Sách hay về Sài Gòn

Sách về Sài Gòn hay nhất. Viết về cuộc sống, lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn, những tâm tư nguyện vọng của người dân cho đến những vấn đề vĩ mô về văn hóa, kinh tế.

Sài Gòn Khâu Lại Mảnh Thời Gian

Quyển sách tập hợp những bài viết ngắn nhìn lại Sài Gòn ngày hôm qua, không phải bằng cặp mắt của nhà nghiên cứu mà của một người tha thiết yêu Sài Gòn, gắn bó với mảnh đất này từ bé và kể lại các câu chuyện thông qua những mảnh kỷ niệm; đó có thể là những câu chuyện hết sức sống động về chuyện ăn, uống, giải trí, thói quen sinh hoạt… cho đến những nhận định sâu sắc hơn về lịch sử, dấu tích cha ông trên một vùng đô thị đang hiện đại hóa từng ngày.

Sài Gòn Chuyện Xưa Mà Chưa Cũ

Cùng với “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”, tác phẩm này viết về một Sài Gòn xưa qua những mảnh hồi ức vô cùng sống động của tác giả Lê Văn Nghĩa. Đó là một Sài Gòn lạ lẫm với những hàng cây cao su, Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu của các rạp cải lương, Sài Gòn sôi động với các ban nhạc trẻ, Sài Gòn với bến tắm ngựa và những con đường ghi đậm dấu tích một thuở, Sài Gòn bỡ ngỡ trong những luồng văn hóa mới, Sài Gòn ấm áp tình người thuở tao loạ Chắc chắn những ai yêu Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh sẽ vô cùng yêu thích cuốn sách tìm về dấu xưa đầy duyên dáng này.

Sài Gòn Năm Xưa

Dựa vào cuốn Ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận của học giả Trương Vĩnh Ký viết năm 1885, Vương Hồng Sển đã… kể tiếp, nhắc lại những sự biến đổi từ thuở đó cho đến ngày Sài Gòn trở về với dân Việt….

Ở đây, tác giả chú trọng nhiều nhất là những đoạn sử vụn vặt buổi giao thời: Pháp – Nam – Chà – Chệc chung đụng, những chuyện Tây đến, Tây đi, những việc chưa ai nói rõ ràng, tác giả đã được nghe đến tận tai hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại.

Đọc Sài Gòn năm xưa giúp chúng ta hiểu biết thêm về lịch sử sự hình thành và phát triển của Hòn ngọc viễn đông mà ngày nay được mang tên – Thành phố Hồ Chí Minh.

Sài Gòn Tạp Pín Lù

Cụ Vương Hồng Sển (1902-1996) là một nhà văn đặc biệt Nam bộ mà cũng là một học giả, một nhà cổ ngoạn có một không hai Việt Nam. Ông có một bút pháp độc đáo, duyên dáng… mà vài thập kỉ của thế kỉ XX chưa có nhà văn nào có thể so sánh được.

Vào buổi vãn niên, ông có mấy tác phẩm mà ông cho là “tâm đắc” của mình được xuất bản, trong đó có cuốn Sài Gòn tạp pín lù (tức Sài Gòn năm xưa II, III) nối tiếp Sài Gòn năm xưa I xuất bản từ năm 1962 tại Sài Gòn.

Nói như tác giả (VHS), Sài Gòn tạp pín lù là ông nhớ đâu viết đó và viết bằng máy chữ nên rất tự do, tự nhiên, chân thành và không kém thân tình. Sài Gòn tạp pín lù đến với chúng ta tuy trễ, nhưng vẫn được độc giả say sưa đọc bởi vì bút pháp cùng với văn phong cố hữu có một không hai của nhà cổ ngoạn họ Vương. Có thể nói Sài Gòn tạp pín lù như là một thứ Sài Gòn vang bóng của tác giả và của cả dân Sài Gòn từng vui buồn với đất Bến Nghé từ bao giờ cho đến bây giờ.

Không Gian Gia Vị Sài Gòn

Đây là một tập sách, phần nào đó sẽ mở cho bạn vào không gian gia vị Sài Gòn cũng như một vài địa phương gần gũi khác. Bạn có tin là nguồn hương gia vị từ các món ăn, thức uống sẽ mời bạn vào một cuộc hành trình, không phải trở về cũng không phải ra đi mà đơn giản là cảm thụ trọn vẹn từng khoảnh khắc hiện hữu, ở chính nơi chốn đang sáng tạo từng món ngon với sự ân cần nêm nếm vào đó gia vị tình yêu, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc từ đời này qua đời khác trong không gian bếp Việt! Nghệ thuật sáng tạo món ăn không phải để có các tác phẩm phô bày, triển lãm, người Việt sáng tạo món ngon để chính mình được hào hứng sống và để thực khách xa gần thỏa mãn vì được vui sống. Vậy hà cớ gì bạn và tôi từ chối không rời buông gánh lo âu mà sống cùng nguồn gia vị Sài Gòn, có gì mà phải mắc cỡ trong việc được Sài Gòn mời món ngon món lạ. Sài Gòn rất thật lòng được nhìn bạn ăn khoái khẩu và khoái chí khi nghe bạn khen.

Không gian gia vị ở Sài Gòn hàng ngày được mở ra cho đời sống thị dân từ các món bán rong trên phố. Người đô thị thuộc về và chung đụng hàng ngày với không gian gia vị hàng rong, quán xá bởi đó là thực chất nguồn sống và hồn đô thị. Đô thị nơi ta sống, nơi thiếu không gian, thiếu tiếng chim, thiếu biển, thiếu núi nhưng may mắn thay không bao giờ thiếu không gian gia vị sinh tồn .

Vọng Sài Gòn

“Đọc sách để thư giãn, nhưng không phải với cuốn này. Miêu viết là để bạn đọc đấu vật với tiềm thức của chính mình, cào xới đến xây xát cả tàng thức để tìm cho ra những hạt đậu tốt/xấu mà mảnh đất này để lại. Để biết mình đang yêu một thành phố như thế nào.”

– Liêu Hà Trinh, MC, diễn viên

“Người viết cuốn sách có tình yêu nồng nàn đến dữ dội đối với vùng đất Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.”

– Phạm Công Luận

Sài Gòn – Thị Thành Hoang Dại

Sài Gòn – Thị thành hoang dại là quyển sách viết về Sài Gòn, về những người nhập cư đã rời xa quê hương để đi tìm một “miền đất hứa”. Họ thắp lửa trong tim, mang vào thành phố. Có người tìm thấy tổ ấm, tình yêu và sức mạnh của mình giữa Sài Gòn. Nhưng cũng có người đã gục ngã, tổn thương và đánh mất chính mình.

Sài Gòn Những Biểu Tượng

Khởi đi từ ý tưởng bài viết trong phần Biên khảo của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng về biểu tượng kiến trúc và điêu khắc trên các công trình mang hình thái Đông Dương, chúng tôi mạo muội đặt tựa cho tập sách này là Sài Gòn, những biểu tượng. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề, mà là gợi mở, mời gọi những cuộc tìm tòi, khảo cứu, khai quật, khám phá và ghi nhận về hệ giá trị Sài Gòn.

Góp vào ý hướng chủ đạo đó, còn có bài nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp – “Thương mại người Việt đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn và Chợ Lớn”. Bài viết điểm lại những đóng góp của làn sóng thương nghiệp, sự trỗi vượt của một số thương hiệu đầu tiên trên đất Sài Gòn – Chợ Lớn, bước đầu xác lập vị thế kinh tế cho một đô thị, mà về sau, chúng ta gọi là “đầu tàu kinh tế”, “trung tâm kinh tế” quan trọng của đất nước.

Biểu tượng, từ đây không dừng lại ở khía cạnh vật thể, mà triển khai rộng hơn những gì phóng chiếu từ nội hàm lịch sử, văn hóa thị dân; là khởi sinh, tiếp biến cho đến tổng hòa những dấu chỉ nội tại để nhận diện/nhận biết Sài Gòn. Đó là những tiêu điểm văn hóa, nhân văn, bao gồm những chuyển động trong giáo dục, văn chương, nghệ thuật mang tính đặc thù của thị dân, theo đó, là sự tỏa sáng của những nhân vật, cả nổi tiếng và vô danh, phát lộ những gì được xem là biểu trưng cho linh hồn của nơi chốn.

Các bài viết của quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, dịch giả Trần Đức Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương, nhà thơ Du Tử Lê, nhà báo Lưu Vĩ Lân, Nguyễn Quốc Việt về cảnh quan tinh thần, đời sống con người Sài Gòn trong quá khứ cho đến các cảm nhận, thao thức về cuộc chuyển dời hôm nay của các tác giả: Phan Triều Hải, Nam Thụ, Bảo Uyên, Nguyễn Cường, Trương Gia Hòa… đặt trong cảm thức không gian biểu tượng, phần nào, như đã nói, có thể gợi mở hứng thú cho những cuộc kiếm tìm dấu chỉ văn hóa đô thị Sài Gòn trong thời gian tới.

Sài Gòn Còn Chút Gì Để Nhớ

Nếu Nhớ sao xe cộ Sài Gòn của Ngô Kế Tựu là những phương tiện giao thông một thời hằn sâu trong hoài niệm của người Sài Gòn, thì Sài Gòn còn chút gì để nhớ của anh là gói ghém rất nhiều những mảng ký ức về một Sài Gòn thập niên 60 – 70.

Có người nhớ tiếng rao trên đường phố, nhớ tiếng ồn ào trong khu xóm lao động, nhớ cảnh nhộn nhịp Sài Gòn dịp Tết những ngày còn thơ, những cuộc tình lang thang dưới vòm me xanh lá trên con đường Duy Tân đầy bóng mát… Có người nhớ những món ăn vặt, từ bánh tráng khoai mì tròn như bàn tay con nít đến cuốn bò bía bằng ngón tay cái người lớn…

Tựa cuốn sách là một câu hỏi hay là một truy vấn ký ức của người Sài Gòn tha hương?

Sài Gòn Chở Cơm Đi Ăn Phở

Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó “xôm tụ” ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm. Mời bạn đọc cuốn “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” cùng cuốn sách mới nhất của Ngữ Yên được giới thiệu trong đợt này có tựa Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! để hình dung đầy đủ về một hành trình khám phá ẩm thực.

Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê

Trước đây, các ông Vũ Bằng, Võ Phiến, Nguyễn Tuân, Sơn Nam… bằng những cách khác nhau, đã từng hướng văn chương đến miền thao thức với cái ăn, cách ăn của người Việt. Nhiều áng văn vẫn còn sống mãi với thời gian dù “đối tượng phản ánh” đã tam sao thất bổn qua biết bao bể dâu thế cuộc. Biết bao dâu bể đã xảy ra trên bàn ăn của dân ta!

Không cố tình dệt nên những áng văn hoa mỹ về chuyện ăn uống, Ngữ Yên, thậm chí làm ngược lại, “anti” cái sự kiểu cách vẽ vời để mong muốn chạm trực tiếp đến cái ăn cho được đúng như nó là, đúng như là nó – tự do, phóng khoáng, xả láng hài hước nhưng đau đáu, thâm trầm. Cách ăn “không son phấn” đó mang lại cho chúng ta nguồn dữ liệu thực, thực từ ngôn ngữ trên bàn ăn (cách dùng từ lóng, giễu nhại, bóng gió,…) đến câu chuyện sau cái ngon, cái chưa ngon là nỗi đời, sự đời mang tính phổ quát mà cũng rất đỗi riêng tây.

Chuyện ăn trong cõi ta bà của xứ Sài Gòn như cách tác giả cuốn sách này chọn kể hóa ra cũng một nẻo thong dong đi vào đời sống, gom nhặt biết bao ân tình! Dĩ nhiên, không tránh khỏi chuyện có những món ăn, cách ăn, giá cả nguyên liệu không còn ứng với tâm thế, nhận thức, không cập nhật với thời điểm độc giả cầm cuốn sách này. Nhưng có hề chi. Xin hãy đọc những dòng nắn nót về thịt chó hay dồi trường trong một tâm thế tiếp nhận bình tĩnh như đọc một đoạn ghi chép dân tộc học. Biết bao kiến thức y thực cũng vậy, có thể cách luận giải không phù hợp với ngày nay, nhưng xin hãy tiếp cận để biết thêm rằng, chưa xa, mới một, hai thập niên trước thôi, lối tư duy ấy đã từng chi phối trên nhiều bàn ăn của người Việt. Với cách nhìn đó, bạn sẽ thấy từng bài viết trong cuốn sách này là từng mảnh sử rời rạc. Một ngày nào đó chúng sẽ vô cùng hữu ích cho những dự án có tham vọng lớn hơn của bạn về ẩm thực.

Sài Gòn, Chuyện Tập Tàng

Lượt sử truyền miệng thức uống Sài Thành

1. La-de Trái Thơm đi kèm một câu chuyện vui được truyền tụng về sau. Số là hãng muốn làm mới nhãn bia, và muốn đỡ chi phí nên chọn họa sĩ bổn xứ để vẽ. Nhãn mới có vẽ thêm vào nhãn Con Cọp hình bông houblon hay còn gọi là bông bia, được dùng để tạo vị đắng. Bông này còn tươi coi bộ giống bông atiso nhưng nhìn khô khác quá hay sao mà ông họa sĩ vẽ giống y trái thơm, rồi đem đi in cả lố lố. Khi nhãn in ra thì mới phát hiện hình trật lất, nhưng chẳng lẽ bỏ phí đi? Chữa cháy, hãng vẫn cho dán và nhét vào mỗi két một chai, đinh ninh dân nhậu đã dòm quen quá chai Con Cọp, xăm soi cái nhãn mà chi. Nhưng sự cố “chữa cháy” lại thành ra cái hay. Những người Hoa ở Chợ Lớn nhanh nhạy đánh hơi thấy cơ hội liền. Các chú đặt tên và tung tin nhãn la-de Trái Thơm là loại đặc biệt, mỗi két chỉ có một chai, ai mua nhiều thì tặng thêm chai Trái Thơm. Vậy là Trái Thơm đường đường được xếp vào ngôi vị “đàn anh”. Ngồi chung một mâm nhậu, người lớn hoặc uy tín luôn được dành cho chai này. Ôi! Trái thơm chỉ thơm tâm lý thôi cũng quá xá đã.

2. Người xưa có nói rằng: “Vô tửu bất thành lễ”. Hầu hết trong lễ nghi nào cũng có rượu, truyền thống đó kéo dài cho tới tận bây giờ. Trên bàn thờ lễ đường, bàn thờ gia đình… phải tôn kính rót rượu mời đất trời, thánh thần, ông bà tổ tiên, vong linh và cả âm binh thiên tướng rồi mới bắt đầu nghi lễ. Ngày xưa, trước khi xuất quân ra chiến trận, nghi lễ sẽ là tế rượu, thắng trận sẽ có lễ rượu khao quân. Trong nghi lễ đời thường, tôn kính, trân trọng rót rượu mời nhau, chúc tụng, rồi mới mở lời bắt đầu câu chuyện.

3. Cà phê “sanh sau đẻ muộn” khá lâu so với trà và rượu, vào thế kỷ thứ IX, đến nay chỉ độ hơn một ngàn năm thôi. Trước tiên “bà mụ đỡ đẻ” là… một đàn dê chứ không phải con người. Sự tình là vầy: Những người chăn dê nhận thấy một đàn dê ăn những trái chín đỏ của một loài cây có bông màu trắng, sau đó “tung tăng” chạy nhảy suốt cho tới đêm khuya. Một người ăn thử, người tỉnh táo ra, tan biến uể oải, lâng lâng muốn tung tăng như đàn dê. Họ thưa chuyện với những thầy tu trong vùng, những thầy tu ép lấy nước uống thử, quả là tỉnh táo hẳn như anh chàng chăn dê nọ, cầu nguyện suốt đêm không buồn ngủ. Vậy là từ đó họ lấy trái đó mà sử dụng. Chuyện xảy ra ở vùng đất Kaffa, Ethiopia, châu Phi. Và đó chính là cây cà phê ngày nay. Vậy vùng đất này là thủy tổ của cây cà phê, và dê để lại nhiều chuyện cho người đời, thêm chuyện này nữa thì quả là lợi hại. Nhớ người trồng cây ta nhớ luôn những “chàng” be he he…

Sài Gòn Bao Giờ Cũng Thế

Sài Gòn với bạn là ai? Là người phụ nữ sang trọng trong tấm áo dài tha thướt hay ông công chức lịch lãm bộ đồ Tây? Là bác xích lô niềm nở, chị hàng rong nhẹ nhàng lời mời chào? Là người miền Tây lên hay người vô từ miền Trung miền Bắc? Thậm chí, là “giang hồ” nơi bến cảng chợ búa hay kẻ liều lĩnh cướp giựt trên đường phố? Là nơi thu hút và luôn chấp nhận mọi hoàn cảnh, chia sẻ cơ hội cho mọi người, sau tất cả những phức tạp, bất ổn và cả những nguy cơ, sau cuộc sống gấp gáp ồn ào tựa như “vô cảm” của một đô thành lớn, người Sài Gòn vẫn dung dị bên ly cà phê mỗi sáng, ly bia mỗi chiều, bình thản bên máy tính hay tờ báo ngồn ngộn thông tin, cần thì vẫn lao ra đường làm ăn, khi bị xe của “trật tự đô thị” làm khó thì như chị hàng rong “vui vẻ mà chạy”, và những người mua ổ bánh mì hay ly cà phê vẫn chờ gặp chị để trả tiền và ngày mai họ vẫn ghé mua như thường lệ, để giúp một con người, một gia đình… Sài Gòn có bao nhiêu cuộc đời như vậy.

Sài Gòn có thể là tất cả, một bức tranh đa dạng, sinh động, khó nắm bắt như những lớp sóng của dòng Cửu Long cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mùa nước lớn, để rồi lớp phù sa màu mỡ từ từ lắng đọng nuôi cánh đồng lúa vàng và vườn cây trái ngọt lành…

Đất Gia Định Xưa, Bến Nghé Xưa, Người Sài Gòn

Tập sách là tập hợp của 3 tác phẩm đã xuất bản: Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn.

Thông qua tập sách, người đọc sẽ có điều kiện để hiểu biết thêm về vùng đất gọi là Gia Định xưa (cụ thể là cả Nam Bộ), từ đó hiểu thêm sự hình thành của Bến Nghé (vùng đất Sài Gòn, Gia Định nay là Thành phố Hồ Chí Minh) và tính cách của người Sài Gòn – gần như là đại diện tính cách của người Nam Bộ trong quá trình phát triền, xây dựng từ khi mở đất đến nay.

Một tác phẩm dày và bổ ích cho cả người Sài Gòn nay và xưa.

Sài Gòn Mai Gọi Nhau Bằng Cưng: Tản Văn

Tập tản văn là những suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống, tình yêu bình dị và sâu lắng của một cô giáo gắn bó gần trọn đời với Sài Gòn.

Sài Gòn Thương Và Nhớ

Sài Gòn thương và nhớ… Dành cho những ai yêu Saigon! Ừ, Saigon của tôi đó. Không phải là những bờ biển, đồi thông… mà là nơi thân quen từng nhận bao tiếng cười cũng như giọt nước mắt của tôi và bạn bè với những thăng trầm trong cuộc sống. Một nơi náo nhiệt, ồn ào, là đất hứa cho những người muốn làm một cuộc đổi đời. Và khi buồn phiền, tôi vẫn có thể tìm cho mình những dấu lặng ở những nơi từng là kỷ niệm của một thời đã xa lắm. – Tác giả Nguyễn Ngọc Hà

Nhớ Sao Xe Cộ Sài Gòn

Sài Gòn tuy là một thành phố trẻ nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều dấu ấn văn hoá, lịch sử mà càng tìm hiểu càng thấy dường như không bao giờ tường hết được. Mỗi góc phố, hàng cây, viên gạch cũng có thể trở thành chứng nhân lịch sử. Chọn đề tài xe cộ Sài Gòn, Ngô Kế Tựu đã khai thác một khía cạnh thú vị để người yêu Sài Gòn hiểu thêm về vùng đất này.

Viết về những thứ quá gần gũi, quá quen thuộc thì dễ nhàm, nhưng Nhớ sao xe cộ Sài Gòn, một cuốn sách mới của Ngô Kế Tựu do Phương Nam Book liên kết xuất bản thì lại cuốn hút và vô cùng đồng cảm, bởi anh viết bằng trái, tim, bằng tình cảm của một người thích lang thang phố thị, nhiều khi thui thủi một mình trên đường chỉ có xe làm bạn, hoặc đã từng trông chiếc xe đò về quê như trông một người tình.

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Yêu Hà Nội thích Sài Gòn là một tựa đề cảm xúc, và toàn bộ cuốn sách là những cảm nhận tinh tế của một nữ nhà báo có cái nhìn sâu sắc, nhân văn và nhiều trăn trở về cuộc sống, giá trị, văn hóa, xã hội và kinh tế ở Hà Nội và Sài Gòn. Những kỷ niệm và suy tư về hai thành phố này được chắt lọc từ cái nhìn vừa khách quan vừa cởi mở, tạo thành một bức khảm sinh động về hình ảnh hai thành phố này.

Xuyên suốt cuốn sách còn là một hình ảnh về đất nước qua hai thành phố. Cuốn sách là bản bút ký về cuộc sống, từ những nét đẹp văn hóa, từ những ứng xử tử tế, từ tâm tư nguyện vọng của người dân cho đến những vấn đề vĩ mô về văn hóa, kinh tế. Trên tất cả và trong tất cả là một tâm hồn nhạy cảm, một trí tuệ sắc sảo, rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.

Đây là một cuốn sách được viết nên bởi “một người di cư”, sống tuổi trẻ ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn. Di chuyển giữa hai không gian đô thị đối lập ấy lại là một tâm hồn sâu sắc, tinh tế. Nói cách khác, đây là cuốn sách của một linh hồn đô thị nhạy cảm.

Cuốn sách vừa là cảm nhận cá nhân, nhưng lại là nhận thức xã hội. Đánh giá của tác giả rất xác đáng và là cảm nhận chung cho rất nhiều “tâm hồn đô thị” khác, rất nhiều người Sài Gòn, người Hà Nội, người đến Sài Gòn, người đến Hà Nội. Với những người nghiên cứu đô thị hoặc viết về đô thị, đây là một cuốn sách nên đọc và phải có.

Ngày đăng: 14/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 14/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button