell.

Qua lời kể của ông nội, và bằng chính trí tưởng tượng của mình, cậu bé cùng ông nội đã dựng lại chân dung của thần xạ thật sống động, gần gũi, với những chi tiết hết sức tỉ mỉ của đời sống thường nhật.

Cuốn sách giúp bạn đọc nhỏ tuổi thêm hiểu biết về địa lý, lịch sử cũng như văn hóa của đất nước Thụy Sĩ, hiểu thêm về cuộc sống của người dân Thụy Sĩ hiện đại.
Cậu bé, cũng giống như nhiều bạn nhỏ khác trên khắp thế giới, đều mong muốn được cha mẹ yêu thương và sống giữa gia đình.

Nỗi buồn về việc bố mẹ cậu không ở cùng nhau liệu có nguôi ngoai khi cậu sống cùng ông bà? Và rồi mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao với Wilhelm Tell và gia đình của anh? Và cậu bé của chúng ta có vơi nỗi nhớ nhà khi phải xa gia đình? Liệu bố mẹ cậu có quay lại với nhau để đem lại cho cậu một gia đình yên ấm hay không?

Chúng ta hãy cùng cậu bé nghe ông kể lại về huyền thoại Wilhelm Tell, và về cuộc sống của gia đình anh. Những tình tiết gay cấn sẽ hấp dẫn chúng ta đến trang sách cuối cùng.

Pho Mát Và Đậu Bắp Làm Trẻ Con Ở Thụy Sĩ

Pho Mát Và Đậu Bắp Làm Trẻ Con Ở Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là đất nước nổi tiếng vì giàu có và cuộc sống chất lượng cao, nhưng cũng đặc biệt khi có nền giáo dục lấy con người làm trung tâm.

Là một người Việt Nam kết hôn với người Pháp và định cư ở Thụy Sĩ, Quỳnh Lê đã tìm cách vừa nuôi dạy vừa làm bạn với hai đứa con trong một nền văn hóa thú vị nhưng vẫn cố gắng truyền tải những giá trị Việt, bởi vì các con “sống ở Thụy Sĩ, 50% Pháp, 50% Việt và 100% yêu thương”.

Những câu chuyện về cách dạy trẻ làm quen với thế giới xung quanh, những câu hỏi hóc búa bằng chính trải nghiệm thực tế của tác giả, sẽ là những tham khảo thú vị cho các bậc cha mẹ muốn tìm hiểu một không gian giáo dục tiên tiến.

Thẩm Phán và Đao Phủ

Thẩm Phán và Đao Phủ

Một buổi sáng tháng Mười một dày đặc sương mù, xác một viên cảnh sát được tìm thấy ở Bern, một bang của Thụy Sĩ. Vụ án ngay lập tức được giao cho thanh tra Barlach, một nhà điều tra hình sự có tiếng nay đã tuổi cao lại bệnh tật đầy mình. Với sự giúp đỡ của một người thừa hành là cấp dưới, Barlach lần theo dấu vết của hung thủ…

Durrenmatt dùng tiểu thuyết hình sự – thể loại thường bị coi là giải trí – để tấn công vào những thiết chế sáo mòn về cái gọi là văn chương đích thực của giới phê bình và học thuật.

Ly kỳ, dí dỏm, đầy sắc sảo, Thẩm phán và đao phủ của Durrenmatt là nơi tác giả triển khai những nan đề về đạo đức và những trăn trở có tính triết lý.

Nguyên nhân khiến phần lớn các tội phạm nhất thiết phải bị phơi trần là sự không hoàn hảo của con người, là việc chúng ta chẳng bao giờ đoán chắc được hành động của người khác, và hơn nữa, không thể lường trước ngẫu nhiên, là yếu tố thọc vào mọi sự.

Friedrich Durrenmatt

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button