Sách hay về nước Mỹ

Sách về nước Mỹ hay nhất. Bối cảnh lịch sử và quá trình phát triển vũ bão của Hoa Kỳ, từ mảnh đất hoang vu đã vươn lên thành quốc gia vĩ đại như thế nào.

Nghiên Cứu Về Nước Mỹ

“Nghiên cứu về nước Mỹ” của Perter Jennings và Todd Brewster là một cố gắng để định nghĩa nước Mỹ. Trong sách, tác giả đề cập rất nhiều mặt của nước Mỹ bằng những dẫn chứng, những nhân vật, thời gian và địa điểm cụ thể, cùng sự phân tích sắc sảo để đưa ra những kết luận đáng tin cậy nhằm giới thiệu tương đối chính xác và rõ nét nhất về nước Mỹ với thế giới. Hy vọng đây là thông điệp giúp bạn sẽ nhận ra trong từng trang sách, rằng nước Mỹ xưa kia của Jefferson, Madison, Hamilton, Franklin, Washington… hiện nay vẫn thế.

Lược Sử Nước Mỹ

Từ khởi đầu là một tập hợp những thuộc địa ít người biết đến nằm ven bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ đã trải qua một bước chuyển mình lớn lao để trở thành cái mà nhà phân tích chính trị Ben Wattenberg từng gọi là “quốc gia toàn cầu đầu tiên”, một dân số gần 250 triệu người đại diện cho gần như tất cả các quốc tịch và nhóm chủng tộc trên thế giới. Đó cũng là một đất nước mà nhịp độ và phạm vi đổi mới – về kinh tế, kỹ thuật, văn hoá, dân số và xã hội – diễn ra không ngừng. Nước Mỹ thường là nước báo hiệu sự hiện đại hoá và đổi mới mà nó chắc chắn sẽ lan rộng sang những đất nước và xã hội khác trong một thế giới ngày càng trở nên nối kết và phụ thuộc vào nhau hơn.

Tuy nhiên, nước Mỹ cũng duy trì ý thức về tính liên tục, một loạt những giá trị cốt lõi đã có từ khi hình thành quốc gia này. Chúng bao gồm niềm tin vào tự do cá nhân và chính quyền dân chủ, và một lời cam kết về cơ hội kinh tế và sự tiến bộ cho mọi người. Nhiệm vụ muôn đời của nước Mỹ sẽ là đảm bảo rằng những giá trị của nó về tự do, dân chủ và cơ hội di sản của một lịch sử phong phú và đầy biến động – sẽ được bảo vệ và phát huy khi đất nước, và thế giới, tiến tới ngưỡng cửa của thế kỷ mới.

Nội dung gồm những chương mục sau:

  • Chương I: Buổi đầu ở Châu Mỹ
  • Chương II: Thời kỳ lục địa
  • Chương III: Đường đến độc lập
  • Chương IV: Việc thành lập một chính phủ Liên Bang
  • Chương V: Sự mở rộng về phía Tâyvà những khác biệt địa phương
  • Chương VI: Xung đột địa phương
  • Chương VII: Tăng trưởng và chuyển hoá
  • Chương VIII: Bất mãn và cải cách
  • Chương IX: Chiến tranh, thịnh vưọng và khủng hoảng
  • Chương X: Thời đãi ngộ mới và thế chiến
  • Chương XI: Nước Mỹ thời hậu chiến
  • Chương XII: Những thập niên nhiều thay đổi
  • Chương XIII: Hướng tới thế kỷ 21

Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ

Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là hành trình đơn độc của tác giả – một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang bờ Tây. Hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp.

Đó là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ là một phần của thế giới ấy. Đó cũng là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thế giới – của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó.

Nhưng hành trình xuyên qua nước Mỹ này không chỉ là để khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân cô gái: tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình, cái tình yêu mà cô đã có lúc đánh mất. Xuất phát điểm của “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một tình yêu tan vỡ, một nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề cái chỗ đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát, một kết cục khiến ta không khỏi nghĩ tới Anna Karenina.

Hệ Thống Ngân Hàng Hoa Kỳ

Hệ Thống Ngân Hàng Hoa Kỳ Mặc dù sự cạnh tranh ảnh hưởng của các trung tâm tài chính trên phạm vi toàn thế giới ngày càng trở nên khốc liệt, tuy nhiên, với vị trí là nền kinh tế số một thế giới, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hoa Kỳ vẫn thu hút được sự chú ý của giới học thuật cũng như quản trị tại các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ tài chính trên phạm vi toàn cầu. Cuốn sách “Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ” do Trung tâm Đào tạo Tài chính phát hành nhằm cung cấp những nguyên tắc và thông lệ trong hoạt động ngân hàng và tín dụng tại Hoa Kỳ, thông qua đó giúp cho người đọc hiểu và nắm được những vấn đề cơ bản trong hoạt động ngân hàng ở quốc gia đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập tới những vấn đề được quan tâm trong quá trình vận hành hoạt động ngân hàng như an toàn, gian lận và đạo đức; marketing ngân hàng và các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng tại Hoa Kỳ. Đặc biệt, sách có đính kèm tài khoản học trực tuyến Mindtap- giải pháp học Blended Learning nhằm tối ưu hóa việc giảng dạy cho các giảng viên, cung cấp công cụ học tập trực tuyến hiệu quả cho sinh viên, và tạo sự gắn kết hơn giữa giảng viên với sinh viên

Bộ sách Viết Về Nước Mỹ

Bộ sách “Viết về nước Mỹ” là những bài viết được chọn lọc của nhiều tác giả, là những người Việt đang sống tại Mỹ với nhiều chức danh, ngành nghề. Có người là giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học, nhưng cũng có người chỉ là công nhân trong các nhà máy bình thường …Có người đến Mỹ từ nhỏ, có người cũng mới chân ướt chân ráo. Vượt qua những trăn trở, vui buồn, những kỳ thị để hội nhập với xã hội Mỹ, để tồn tại, để bứt phá vươn lên và có nhiều người gặt hái được những thành công nhất định.

Trong những quay cuồng của cuộc sống đó vẫn là những tình cảm ấm áp, thiết tha dành cho quê hương của mỗi tác giả.

Du Học Mỹ – Bùi Minh Đức, Phạm Vân Anh

Các nguồn cung cấp kiến thức cho việc du học luôn vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa, là bởi ngày nay chúng ta có quá nhiều trang web thông tin, quá nhiều trung tâm tư vấn du học, cùng vô vàn hội thảo được tổ chức liên tục… Nhưng nghịch lý là, tất cả những điều trên, lại chưa thể đủ để giải đáp trọn vẹn các thắc mắc, bối rối của những gia đình, những cô cậu học sinh mười mấy tuổi trước một ngưỡng cửa tương lai quá rộng lớn. Thời gian, dung lượng, chi phí… và hơn hết, một cách dẫn dắt thật sự dễ hiểu của người trong cuộc là những điều các nguồn tin trên còn thiếu. Người cần thông tin phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc, trong khi vẫn loay hoay với quá nhiều vấn đề, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Để khắc phục hạn chế này trong cách chúng ta tiếp cận với “hành trình” du học Mỹ, bộ đôi tác giả Vân Anh – Minh Đức đã quyết định chia sẻ lại toàn bộ những kinh nghiệm của bản thân trong cuốn sách: “Du học Mỹ”.

Hồ Sơ Văn Hóa Mỹ – A File On American Culture

Cuốn sách gồm những cảm tưởng, ghi chép, bài nghiên cứu, phóng sự, phỏng vấn, đối thoại, những bản dịch thơ và văn xuôi, những câu chuyện… về nước Mỹ qua lối viết mộc mạc không chỉ của Nhà văn hóa Hữu Ngọc mà còn của bạn bè Mỹ và đồng nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những tìm hiểu về diễn trình lịch sử, về con người Mỹ, về những thành tựu trên mọi lĩnh vực mà gốc bản địa và nhập cư tạo nên nhằm mở ra và khơi gợi cho độc giả thấy một nền văn hóa Mỹ đa chiều; Nhà văn hóa Hữu Ngọc còn dành hẳn một phần đi sâu vào “duyên nợ Mỹ – Việt”. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, nhiều hứa hẹn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Quan hệ hai nước không dừng lại ở chỗ bình thường hóa mà đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc và sẽ còn tiến xa hơn nữa.

44 Đời Tổng Thống Hoa Kỳ

44 đời Tổng thống Hoa Kỳ trong một bộ cẩm nang đồ sộ dày hơn 1500 trang, tái hiện toàn bộ lịch sử nước Mỹ. Mỗi tổng thống, một tính cách, một bối cảnh lịch sử, rất nhiều những câu chuyện và bí ẩn xoay quanh, mà không có bất cứ một kênh truyền thông nào tổng hợp chi tiết và đặc sắc bằng tác giả William A. Degregorio – nhà nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ, người say mê tìm hiểu về cuộc đời các Tổng thống Mỹ từ khi còn nhỏ.

Xuyên Mỹ

Xuyên Mỹ kể lại khoảng thời gian hai năm từ lúc tác giả từ châu Âu về nhà bên bờ Đông nước Mỹ, chuyển từ bờ Đông trở lại Chicago để ly hôn và hoàn thành chương trình tiến sỹ, rồi một mình chuyển đi bờ Tây làm việc cho một trường đại học. Hai năm băng ngang nước Mỹ này tràn ngập những câu hỏi “Ly hôn có đúng không?”, “Sẽ bắt đầu lại từ đâu?”, “Vì sao?”; những câu chuyện tìm việc làm vào cao điểm khủng hoảng kinh tế; những cố gắng để bắt đầu lại; những người bạn và cả những người xa lạ – tất cả làm thành hành trình của một phụ nữ Việt Nam trẻ trên đất Mỹ.

Bỏ nhau nghe có vẻ dễ, nhưng thắng được sự yếu lòng của bản thân để sống cô đơn ở xứ người không đơn giản. Thêm vào đó là bỏ nhau ở Mỹ cũng không phải cứ chạy ra tòa làm thủ tục xoẹt cái là xong, mà phải qua nhiều bước, hòa giải, phân chia quyền lợi, chứng thực tư cách pháp lý này nọ… Tất nhiên có vẻ ở Việt Nam cũng thế, nhưng việc nữ nhân vật chính không đòi hỏi gì ở người chồng đã thất nghiệp một thời gian khiến người của tòa án Mỹ không hiểu được. Vẫn là tâm trạng của người Việt trong mọi tình huống, đó chính là nét nổi bật của Xuyên Mỹ – kể cả khi đi dự phỏng vấn xin làm giáo sư đại học, nhân vật chính vẫn không dứt được tâm trạng ấy..

Những Cô Gái Mỹ – Mạng Xã Hội Và Cuộc Sống Thầm Kín Của Tuổi Dậy Thì

Xã hội hiện nay tràn ngập những ứng dụng mạng. Con người thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời, thay vì đọc sách để gia tăng kiến thức thì lại dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để sử dụng các mạng xã hội Facebook, Snapchat, Instagram… Có thật họ đang cố gắng “kết nối với mọi người”? Hay thực tế chỉ muốn “sống ảo”, chìm vào những ảo mộng của bản thân?

Không ít người nghiện mạng xã hội đã bị ám ảnh bởi những ngôi sao và sự nổi tiếng, càng ngày càng yêu bản thân quá đà, làm mọi thứ có thể để tự quảng bá bản thân. Chắc hẳn bạn không còn lạ gì việc bạn bè quanh mình cứ cố phải tạo ra một con người trực tuyến hoàn hảo, làm những thứ phù phiếm chỉ để tăng sự nổi tiếng trên thế giới ảo. Đối với họ, “Tài năng không còn quan trọng để trở nên nổi tiếng nữa. Hay nói cách khác, những yếu tố tạo nên tài năng đã thay đổi rồi. Đã đến lúc chúng ta trở nên nổi tiếng đơn thuần vì sự nổi tiếng mà thôi.”

Những cô gái Mỹ phản ánh đúng thực trạng xã hội bây giờ, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dữ liệu được sử dụng trong cuốn sách đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và khiến bạn không khỏi bất ngờ, phải tự soi chiếu với bản thân. Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội rốt cuộc sẽ làm thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào? Hãy tìm đọc cuốn sách này để có hình dung sát thực và cụ thể, sinh động nhất.

Làm Dâu Nước Mỹ

Mở đầu cuốn tự truyện là những trang nhật kí ghi lại những đắng ngọt, buồn vui trong chuyện tình của tác giả. Số phận như trêu ngươi khi gán ghép cô gái xứ Nghệ, con của một gia đình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ với một chàng trai Mỹ. Sự am hiểu tường tận văn hóa Việt Nam của chàng trai Mỹ cũng khó dỡ bỏ được bức tường định kiến của gia đình trí thức xứ Nghệ yêu nước. Cô gái buộc phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc gia đình đã nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương cô hết mực, hoặc người con trai cô yêu bằng cả trái tim. Bản lĩnh và dám là chính mình, cô gái lựa chọn rời xa bàn tay chở che của mẹ trong một ngày mưa bão.

“Cùng với việc sập cánh cửa nhà trước mặt tôi, mẹ tôi đã đẩy tôi về phía anh, một cách vô thức. Mẹ đã chấp nhận trao trả lại thứ tự do tôi hằng muốn, nhưng không quên tước đi của tôi quyền được có gia đình. Chắc mẹ muốn dạy tôi rằng, nếu tôi yêu tự do nhường ấy, tôi buộc phải trả giá. Cái giá ấy tôi không được quyền lựa chọn. Chính mẹ tôi – trong cơn phẫn nộ với đứa con gái ngang ngạnh đã mạnh tay ra giá đắt. Tôi nhận được món hàng tự do hằng mơ ước mà không chút hạnh phúc vì vẫn ngỡ ngàng trước cái giá cắt cổ mẹ tôi đưa ra”.

Nước Mỹ Dưới Thời Donald Trump

David Cay Johnston, phóng viên điều tra đã bám sát các hoạt động của Trump từ năm 1988, đã phơi bày nội bộ nước Mỹ dưới thời Trump trong cuốn sách New York Times Bestseller Nước Mỹ dưới thời Donald Trump. Vấn đề thu nhập, thuế, việc làm, bức tường biên giới, biến đổi khí hậu, quân đội, quan hệ ngoại giao, chủng tộc, dân nhập cư – một loạt những khía cạnh sống còn của nước Mỹ đang được chính quyền Trump cải cách ra sao? Cung cấp thông tin chuyên sâu từ các quan điểm đa dạng, kết hợp với những dữ liệu hiếm khi được công khai về Donald Trump và đội ngũ của ông, nhà báo đoạt giải Pulitzer David Cay Johnston đã giúp độc giả thật sự hiểu bản chất của chính quyền Trump nhìn từ bên trong.

Tôi, Charley Và Hành Trình Nước Mỹ

Ở tuổi 58, sau một thời gian sống ở nước ngoài, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học John Steinbeck quyết định tái khám phá đất nước mình. Ông lái một chiếc xe bán tải có cabin trên thùng xe, cùng con chó Charley rong ruổi khắp nước Mỹ. Đó là một hành trình gần mười ngàn dặm mà John Steinbeck gọi là hành trình “đi tìm nước Mỹ”. John Steinbeck đối diện với nhiều hoàn cảnh,

sự kiện, con người trong suốt chuyến đi. Ông tìm thấy sự đa dạng của người Mỹ và phong cảnh nước Mỹ, nhưng cũng tìm cách khái quát nên những nét chung. Ông cũng phải đối diện với nhiều vấn đề của bản thân, chủ yếu là nỗi cô đơn và vấn đề sức khỏe.

Nhà văn đã luôn đứng về phía những người lao động, đã thấy tổ quốc mình tồn tại không phải ở các địa danh mà trước hết, và quan trọng nhất, ở những con người đã lựa chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống và, dù khác nhau, đều chỉ đang cố gắng thực hiện một hành trình tồn tại xứng đáng nhất.

Đại Gia Gatsby

“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn…”

Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 – 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt, tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi. Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những tưởng sẽ có tất cả – tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng. Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đai.

Forrest Gump

Tiểu thuyết Forrest Gump của Winston Groom in năm 1986 thoạt tiên không phải là cuốn sách ăn khách cho đến khi bộ phim chuyển thể ra đời năm 1994 với ngôi sao Tom Hanks. Theo một thống kê, trước khi có bộ phim này thì cuốn sách đã được bán 30.000 bản, và khi Forrest Gump qua mặt rất nhiều bộ phim xuất sắc cùng năm để giành giải Oscar phim hay nhất, đã có 1,7 triệu bản sách được bán trên khắp thế giới. Còn bộ phim đã xếp thứ tư trong các bộ phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại cho đến thời điểm đó. Năm 2011, Thư viện Quốc hội Mỹ đã chọn Forrest Gump vào danh sách bảo tồn của Cơ quan Lưu trữ Phim ảnh Quốc gia vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ học.”

Winston Groom là một cựu binh thời chiến tranh ở Việt Nam, sau khi trở về, ông làm phóng viên và chuyển sang viết tiểu thuyết năm 32 tuổi và đã gặt hái được nhiều thành công. Cuốn sách Conversations with the Enemy (1982). Trò chuyện với kẻ thù] với chủ đề cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam đã lọt vào chung kết giải Pulitzer năm 1984. Năm 1985, Groom quay về Mobile và bắt đầu viết Forrest Gump. Cuốn sách đã trở thành dấu mốc cho sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhân vật Forrest Gump đã được Groom xây dựng như một người “tự kỷ bác học”, đã có những thay đổi khi được chuyển thể trên màn ảnh Hollywood. Sự khác biệt ở hình tượng Forrest Gump giữa truyện và phim dường như là nhà văn chủ ý xây dựng một nhân vật phản anh hùng, trong khi các nhà làm phim Hollywood thực hiện theo hướng ngược lại, người hùng kiểu mới có kết cục thành công có màu sắc Giấc mơ Mỹ. Truyện và phim đều đã gây nên những cuộc tranh luận về khía cạnh chính trị và tính biểu tượng của nhân vật Gump cũng như mối quan hệ với xã hội của chàng ngốc có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) chỉ có 75 nhưng đã đi khắp nơi và gặp đủ loại người. Cuộc phiêu lưu của Forrest Gump suốt ba thập niên bao trùm lịch sử sau thế chiến II đã vẽ nên chân dung một nước Mỹ: Gump đã gặp 2 tổng thống Mỹ, lên tàu vũ trụ, đóng phim ở Hollywood, sang Trung Quốc và tham chiến ở Việt Nam mà không hiểu mình chiến đấu vì lẽ gì.

Cuốn sách với lối văn châm biếm ngầm qua góc nhìn ngây thơ của nhân vật chính là đã góp phần đưa Forrest Gump đã trở thành một biểu tượng văn hóa mới của thập niên 1990. Gump là một chàng trai ngốc dễ thương, sẵn sàng cho người khác mà không mong đợi được đền đáp. Đó cũng là giá trị nhân văn nổi bật được chia sẻ nhất quán ở cả tác phẩm văn học và điện ảnh và khiến người đọc cũng như người xem mãi hâm mộ nhân vật này.

Giết Con Chim Nhại

Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.

Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.

Của Chuột Và Người

Lấy bối cảnh nước Mỹ thời Đại suy thoái, cuốn tiểu thuyết mỏng đã trở thành kinh điển này kể một câu chuyện chân thực và hấp dẫn, dù bi kịch, về hai kẻ bên lề cố gắng tìm lấy một chỗ cho mình trong một thế giới nghiệt ngã. Lang thang khắp nơi tìm việc, George và Lennie, người bạn to lớn ngờ nghệch của hắn, chẳng có gì ngoài nhau và một giấc mơ chung: rằng một ngày nào đó họ sẽ kiếm đủ tiền để mua một trang trại. Nhưng rồi cũng như trong câu thơ của Robert Burus đã gợi cảm hứng cho nhan đề tác phẩm này, như trong chính cuộc đời này, những dự định tốt nhất thường đổ bể, những giấc mơ đẹp nhất thường không thành, mọi hy vọng của họ đã bị kết liễu ngay khi số phận đẩy Lennie ngờ nghệch đến chỗ gây ra một tội lỗi bất khả sửa chữa, để rồi từ đó hy vọng lao thẳng tới thất vọng và tất cả rơi vào một kết cục bi thảm không thể vãn hồi.

12 Năm Nô Lệ

12 năm nô lệ – câu chuyện có thật về Solomon Northup, một công dân tự do của New York, bị bắt cóc làm nô lệ tại thành phố Washington năm 1841, và được giải cứu từ một đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853. Chuyện do chính Solomon thuật lại, với sự chắp bút của David Wilson. Giữ vai trò đồng hành cùng Solomon trên dòng hồi tưởng ấy, David thổ lộ: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về Chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất đó. Không bị chệch lạc đi, theo ông quan niệm, vì bất cứ ấn tượng sẵn có hay định kiến nào, tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup, đúng như chính mình nghe ông kể”.

Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn

Ernest Hemingway từng nói: “Toàn bộ văn học Mỹ hiện đại đều thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain, đó là Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”.

Sau những cuộc phiêu lưu cùng Tom Sawyer, Huck Finn được bà quả phụ Douglas đón về nuôi. Nhưng với bản tính ưa tự do, Huck không chịu nổi việc phải ăn vận sạch sẽ, học hành theo khuôn phép trưởng giả dù được sống giàu sang. Cộng thêm với việc người cha tưởng đã chết đột ngột trở về tiếp tục hành hạ, gây rắc rối cho cậu, Huck quyết định cùng Jim – một nô lệ da đen bỏ trốn – cùng xuôi dòng Mississippi, bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới.

Nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra trong chuyến phiêu lưu. Không chỉ thế, Huck còn lâm vào những tình huống nguy hiểm khi bị cuốn vào cuộc tranh chấp giữa hai dòng họ với những cuộc đọ súng chết chóc… Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Huck đã nhận ra giá trị của cuộc sống để hướng về sự tự do và hết lòng giúp đỡ người nô lệ da đen tội nghiệp. Từ một cậu bé chỉ biết phá phách, Huck đã xác định rõ ràng mục đích sống, biết phân biệt đúng sai bằng trái tim thuần hậu và thoát khỏi những định kiến méo mó được nhồi nhét qua cách giáo dục sai trái.

Các nhà phê bình văn học đã đánh giá Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn là tiểu thuyết ưu tú nhất của Mark Twain, bởi tác giả đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn phương ngữ của nhiều vùng, nhiều tầng lớp người để diễn tả những trạng huống tâm lý phức tạp, cũng như mô tả xuất sắc cảnh vật thiên nhiên. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của văn học Mỹ, và rất nhiều lần được đưa lên màn ảnh.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button