Sách hay về tình yêu đơn phương

Sách về tình yêu đơn phương hay nhất. Thứ tình cảm có thể khiến ta đau, có thể khiến ta rơi nước mắt, nhưng sau tất cả, ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Lãng Quên Em Sau Mùa Vũ Hội

12 năm – đó là khoảng thời gian dành cho mối tình đơn phương của Penelope dành cho người đàn ông hấp dẫn nhất London – Colin Bridgerton. Tiểu thư nhà Featherington đã bị “sét đánh” trước tuổi mười sáu cho tới khi trở thành “gái già”. Từng ấy thời gian cho một câu chuyện tình xuất phát từ một phía là quá dài, thậm chí tới mức nhàm chán nhưng với Penelope thì không hẳn như vậy. Và cô gái già này đã tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Kể về một mối tình lãng mạn đặt trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX, Lãng quên em sau mùa vũ hội mang tới một góc nhìn châm biếm về xã hội thượng lưu Anh. Đó là nơi mọi người giết thời gian bằng ti tỉ những câu chuyện phiếm mà gia vị tăng giảm phụ thuộc vào kỹ năng hóng hớt của các bà các cô.
Và người đã mạnh dạn đứng ra châm ngòi cho cái nhìn hài hước là một nhân vật bí ẩn, ký bút danh là phu nhân Whistledown cùng sự xuất hiện của Thời báo Xã hội mỗi tuần ba số.

Với những thông tin chính xác cùng cách điểm mặt đích danh các nhân vật có thật, các bài báo của phu nhân Whistledown nhanh chóng trở thành liều thuốc buôn chuyện cho giới thượng lưu ở London. Và cho dù Penelope xuất hiện lần nào cũng chua chát lần đó, nhưng hãy chờ xem một cái kết có hậu được dự đoán ở phần cuối của cuốn sách này.

Chẳng có thần may mắn nào mang tình yêu tới cho Penelope ngoài chính cô. Không như vẻ ngoài khá mờ nhạt cùng tốc độ ngôn ngữ luôn phản ứng chậm hơn so với điều lẽ ra phải xảy ra, đó là một cô gái vô cùng đặc biệt mà chỉ có những người nào thật hiểu cô mới cảm nhận rõ điều đó.

Và nếu như tình yêu duy nhất của cô – Colin là một người đàn ông nhạt nhẽo, chỉ thích rong chơi qua những chuyến du lịch thì có lẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Penelope không chỉ là một cô gái luôn đứng bên rìa các vũ hội, cô có khả năng làm nhiều chuyện to tát hơn là nhăm nhe tìm cho ra đức lang quân tại đó. Chính những hành động mà cô đã can đảm thực hiện vượt qua ngoài quy tắc thông thường đã đánh thức Colin biết cảm nhận và chiêm ngưỡng cô đến mê muội.

Với tác phẩm Lãng quên em sau mùa vũ hội, nhà văn lãng mạn người Mỹ – Julia Quinn mang tới một giọng điệu duyên dáng và hóm hỉnh. Làm thế nào để một cô gái già chinh phục được người đàn ông quyến rũ nhất London? Đó là một giấc mơ thật ngọt ngào và thú vị.

Đọc sách Lãng quên em sau mùa vũ hội, độc giả sẽ cảm thấy mình yêu đời hơn và muốn được, dù chỉ một lần, nhấm nháp chút men nồng của tình yêu. Và khi yêu, mọi điều kỳ diệu nhất đều có thể xảy ra. Tại sao lại không?

Đêm Định Mệnh

Quay về nơi từng là nhà, từng gắn liền với những ngày tháng bị rẻ rúng là điều không ai trong nhà Devlin muốn – trừ Faith. Cô gái với mái tóc rực đỏ đã trăn trở nhiều đêm và quyết định quay về chốn xưa. Bởi lẽ cô luôn khác với các thành viên còn lại. Cô không uống rượu như cha, không lẳng lơ như mẹ, không ăn chơi hư hỏng như anh chị. Tuổi thơ của cô gánh vác những trách nhiệm dường như luôn vượt quá sức của một con bé gầy gò: chăm sóc đứa em thiểu năng, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ… Cô ăn mặc sạch sẽ kín đáo, học hành chăm chỉ giỏi giang. Nhưng thế thì sao chứ? Cái thị trấn Prescott ấy vẫn chỉ xem cô là một đứa nhà Devlin, mà nhà Devlin thì toàn lũ rác rưởi.

Thậm chí sau mười hai năm, trở lại trong dáng vẻ một người thành đạt, mang cái họ của người chồng vắn số, Faith vẫn bị hắt hủi do ngoại hình của cô giống hệt người mẹ xinh đẹp nhưng lăng loàn. Tuy vậy, giờ đây, cô không gào thét trong câm lặng rằng “tôi khác” nữa mà sẽ thể hiện cho đến khi nhận được sự tôn trọng của tất cả người dân nơi này – đặc biệt là Gray Rouillard.

Anh vừa là tia sáng duy nhất trong suốt quãng đời thơ ấu của Faith, đồng thời là bóng ma lớn nhất thuộc về quá khứ mà cô muốn gạt bỏ. Lẽ sống của Faith trong chuỗi ngày u ám thuở bé là cơ hội được thấy bóng dáng Gray, được nghe giọng nói của anh. Cô chỉ dám ao ước bấy nhiêu đó thôi. Giấc mơ có được người con trai sáng giá của gia đình Rouillard quyền thế là quá xa vời.

Và giấc mơ ấy đã vỡ tan trong một đêm hè khi Gray, giận dữ nghĩ rằng cha bỏ đi dệt mộng uyên ương với mẹ của Faith, quyết định tống khứ cả nhà cô ra khỏi quận cùng câu sỉ vả “Cô là đồ rác rưởi”. Những mảnh vỡ của giấc mơ cứa vào lòng Faith trong suốt mười hai năm xa xứ. Tưởng chừng đó là liều thuốc đắng chữa căn bệnh si tình của cô, ngờ đâu khi gặp lại Gray, cô biết mình luôn là mảnh kim loại bé nhỏ trước sức hút của anh.

Thế nhưng không chỉ Faith quằn quại trong mớ cảm xúc giằng xé, Gray cũng có những nỗi khổ của riêng anh. Anh không hẳn không chú ý đến cái bóng nhỏ hay lang thang trong rừng, anh có thấy sự khác biệt của cô so với những thành viên Devlin còn lại, trong anh trỗi dậy ham muốn có cô vào đêm hè năm ấy, anh tự hào trước những gì cô đạt được như ngày nay. Mặt khác, Gray không tài nào dẹp bỏ sự tức giận và đau đớn khi cha bỏ mặc gia đình đi theo mẹ Faith, anh không thể khiến mẹ và em gái thêm một lần suy sụp vì phụ nữ nhà Devlin.

Thế nhưng lý trí không kiềm nén nổi thứ khao khát mãnh liệt thúc họ lao vào nhau, vượt qua tường thành sừng sững của quá khứ đau thương. Bức tường ấy cần được phá tan, và chỉ có một cách, đó là Faith phải chứng minh mẹ mình không liên quan đến sự biến mất của cha Gray. Điều đó đồng nghĩa với việc cô tự đâm đầu vào rắc rối.

Nếu đêm định mệnh biến Gray từ một chàng trai nổi loạn vô tư thành người đàn ông cứng rắn, tàn nhẫn thì Faith cũng từ cô bé nhút nhát trở thành một cô gái bản lĩnh, kiên cường theo đuổi mục tiêu đến cùng. Chính dũng khí đó đã biến ước mơ tưởng chừng viển vông của Faith trở thành sự thật và khi đó, cô hoàn toàn xứng đáng được tận hưởng một hạnh phúc mới ngọt ngào, trọn vẹn.

Người ta thường khuyên hãy đóng quá khứ lại để tiếp tục sống. Nhưng dường như điều quan trọng nhất lại không được nhắc đến. Muốn dẹp bỏ, trước hết cần phải nhìn thẳng vào những gì đã qua, can đảm đối diện với nó. Chỉ có như vậy, sự thanh thản mới giúp chúng ta vững bước đi tiếp.

Thuyết Phục – Jane Austen

Khi viết tiểu thuyết “Thuyết phục”, Jane Austen đang ngã bệnh, đây là tiểu thuyết cuối cùng hoàn chỉnh của bà. Trong khi “Kiêu hãnh và định kiến” thường được xem là truyện nổi tiếng nhất của Jane Austen, một số người đọc cho biết họ thích nhất chuyện tình đầy cảm xúc “Thuyết phục” trong số các tác phẩm của tác giả. Giới phê bình cũng cho rằng trong số các tác phẩm của Jane Austen, “Thuyết phục” có nội dung nồng nàn, sâu lắng nhất. Điều này cho thấy “Thuyết phục” có một chỗ đứng nhất định trong văn học. Nổi bật đặc biệt là sự miêu tả những trạng thái tâm hồn của nhân vật chính, Anne Elliot, trong quá trình trưởng thành: từ thơ ngây cả tin đến kinh động hoang mang rồi rắn rỏi cả quyết; từ bản tính dễ bị thuyết phục đến cá tính nhất quyết định đoạt cuộc đời mình.

Anne Elliot là con gái thứ hai của Tòng nam tước Walter Elliot, bị ông bố và chị khinh rẻ (có ý kiến so sánh như là Cinderella). Tám năm về trước, Anne và anh Wentworth tha thiết yêu nhau trong khi anh này còn nghèo, không có gia sản, chưa có sự nghiệp. Vì nghe theo lời thuyết phục của phu nhân Russell – người đóng vai trò mẹ đỡ đầu của cô – cho rằng Wentworth không xứng đáng, Anne cắt đứt quan hệ tình cảm với Wenthworth. Bây giờ, Wentworth trở về sau khi hòa bình được tái lập, trong tư cách một đại tá với chiến công hiển hách và một gia sản to tát nhờ tiền thưởng trong cuộc chiến. Cùng lúc, ông bố đang lâm vào cảnh nợ nần do chi tiêu phung phí. Trong khi ấy, người thừa kế tài sản và tước vị của ngài Walter là anh Elliot bắt lại mối quan hệ với gia đình ông và có ý muốn cưới Anne.

Liệu Anne sẽ bị thuyết phục bởi viễn cảnh làm Phu nhân của một Tòng nam tước và cũng là bà chủ của một gia sản to tát, hay cô lại bị Phu nhân Russell thuyết phục nhầm lẫn, hay cô sẽ thuyết phục anh Wentworth kiềm chế sự ghen tị và mặc cảm đối với anh Elliot mà nối lại cuộc tình?

Cuốn Theo Chiều Gió

Lấy bối cảnh từ cuộc nội chiến vô cùng khốc liệt giữa Bắc và Nam Mỹ, Cuốn Theo Chiều Gió với cốt truyện rõ ràng, logic, dễ hiểu, đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng, tính cách và thân phận của nhiều lớp người trong chiến tranh và thời hậu chiến. Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô gái Scarlett O’hara cùng với Rhett Butler trở thành cặp nhân vật điển hình, thuộc loại thành công nhất trong văn học Hoa Kỳ.

Cuốn Theo Chiều Gió có sức hấp dẫn mãnh liệt giới trẻ Mỹ cũng như thanh niên toàn thế giới vì đây là cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sắc. Lạ kỳ thay, trong chiến tranh và những năm hậu chiến vô cùng gian khổ, tình yêu lại luôn luôn chói ngời, trở thành động lực giúp cho con người vượt qua chết chóc, đói khổ và sự hèn hạ… Không chỉ có tình yêu trai gái, Cuốn Theo Chiều Gió còn là bài ca của tình yêu quê hương đất nước, tình tương thân tương ái. Ba năm sau khi tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió ra đời, bộ phim cùng tên dựng theo tác phẩm của Margaret Mitchell được công chiếu đã trở thành sự kiện lớn, thành niềm tự hào của điện ảnh Mỹ.

The Sun Also Rises

“The Sun Also Rises” là tác phẩm đầu tay của Ernest Hemingway được xuất bản vào tháng 10-1926, miêu tả một cách chân thực những nỗi đau và mất mát kinh hoàng trong chiến tranh. Quyển sách cũng khắc họa thành công chân dung của những con người mà Ernest gọi là “thế hệ mất mát”, những kẻ còn sót lại sau cuộc chiến, trơ trọi, lạc lõng, sống không mục đích và phó mặc cho số phận.

Ngay sau khi được xuất bản, quyển sách lập tức trở thành một hiện tượng trong văn đàn. Với bút pháp kể chuyện lạnh lùng, dửng dưng, Hemingway khiến người ta nhận ra sau những đau thương và mất mát của thời chiến, rồi thì mặt trời vẫn mọc, cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng có những điều đã vĩnh viễn mất đi không thể tìm lại được. Bên cạnh những suy tư trăn trở, gấp sách lại, người đọc còn cảm nhận sự trống trải, lạc lõng như chính cái cảm giác mà những con người thuộc “thế hệ mất mát” đang trải qua.

Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen

Cuốn sách gồm 2 truyện vừa của văn hào Áo Stefan Zweig, Bức thư của người đàn bà không quen và 24 giờ trong đời một người đàn bà, đều đã được dựng thành phim. Bên cạnh nguyên tác văn học, cuốn sách còn cung cấp thông tin và hình ảnh đẹp về các bộ phim làm theo hai câu chuyện đầy bi kịch về tình yêu đơn phương không được đền đáp của những người phụ nữ.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách gồm 2 truyện vừa đều về những mối tình đầy bi kịch của phụ nữ liên quan đến giới thượng lưu châu Âu đầu thế kỷ 20. Bức thư của người đàn bà không quen được viết dưới dạng một lá thư của một người phụ nữ gửi cho nhà văn R., người mà cô say mê suốt cả cuộc đời. Bức thư được gửi đến cũng là bức thư tuyệt mệnh của cô, vì thế chất chứa nỗi đau của một người đã yêu đơn phương. Sự si mê của người đàn bà từ lúc là thiếu nữ đến lúc trải qua thăng trầm của đời đối với nhân vật nhà văn vốn không hề nhận ra cô dường như quá cực đoan. Nhưng đó chính là điểm mạnh của Zweig khi khai thác tận cùng chiều sâu tâm lý phụ nữ và lòng khao khát yêu thương của họ.

24 giờ trong đời một người đàn bà cũng vậy, là hồi ức của một người phụ nữ lớn tuổi kể về mối quan hệ tình cờ và kỳ dị với một chàng trai mê cờ bạc. Giằng co giữa niềm tin đạo đức và sự tha hóa của con người, những nhân vật trong truyện dường như tuyệt vọng trong việc chiến thắng định mệnh, để rồi số phận đẩy đưa đến những lối rẽ không đừng được. Qua 2 truyện vừa trên, Stefan Zweig xứng đáng là nhà văn được tìm đọc vào loại nhiều nhất suốt hơn một thế kỷ qua.

Những bộ phim làm theo truyện đều nổi tiếng với các ngôi sao kinh điển. Bộ phim Bức thư của người đàn bà không quen làm năm 1948 được đánh giá là một trong những bộ phim tâm lý hay nhất của Hollywood, còn 24 giờ trong đời một người đàn bà đã được lên màn bạc đến 7 lần. Sự gắn kết giữa truyện và phim là điểm đặc sắc sẽ được nhắc đến trong cuốn sách này.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button