Sách hay về xã hội học

Sách về xã hội học hay nhất. Cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về phát triển cộng đồng, an sinh xã hội, quản lý xã hội, giới và phát triển giới, truyền thông đại chúng, quản lý dự án, đô thị, nông thôn, kinh tế…

Dẫn Luận Về Xã Hội Học

Thuật ngữ “xã hội học” (sociology) bắt nguồn từ gốc chữ Latin: Societas (xã hội) và chữ Hy lạp: Lógos (ngôn từ, học thuyết). Khái niệm này được đưa vào hệ thống tri thức khoa học lần đầu tiên ở thế kỷ XIX với định nghĩa của Auguste Comte: “Xã hội học là khoa học về các quy luật của tổ chức xã hội”.

Emile Durkheim, một trong các bậc tiền bối của xã hội học đã phát biểu rằng: “Cuối cùng thì nhà xã hội học phải chẩn đoán xem xã hội ở trong tình trạng khỏe mạnh hay bệnh tật và sau đó phải kê đơn những loại thuốc cần cho sức khỏe của xã hội”.

Karl Marx không coi mình là nhà xã hội học, nhưng những tư tưởng trong di sản đồ sộ của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của xã hội học. Dường như tất cả các nhà xã hội học hiện đại khi giải thích xã hội đều tiếp cận bằng lý thuyết mâu thuẫn và xung đột của Marx, “đều vay mượn của Marx các lý giải về giai cấp, ngay cho dù nhà xã hội học đó kết thúc bằng cách bài bác Marx”.

Sách Dẫn luận về xã hội học của Steve Bruce là một dẫn nhập cô đọng về bộ môn khoa học mới mẻ nhưng những tầm nhìn của nó được đón nhận rộng rãi ở khắp mọi lĩnh vực.

Tại sao cuộc sống của hai dân tộc ở hai phần thế giới lại trở nên quá khác nhau, và vẫn tiếp tục khác nhau đến thế? Tại sao một số cuộc sống – và một số tương lai – vô cùng giàu có, số khác lại túng quẫn?

Các quy tắc của phương pháp xã hội học

1. Thông tin về tác giả:

Émile Durkheim (15/4/1858 – 15/11/1917) là nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp, người đặt nền móng xây dựng chủ nghĩa chức năng và chủ nghĩa cơ cấu; người đã góp công lớn trong sự hình thành bộ môn xã hội học và nhân chủng học. Những công sức của ông trong việc thực hiện và biên tập tạp chí đã giúp xây dựng xã hội học thành một môn khoa học xã hội được chấp nhận trong giới hàn lâm. Trong suốt cuộc đời mình, Durkheim đã thực hiện rất nhiều bài thuyết trình và cho xuất bản vô số sách xã hội về các chủ đề như giáo dục, tội phạm, tôn giáo, tự tử và nhiều mặt khác của xã hội. Ông được coi là một trong những nhà sáng lập môn xã hội học.

2.Thông tin về tác phẩm: Về cuốn sách: Các quy tắc của phương pháp xã hội học của Emile Durkheim:

“Khi cuốn sách này xuất bản lần đầu, nó làm dấy lên những cuộc tranh cãi gay gắt. Những tư tưởng hiện hành, như thể bị ngỡ ngàng, đã chống lại ngay từ đầu với một sức mạnh đến mức, trong một thời gian, chúng tôi hầu như không thể nào lên tiếng trả lời được.” (Lời tựa) Thế nào là một sự kiện xã hội? Các quy tắc về sự quan sát các sự kiện xã hội; Các quy tắc về sự phân biệt giữa cái bình thường và cái bệnh lí; Các quy tắc về sự cấu tạo các loại hình xã hội; Các quy tắc về việc giải thích các sự kiện xã hội; Các quy tắc về việc tổ chức luận cứ chứng minh và các đặc điểm tổng quát của phương pháp này: Sự độc lập mặt-đối-mặt của nó với bất cứ nền triết học nào, tính khách quan, đặc điểm xã hội học của nó… xã hội học như là môn khoa học tự trị. Cuộc chinh phục tính tự trị này là bước tiến bộ quan trọng nhất vẫn còn phải làm đối với môn xã hội học. Quyền uy lớn hơn của môn xã hội học có tính thực tiễn như thế.

Sự Kiến Tạo Xã Hội Về Thực Tại – Khảo Luận Về Xã Hội Học Nhận Thức

Như tựa đề của công trình, đây là một khảo luận về xã hội học nhận thức và điểm độc đáo của công trình này là nghiên cứu về tất cả các kiến thức, trong đó chú ý trước hết đến những “kiến thức đời thường” mà trước kia giới xã hội học thường bỏ quên do chỉ cho rằng đối tượng nghiên cứu của xã hội học nhận thức là những kiến thức, ý tưởng hoặc tư duy mang tính lý thuyết của con người.

Khi đánh giá về công trình này, nhà xã hội học Pháp Danilo Martuccelli cho rằng đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi đã ít nhiều làm thay đổi cách nhìn bởi nó mở ra một lối tiếp cận mới, gợi ra nhiều ý tưởng và nhiều chủ đề nghiên cứu mới. Hi vọng rằng công trình này sẽ giúp cho giới học tập và nghiên cứu khoa học xã hội có thêm một cách nhìn mới và ứng dụng hiệu quả vào công việc học tập, nghiên cứu.

Xã Hội Học Văn Hóa

Cuốn Xã hội học văn hóa này là kết quả của quá trình học hỏi, nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm của các tác giả cho các lớp Cao học Xã hội học ở Cơ sở Đào tạo của Viện Xã hội học, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, các khoa Xã hội học của các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, cũng như ở nhiều trường đại học khác.

Tác giả biết rằng nghiên cứu về văn hóa, dù ở bất cứ góc độ nào, đều là việc làm khó khăn, bởi văn hóa là một khái niệm không chỉ có nội dung cực kỳ lớn, mà hình thức thể hiện của nó cũng vô cùng phức tạp, không dễ nắm bắt. Tuy nhiên, qua cuốn sách này, tác giả cũng cố xác định các ranh giớiđể thấy rõ Xã hội học văn hóa không chỉnhư một bộ môn chuyên ngành trong tương quan với các môn chuyên ngành khác của Xã hội học (như Xã hội học gia đình, Xã hội học dân số, Xã hội học nông thôn, Xã hội học đô thị…), mà nó còn có sự khu biệt với các ngành khoa học cơ bản khác cùng nghiên cứu văn hóa (như Nhân học, Dân tộc học, Văn hóa học, Triết học văn hóa…)

Xã hội học Văn học

Xã hội học văn học (XHH VH) là một lĩnh vực nghiên cứu khá đặc biệt. Nếu xét từ góc độ mối quan hệ giữa xã hội và văn học, XHH VH có nhiều phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận khác nhau trên cơ sở chung là việc khẳng định có mối quan hệ ấy.

Cũng từ đây, chúng ta sẽ thấy tồn tại nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau trong cùng một quốc gia, hay xét trên bình diện quốc tế. Dù muốn hay không, người ta cũng phải công nhận XHH VH, tuy không đồng nhất như một phương pháp, một cách đặt vấn đề, đã thực sự hiện hữu, chiếm một vị trí nhất định trong bức tranh chung của lý luận-phê bình văn học thế giới và là một bộ phận của khoa học nghiên cứu văn học nói chung.

Chính vì vấn đề khá phức tạp và không đồng nhất, nên việc tiếp cận XHH VH từ mối quan hệ giữa văn học và xã hội cần có sự đầu tư thích đáng và tích cực của nhiều người, nhiều nhà nghiên cứu. Nếu xét XHH VH như là một cách tiếp cận dựa trên những tri thức và các thao tác của xã hội học thì vấn đề có vẻ như đơn giản hơn, vì nó hẹp hơn, mang tính khách quan hơn và khoa học hơn .

Không thể không đề cập đến những giới hạn tất yếu của mỗi một phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu khoa học nói chung, phê bình văn học nói riêng. Phương pháp nghiên cứu của R.Escarpit, P.Bourdieu, L.Goldmann, J.-P. Sartre tuy không tránh được những điểm yếu riêng, trong thực tế đã góp phần tích cực vào sự đa dạng phong phú của bức tranh lý luận văn học ở thế kỷ XX, ở Pháp cũng như trên thế giới.

Tại Việt Nam đã xuất hiện những nghiên cứu văn học Việt Nam dựa trên thành tựu của các nhà xã hội học văn học Pháp [39]. Theo chúng tôi, đây là một hướng tiếp cận rất khả thi, một mặt, nó hứa hẹn những tiếng nói nhiều chiều, mặt khác, nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu nước nhà phải luôn cập nhật các thông tin mới với tinh thần dám thử nghiệm, mở ra những con đường mới.

Yêu cầu phát triển nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật tại Việt Nam ở thế kỷ XXI, ngoài việc nghiên cứu sâu vốn phong phú từ trong di sản dân tộc, không thể không hướng tới những chân trời mới để có thể có tiếng nói của riêng mình giữa muôn vàn tiếng nói của nhân loại.

Lộc Phương Thủy – Nguyễn Phương Ngọc

Xây Dựng Xã Hội Học Tập

Từ khi được xuất bản, cuốn sách Xây dựng xã hội học tập: Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội đã trở thành một tài liệu hữu ích cho độc giả – những người luôn dành sự ủng hộ đối với những chính sách thúc đẩy sự tiến bộ về khoa học và công nghệ của chính phủ. Cuốn sách là một tác phẩm đầy thuyết phục cho thấy mức sống của chúng ta được cải thiện đáng kể như thế nào là kết quả của việc học cách để học tập, và đưa ra những lý giải làm thế nào mà các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển đều có thể xây dựng được một nền kinh tế học tập kiểu mới.

Với lối viết gần gũi, dễ hiểu, cuốn sách Xây dựng xã hội học tập: Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội (Ấn bản dành cho độc giả) đã truyền tải được thông điệp chính cũng như những phương hướng về mặt chính sách.

Cuốn sách làm sáng tỏ quan điểm cho rằng xây dựng một xã hội học tập đòi hỏi chính phủ phải ban hành được những chính sách có chất lượng trên các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực quan trọng khác. Luận điểm chính của cuốn sách – rằng mọi chính sách đều ảnh hưởng tới học tập – có ý nghĩa quan trọng đối với những chính phủ còn chưa quan tâm đến những cách thức đổi mới mà họ có thể vận dụng để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước tiến lên phía trước.

Điểm Bùng Phát

Điểm Bùng Phát là một khoảnh khắc kỳ ảo, khi một ý tưởng, một xu thế, hay một hành vi xã hội vượt qua ngưỡng nhất định – bùng phát và lan ra như ngọn lửa hoang dã. Giống như chỉ một người bị ốm cũng có thể làm khởi phát cả dịch cúm, một mục tiêu nhỏ bé nhưng chính xác hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân thúc đẩy một xu hướng thời trang, nhân rộng việc tiêu thụ của sản phẩm, hay làm hạ tỷ lệ phạm tội, v.v.

Trong cuốn sách kinh doanh được độc giả chào đón nồng nhiệt này, Malcolm Gladwell đã khám phá và khai mở cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về hiện tượng “điểm bùng phát”, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tất cả mọi người trên khắp thế giới về việc tiêu thụ các sản phẩm và phổ biến các ý tưởng.

Tôn Giáo Nhìn Từ Viễn Cảnh Xã Hội Học

Tôn Giáo Nhìn Từ Viễn Cảnh Xã Hội Học được biên soạn nhằm mục tiêu giúp sinh viên chuyên ngành Tôn Giáo Học có thêm được một số tư liệu chuyên ngành Xã Hội Học Tôn Giáo để có thể đi sâu hơn vào lãnh vực nghiên cứu tôn giáo.

Theo tác giả, điểm đặc thù chính của ngành Xã Hội Học Tôn Giáo là đặt câu hỏi tại sao của một nhóm người nào đó (chứ không phải một cá nhân nào đó) lại thực hiện một nghi lễ nào đó, trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mà không phải là một nhóm khác, hay một nghi lễ khác, và đâu là các ảnh hưởng của văn hóa, cấu trúc xã hội, bối cảnh kinh tế đối với các hành vi tôn giáo của nhóm đó. Không hẳn chỉ tập trung nghiên cứu các giáo phái, các hành vi phi tôn giáo, phủ nhận, thậm chí chống đối tôn giáo cũng có thể là chủ đề nghiên cứu của lĩnh vực này. Một vài chủ đề chính của ngành Xã Hội Học Tôn Giáo: Việc phân loại thế nào là giáo phái (sect), tông phái (denomination), tín ngưỡng (cult).

Lịch sử tư tưởng Xã Hội Học Tôn Giáo.Sự cải đạo (conversion): Những lý do xã hội dẫn đến sự thay đổi niềm tin tôn giáo.Sự xuất hiện các phong trào tôn giáo mới (new religions).Thế tục hóa (secularization) và phản thế tục hóa (desecularization). Sự tái sinh của cái thiêng (the re-emergence of the sacred) ngay giữa lòng những xã hội văn minh vật chất đến cực điểm.

Quyển sách này sẽ là nguồn tư liệu bổ ích không chỉ cho các bạn sinh viên mà còn cho các đồng nghiệp đang giảng dạy cùng một chuyên ngành.

Lời Mời Đến Với Xã Hội Học – Một Góc Nhìn Nhân Văn

Khác với nhân học, nhà xã hội học không đi tìm hiểu những xã hội khác lạ, mà thường say mê với cái quen thuộc. Đôi khi các nhà xã hội học khảo sát những thế giới mà trước đây họ chưa biết, như các khu ghetto nội đô, các giáo phái, hay thế giới riêng tư đằng sau tiền cảnh của các bác sĩ phẫu thuật, tướng lĩnh quân sự v.v. Song các nhà xã hội học cũng thường khảo sát những lĩnh vực hành vi vốn quen thuộc đối với họ và với hầu hết những người trong xã hội của họ, thông qua hoặc kinh nghiệm trực tiếp hoặc qua báo chí. Sự độc đáo là nhãn quan xã hội học giúp ta nhìn cái đã quen thuộc – thậm chí nhàm chán – dưới một ánh sáng mới mẻ và thanh tân. Đấy chính là niềm vui và sự hào hứng mà xã hội học mang lại. “Đó không phải là sự hào hứng khi đến một nơi hoàn toàn mới lạ, mà đúng hơn là sự hào hứng trong việc tìm ra rằng cái quen thuộc đã mang một ý nghĩa khác hẳn. Sức quyến rũ mê hồn của xã hội học là ở thực tế này: cách nhìn của nó khiến cho ta thấy được chính cái thế giới mà suốt đời chúng ta đã và đang sống dưới một ánh sáng mới”. Các nhà xã hội học nỗ lực tiếp cận cái thế giới mà chúng ta coi là đương nhiên, và xem nó như thể đó là một lĩnh vực mới, chưa hề được khám phá. Họ nhìn sâu xa hơn những động cơ và lí giải chính thức mà người ta đưa ra về niềm tin và hành vi của mình.

Súng, Vi Trùng Và Thép

“Bàn tay của diễn trình lịch sử từ 8.000 năm trước vẫn đang đè nặng lên chúng ta.”

Cuốn sách giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác, cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á –Âu dựa trên trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Jared Diamond lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường, trong đó sự khác biệt này được khuếch đại không ngường. Qua đó, ông giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành các thế lực thống trị

Mục đích của cuốn sách này là cung cấp một lược sử về tất cả mọi người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Câu hỏi đã khiến tôi viết ra cuốn sách này là: tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác? Nếu như câu hỏi này lập tức khiến bạn nhún vai cho rằng bạn sắp phải đọc một luận văn phân biệt chủng tộc thì, xin thưa, không phải vậy. Như bạn sẽ thấy, những lời đáp cho câu hỏi này tuyệt không bao hàm những sự khác biệt về chủng tộc. Cuốn sách này tập trung truy tìm những lý giải tối hậu và đẩy lùi chuỗi nhân quả lịch sử càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Tuy cuốn sách này nói cho cùng là về lịch sử và tiền sử, song chủ đề của nó không chỉ có giá trị hàn lâm mà còn có tầm quan trọng to lớn về thực tiễn và chính trị. Lịch sử những tương tác giữa các dân tộc khác nhau chính là cái đã định hình thế giới hiện đại thông qua sự chinh phục, bệnh truyền nhiễm và diệt chủng. Các xung đột đó tạo ra những ảnh hưởng lâu dài mà sau nhiều thế kỷ vẫn chưa thôi tác động, vẫn đang tích cực tiếp diễn ở một số khu vực nhiều vấn đề nhất của thế giới ngày nay.

Sụp Đổ

Với phương pháp đa ngành cùng khối lượng kiến thức khổng lồ, Jared Diamond đã hoàn thành kiệt tác mang tính cách mạng trong nghiên cứu về lịch sử nhân loại: Sụp đổ – Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào? Người đọc sẽ đi từ văn minh Maya, đến với sự bùng nổ và suy tàn của người Viking, xem xét sự hưng thịnh và kết cục bi thảm của người Norse ở Greenland… Những nguyên nhân nào được xem là căn bản nhất cho mọi sự diễn tiến hay suy bại của các xã hội trên toàn thế giới ? Có thể kiếm tìm một lý giải hay một mô hình cho tất cả những thất bại hay thành công của nhân loại hay không ? Chúng ta có thể học gì từ sự thất bại của những nền văn mình từng là vĩ đại nhất ? Nhân loại sẽ cần ghi nhớ những điều được Diamond tổng kết :

“Do vậy, chúng ta đang tiến rất nhanh trên con đường không bền vững…, nên bằng cách này hay cách khác, các vấn đề môi trường của thế giới sẽ được các thế hệ trẻ hiện nay giải quyết. Vấn đề ở đây là liệu chúng ta có được giải quyết bằng những cách thích hợp do chính chúng ta chọn lựa hay không, hay bằng những cách tiêu cực mà chúng ta không muốn chọn lựa như chiến tranh, diệt chủng, dịch bệnh và các xã hội sụp đổ. Trong khi tất cả các hiện tượng tàn khốc trên luôn gắn chặt với lịch sử xã hội loài người, nhưng mức độ nghiêm trọng của suy thoái môi trường và áp lực dân số sẽ kéo theo và bất ổn chính trị. ” – Chương 16 : Thế giới như một vùng đất lấn biển

Sapiens: Lược Sử Loài Người

Sapiens, đưa chúng ta vào một chuyến đi kinh ngạc qua toàn bộ lịch sử loài người, từ những gốc rễ tiến hóa của nó đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, để khám phá tại sao chúng ta đang trong những điều kiện sinh sống hiện tại.

Sapiens tập trung vào các quá trình quan trọng đã định hình loài người và thế giới quanh nó, chẳng hạn như sự ra đời của sản xuất nông nghiệp, việc tạo ra tiền, sự lan truyền của những tôn giáo, và sự nổi lên của những nhà nước quốc gia. Không giống như những quyển sách khác cùng loại, Sapiens đã có một lối tiếp cận liên ngành học, bắc cầu qua những khoảng cách giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế theo một lối trước đây chưa từng có. Hơn nữa, lấy cả quan điểm vĩ mô và vi mô, Sapiens không chỉ đề cập đến những gì đã xảy ra và tại sao, mà còn đi sâu vào việc những cá nhân trong lịch sử đó đã cảm nhận nó như thế nào.

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J. J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị (Du Contrat social – ou principes du droit politique).

Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”.

Về mục đích cuốn sách, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.

Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ được chia làm bốn quyển:

  • Quyển thứ nhất gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập Công ước xã hội.
  • Quyển thứ hai gồm 12 chương, chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp.
  • Quyển thứ ba gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp.
  • Quyển thứ tư gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề cơ quan tư pháp.

Bàn Về Xã Hội Nhường Nhịn

Con người về bản chất là động vật tranh đấu quyết liệt cho lợi ích của bản thân, và văn hóa chính là cái khiến con người vẫn còn là con người, xã hội loài người vẫn còn là xã hội loài người. Điều này là đúng với bản chất của con người chúng ta; và nó cũng thật ý nghĩa với cái mà ta gọi là văn hóa vốn dĩ đang mang trọng trách.

Văn hóa là động lực của sự phát triển, nhưng sẽ ra sao nếu văn hóa bị méo mó, bị biến dạng bởi những hành vi của con người không được định hình từ những chuẩn mực, khuôn mẫu ứng xử cơ bản. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, các bước chuyển đổi từ kinh tế, văn hóa, xã hộ không tránh khỏi sự thiếu khớp nối; những hành vi thiếu nhường nhịn trong quan hệ giữa con người với con người, trong giao tiếp ứng xử hằng ngày, trong công việ dường như ngày càng bộc lộ rõ khiến người có lương tri không khỏi trăn trở.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button