Sách hay về võ thuật

Sách về võ thuật hay nhất. Bạn đọc sẽ có một cái nhìn khái quát về học võ, hiểu võ và dụng võ. Giúp rèn luyện thể chất, ý chí cũng như tinh thần, luôn luôn ôn hòa và kiên định.

Lý Tiểu Long – Một Cuộc Đời Phi Thường

“Lý Tiểu Long – Một cuộc đời phi thường” được nghiên cứu trong vòng một thập kỷ bởi tác giả Matthew Polly. Đây là quyển sách đầu tiên mang đến cho người đọc một bức chân dung hoàn chỉnh, dung dị mà tuyệt vời về Lý Tiểu Long, người đã đưa võ thuật châu Á đến với thế giới: từ thời thơ ấu làm diễn viên nhí bên cái bóng lớn của cha, đến thời niên thiếu hổ báo đánh đấm triền miên đến mức bị “đày ải” sang đất Mỹ; buổi đầu làm thầy dạy võ; những năm tháng chật vật tìm kiếm vị trí tại kinh đô điện ảnh Hollywood; cuộc sống khi chạm tay đến vinh quang cùng trách nhiệm làm chồng làm cha; và cả cái chết làm rúng động toàn cầu đến tận ngày nay.

Mike Tyson – Sự Thật Trần Trụi

Mike Tyson sinh năm 1966 là cựu vận động viên quyền Anh người Mỹ nổi tiếng thế giới. Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp ở độ tuổi mười tám, ông nhanh chóng giành được cả ba đai vô địch WBA, WBC và IBF khi vừa mới hai mươi để trở thành nhà vô địch quyền Anh hạng nặng trẻ tuổi nhất lịch sử. Năm 2010, ông được tạp chí The Ring xếp hạng thứ mười sáu trong danh sách 100 tay đấm vĩ đại nhất mọi thời đại.

Không phải là tay đấm số một, nhưng không ai có thể phủ nhận Mike Tyson chính là võ sĩ đem lại nhiều cảm hứng nhất cho giới hâm mộ quyền Anh. Tên tuổi ông cũng đi liền với vô số tai tiếng bởi lối thi đấu quá hung bạo cùng tuổi trẻ thác loạn trong rượu chè. Song ít ai biết, đằng sau tất cả những hào quang và tăm tối đó là câu chuyện truyền kì về một đứa trẻ nghèo hèn lớn lên trên đường phố giang hồ của khu ổ chuột Brooklyn đã trở thành huyền thoại, là hành trình phi thường của một con người từ đáy xã hội vươn lên đỉnh cao, rồi lại rơi xuống đáy, để cuối cùng tìm ra con đường quay lại với cuộc đời trong tâm thế tĩnh lặng. Tất cả được chính Tyson thuật lại trong Sự thật trần trụi (2013), một cuốn tự truyện thô ráp và dữ dội nhưng xúc động và chân thành về chính cuộc đời đầy thăng trầm của ông.

Quyền Sư: Truyện

Quyền Sư là một tác phẩm văn học phi hư cấu viết về các nhân vật là huyền thoại một thời trong giới võ thuật Việt Nam. Đặc biệt hơn, những nhân vật này đều là những tôn sư của môn võ được gọi là Vịnh Xuân quyền, vốn nổi danh vì “Vịnh Xuân quyền truyền cho ít người, người giỏi lại không nhiều… Đây là một phái võ có lối đánh hư hư, thực thực, không lộ rõ tấn mã, là loại quyền trên quyền.”, “một môn võ không tấn, không mã, tay như nhung như bông…”.

Tác giả cũng là một võ sư, nên cuốn sách có được một bố cục gọn, một tiết tấu độc đáo, cuồn cuộn sự kiện nhưng vẫn sâu hút tình cảm. Là tình người với nhau, tình thầy trò, đạo nghĩa trong đời.

“Hiếm cuốn sách nào lại có kiểu cuốn hút lạ lùng đến vậy. Đọc về võ nhưng thấy hiện ra những trang văn lấp lánh dù người viết dường như không hề dụng công… Một cuốn sách về võ thuật, về tình người, về ứng nhân thế xử, về đạo, về đời… và cao hơn cả là nhân cách của những con người bình dị một cách vĩ đại. Người không biết võ không học võ vẫn có thể thu lượm được nhiều điều từ QUYỀN SƯ. Suy cho cùng, gốc của Võ là Văn mà Văn thì còn gì khác ngoài chữ Người. Một chữ Người viết hoa. Cảm ơn tác giả đã có những trang viết thật đẹp, thật cảm động về đạo thầy trò, nghĩa huynh đệ.” – Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến

Sư Đệ – Học Phái Dưỡng Sinh Nhu Quyền

Điều mà tác giả dồn hết tâm lực chính là qua câu chuyện võ để nói về người thầy, qua câu chuyện người thầy để nói về sự dạy và sự học.

Trong cuốn sách, chúng ta sẽ gặp Tám, một học sinh Hà Nội trong suốt quãng đường trưởng thành hơn 40 năm. Từ những đụng độ kiểu học trò, khảng khái và nghĩa hiệp, tuy không tránh khỏi nóng nảy hay liều lĩnh, đến một đệ tử học võ hết sức thành tâm, nghiêm cẩn, trang trọng và cuối cùng trở thành một võ sư với nhiều học trò có số phận éo le, khắc khoải nhưng luôn giữ vững đạo nghĩa của một môn phái, Tám rút ra bài học cốt tử:”Giá trị tinh túy của võ chính là đào tạo con người hoàn thiện trong thời hiện đại”. Võ là một trong những con đường để người ta đi tới cội nguồn của con người và cuộc đời.

Trong “Sư đệ Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền”, sư là sư phụ, đệ là đệ tử, chứ không phải sư huynh, sư đệ như thoạt xem chúng ta có thể hiểu nhầm. Đấy là những nhân vật chủ yếu tạo nên nền giáo dục: thầy và trò. Cái mà tác giả muốn nói đến qua việc học và dạy võ chính là việc dạy và học làm người.Những nhân vật gắn bó với nhau ở đạo nghĩa làm người, thấu hiểu trong quá trình học võ, hiểu võ và dụng võ. Nhưng rất nổi bật, là những hình ảnh Tám luôn trân trọng, ghi tâm khắc cốt về những người thầy, những bậc Minh sư.

Trong sự học, Tám là một học trò vừa có cốt cách lại vừa gặp nhiều cơ duyên. Anh biết ơn và khắc ghi trong tâm khảm hình ảnh người thầy, đấy cũng là tính cách con nhà võ. Võ học tồn tại và lưu truyền, ngày một dài lâu, ngày một đông đảo và chờ đợi một đỉnh cao chói sáng khi có một tài năng xuất chúng xuất hiện. Tất cả là nhờ ở sự dạy và sự học.Có thể nói Sư Đệ Dưỡng sinh Nhu quyền là phần tiếp theo của Quyền sư – cuốn sách nổi tiếng trong làng võ và bestseller trong làng văn.

Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Của Nhật Bản

Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Của Nhật Bản là tác phẩm của Nitobe Inazo – nhà văn hóa tầm cỡ của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuốn sách đã chỉ ra bề sâu của những nét tính cách tuyệt hảo trong quy phạm đạo đức của người Nhật là xuất phát từ võ sĩ đạo.

Khám phá “Võ sĩ đạo – Linh hồn của Nhật Bản”, người đọc sẽ thấy nguồn gốc hệ thống đạo đức “võ sĩ đạo” của nước Nhật, biết được các yếu tố cấu thành nên hệ thống đạo đức ấy. Nitobe Inazo cũng giúp độc giả hiểu bằng cách nào những ý thức đạo đức của người Nhật từ ngàn xưa vẫn được truyền lại tới hôm nay, khi mà ngày nay, từ mẫu giáo đến phổ thông, không có môn học nào về thần đạo hay võ sĩ đạo? Cuốn sách giúp bạn đọc có một cái nhìn khái quát về ý thức đạo đức và cách hành xử của người Nhật ngày xưa và qua đó hiểu được ý thức đạo đức và hành động của người Nhật ngày nay.

Thiền Và Võ Đạo

Nếu thật lòng muốn thấu triệt một môn nghệ thuật, thì thông thạo về kỹ thuật là chưa đủ. Người ta phải vượt qua kỹ thuật để nghệ thuật thực sự trở thành cái nghệ thuật “vô nghệ thuật” được khởi sinh từ chốn “vô tâm”.

Trong trường hợp thuật bắn cung, cái bắn trúng và cái bị bắn không còn là hai đối tượng tách biệt nhau, mà thống hợp thành một thực thể duy nhất. Người bắn không còn ý thức gì về mình khi chăm chú vào tâm điểm trước mặt. Trạng thái không còn ý thức gì về mình hay “vô tâm”, “vô thức”, “phi tư lương” này chỉ có được khi cung thủ – người bắn – hoàn toàn vắng lặng, dứt bỏ cái tôi và nhập một với việc trau giồi để hoàn thiện tài năng kỹ thuật; mặc dù trong việc này có cái gì đó thuộc về một đẳng giới rất khác biệt không thể đạt đến bằng bất cứ sự học tập nghệ thuật theo cách tiệm tiến nào.

Điều làm cho Thiền đặc biệt không giống với những học thuyết khác về tôn giáo, triết học hoặc thần bí đó là Thiền không hề tách rời đời sống hằng ngày; nhưng với tính thực tiễn và cụ thể, Thiền chứa đựng một cái gì đó ở bên trong khiến tông phái này đứng ra ngoài khung cảnh ham muốn và hiếu động của đời thường.

Ở đây chúng ta đề cập mối liên hệ giữa Thiền với thuật bắn cung và các môn nghệ thuật khác như thuật đánh kiếm, thuật cắm hoa, thuật uống trà, thuật múa ca và mỹ nghệ. Thiền là “tâm bình thường” như Thiền sư Mã Tổ đã gọi; tâm bình thường này chẳng khác gì hơn là “ngủ khi mệt, ăn khi đói”.

Ngay khi chúng ta suy tư, cân nhắc và nhận định, trạng thái “phi tư lương” vốn có liền mất để ý niệm len vào. Chúng ta không còn “ăn” trong lúc ăn, không còn “ngủ” trong lúc ngủ. Mũi tên lìa khỏi dây cung nhưng không bay thẳng tới đích, mà cái đích cũng không còn nguyên tại chỗ.

Nghệ Thuật Hòa Bình – Những lời dạy của khai tổ Aikido

Những trích dẫn trong cuốn sách này được biên soạn từ hợp tuyển các cuộc trò chuyện, thi ca, thư pháp, và từ truyền thống vấn đáp của Morihei.

Mặc dù là một võ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử, Ueshiba Morihei là một con người của hoà bình và căm ghét mọi thứ bạo lực. Suốt đời mình, ông bị phiền não trầm trọng bởi những xung đột, chinh chiến và giao tranh. Trên hành trình truy vấn tinh thần, Morihei tin rằng sức mạnh đích thực của võ sĩ đạo, chính là tình yêu thương. Ông quy ẩn trong nước Nhật và chuyên tâm tinh luyện, truyền bá Aikido – có thể hiểu là Nghệ thuật Hoà Bình.

Từ những lời dạy hướng con người vào bên trong, chỉ rõ con đường chân chính của người võ sĩ là dựa trên tình thương, trí tuệ, đức vô uý, và tình yêu thiên nhiên, Nghệ thuật Hoà Bình chính là cuốn sách gối đầu giường không thể thiếu của mọi môn sinh Aikido.

Tôn Tử Binh Pháp

Tôn Tử nói: “Biết người biết mình, phần thắng sẵn dành; biết đất biết giời, phần thắng vẹn mười.”

Tôn Tử binh pháp là một trong những luận thuyết về chiến lược và chiến thuật thành công nhất trong mọi thời đại. Tôn Tử Binh Pháp do Tôn Tử viết vào thế kỉ 6 TCN, từ đó đã được vô số các nhà quân sự và chính trị nghiên cứu và tham khảo, trong đó có cả Napoleon, Montgomery và Mao Trạch Đông.

Được chia thành mười ba thiên, đề cập đến mọi khía cạnh của chiến tranh, luận thuyết của Tôn Tử đến nay vẫn còn giá trị sâu sắc không kém gì thời xưa. Chiến thuật linh hoạt, khả năng ứng biến nhanh trên chiến trường, cách vận dụng trí tuệ và thấu hiểu tình hình quân địch là những yếu tố cần thiết để dẫn đến thành công. Tôn Tử binh pháp sẽ có ích cho bạn trong mọi cuộc cạnh tranh, dù là ở lĩnh vực kinh doanh, thể thao hay chính trị.

Tôn Tử binh pháp bao gồm các thiên:

  • Kế sách
  • Tác chiến
  • Mưu công
  • Quân hình
  • Binh thế
  • Hư thực
  • Quân tranh
  • Cửu biến
  • Hành quân
  • Địa hình
  • Cửu địa
  • Hỏa công
  • Dụng gián

Ngũ Luân Thư

Miyamoto Musashi (1584 – 1645) được xưng tụng là Thánh Kiếm của Nhật Bản thời tiền Mạc Phủ Tokugawa, sáng lập ra môn phái Niten Ichi Ryu (Nhị thiên Nhất lưu). Sau khi sống sót qua trận tử địa Sekigahara giữa Đông Quân và Tây Quân, Miyamoto Musashi đã lang bạt khắp nơi, tự rèn luyện mình để trở thành một kiếm sĩ nổi danh và thành công nhất Nhật Bản với chiến tích chưa từng thất bại trước bất cứ đối thủ nào. Trong những năm tháng cuối đời, Musashi đã viết binh pháp thư Ngũ

Luân Thư, nhằm đúc kết những quan sát, kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu của mình và bàn luận về cái Đạo của người kiếm sĩ.

Ngũ Luân Thư bao gồm “Địa quyển”,” Hỏa quyển”, “Thủy Quyển”, “Phong quyển” và “Không quyển”, chủ yếu bàn về võ nghệ, kiếm pháp, cái Đạo của người học kiếm và là cẩm nang dành cho người muốn học binh pháp…nhưng ngày nay nó lại được nghiền ngẫm khắp nơi, từ giảng đường Harvard cho đến các doanh nhân và các chiến lược gia. Thời thời đại ngày nay, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của Ngũ Luân Thư khi nó là kim chỉ nam cho người đọc, giúp họ chiến thắng mục tiêu và đạt được thành công trong sự nghiệp nói chung, và là lời đáp trả của người Nhật cho MBA của Harvard nói riêng. Tạp chí Time đã ca ngợi quyển sách này rất ngắn gọn: “Ở Phố Wall, khi Musashi cất tiếng, tất cả phải lắng nghe”.

Tóm lại, Ngũ Luân Thư có thể là cẩm nang binh pháp dành cho mọi người, mỗi lần đọc là lại nghiền ngẫm ra những điều mới mẻ và tìm ra chân Đạo trên con đường của mình, như Miyamoto Musashi đã viết “ Không có nghề cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”.

Võ Sĩ Lên Đài

Võ sĩ lên đài là tiểu thuyết với những câu chuyện và chi tiết có thật, hấp dẫn… ít ai biết về tuổi trẻ của một thời hào hùng.

Chuyện xảy ra tại Hà Nội những năm chống thực dân Pháp sau ngày toàn quốc kháng chiến. Cuộc đấu tranh của các thanh thiếu niên Việt Nam yêu nước chống bọn thực dân cùng những kẻ cơ hội thông qua môn thể thao quyền Anh, âm thầm và quyết liệt. Các thiếu niên, theo năm tháng dần trở thành thanh niên, giàu tình cảm và sâu sắc, một mặt chăm chỉ học hành, mặt khác bí mật tham gia các hoạt động yêu nước, chống xâm lược và việt gian ngay trong thành phố. Trong cuộc chiến vì cái đẹp của môn quyền Anh, một biểu trưng của tinh thần thượng võ, lòng can đảm, tinh thần bất khuất của ông cha đã được thấm nhuần và thể hiện qua các cuộc giao đấu của Nhân và Tùng, có cả thắng và thua, nhưng họ đã tìm thấy bài học lớn: có thể thất bại để tìm lại sức mạnh nội lực của mình.

Tiểu thuyết dựa trên những chi tiết có thật về cuộc đời của Phạm Xuân Nhàn, võ sĩ quyền Anh nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước (ông đã từng là võ sĩ vô địch quốc gia, tham dự Á vận hội năm 1954 tại Manila, Philipinnes). Một giai đoạn kháng chiến với cách thể hiện sinh động cuộc sống học đường của thiếu niên học sinh Hà Nội đô thành trong thời kỳ Pháp tạm chiếm, các hoạt động thể thao, thi đấu, những câu chuyện và chi tiết có thật ít ai biết vì chưa có tài liệu sách báo nào nói tới…, tất cả đã làm nên giá trị đặc biệt cho cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Ma Văn Kháng.

Lịch Sử Võ Học Việt Nam

Cuốn sách “Lịch sử võ học Việt Nam” hoàn thành vào tháng 6/2012, có độ dày 784 trang, gồm 2 chương, 12 mục, hơn 80 tiểu mục viết về quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển, các sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ học dân tộc, hệ thống võ học dân tộc bao gồm: võ Lễ, võ Đạo, võ Kinh, võ Trận, võ Cữ, võ Thuật, võ Y, võ Nhạc, võ Miếu… từ thời lập quốc (Nhà nước Văn Lang) cho đến nay. Điểm nhấn của cuốn sách là viện dẫn những dẫn chứng về nguồn gốc ra đời và phát triển của võ dân tộc Việt Nam qua từng thời kỳ.

Tác giả đưa ra những dẫn chứng, kết luận khẳng định Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nền võ học uyên bác, khép kín dựa trên một hệ thống lý luận chuẩn mực bao gồm tính chiến đấu sâu sắc và tính nhân văn cao cả. Cuốn sách được giới chuyên môn và các võ sư đánh giá là một công trình hữu ích cho những võ sinh, võ sĩ, những ai tâm huyết đến võ học nước nhà.

Làng Võ Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh

Với tinh thần phóng khoáng và truyền thống võ nghệ của những người đi khai phá phương Nam, vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh luôn rộng mở, đón nhận nhiều nguồn văn hóa khác nhau, trong đó có các võ phái nổi danh.

Theo quy luật thời gian, chỉ tính từ những đầu năm thế kỷ XX đến nay, làng võ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều bước thăng trầm theo thời cuộc nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều võ phái, nhiều gương mặt nổi danh trên đấu trường quốc nội và quốc tế. Tập sách Làng Võ Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh này gồm những bài viết đã đăng tải trên các báo thể thao, tạp chí võ thuật trong nước và được chỉnh lý, bổ sung nhằm giới thiệu khái quát một vài cột mốc lịch sử đáng nhớ cùng chân dung một số võ sư và võ sĩ đã có những đóng góp nhất định trong quá trình làm rạng danh làng võ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Sổ Tay Võ Thuật Taekwondo Cho Người Mới Học

Sổ Tay Võ Thuật Taekwondo Cho Người Mới Học là quyển sách giới thiệu tới các bạn về tuyệt kỹ của Teakwondo một môn võ thuật đặc biệt. Quyển sách có 5 chương, giới thiệu từ các bài học đơn giản cho tới các bài học nâng cao. Các bài quyền tấn công hay tự vệ được trình bày rõ ràng dễ hiểu.

Trước khi học các tuyệt kỹ bạn cũng sẽ được hướng dẫn tư thế chuẩn bị và các lưu ý khi học để tránh những tại nạn không đáng có xảy ra. Đây là thôn tin rất cần thiết và quan trọng nên vì vậy nó sẽ có lợi cho bạn trong quá trình học võ.

Sổ Tay Võ Thuật – Thông Tí Quyền

Lịch sử đã chứng minh được rằng: môn đồ Thiếu Lâm tự luôn là những người đại nghĩa, sẵn sàng hiến thân mình cho đất nước; là những hiệp sĩ luôn giúp đỡ những người bị hoạn nạn và tiêu diệt kẻ gian ác. Nhưng do đâu mà họ có được những đức tính đó? Do đâu mà họ có được những khả năng để giúp đời? Điều đó, một phần không nhỏ là nhờ võ công bí truyền của Thiếu Lâm tự mà ra.

Thông Tí Quyền cũng là một trong những bài quyền đặc trưng của môn Thiếu Lâm để các môn đồ thuộc hàng trung luyện tập. Thông Tí Quyền là một dạng nội công động luyện, chủ yếu luyện cho cánh tay được khỏe mạnh, thông suốt các kinh mạch và ngoài ra còn giúp nâng cao kỹ năng chiến đấu của các môn đồ.

Với mục đích tăng thêm tài liệu tham khảo cho các võ gia và tài liệu học cho những người chưa biết về võ thuật có thể tự luyện tập được, cuốn sách Thông Tí Quyền đã được biên soạn thật chi tiết, đầy đủ hai bài Thông Tí Quyền của Thiếu Lâm tự.

Kỹ Thuật Karate

Một số người thường có ý niệm sai lệch về Karaté, khi thấy các võ sĩ biểu diễn các màn công phá như chẻ gỗ, chặt ngói, đấm vỡ gạch…vì họ cho rằng đó là do các sức mạnh siêu nhiên, huyền bí của người phương Đông. Thật ra, đó chỉ là những màn biểu diễn dùng để chứng tỏ sức mạnh và sự công phá của đôi bàn tay của người luyện tập Karaté.

Điều cốt lõi của Karaté là tốc độ, là sự nhanh nhẹn cùng với việc áp dụng một cách hiệu quả kỹ thuật của các đòn đánh. Điều này tùy thuộc vào khả năng của võ sinh, phải biết tấn công vào các vùng yếu điểm, cũng như phải biết di chuyển hoặc phản công để vô hiệu hóa đôi phương.

Tập sách bao gồm những hình ảnh minh họa và hướng dẫn những kỹ thuật căn bản, dành cho những người bắt đầu tập luyện Karaté, hy vọng các bạn sẽ nắm được các thành phần chính yếu của môn võ thuật này, giúp các bạn hiểu và tự luyện tập, như một môn thể thao, giúp bạn rèn luyện ý chí cũng như tinh thần, luôn luôn hào hứng và đặc biệt rất kiên quyết.

Judo Căn Bản

Sách hướng dẫn học JUDO căn bản, hình ảnh sống động, dễ đọc dễ hiểu.

Dịch Cân Kinh

Dịch Cân Kinh là một công phu võ thuật vô cùng tinh hoa, có quan hệ mật thiết với Kinh Lạc Học, Phép Thổ Nạp và Thuật Đạo Dẫn, có giá trị rất cao về dưỡng sinh và võ thuật, từ xưa nay luôn được ca ngợi là “công phu chi bảo” (bảo vật của công phu), “võ công kinh điển” được lưu truyền rộng rãi và gây ảnh hưởng rất lớn.

Cuốn sách này trình bày về 4 loại Dịch cân kinh, tổng cộng gồm 15 luyện pháp.

– Loại thứ nhất là Thiếu Lâm Dịch cân kinh, có bốn luyện pháp gồm: 12 thức Dịch cân kinh Thiếu Lâm Đạt Ma, 14 thức Dịch cân kinh Thiếu Lâm Vi Đà, 18 thức Dịch cân kinh Nam Thiếu Lâm Kim Cương, 8 đoạn Dịch cân kinh dưỡng sinh của Thiếu Lâm.

– Loại thứ hai là Nga Mi Dịch cân kinh, có sáu luyện pháp gồm: 24 thức Dịch cân kinh Nga Mi Thanh Thành, 7 bàn Dịch cân kinh Nga Mi Hoàng Lâm, 13 thức Dịch cân kinh Nga Mi Tăng môn, 8 đại kình Dịch cân kinh Nga Mi Đỗ môn, 12 bả Dịch cân kinh Nga Mi Hồng môn, Long hồ kình Dịch cân kinh Nga Mi Hội môn.

– Loại thứ ba là Võ Đang Dịch cân kinh, có một luyện pháp là Võ Đang nội công Dịch cân kinh.

– Loại thứ tư là Mật Tông Dịch cân kinh, có bốn luyện pháp là Dịch cân kinh toản quyền mật truyền, Dịch cân kinh báo thức Nam truyền, 14 thức Dịch cân kinh truyền thế của họ Hùng, 24 thức Dịch cân kinh cổ truyền.

Cuốn sách Dịch Cân Kinh là một tư liệu tham khảo cho những ai yêu thích Dịch cân kinh. Sách được biên soạn cẩn thận, chính xác và tương đối đầy đủ, rất hữu ích cho những bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này.

Ngày đăng: 26/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 26/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button