Sách hay về phát triển bản thân

Sách về phát triển bản thân hay nhất. Chia sẻ cách khám phá tiềm năng, vượt qua những khó khăn và thay đổi trong cuộc sống.

Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc “Đếch” Quan Tâm

“Trong cuộc đời mình, tôi đã từng quan tâm về quá nhiều thứ. Đồng thời tôi cũng “đếch” quan tâm tới nhiều người, nhiều điều khác nữa. Và giống như con đường chưa từng được khai phá, chính những điều tôi chẳng thèm quan tâm ấy lại tạo nên sự khác biệt.

Chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp không phải là quan tâm nhiều hơn, mà là quan tâm ít đi, chỉ quan tâm tới điều gì là thật, gần gũi và thực sự quan trọng.

Cuốn này sẽ không dạy bạn cách để đạt tới điều này hay điều nọ, mà là làm thế nào để vứt bớt và buông bỏ… Nó sẽ hướng dẫn bạn cách nhắm mắt lại và tin rằng bạn có thể ngã ngửa ra đằng sau mà vẫn ổn. Nó sẽ dạy bạn: ĐỪNG CỐ”

7 Thói Quen Hiệu Quả

Có hay không một “công thức chung” của những người thành công trong mọi lĩnh vực, mọi nơi và mọi thời? Đó là do tạo hóa đã ban cho họ hay do họ học tập và rèn luyện mà có được? Theo chuyên gia, nhà giáo Giản Tư Trung – tác giả Đúng việc – một góc nhìn về câu chuyện khai minh, lời giải đáp sẽ có mặt trong quyển sách 7 Thói quen hiệu quả.

“7 Thói quen hiệu quả” không chỉ là tên của một tác phẩm kinh điển về quản trị, tên của một chương trình đào tạo danh tiếng toàn cầu, mà còn là tên của một nền văn hóa mới – văn hóa hiệu quả.

Ông phân tích rằng, hơn 7 tỷ người trên trái đất này không ai giống ai cả, mỗi người mỗi kiểu, mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi việc… khác nhau. Tuy vậy, thật ra tất cả đều có một điểm giống nhau: đều là “con người”, có những đặc tính chung của “giống người” (để phân biệt với những giống loài khác).

Do vậy, muốn trở thành một người có cá tính, trước hết phải là một con người cái đã, nếu không sẽ trở nên hoang dã. Trước khi làm một tổ chức có bản sắc, phải là một tổ chức tử tế cái đã, nếu không sẽ trở nên quái dị.

Những đặc tính chung của con người thường được gọi là “văn hóa nền tảng”, hay còn gọi là những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn. Hầu hết sách hay, sách quý đều mang trong mình những giá trị và nguyên lý này.

Nhà giáo Giản Tư Trung tin rằng, 7 Habits của Stephen R. Covey cũng mang trong mình những giá trị và nguyên lý đó, đặc biệt là những giá trị và nguyên lý về tính hiệu quả của con người.

Sức Mạnh Của Thói Quen

Về cơ bản, người lớn và trẻ em không khác nhau là mấy. Bởi hầu hết những hành động hàng ngày của chúng ta đều là sản phẩm của thói quen vô thức. Thế nhưng không phải cá nhân, tổ chức nào cũng có được thành công. Đó là vì mỗi người có những thói quen riêng. Vậy thói quen nào mới giúp bạn thành công? Trong cuốn sách “Sức mạnh của thói quen”, Charles Duhigg sẽ giải đáp thắc mắc ấy.

Chìa khoá quan trọng nhất để mở cánh cửa thành công chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn những thói quen tốt với nhau. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phân biệt thói quen tốt và thói quen xấu? Thói quen có nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta hay không? Với ba phần khá đầy đặn, “Sức mạnh của thói quen” cho bạn cái nhìn toàn diện không chỉ về thói quen cá nhân, của tổ chức mà còn là của toàn xã hội, cùng với lời khuyên để vận dụng các thói quen đó. Muốn thay đổi thói quen, bạn phải phá vỡ những việc làm tuỳ hứng hàng ngày – câu “thần chú” này chỉ đường cho bạn tới thành công.

Đắc Nhân Tâm

Đắc Nhân Tâm không chỉ là là nghệ thuật thu phục lòng người, Đắc Nhân Tâm còn đem lại cho độc giả góc nhìn, suy nghĩ sâu sắc về việc giao tiếp ứng xử.

Triết lý của Đắc Nhân Tâm là hiểu mình, thành thật với chính mình, từ đó hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Đây chính là nghệ thuật cao nhất về con người và chính là ý nghĩa sâu sắc nhất đúc kết từ những nguyên tắc vàng của Dale Carnegie.

Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

Hãy biến ngôi nhà của bạn thành một không gian luôn ngăn nắp và sạch sẽ với phương pháp KonMari kỳ diệu. Chuyên gia sắp xếp và dọn dẹp người Nhật, Marie Kondo, sẽ giúp bạn dọn sạch các căn phòng một lần cho mãi mãi với các phương pháp truyền cảm hứng được thực hiện theo từng bước.

Điểm mấu chốt để thành công trong việc dọn dẹp nhà cửa là bạn phải thực hiện theo thứ tự đúng, chỉ giữ lại những thứ bạn thật sự yêu thích và làm tất cả cùng lúc – và thật nhanh. Sau đó, trong suốt phần đời còn lại, bạn chỉ cần lựa chọn giữ lại thứ gì và bỏ đi thứ gì.

Phương pháp KonMari sẽ không chỉ biến đổi không gian của bạn. Khi bạn giữ được trật tự cho ngôi nhà của mình, toàn bộ cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi. Bạn có thể cảm thấy tự tin hơn, trở nên thành công hơn, và có thể có năng lượng và động lực để tạo ra cuộc sống mà bạn mong muốn.

Sau khi đọc cuốn sách “Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống”, bạn sẽ có can đảm để bứt ra khỏi những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống: Bạn có thể nhận ra và chấm dứt một mối quan hệ chẳng ra gì; bạn có thể không cảm thấy lo lắng nữa, và cuối cùng bạn có thể giảm cân như ý.

Hoàn Thành Mọi Việc Không Hề Khó

Làm thế nào để đạt được năng suất công việc cao nhất mà không bị căng thẳng? Với cuốn sách: Hoàn Thành Mọi Việc Không Hề Khó, huấn luyện viên kỳ cựu, nhà cố vấn quản trị David Allen chia sẻ những phương pháp hiệu quả giúp bạn, cũng như hàng chục nghìn người khác từng được ông đào tạo, giảm stress và tìm thấy sự thoải mái trong cuộc sống.

Với Hoàn Thành Mọi Việc Không Hề Khó, bạn sẽ biết cách:

– Ứng dụng nguyên tắc “thực hiện, chuyển giao, treo, bỏ qua” để giải phóng bộ nhớ của bạn

– Đánh giá lại các mục tiêu và duy trì khả năng tái tập trung khi tình huống thay đổi

– Lập kế hoạch và tìm cách tháo gỡ các dự án “treo”

– Vượt qua cảm giác bối rối, lo lắng và không thể kiểm soát

– Cảm thấy hài lòng với cả những gì mình chưa thực hiện.

Kỹ Năng Đi Trước Đam Mê

Trong quyển sách Kỹ Năng Đi Trước Đam Mê, Cal Newport lột trần niềm tin từ trước đến nay rằng ta nên “theo đuổi đam mê.”

Niềm tin sáo rỗng này không những sai sót ở chỗ là những đam mê tồn tại sẵn có thường hiếm hoi và không liên quan gì lắm đến việc hầu hết mọi người cuối cùng cũng yêu thích công việc họ làm, mà nó còn có thể gây nguy hiểm, sinh ra cảm giác lo lắng và hiện tượng nhảy việc liên miên.

Sau khi đưa ra dẫn chứng chống lại niềm tin vào đam mê, Newport bắt đầu cuộc hành trình khám phá thực tế là mọi người trở nên yêu thích công việc họ làm như thế nào. Dành thời gian tiếp xúc với những người nông dân trên trang trại, các nhà đầu tư mạo hiểm, những người viết kịch bản, các lập trình viên máy tính hành nghề tự do, và những người cho biết mình tìm thấy cảm giác mãn nguyện từ công việc, Newport phát hiện ra những chiến lược họ đã áp dụng và những cạm bẫy họ đã né tránh trong quá trình phát triển sự nghiệp hấp dẫn của mình.

Hướng Nội

Có ít nhất một phần ba trong số người quen của chúng ta có tính hướng nội. Họ là những người thích lắng nghe nhiều hơn lên tiếng; họ đổi mới và sáng tạo nhưng không thích tự đề cao bản thân; họ thích làm việc độc lập hơn làm việc theo nhóm. Chính những người hướng nội như Rosa Parks, Chopin, Dr. Seuss, Steve Wozniak đã mang đến nhiều đóng góp lớn lao cho xã hội.

Trong Hướng Nội, Susan Cain chỉ ra được rằng chúng ta đánh giá quá thấp những người hướng nội và rằng sai lầm này đã khiến chúng ta thiệt thòi đến mức nào. Bà giới thiệu cho chúng ta biết những người hướng nội thành đạt – từ một diễn giả hóm hỉnh, năng động phải tìm không gian tĩnh lặng để phục hồi năng lượng sau mỗi lần diễn thuyết, cho đến một nhân viên phá kỷ lục bán hàng biết thầm lặng khai phá sức mạnh của những câu hỏi. Bằng những lập luận mạnh mẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng cùng nhiều câu chuyện người thật việc thật sâu sắc, Hướng Nội có sức mạnh làm thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta nhìn nhận về những người hướng nội cũng như cách họ nhìn nhận bản thân, một yếu tố quan trọng không kém.

Tư Duy Nhanh Và Chậm

Bạn nghĩ rằng bạn tư duy nhanh, hay chậm? Bạn tư duy và suy nghĩ theo lối “trông mặt bắt hình dong”, đánh giá mọi vật nhanh chóng bằng cảm quan, quyết định dựa theo cảm xúc hay tư duy một cách cẩn thận, chậm rãi nhưng logic hợp lý về một vấn đề.

Tư duy nhanh và chậm sẽ đưa ra và lý giải hai hệ thống tư duy tác động đến con đường nhận thức của bạn. Kahneman gọi đó là: hệ thống 1 và hệ thống 2.

Hệ thống 1, còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức.

Hệ thống 2, còn gọi là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi ít nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic có tính toán và ý thức.

Trong một loạt thí nghiệm tâm lý mang tính tiên phong, Kahneman và Tversky chứng minh rằng, con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là ghĩ chậm. Phần lớn nội dung của cuốn sách chỉ ra những sai lầm của con người khi suy nghĩ theo hệ thống 1. Kahneman chứng minh rằng chúng ta tệ hơn những gì chúng ta tưởng: đó là chúng ta không biết những gì chúng ta không biết!

Món Quà Của Sự Không Hoàn Hảo

Chúng ta cứ nói mãi về lòng dũng cảm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn đến mức nhàm chán, giống như những lời hay ý đẹp in trên tấm thiệp mừng, nhưng nếu ta chưa thể chia sẻ một cách thật lòng về những trở ngại mình vấp phải trong lúc thực hành những điều mình nói, thì chúng ta chẳng thể nào thay đổi. Không bao giờ!

Lòng dũng cảm nghe thật vĩ đại, nhưng bàn đến nó thì phải bàn đến việc ta dám bỏ qua những gì người khác nghĩ, và với đa số, thì hành động ấy thật đáng sợ. Lòng trắc ẩn là điều bất kỳ ai cũng mong muốn nhưng đã có ai mạnh dạn nghĩ đến lý do vì sao việc xác định ranh giới và biết nói không là một phần không thể thiếu của lòng trắc ẩn? Ta có dám nói không, ngay cả khi điều đó khiến người khác thất vọng?

Món Quà Của Sự Không Hoàn Hảo bàn đến rất nhiều chủ đề đáng quan tâm như yêu thương bản thân, chấp nhận chính mình, biết ơn cuộc sống và sống Toàn Tâm Toàn Ý.

Trong Chớp Mắt

Trong Chớp Mắt là một cuốn sách chiến lược viết về sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ, về những quyết định đưa ra chỉ trong một cái chớp mắt thực sự không hề tầm thường như mọi người vẫn nghĩ. Vì sao một số người luôn là những người quyết định sáng suốt, trong khi số khác lại luôn lầm lẫn, quẩn quanh… Tại sao một số người hành động theo bản năng của họ và chiến thắng, một số người lại luôn kết thúc bằng sai lầm. Não của chúng ta thực sự hoạt động thế nào: trong công sở, trong lớp học, trong bếp và phòng ngủ… Và vì sao những quyết định đúng đắn nhất lại thường là những quyết định không thể lý giải rõ ràng cho người khác.

Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ

“Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày – không phải của một cuộc biến hình một-lần-trong-đời”

“Một thay đổi tí hon có thể biến đổi cuộc đời bạn không?

Hẳn là khó đồng ý với điều đó. Nhưng nếu bạn thay đổi thêm một chút? Một chút nữa? Rồi thêm một chút nữa? Đến một lúc nào đó, bạn phải công nhận rằng cuộc sống của mình đã chuyển biến nhờ vào một thay đổi nhỏ

Và đó chính là sức mạnh của thói quen nguyên tử…”

“Quyển sách hữu ích và có giá trị ứng dụng tối đa. James Clear đã chắt lọc thông tin cơ bản nhất về sự hình thành thói quen, nhờ đó bạn có thể đạt được nhiều thành quả hơn bằng cách tập trung ít hơn”

Sự Liều Lĩnh Vĩ Đại

Trong cuốn sách Sự Liều Lĩnh Vĩ Đại này, Brene Brow sẽ giúp độc giả sẽ được biết đến một quan niệm mới: Tổn thương không phải là điểm yếu và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với nó. Mức độ làm chủ và gắn kết với sự tổn thương của bản thân sẽ quyết định độ sâu của lòng dũng cảm và sự rõ ràng trong mục tiêu của chúng ta.

Nếu dành cả đời để chờ đến khi chúng ta thật hoàn hảo hay bất khả chiến bại rồi mới bước vào trận địa, thì cuối cùng, chúng ta sẽ để vuột mất các mối quan hệ và những cơ hội có một không hai, chúng ta hoang phí thời gian quý giá và quay lưng lại với những tài năng mà trời phú cho chúng ta, những đóng góp mà chỉ chúng ta mới có thể tạo ra.

Hoàn hảo và bất khả chiến bại đều là những điều rất hấp dẫn nhưng chúng không thực sự tồn tại trong cuộc sống của con người. Chúng ta đều phải can đảm, vững bước đương đầu với khó khăn, dù đó là một mối quan hệ mới, một cuộc họp quan trọng, quá trình sáng tạo của bản thân, hay một cuộc trò chuyện khó khăn với người thân. Đừng đứng ngoài cuộc để đánh giá hay khuyên răn, chúng ta phải dám lộ diện và để người khác nhìn thấy mình. Đó là sự liều lĩnh vĩ đại dám dấn thân dù phải đối mặt tổn thương.

Tuần Làm Việc 4 Giờ

Cuốn sách THE 4-HOUR WORK WEEK đã làm dấy lên một làn sóng tư tưởng mới mẻ tại thung lũng Silicon. Marc Andreesen – chuyên gia về tối ưu hoá năng suất làm việc cá nhân đồng thời là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất ở trung tâm công nghệ cao của thế giới trong một bài phỏng vấn cho biết: “Về cơ bản, việc Tim đã làm là tập hợp và chắt lọc những học thuyết về quản lý thời gian cùng năng suất lao động trong vòng 2, 3 thập kỷ vừa qua, sau đó tối ưu hoá nó và đưa ra những khái niệm mới, rất hữu dụng”.

Bí quyết mà tác giả phát hiện ra được gói gọn trong chữ DEAL tương ứng với bốn bước:

D: Definition (Xác định) Trong bước này Tim Ferriss giúp bạn thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ sai lầm và đưa ra những qui tắc và mục đích của một phương pháp mới. Bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi những nhà giàu mới (new rich) là ai và họ hành động như thế nào.

E: Elimination (Loại bỏ) Giết chết những quan điểm lỗi thời về cách quản lí thời gian. Bằng cách sử dụng những kĩ thuật khác thường của những nhà giàu mới: áp dụng “sự thờ ơ có chọn lựa” – loại bỏ những thứ rườm rà không cần thiết, chỉ chuyên tâm vào những việc thực sự quan trọng, bạn có thể tăng năng suất lao động lên ít nhất mười lần. Phần này cũng giải thích nhân tố đầu tiên tạo nên một phong cách sống sung túc, đó là thời gian.

A: Automation (Tự động hóa) Có những phương pháp nào khiến tiền của cứ thế tự động chảy vào túi bạn? Trong bước này bạn sẽ tiếp tục tìm hiểu về thu nhập (income): nhân tố thứ hai tạo nên một phong cách sống sung túc, thoải mái và đâu là điểm khác nhau chính giữa thu nhập tương đối và thu nhập tuyệt đối?

L: Liberation (Tự do) đây là bản tuyên ngôn về tính lưu động. Bạn sẽ học được cách điều khiển công việc từ xa trong khi đang ở trong kì nghỉ. “Tự do” ở đây không có nghĩa là các kì nghỉ rẻ tiền, nó ám chỉ cách bạn thoát khỏi các mối quan hệ ràng buộc bạn với một địa điểm cố định. Phần này cũng đề cập đến nhân tố cuối cùng tạo nên một cuộc sống thoải mái: tính lưu động (mobility).

Sức Mạnh Của Hiện Tại

Sức Mạnh Của Hiện Tại được viết một cách súc tích và thâm thuý nên nhiều khi ta chỉ cần đọc một cây hay một đoạn ngắn thì đã cảm thấy vừa đủ, vì quả thực chúng ta cần có không gian để chiêm nghiệm những điều sâu sắc mà tác giả đã đưa ra. Nhờ sử dụng ngôn ngữ đương đại nên “Sức Mạnh Của Hiện Tại” dễ dàng đi vào lòng độc giả. Cuốn sách này có năng lực rất lớn để giúp bạn chuyển hoá khổ đau và đưa bạn đến giải thoát.

“Sức Mạnh Của Hiện Tại” sẽ rất hữu ích và thực dụng nếu bạn đang có những khó khăn trong đời sống cá nhân, hay đời sống vợ chồng, cuốn sách này sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn đó, xây dựng lại mối quan hệ ngày một tốt đẹp hơn. Thậm chí quyển sách này còn có khả năng giúp bạn thực hiện những ước mơ, hoài bão sâu kín ở trong bạn bấy nay. Và xa hơn nữa, “Sức mạnh của hiện tại” có thể giúp bạn thực hiện được mục đích tối hậu của một con người là nhận thức được bản chất chân thực của mình là gì.

Tâm Lý Học Thành Công

Nhà tâm lý học nổi tiếng Carol S. Dweck sau nhiều thập niên nghiên cứu về thành công đã khám phá ra một ý tưởng thực sự mang tính đột phá – sức mạnh tư duy của chúng ta.

Cuốn sách sẽ cho bạn thấy không chỉ khả năng và tài trí mới mang lại thành công cho chúng ta, mà phần lớn do cách tiếp cận mục tiêu bằng lối tư duy nào. Việc tán dương trí thông minh và khả năng của con bạn không hề nuôi dưỡng lòng tự trọng và dẫn đến thành tựu, mà thậm chí còn phương hại đến thành công sau này. Với tư duy đứng đắn, chúng ta có thể tạo động lực cho con cái và giúp chúng phát triển trong trường học, cũng như đạt được mục tiêu của bản thân trong cuộc sống và sự nghiệp. Dweck đã giúp tất cả các bậc cha mẹ, giáo viên, CEO và vận động viên thấy một ý tưởng đơn giản về não bộ có thể tạo ra tình yêu học tập và sự kiên trì – cơ sở cho những thành tựu vĩ đại ở mọi lĩnh vực.

Bốn Thỏa Ước

Nhà văn Mexico Don Miguel Ruiz, người đứng giữa những vẻ đẹp của nhiều nền văn minh tinh thần khác nhau, hậu duệ của Toltec nổi danh, đã cô đọng nhiều chứng nghiệm của ông về tồn tại và hạnh phúc của con người trong cuốn sách Bốn thoả ước – những dẫn giải và thực hành cơ bản nhất để đạt tới tự do tinh thần cũng như sự khai phóng cá nhân.

Cuốn sách đã 6 năm liền đứng trong Top best – seller của tạp chí văn hoá The New York Times, bán được hơn bốn triệu bản và được giới thiệu trên show truyền hình đắt giá Oprah. Xuất phát từ triết lý tinh hoa về vũ trụ và con người của nền văn minh Toltec cổ xưa, xuất hiện tại vùng Trung Mỹ cách đây hàng nghìn năm, Don Miguel đưa ra một quan niệm về “cái tôi, như bạn vốn là”, rất gần gũi với triết lý con người của phương Đông, “ bản lai diện mục”, cái tôi ấy là tâm điểm để khám phá thế giới và là điểm đến của hạnh phúc. Bốn thỏa ước được tóm tắt ngắn gọn như sau:

“Không phạm tội với lời nói của bạn”. Được hiểu là không dễ dãi, máy móc lặp lại những quan niệm và thành kiến của mọi người xung quanh khi nhìn nhận một vấn đề hay con người nào đó, hoặc khi đánh giá chính mình. Hãy nhìn sự vật theo cảm nhận của bản thân, đừng để vị quan toà vô hình với những thành kiến về “đúng- sai”, “ thưởng- phạt” mà thực chất là những quan niệm “truyền đời” của xã hội duy ý chí, dẫn dắt và làm khổ bạn. Đừng dùng lời nói của mình làm lan truyền những thiên kiến đó ra mọi người chung quanh.

“Không vơ mọi chuyện vào mình”, nói khác đi là không ngộ nhận. Những người bên ngoài bạn chỉ có khả năng tư duy, khát vọng, quan tâm và thực hiện những điều thuộc về họ và chỉ thoả mãn tư duy, khát vọng, quan tâm, hành động của bản thân họ mà thôi. Không có sự đánh giá nào từ bên ngoài lại thực sự phù hợp với bạn và có thể tác động lên chính cuộc sống của bạn.

“Không giả định, phỏng đoán”, vì giả định phỏng đoán thực chất cũng chỉ là lặp lại những thiên kiến, thành kiến sẵn có về sự vật, không gì khác, nó không thể cho bạn biết ý nghĩa đích thực của điều đang diễn ra. Hãy can đảm đặt câu hỏi về những gì chưa được biết rõ và hãy bày tỏ điều bạn muốn. Cần thông tin cho người khác minh bạch, rõ ràng để loại bỏ những cơ hội bị hiểu lầm, cường điệu.

“Hãy làm hết khả năng của mình” là thoả ước thứ tư, nó chính là nguyên lý thực hành căn bản để khai phóng “cái tôi” mà bạn vừa giác ngộ sau ba thoả ước khởi đầu, một cách mạnh mẽ nhất. Làm hết khả năng đồng nghĩa với làm mọi việc trong phạm vi cuộc sống của bạn bằng tình yêu chứ không phải bị bắt buộc hay để đối phó, hoặc dùng để trao đổi. Tình yêu là nguồn động lực mạnh mẽ duy nhất giúp bạn tiếp cận và thực hành triệt để một công việc. Chỉ tình yêu mới giúp bạn nhìn ra và thực hiện được hết mọi – khả- năng của một vấn đề. Tình yêu mở ra nguồn năng lượng vô hạn của con người và vũ trụ, vì nó chính là bản chất của mọi tồn tại trên thế giới này, cũng giống như quan niệm vô ngã, vị tha, từ bi hỉ xả của đạo Phật.

Những Kẻ Xuất Chúng

Cuốn sách sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời thông qua các phân tích về xã hội, văn hóa và thế hệ của những nhân vật kiệt xuất như Bill Gates, Beatles và Mozart, bên cạnh những thất bại đáng kinh ngạc của một số người khác (ví dụ: Christopher Langan, người có chỉ số IQ cao hơn Einstein nhưng rốt cuộc lại quay về làm việc trong một trại ngựa).

Theo đó, cùng với tài năng và tham vọng, những người thành công đều được thừa hưởng một cơ hội đặt biệt để rèn luyện kỹ năng và cho phép họ vượt lên những người cùng trang lứa. Với giọng văn lôi cuốn và cách kể chuyện hết sức có duyên, Malcolm Gladwell cũng viện dẫn rất nhiều giai thoại thú vị như tại sao phần lớn các cậu bé giỏi môn khúc côn cầu lại sinh vào tháng một, tại sao con cái của những người Do Thái nhập cư lại trở thành những luật sư quyền lực nhất New York, tại sao truyền thống văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước lại có thể giúp trẻ em châu Á giỏi toán.

Nhưng không chỉ có thế, thông qua những ví dụ này, Gladwell muốn bàn luận về những con đường phức tạp dẫn đến thành công của con người. Thách thức niềm tin về “con người tự lực”, tác giả quả quyết rằng các vĩ nhân không tự dưng mà có, cũng không được thúc đẩy bởi thiên tài hay tài năng. Họ là những người được hưởng một “lợi thế vô hình” và cơ hội khác thường từ môi trường và hoàn cảnh, nhờ đó họ vươn tới những đỉnh cao mà người khác không thể đạt được. Theo ông, “một vài người xứng đáng với điều đó, một vài người khác thì không, một số người tạo ra thành công, một số đơn giản là do may mắn”.

Đi Tìm Lẽ Sống

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.

Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.

Ai Lấy Miếng Pho Mát Của Tôi

Đây là một câu chuyện giản dị chứa đựng những triết lý sâu sắc về cách vượt qua những khó khăn và thay đổi trong cuộc sống.

Câu chuyện kể về hai chú chuột và hai con người tí hon cùng chung sống trong một mê cung rộng lớn luôn tất bật đi tìm những miếng phó mát để nuôi sống mình và để cảm thấy hạnh phúc. Hai chú chuột Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn chỉ có bộ não đơn giản của loài gặm nhắm, vốn không có óc phân tích và phán đoán, nhưng chúng lại có bản năng rất nhanh nhạy và sắc sảo. Như các con chuột khác, chúng đặc biệt rất thích pho mát và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có pho mát.

Trong khi đó, Chậm Chạp và và U Lì là những con người tí hon – một sinh vật cũng nhỏ như chuột nhưng có hình dạng và cách suy nghĩ giống như con người bây giờ. Họ dùng khả năng tư duy và trí thông minh vốn có của loài người để tìm ra những loại phó mát đặc biệt. Cho đến một ngày kia, cả bốn nhân vật phải đối mặt với sự thay đổi, một biến cố khủng khiếp: Đó là toàn bộ số pho mát trong kho của họ đã biến mất. Và mỗi nhân vật có những phản ứng khác nhau tùy theo tính cách riêng của mỗi người.

Chúng ta phải chuẩn bị tâm lý, tư thế sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi và hãy tham gia cùng với sự thay đổi, vứt bỏ cái cũ và mạnh dạn làm những gì mình có thể; nếu không tự mỗi người sẽ tự hủy hoại cơ hội tồn tại của mình.

Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản

Bạn đã bao giờ cảm thấy quá tải? Bạn đã bao giờ cảm thấy mình tuy làm việc hết sức nhưng không được trọng dụng? Bạn đã bao giờ thấy mình chỉ tập trung vào các việc nhỏ nhặt? Bạn đã bao giờ cảm thấy mình luôn bận rộn nhưng lại không đạt được hiệu quả? Nếu câu trả lời là “có” cho tất cả các câu hỏi này thì giải pháp chính xác dành cho bạn chính là hãy trở thành “Con người tối giản”.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button