Sách hay về mẹ

Sách về mẹ hay nhất. Khắc họa nên câu chuyện đầy nước mắt về tình mẫu tử. Nhẹ nhàng, đầy tình cảm nhưng lại có thể chạm đến những góc sâu nhất trong trái tim người đọc.

Mẹ – Hélène Delforge Quentin Greban

MẸ là ai?

Là tiếng gọi đầu tiên trên đôi môi hầu như mọi đứa trẻ.

Là tên chung cho hàng tỉ phụ nữ trên thế giới này.

Là người nói với ta những lời yêu thương, khiến ta nghĩ đến sự dịu dàng, mối ràng buộc ruột thịt, sự nhung nhớ và những hy sinh lặng thầm.

Ở mỗi thời đại, mỗi xứ sở, mỗi gia đình, những người phụ nữ thật khác nhau biết mấy, nhưng khi ôm đứa con thơ trong lòng, tất cả họ đều giống nhau, bởi họ đều là MẸ.

Đừng Để Mẹ Khóc

Có ai đó đã từng nói rằng: “Vì Thượng đế không thể tạo ra các thiên thần ở khắp mọi nơi, nên Người đã tạo ra những người mẹ.” “Đừng để mẹ khóc” của Kim Joo Young chính là câu chuyện về một thiên thần như thế.

Cuốn sách mở ra khung cảnh một miền quê, ở nơi đó có người mẹ nghèo khó, tảo tần, hy sinh cả tuổi xuân những mong đổi lấy ngày tháng bình yên cho các con của mình. Thế nhưng vì những hiểu lầm dai dẳng trong quá khứ mà Bae Kyung-won – người con trai được bà yêu thương nhất đã xa cách mẹ mình suốt mấy chục năm.

Nỗi đau đó cứ âm ỉ cháy cho đến một ngày Bae Kyung-won hay tin… mẹ mình đã mất!

Hãy Chăm Sóc Mẹ

Tác phẩm Hãy Chăm Sóc Mẹ của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình. “Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”. Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?

Nỗi Lòng Của Mẹ – Kim Ji Young, Born 1982

Nỗi lòng của mẹ – Kim Ji Young, born 1982 là cuốn sách kể về cuộc đời của một người phụ nữ bị chứng rối loạn tâm lí sau sinh, tên là Kim Ji Young. Câu chuyện mở đầu bằng những dòng giới thiệu về cô – ở thời điểm hiện tại. Nếu tinh ý, độc giả sẽ có thể nhận thấy ở nhiều phân đoạn, tác giả thường gọi cả họ tên của nhân vật chính, lặp đi lặp lại chứ ít dùng đại từ thay thế. Đó là vì trong tiểu thuyết này tác giả đóng vai trò là một nam bác sĩ tâm lí trị liệu cho Kim Ji Young, và phần đầu được viết dưới dạng hồ sơ bệnh án của bác sĩ, mô tả chi tiết về bệnh chứng của bệnh nhân. Những trang viết dần hé lộ về cuộc đời tưởng như rất đỗi bình thường của thiếu phụ trẻ, từ khi cô sinh ra đến khi lấy chồng rồi sinh con như bao người phụ nữ Hàn Quốc rất bình thường khác.

Hướng Dẫn Sử Dụng Mẹ

Mẹ có bao giờ băn khoăn về hình ảnh của mình trong mắt con không? Chắc có nhỉ! Đây là “phác họa” về mẹ trong mắt một cậu học sinh lớp bốn:

“Trong gia đình mình, mẹ là người có uy nhất. So với bố, mẹ có uy và đáng sợ hơn nhiều. Hôm nay cũng thế, mới sáng sớm đã nghe mẹ cằn nhằn, ồn ào hết cả nhà làm mình rất khó chịu. Trên đường đến trường, mình đã cố nghĩ xem tại sao mẹ lại cằn nhằn như thế, nhưng mẹ nói rất nhiều khiến mình không thể nào nhớ được nguyên nhân làm mẹ cáu. Có điều, mình nghĩ, tức giận là việc của mẹ, còn mình chỉ là chỗ để mẹ trút cơn tức lên thôi.”

Để “đối phó” với mẹ, cậu bé đã viết “cách dùng mẹ” theo gợi ý của bố: “cũng giống như cái máy tính và đầu quay, nếu không biết cách sử dụng, nó sẽ không hoạt động được và trở nên hỏng hóc”.

Để viết được “hướng dẫn sử dụng mẹ” cậu bé bắt đầu quan sát những công việc hàng ngày mẹ làm, vì sao mẹ luôn giục “nhanh lên”, một ngày của mẹ bắt đầu từ mấy giờ sáng… Cậu bé dần hiểu mẹ và yêu mẹ. Từ ý định ban đầu là để “dùng mẹ” theo ý muốn của mình, cậu dần chuyển sang biết quan tâm, chăm sóc mẹ và tự điều chỉnh bản thân mình để làm mẹ vui, khiến mẹ bớt vất vả.

Mẹ Ơi, Mẹ Có Hạnh Phúc Không

“Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” là cuốn sách được viết bởi đạo diễn, tác giả Nhật bản – Moriya Takesi. Những câu chuyện của Takeshi và mẹ được tái hiện trong cuốn sách này, sẽ nhanh chóng khiến bạn nhận ra đâu đó hình ảnh của chính bạn và mẹ mình. “ “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” sẽ khiến bạn sửng sốt nhận ra, dù bạn yêu mẹ bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng là không đủ. Cuốn sách sẽ khiến bạn muốn chạy ngay về nhà, ôm lấy mẹ thật chặt và biết yêu thương mẹ nhiều hơn mỗi ngày.

Mẹ, Thơm Một Cái

“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ,

tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ

Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.

Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.”

Không cần nhiều lời hoa mỹ, lòng yêu thương mẹ của Cửu Bả Đao đầy ắp những trang anh viết trong giai đoạn bên giường bệnh người mẹ. Tình cảm thiêng liêng đó vốn chẳng riêng ai, thật dễ lan truyền tới mỗi chúng ta, nên mỗi khi mở cuốn sách này ra, tim ta lại rung lên những nhịp xốn xang về Mẹ.

Mẹ Tôi – Câu Chuyện Về Người Mẹ Trong Những Gia Đình Trí Thức Nổi Tiếng Thế Kỉ XX

Giản dị, khiêm nhường, Mẹ tôi – Câu chuyện về người mẹ trong những gia đình trí thức nổi tiếng thế kỉ XX tập hợp các bài viết của chính những người con ruột trong gia đình các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng thể kỉ XX viết về người mẹ của mình – những người ở hậu phương thầm lặng hi sinh góp phần không nhỏ vào thành công của đức lang quân.

Mẹ Ơi Con Sẽ Lại Về

“Sáu đứa con thân yêu của mẹ! Nhìn các con sống đầy đủ, không phải ghen tỵ ai khiến người làm mẹ này cũng cảm thấy vui. Nhưng trong nhà càng đầy đủ vật chất thì các thành viên lại càng phải trò chuyện với nhau nhiều hơn. Đừng lấy cớ bận rộn mà cố giải quyết mọi thứ chỉ bằng tiền. Phải cùng quây quần lại, mở lòng ra và chia sẻ những khoảng thời gian trò chuyện thật thân tình.Khi nghe người khác nói, hãy nghe bằng cả hai tai. Đừng nghe bằng tai này rồi cho ra tai kia. Phải tôn trọng và lắng nghe những gì người khác nói. Như thế con mới có thể yêu quý họ thật lòng được.

Hãy biết chia sẻ tình yêu cho người khác. Trong một ngôi nhà không có tình yêu thì hoa không thể nở, ong bướm cũng chẳng muốn vào. Phải cho đi thì mới có thứ để nhận về. Đừng lúc nào cũng cho rằng mình đúng còn người khác sai. Cho dù có chuyện gì xảy ra cũng không được vội vàng hấp tấp. Phải biết chịu đựng và chờ đợi. Bình tĩnh bước từng bước một, bám thật chắc thì mới có thể trèo lên cao.

Đừng bao giờ tỏ ra tài giỏi ở bất cứ đâu cũng như trước mặt bất kỳ ai. Phải luôn luôn sống khiêm nhường. Khi gặp cảnh khó khăn không được nản lòng mất hy vọng. Cũng đừng đánh mất sự vững vàng và niềm tin của chính mình. Phải như thế thì mới không bị người khác xem thường.Đặc biệt phải cẩn thận khi đã thành công. Những lúc như vậy càng phải biết nhìn lại những ngày khó khăn đã qua và nghĩ về những khổ nạn có thể đến bất cứ lúc nào sắp tới mà chú ý giữ mình hơn.

Hạt Giống Tâm Hồn – Xin Đừng Làm Mẹ Khóc

Xin đừng làm mẹ khóc là những câu chuyện giản dị mà đầy ý nghĩa, sâu sắc về người mẹ, về tình mẹ con – một tình yêu thương vô điều kiện và không gì có thể sánh bằng. Trong những trang sách này, bạn sẽ tìm lại được và nhận ra những phút giây đồng cảm trong tình yêu thương, cảm xúc về mẹ, tìm về ký ức tuổi thơ thân thương gắn bó bên mẹ, và cả những suy tư trăn trở về mẹ, về lỗi lầm, về tất cả những gì mẹ đã hy sinh cho chúng ta…

Những Thằng Già Nhớ Mẹ

Mỗi khi nhắc về Mẹ, chắc hẳn trong lòng mỗi người không ai là không xao xuyến, bồi hồi, bởi mẹ chính là người đã nuôi ta khôn lớn từng ngày, vượt qua bao gian lao, vất vả, khó khăn của cuộc đời. Có một nhà văn đã nói: “Con chẳng bao giờ cúi mặt trước uy nghi…Nhưng khi đứng trước mẹ con thấy mình nhỏ bé làm sao”. Và trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên, hai câu thơ giàu triết lý và mang ý nghĩa sâu xa đã trở thành tâm niệm của mỗi người con khi nghĩ về mẹ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ.

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Nhân dịp Vu Lan, tập sách Những thằng già nhớ mẹ đầy xúc động của tác giả Vũ Thế Thành được tái bản với thông điệp: “Tôi viết những bài này, tặng cho các bạn trẻ U30, U40… gì đó. Các bạn hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng thời gian bên mẹ. Tôi biết, (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần”. Bởi đến một ngày nào đó, khi cài lên ngực áo bông hồng màu trắng, chúng ta sẽ ray rứt mà ước rằng: giá như…

Phút Dành Cho Mẹ

Làm mẹ là một sứ mệnh thiêng liêng cao cả, đầy hy sinh gian lao mà cũng ngập tràn hạnh phúc. Những ai từng làm mẹ hẳn đều biết rằng một phút không bao giờ đủ để trở thành một người mẹ tốt. Tuy vậy, những bí quyết trong quyển sách Phút Dành Cho Mẹ của tác giả Spencer Johnson sẽ giúp cho những bà mẹ có cách cư xử tốt nhất với con cái, qua đó dạy chúng biết cách yêu quý bản thân, nỗ lực trưởng thành và có thái độ sống đúng đắn với những người chung quanh.

Hạnh Phúc Trong 5 Lá Thư Của Mẹ

Hạnh Phúc Trong 5 Lá Thư Của Mẹ là một tác phẩm văn học Pháp rất thực tế và giàu tính nhân văn. Câu chuyện mở ra những tình huống về chủ đề mất mẹ, về tình yêu và sự tìm kiếm nhân cách của trẻ với triết lí “tôi là ai” thông qua những câu hỏi liên tục và những cuộc phiêu lưu của Chloé. Những lá thư nhẹ nhàng, không mang tính triết học tiên nghiệm, cũng chẳng có những lời yêu thương mà ta thường tìm thấy. Nhưng mỗi lá thư lại khiến bạn đọc mỉm cười để rồi rơi nước mắt với tình mẫu tử thiêng liêng.

Người Mẹ

Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Gorki, cuốn tiểu thuyết “Người Mẹ” chiếm vị trí quan trọng bậc nhất. Đó là tác phẩm đầu tiên của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bước ngoặt cǎn bản trên con đường phất triển của nền vǎn học nghệ thuật thế giới. Tác phẩm “Người mẹ” vẽ ra trước mắt chúng ta bức tranh rộng lớn của xã hội Nga những nǎm đầu thế kỷ XX với cái quá khứ nặng nề trong đời sống của vợ chồng các công nhân Mi-khai-in, với hiện tại đấu tranh gian khổ và anh dũng của mẹ con anh công nhân Paven. Đồng thời cuốn tiểu thuyết còn thấm sâu cảm giác về thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy mà mặc dù “Người mẹ” kết thúc bằng cảnh Người mẹ bị bắt song truyện vẫn làm người đọc lạc quan, tin tưởng ở ngày mai.

Mẹ Xấu

Ji Hwan. Mười tám tuổi. Rất bình thường, đầy mâu thuẫn và thích kịch tính hóa cực nhiều chuyện như hầu hết mọi nam sinh cấp ba đang lớn.

Chỉ hơi khác hai điều. Một, cậu được sinh ra bởi một bà “mẹ xấu” – (mà cậu cho là) ngọn nguồn của mọi bất hạnh đời mình. Và hai, cậu ấp ủ ba điều ước (nghe thì giản đơn nhưng lại) khó với như thiên đường.

Loay hoay giữa ranh giới của những quy chuẩn về bình thường và khác thường, lao đao bởi những sóng gió liên miên từ nhà đến trường, Ji Hwan vừa nỗ lực “sống khác mẹ” vừa tìm cách hiện thực hóa ba ước nguyện mình hằng khao khát bấy lâu. Hơn ai hết, cậu hiểu con đường biến ước mơ thành sự thật luôn lắm chông gai, nhiều bi hài và cần không ít dũng cảm. Nhưng cũng hơn ai hết, cậu đã vững lòng bước từng bước, để dần lớn lên, để khám phá hạnh phúc và quan trọng nhất là để tự định nghĩa lại sự xấu – cái tốt cho riêng mình.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button