Sách hay về Hungary

Sách về Hungary hay nhất. Phản ánh chân thực và sống động về lịch sử, con người, văn hóa và xã hội Hungary từ trước cho đến nay.

Người Hungary – Họ Là Ai?

Người Hungary – Họ Là Ai?

Người Hungary – số lượng chỉ khoảng 10 triệu người – sở hữu 15 giải Nobel, trong thế kỷ 20 đóng góp cho khoa học và văn hóa nhân loại tương đương nước Đức 60 triệu người, đồng thời là những người ít nói, những cao bồi cô đơn, những kẻ ba hoa, ngông nghênh, nóng nảy trong quán rượu, những bà già ngồi lê đôi mách có thể thay thế hoạt động của cơ quan KGB hay CIA, những người khảng khái, những kẻ ranh ma…

Đó là muôn sắc thái diện mạo tích cực lẫn tiêu cực của những người Hung có tổ tiên đã đi hàng trăm năm trên lưng ngựa từ châu Á sang châu Âu và dừng chân ở đất nước hiện tại mà chúng ta nhìn thấy trong Người Hungary – họ là ai? của Lackfi János.

Người Việt đọc Người Hungary – họ là ai? – cuốn sách tự trào hài hước, tự phê phán, tự nhận biết của người Hung, không chỉ là cùng du hành vui vẻ hoặc có lúc ưu sầu qua trang giấy, khám phá tính cách đặc trưng, biết thêm về những thành tựu, về tâm hồn, lối sống, cách làm việc, những tập tục lâu đời, những chuyện bình thường và khác thường của người Hung từ xưa lẫn nay… mà còn là soi chiếu, trông người ngẫm lại ta, và chắt lọc tinh hoa tô điểm cho diện mạo chính mình ngày càng sáng hơn lên. Tại sao không?

Những Ngôi Sao Eger

Những Ngôi Sao Eger

Là tiểu thuyết nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của Hungary, Những ngôi sao Eger là bài ca bi tráng của nhân dân Hungary chống lại cuộc xâm lược của quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm kể về cuộc vây hãm ngôi thành Eger, nơi chỉ có độ hai ngàn dân, bị nguy khốn giữa đạo quân Thổ khổng lồ, đầy nhuệ khí trong sự thờ ơ không cứu viện của triều đình.

Ngời sáng giữa những đau thương, mất mát là lòng dũng cảm, là trí tuệ phi thường, là tinh thần bất khuất của mỗi một con dân trong thành, từ người già đến thiếu niên, từ phụ nữ chân yếu tay mềm đến những người nông dân chưa quen tên đạn.

Từng chi tiết của cuộc chiến được miêu tả tỉ mỉ, chính xác và sinh động, tái diễn lại dấu ấn lịch sử năm nào, đến nỗi gập trang sách lại vẫn còn như vang vọng tiếng đại bác, tiếng hô xung trận cùng lời thề quyết tử.

“Trăm năm sau ư? Thế gian còn nhớ gì đến mặt mũi chúng ta nữa!” – Không đâu, ngài Dobó ạ, nay thế gian vẫn mãi nhắc về “những ngôi sao Eger”.

Lời cỏ cây – Bàn Về Thân Phận Con Người Trong Cuộc Đời

Lời cỏ cây – Bàn Về Thân Phận Con Người Trong Cuộc Đời

Lời cỏ cây là tác phẩm nổi tiếng của Márai Sándor được xuất bản lần đầu tiên năm 1943. Bản in Việt ngữ lần này do dịch giả Nguyễn Hồng Nhung dịch. Cuốn sách như một phương thuốc xoa dịu những nỗi đau gây nên bởi thời thế, chiến tranh, nỗi cô độc của xã hội Hungary đương thời.

Cuốn sách là những lời chân thật của tác giả bàn về thân phận con người trong cuộc đời. Những luận điểm mà tác giả đưa ra không mang nặng tính lý thuyết. Tác giả vừa viết nhưng cũng qua những trang viết của mình tác giả cùng với người đọc tiếp tục hoàn thiện bản thân mình hơn.

Lời cỏ cây giống như một cuốn sách thuốc viết về công dụng của các loài cỏ cây, mỗi luận điểm như một minh họa về chứng đau, một vết thương, một khuyết tật nào đó của thân phận con người, để rồi từ những vết thương ấy chúng ta tìm ra phương thức cứu chữa cuộc đời mình lành lặn hơn.

Cánh Cửa – Szabó Magda

Cánh Cửa – Szabó Magda

Khép kín cực độ, hành vi dị thường, Szeredás Emerenc, người đàn bà kiếm sống nhờ quét dọn, nấu nướng, quản gia, bằng cách nào đó đã bước vào cuộc đời của nữ nhà văn Szabó Magda trong một vai kỳ lạ.

Tình bạn của hai tính cách khó tương đồng ấy cứ nghiêng ngả giữa đôi bờ thương yêu sùng kính, bực tức lồng lộn, đôi khi còn căm hận. Phải chăng là bởi Emerenc vẫn luôn đặt giữa họ, hoặc giữa bà với thế giới con người, một cánh cửa đóng chặt? Và khi cánh cửa đó hé lộ thoáng nhìn vào quá khứ thương tổn, soi thấu tâm hồn và số phận một con người giữa những trang sử bi thương của Hungary, nỗi day dứt lại càng trở nên ám ảnh.

Cánh cửa, tiểu thuyết có sức ám ảnh lớn nhất của Szabó Magda, đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng, cũng là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ người đọc Hungary say mê, là niềm tự hào của văn học đương đại Hungary.

Chiến Tranh Và Chiến Tranh

Chiến Tranh Và Chiến Tranh

Trong phòng lưu trữ tỉnh lẻ heo hút, cách Budapest trăm hai mươi cây số, Dr. Korin György tình cờ phát hiện một cảo bản huyền bí không nhan đề, không niên đại, tác giả vô danh.

Bốn người đàn ông trong cảo bản, xuất hiện ở những bước ngoặt khác nhau của lịch sử thế giới, lúc ở Creta, lúc ở Venice, lúc ở Köln, luôn phải trốn chạy khỏi chiến tranh thảm khốc, khỏi sự tàn phá.

Và rất lâu sau, trong một khoảnh khắc tăm tối bất chợt vào sinh nhật lần thứ bốn mươi tư, Korin cảm thấy chính mình cũng cần trốn chạy, như các nhân vật trong tập cảo bản kỳ lạ liên tục trượt về phía trước, và cuốn gã vào mê lộ của nó. Gã bán hết gia sản, đến New York, để kết thúc cuộc đời cũ, và thực hiện giấc mơ đưa cảo bản quý giá vào cõi vĩnh hằng…

Chiến tranh và chiến tranh – tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết, thể hiện cái nhìn u tối về thực tại bạo tàn trong vẻ đẹp bí ẩn và bi thảm, nhưng đầy sức thôi miên, khiến độc giả nhập thân sâu sắc vào cuộc xê dịch ác mộng của nhân vật đi tìm ý nghĩa của thế giới và chính đời mình.

Chiến tranh và chiến tranh đã góp phần khẳng định vị trí của Krasznahorkai László như một tên tuổi lớn đặc biệt đáng chú ý, một ngôi sao sáng khác lạ trên bầu trời văn học đương đại Hungary và thế giới.

Những Ngọn Nến Cháy Tàn

Những Ngọn Nến Cháy Tàn

“Những ngọn nến cháy tàn” là một tiểu thuyết dày độ 200 trang. Cốt truyện giản dị, bó gọn trong ký ức của một ông tướng già (Henrik) qua một đêm chuyện trò với người bạn cũ (Konrád), người bạn thân thiết tưởng như liền ruột liền gan từ thời thơ ấu, thời tráng niên, cũng là người từng toan tính thủ tiêu ông trong một cảnh dàn dựng như một tai nạn, từng quyến rũ vợ ông và, trong một hoàn cảnh kỳ lạ, đã chạy trốn một cách hèn nhát đến một miền đất xa xôi.

Sau hơn bốn thập kỷ, Konrád trở về. Cái đêm ấy rất có thể là lần cuối họ ngồi cùng nhau trong một khung cảnh quen thuộc mà chủ nhà đã cố tình sắp xếp, giữ mọi vật ở vị trí y nguyên như cách đó 41 năm. Những đồ vật vô tri nhưng chúng “cùng giữ một kỷ niệm, ý nghĩa của một phút giây” đã trôi qua trong đời hai con người – phút giây có thể coi là nút thắt cao trào của cuộc đời họ, là bước ngoặt khiến mỗi người mỗi ngả và phải âm thầm chịu đựng bi kịch của riêng mình trong suốt 41 năm..

Không Số Phận

Không Số Phận

Không số phận – gần như một tự truyện. Cũng như nhân vật thiếu niên trong cuốn tiểu thuyết, Imre Kertész đã từng rơi vào trại tập trung của Hitler năm 15 tuổi. Ông đã may mắn, bởi khác với hàng triệu nạn nhân của Holocaust, Kertész vượt qua được cả Auschwitz lẫn Buchenwald, và sống sót.

Tác phẩm đầy sức nặng và ám ảnh này của Kertész Imre mô tả thế giới khủng khiếp và phi lí của nhà nước toàn trị kiểu phát xít, trong đó con người bị tước đoạt số phận cá nhân, và, không chỉ kiến thức về cuộc sống thực tế và lịch sử, mà khả năng nhận biết thường nhật của cá thể cũng đã hóa đá và biến dạng.

Ẩn sâu vào đó là sự phản kháng đầy cay đắng trước cái bất nhẫn phổ quát của thế giới. Một thế giới đang thể hiện dữ tợn trong những học thuyết tự cho phép đối xử với cả một dân tộc như những sinh linh hạ cấp, tước đoạt quyền sống, xua đuổi vào các trại tập trung, và hủy diệt.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button