Sách hay về Tây Nguyên

Sách về Tây Nguyên hay nhất. Dành cho độc giả quan tâm đến Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu nhân học, dân tộc học, xã hội học và dân sưu tầm.

Các dân tộc Tây Nguyên

Đay là cuốn sách ảnh, nhưng tác giả không thiên về ảnh nghệ thuật, mà chú trọng ảnh tư liệu, quan tâm nhiều hơn đến giá trị tư liệu trong ảnh. Bởi đích hướng tới của cuốn sách là cố gắng phản ánh trung thực cuộc sống ở các buôn làng, các cộng đồng tộc người, cả trước kia và hiện đại, trong chừng mực có thể được.

Mục lục:

  • Dân tộc Bana
  • Dân tộc Brâu
  • Dân tộc Churu
  • Dân tộc Cơho
  • Dân tộc Êđê
  • Dân tộc Giarai
  • Dân tộc Gié – Triêng
  • Dân tộc Mạ
  • Dân tộc Mnông
  • Dân tộc Rơmăm
  • Dân tộc Xơđăng

Nhà Rông Tây Nguyên

Cuốn Nhà rông Tây Nguyên là bước tiếp nối tất yếu cuốn Nhà mồ Tây Nguyên (tác giả: Nguyễn Văn Kự – Lưu Hùng, NXB Thế giới, 2002) để, như nhiều bà con Tây Nguyên vẫn tâm tình: “Tâm linh người chết đã được đối xử tốt như thế trong nhà mồ, thì tâm linh người sống cũng cần được đối xử như thế và hơn thế nữa trong nhà rông”.

Nói đến Tây Nguyên, hầu như bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến nhà rông. Nhà rông là một trong những di sản văn hóa rất tiêu biểu và đặc thù ở một số dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, đặc biệt ở Bắc Tây Nguyên và miền núi 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế. Giáo sư Hà Văn Tấn viết: “Người ta nhận thấy nhà rông có nhiều chức năng giống với đình, như trụ sở của bộ máy quản trị buôn làng, nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, nhà khách, câu lạc bộ”. Có thể còn hơn thế nữa, nhà rông còn là nơi chuyển giao kinh nghiệm sống lâu đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, và là trung tâm cố kết bền chặt cộng đồng làng.

Như trong một chuyến tham quan đặc biệt, cuốn sách này lần lượt đưa ta đi qua và dừng lại ở 66 ngôi nhà rông, cho phép ta tham dự một phần cuộc sống của những cộng đồng chủ nhân của nhà rông, cả bên trong lẫn bên ngoài không gian nhà rông. Người đọc có thể khám phá, tìm hiểu, so sánh, suy ngẫm về sắc thái văn hóa đặc sắc bậc nhất của miền đất kỳ diệu này. Đưa ta đi từ tộc người này đến tộc người khác, hết làng này sang làng khác, cuốn sách sẽ cho ta thấy rõ sự phong phú và đa dạng về kiểu dáng, về kết cấu nhà rông, đồng thời cũng giúp ta hiểu sâu hơn những đặc điểm chung vốn là đồng nhất trong truyền thống văn hóa lâu đời của lâu đời của nhiều dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Cuốn sách cũng không tránh né những chuyển động và thách thức mới đang đặt ra đối với nhà rông nói riêng và văn hóa Tây Nguyên nói chung, tạo cơ hội để độc giả tiếp cận và suy nghĩ về vấn đề du nhập những yếu tố mới, hiện đại và đa tạp đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội ở vùng đất cổ truyền này.

Những Mảng Màu – Văn Hóa Tây Nguyên

Tây Nguyên, vùng đất lý tưởng của bất cứ của một người nghiên cứu dân tộc học và văn hóa học nào. Xuất phát từ lòng yêu mến văn hóa của vùng đất này tác giả đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu từ năm 1986 cho đến nay và đã lần lượt giới thiệu đến bạn đọc các ấn phẩm Luật tục Êđê (1996), Luật tục Mnông (1998)… Tìm hiểu các luật tục các tộc người ở Việt Nam. Và đến cuốn sách này là một ấn phẩm phản ánh tương đối đầy đủ những mảng màu văn hóa đặc sắc của vùng đất đại ngàn. Cuốn sách được trình bày dạng song ngữ và được chia làm 3 phần: Phần thứ nhất: Phác họa văn hóa Tây Nguyên; Phần thứ hai: Luật tục và quản lý cộng đồng; Phần thứ ba: Sử thi Tây Nguyên.

Rừng người Thượng

Ngày đầu tiên Henri Maitre đặt chân lên Tây Nguyên là ngày 7 tháng 2 năm 1909. Ngày cuối cùng được ghi trong nhật ký hành trình ngang dọc khắp Tây Nguyên của ông là ngày 10 tháng 2 năm 1910. Và cuốn sách này ra đời tại Paris vào năm 1912. Gần trọn 100 năm đã đi qua. Vậy mà cho đến nay, đây vẫn là công trình khảo sát toàn diện và cơ bản nhất về Tây Nguyên, chưa tác phẩm nào khác vượt qua được. Thiên nhiên và con người Tây Nguyên, hệ thống núi non trùng điệp, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thực vật và động vật hết sức phong phú, khí hậu và thời tiết, diện mạo và lịch sử con người…. tất cả đều được quan sát bằng một con mắt chăm chú và tinh tế, được mô tả vừa bao quát vừa tỉ mỉ, chi tiết đến kinh ngạc, hết sức khách quan mà vẫn không giấu được một cảm xúc say mê nhiều khi đến lãng mạn, chặt chẽ khoa học mà lôi cuốn như một bút ký dân tộc học và văn học đặc sắc. Tất cả các nghiên cứu về Tây Nguyên, trên mọi phương diện, từ đấy đến nay, và cả từ nay về sau, hẳn đều phải lấy đây không chỉ làm điểm xuất phát, mà còn có thể làm nền tảng vững chắc.

Và cũng không nên quên điều này: nhiều dự báo của tác giả, qua thử thách gần một thế kỷ, vẫn không hoàn toàn mất đi giá trị. Tác phẩm, nói theo một cách nào đó, vẫn đầy tính cập nhật.

Đà Lạt Và Những Bí Ẩn Nam Tây Nguyên

Bằng những chuyến điền dã đầy hứng khởi, sự giúp đỡ nhiệt thành của các nhà khoa học, những nhà quản lý văn hóa, của cộng đồng, những con người tham gia cụ thể ở thực địa cùng với sự nỗ lực tự thân, niềm đam mê không ngưng nghỉ, làm việc nghiêm túc, kết hợp với nguồn tư liệu phong phú quý hiếm từ công việc đã giúp Đoàn Bích Ngọ hình thành nên những bài viết gợi mở, súc tích, mang đến cho người đọc một nguồn cảm hứng thú vị khi tìm hiểu về thành phố Đà Lạt đầy huyền ảo, mộng mơ, thi vị và một vùng đất Nam Tây Nguyên đầy bí ẩn, ma mị nhưng quyến rũ.

Cuốn sách phần nào đã giải tỏa được những khao khát kiếm tìm của người trong cuộc và du khách khi đến với xứ sở ngàn hoa này. Cuốn sách xứng đáng được nằm trong kệ sách gia đình của những người thích khám phá những điều mới lạ của thế giới xung quanh.

Rừng, Đàn Bà, Điên Loạn

Tác giả dẫn người đọc vào một hành trình thật tập trung: cuộc du ngoạn vào “miền mơ tưởng Giarai”, đi qua hàng trăm huyền thoại của họ; và ông nói rõ với người đọc rằng, ở đây “không phải là những huyền thoại tầm nguyên”, tức những huyền thoại về nguồn gốc của con người, giống loài người, hay của dân tộc, mà là những huyền thoại về cái hiện tại, là những mộng mị của những con người đang sống hôm nay, đang hằng ngày sống một cuộc sống kép, vừa “trải nghiệm” lại vừa mộng mị “đồng thời”, đang hàng ngày “tiếp tục sáng tạo ra huyền thoại”.

Con người bị vây bọc bởi rừng, từ khi chưa là con người… cho đến khi không còn là con người nữa. Như vậy, rừng không chỉ là không gian, rừng còn là thời gian. Rừng là sự vĩnh hằng, là cõi vô cùng, là sự không thủy không chung, nơi hun hút từ đó con người đi ra và nơi hun hút con người lại biến mất vào đó, biệt vô tăm tích. Là bản nguyên, là cội nguồn ở đầu bên này, nhưng cũng là cõi mịt mù thăm thẳm ở đầu bên kia…

Con người không bao giờ có thể thoát ra được khỏi rừng, cũng như không bao giờ có thể bứt ra khỏi vòng tuần hoàn bí ẩn muôn thuở, bức ra khỏi cái hoang dã; luôn bị cái hoang dã ấy vây kín, cuốn hút…

Nhưng đồng thời, mặt khác, con người là người cũng chính bởi vì nó luôn có nhu cầu bứt ra khỏi cái hoang dã, bứt ra khỏi rừng, trở thành xã hội, trở thành văn hóa.

Đấy là một cuộc giằng co, sự níu kéo hai đầu vĩnh cửu, nó làm nên “nội dung” của cuộc sống con người.

Ngoài chất khảo cứu, J. Dournes đã rất thành công khi lồng vào cuốn sách những chuyện kể – văn học truyền miệng, tính văn học cao nên độc giả phổ thông cũng dễ dàng tiếp cận.

Đặc Trưng Văn Hóa Vùng Tây Nguyên

Quyển sách là kết quả của các chuyến điều tra điền dã dân tộc học kết hợp với nguồn tài liệu thống kê ở Trung ương và các địa phương, bên cạnh đó nhóm tác giả có sử dụng nguồn tư liệu đã công bố trên các sách báo, tạp chí và Internet.Tuy chưa đầy đủ, nhưng qua các trang viết của cuốn sách hy vọng phần nào cung cấp cho bạn đọc những nét đặc trưng nhất của văn hóa vùng, miền.

Quan Hệ Tộc Người Ở Tây Nguyên Trong Thời Kỳ Đổi Mới

Nội dung cuốn sách kết cấu 6 chương:

– Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến quan hệ tộc người;

– Các nhân tố tác động đến quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới;

– Quan hệ tộc người ở Tây Nguyên về không gian sinh tồn và trong lĩnh vực kinh tế;

– Quan hệ tộc người Tây Nguyên trong lĩnh vực văn hóa; Quan hệ tộc người Tây Nguyên trong lĩnh vực chính trị và an ninh;

– Quá trình tộc người và một số kinh nghiệm xây dựng quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới.

Những Anh Hùng Tây Nguyên – Từ Huyền Thoại Đến Hiện Đại

Tây Nguyên đại ngàn là miền đất nhiều huyền thoại, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Nơi đây chứa đựng nhiều yếu tố có giá trị đặc biệt về kinh tế và in đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang được bảo tồn, phát triển.

Nhắc đến Tây Nguyên, hầu như ai cũng liên tưởng về một khu vực xưa kia còn hoang sơ, với núi cao, rừng già phủ kín, cách biệt với bên ngoài. Nằm giữa biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, trên sườn núi cao dọc dải Trường Sơn và vùng cao nguyên Trung Bộ, đây là quê hương lâu đời của hơn 20 tộc người với hơn 100 nhóm địa phương thuộc hai dòng ngôn ngữ lớn là Nam Á và Nam Đảo. Tây Nguyên đã trải qua nhiều biến động lịch sử trong công cuộc chống thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, thú dữ, ròng rã từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Từ nửa cuối thế kỷ XV, khi vua Lê Thánh Tông thân chinh phương Nam, miền đất hoang hóa này mới trở thành một phần của Đại Việt với cái tên tiểu quốc Nam Bàn. Song, do điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử, mãi cho tới đầu thế kỷ XX, miền cao nguyên được vua Bảo Đại đặt tên “Hoàng Triều Cương Thổ” mới thực sự được quan tâm khai thác, mà tiên phong là thế lực thực dân, tư bản phương Tây. Đây cũng là chiến trường trọng yếu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi xuất phát cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Cuốn sách “Anh hùng Tây Nguyên: Từ huyền thoại đến hiện đại” sẽ giới thiệu cho bạn đọc những thông tin cụ thể về những hình tượng, những con người ưu tú đại diện cho tinh thần, ý chí chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nội dung của cuốn sách không chỉ là sự tri ân, tưởng niệm đối với các anh hùng mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông cho thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hy vọng rằng, sau khi gấp lại những trang sách cuối cùng, bạn đọc sẽ càng thêm yêu mến và trân trọng hơn nữa những con người có tâm hồn trong sáng, thủy chung của miền đất đỏ anh hùng.

Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên

Cuốn sách này ngoài mục đích giới thiệu, còn có sự tìm hiểu sâu về các nghề thủ công truyền thống, các làng nghề (nếu có), mà thông qua đó có thể hiểu thêm về nền văn minh nương rẫy đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, vai trò của các nghề thủ công truyền thống trong cộng đồng mỗi tộc người, đồng thời nhấn mạnh đến thực trạng của các nghề này trong một xã hội đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay. Ngõ hầu tìm ra những biện pháp bảo lưu phần nào những nghề truyền thống quý báu một thời đó.

Di Cư Của Người Dân Tộc Thiểu Số Đến Tây Nguyên

Thông qua khảo sát và nghiên cứu, tác giả của công trình này sẽ cố gắng dựng lại diện mạo về quá trình di cư của các dân tộc thiểu số (DTTS) từ nơi khác đến Tây Nguyên từ sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) đến nay; làm rõ nguyên nhân và mục đích di cư của các DTTS đến Tây Nguyên cùng tác động của vấn đề di cư tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội Tây Nguyên nhằm góp phần xây dựng chính sách đúng đắn, phù hợp với công tác di dân, quản lý vấn đề di cư nhằm mục đích phát triển bền vững kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh của khu vực Tây Nguyên.

Ngày đăng: 15/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 15/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button