Sách hay về rừng

Sách về rừng hay nhất. Khám phá đời sống của cây cối, rừng xanh. Giải thích các tiến trình thú vị của sự sống, cái chết và sự tái sinh của thiên nhiên.

Đời Sống Bí Ẩn Của Cây

Chúng cảm thấy gì?

Chúng giao tiếp thế nào?

Những phát hiện từ Thế Giới Bí Mật

“Khi bạn biết rằng cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây ba mẹ sống cùng con cái, thì bạn không còn có thể chặt chúng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa”

Được xem là một trong những quyển sách hay nhất về cây cối, Đời sống bí ẩn của cây mở ra một thế giới kỳ diệu về đời sống xã hội phức tạp của những khu rừng ôn đới. Những cái cây giao tiếp với nhau, thể hiện cá tính riêng, hỗ trợ nhau lớn lên, chia sẻ chất dinh dưỡng cho những cá nhân đang chống chọi bệnh tật và thậm chí cảnh báo nhau về những nguy hiểm sắp xảy Không chỉ gây bất ngờ với những thông tin hấp dẫn về các loài cây cối mà lâu nay chúng ta vẫn xem là vô tri vô giác, trong tác phẩm này, Wohlleben còn chia sẻ tình yêu sâu sắc của ông đối với cây và rừng, đồng thời giải thích các tiến trình thú vị của sự sống, cái chết và sự tái sinh mà ông đã quan sát được trong chính khu rừng của mình.

Khám Phá Rừng

Một dạng “bách khoa thư” về rừng trên thế giới.

Bằng cách nào để biết được tuổi của cây? Hiệu ứng nhà kính là gì? Tại sao nấm luôn mọc cùng chỗ? Tại sao lợn rừng lại tắm bùn? Nai sừng tấm có biết bơi không? Có phải sóc chỉ ăn quả phỉ? Ếch nhái rừng nhiệt đới có nguy hiểm không? Có loài cây ăn thịt không? Bằng cách nào nhận ra được dấu chân hươu? Cây nào có thể sống cắm rễ trong nước? Có loài cây ăn thịt không?

Tất cả các câu hỏi này, và nhiều câu hỏi khác nữa, sẽ tìm thấy câu trả lời trong quyển sách này. Với hình minh họa phong phú, cuốn sách sẽ đưa bạn khám phá các khu rừng trên thế giới cùng hệ động thực vật của chúng.

Bí Mật Một Khu Rừng

Bí mật một khu rừng là truyện kể về ba cán bộ địa chất thuộc một đoàn vẽ bản đồ có nhiệm vụ khảo sát một vùng rừng núi rộng lớn phía nam dãy Hoàng Liên Sơn. Khi đó, nơi đây còn là một vùng rừng núi trùng điệp, có nhiêu đỉnh cao nổi tiếng, khí hậu thất thường, dân cư thưa thớt. Vào thời kì câu chuyện này xảy ra, Hoàng Liên Sơn còn nằm trong bí mật, chưa có nhiều công trường, đường sá đi lại rất khó khăn, việc tìm mỏ gặp nhiều trở ngại…

Đã hơn bốn mươi năm kể từ khi cuốn truyện Bí mật một khu rừng của nhà văn Hoàng Bình Trọng được xuất bản lần đầu tiên, nhưng những bí mật của các loại quặng và khoáng vật, vẫn thắp lên trong lòng nhiều bạn đọc nhỏ tuổi những ước mơ đẹp về khoa học và khám phá tự nhiên kì vĩ.

Shinrin Yoku – Nghệ Thuật Tắm Rừng Của Người Nhật

Từ hàng thiên niên kỷ trước, chúng ta đã biết việc hòa mình với thiên nhiên đem lại cảm giác dễ chịu đến nhường nào. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, ánh nắng lấp ló qua tán lá ‒ tất cả đều mang lại cảm giác khoan khoái, giúp chúng ta giải tỏa lo âu căng thẳng, thư giãn và suy nghĩ thông suốt hơn. Khi hòa mình với thiên nhiên, chúng ta có thể điều hòa tâm trạng, hồi phục năng lượng, trở nên tỉnh táo và dồi dào sinh lực.

Chúng ta nhận thức rõ điều này từ tận sâu tâm khảm. Nó như một linh tính, hoặc một bản năng, một cảm giác đôi khi thật khó diễn tả. Trong tiếng Nhật, chúng tôi có một từ để chỉ những cảm xúc không thể biểu đạt bằng ngôn ngữ: yu-gen. Yu-gen mang đến ý niệm sâu sắc về vẻ đẹp huyền bí của vũ trụ, vốn thuộc về thế giới này nhưng lại gợi lên những điều lớn lao hơn. Nhà soạn kịch Zeami Motokiyo mô tả yu-gen như “bóng tre phảng phất trên thân tre”, cảm giác có được khi bạn “ngắm nhìn mặt trời lặn xuống phía sau ngọn đồi phủ đầy hoa” hoặc “thơ thẩn trong một khu rừng rộng lớn mà không nghĩ đến chuyện trở ra”.

Đó là cảm giác của tác giả Qing Li khi ở giữa thiên nhiên. Ông nghĩ về thời thơ ấu của mình tại một ngôi làng nhỏ. Nhớ đến rừng dương xanh mướt mỗi độ xuân hè và sắc lá vàng rực trong những ngày thu. Ông hồi tưởng lại những lần cùng bạn bè chơi trốn tìm giữa cây rừng và bắt gặp những con thú, nào thỏ nào cáo, nào sóc nào chuột hamster. Làng ông có một rừng mơ đẹp vô ngần, trổ hoa sắc hồng suốt tháng Tư. Hương vị của những trái mơ mùa thu vẫn còn in đậm trong tâm trí tác giả.

Nhưng chính xác thì cái cảm giác không thể diễn tả bằng lời này là gì? Điều gì ẩn chứa đằng sau đó? Bằng cách nào thiên nhiên lại khiến chúng ta rung cảm đến vậy? Qing Li là người làm khoa học chứ không phải là nhà thơ. Thế nên, ông đã nghiên cứu khía cạnh khoa học của cảm giác này nhiều năm trời. Tác giả muốn biết tại sao chúng ta lại cảm thấy dễ chịu tới vậy khi ở giữa thiên nhiên. Sức mạnh bí ẩn nào của cây làm cho chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn nhiều đến thế? Tại sao chỉ cần đi bộ trong rừng là chúng ta đã cảm thấy bớt căng thẳng và được tiếp thêm năng lượng? Có người nghiên cứu rừng, số khác nghiên cứu y học. Tác giả nghiên cứu y học rừng để tìm hiểu toàn diện những phương pháp đi bộ trong rừng giúp cải thiện sức khỏe.

Các Loài Quý Hiếm Vùng Trường Sơn – Sự Sống Nơi Dãy Núi Hùng Vĩ Giữa Việt Nam Và Lào

Ai trong chúng ta có thể nói mình biết về Trường Sơn, một kho tàng thiên nhiên của đất nước? Cùng tham gia chuyến hành trình xuyên rừng Lào Việt của một người cha và hai con, chúng ta sẽ đi dọc các con sông, băng rừng tre, trèo vách đá, vào rừng nhiệt đới, khám phá thế giới diệu kỳ của những loài động vật hoang dã vùng rừng núi Trường Sơn, một kho báu của cả Đông Nam Á.

Cuốn sách nhỏ này là tâm huyết của các nhà bảo tồn thiên nhiên hoang dã của Dự án Anoulak. Sau nhiều năm sống chung với các loài quý hiếm vùng Trường Sơn, họ đã tái tạo vẻ đẹp và sự kỳ diệu của thiên nhiên nơi ấy. Với lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, lôi cuốn, những thông tin cô đọng, và tranh vẽ sinh động, đầy màu sắc, cuốn sách khiến ta như được dịp làm một chuyến thực địa thu nhỏ đến những vùng rừng núi hùng vĩ, và làm ta suy nghĩ sâu sắc về những nguy cơ mà kho báu này đang phải đối mặt. Một cuốn sách thật hữu ích, giúp vun bồi tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường cho các em.

Là sách song ngữ, Các loài quý hiếm vùng Trường Sơn còn là một phương tiện tuyệt vời để các em có cơ hội thực tập tiếng Anh thông qua một đề tài đầy say mê, thú vị.

Luật Của Rừng

Nhiều người hỏi tôi tập tản văn Luật của rừng dành cho đối tượng nào vậy? Người lớn, con nít hay dở dở ương ương tuổi mới lớn? Một câu hỏi với tội thật khó trả lời. Tuổi nào mà không cần yêu thương, chia sẻ. Tuổi nào mà không có ước mơ và hy vọng. Tôi chỉ là người kể ra những luật lệ của rừng mà mình là chứng nhân đã từng tham dự, còn cảm nhận về Luật của rừng khắc nghiệt hay bao dung lại phụ thuộc vào cảm quan riêng của mỗi người sau khi đọc hết trang sách.

Từ Rừng Thẳm Amazon Đến Quê Hương Bolero

Cuốn sách này như một bộ phim tài liệu đặc biệt, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Nam Mỹ của tác giả. Như trong lời mở sách (Tại sao Nam Mỹ?), tác giả viết đại ý, Nam Mỹ với những cô hoa hậu nóng bỏng, với những cầu thủ bóng đá mạnh mẽ, tài năng như Maradona từng hấp dẫn anh từ ngày thơ ấu. Nhưng giấc mơ chinh phục Nam Mỹ lại bùng lên khi anh xem cuốn phim Motocycle Diaries kể về chuyến du hành xuyên Mỹ Latinh của chàng sinh viên y khoa năm cuối Che Guevara.

Vậy là vác balô lên đường cho những chuyến đi dài ngày: năm 2008, Nguyễn Tập có 2 tháng ăn dầm nằm dề ở xứ sở của người Quechua – hậu duệ dân Inca; 2009, lại có hai chuyến đi Mexico; cuối năm 2011, anh dành 4 tháng thâm nhập vào những bộ lạc thổ dân vùng Amazon, Peru và Bolivia. Và gần đây nhất, anh trở lại đó với những ngày làm cư dân Cuba. Chuyến khám phá Cuba – quê hương xì gà và Bolero kết thúc chỉ trước khi ông Fidel Castro qua đời vài ba hôm.

Chất liệu thực tế đi vào cuốn du ký này ngồn ngộn. Những câu chuyện từ bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song trùng đời sống văn minh – hoang dã, những phong tục lạ lùng của những bộ lạc trong rừng thẳm, những thành phố đá, hòn đảo trôi dạt, đảo búp bê… được viết lại chân xác, vắn gọn cùng với các tranh ký họa cho thấy tác giả có một cách tiếp cận thực tế rất riêng, không hề giống những người viết hồi ký kiểu “tô vẽ” như thường gặp ở những cuốn du ký của các tác giả trẻ mới nổi gần đây. Ở mỗi vùng đất tác giả đi qua, anh cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến thân phận những người Việt lang thang, lưu lạc, đôi chỗ dành mối liên tưởng đến sự tương đồng văn hóa với quê hương mình. Chính điều này làm cho cuốn du ký có nhiều cơ tầng liên tưởng.

Bí Ẩn Của Rừng Già

Với vốn kiến thức sâu rộng về thiên nhiên muông thú, nhà văn Vũ Hùng khắc họa thật chi tiết những nguyên tắc của rừng – cách để các loài vật sống cùng nhau trong những cánh rừng bạt ngàn.

Đó là sự tôn trọng không gian sống của nhau, như loài hổ hùng mạnh luôn tránh xa bầy voi, những con báo, và cả loài người. Đó là sự đoàn kết cưu mang, khi những con trâu đực luôn nằm ở vòng ngoài để bảo vệ trâu mẹ và nghé con nằm giữa. Đó cũng là cách tương trợ, khi bầy voi to lớn cho những chú cheo cheo yếu ớt được nương tựa, né tránh lũ thú săn mồi…

Bí ẩn của rừng già là những trang văn thấm đẫm chất thơ. Đọc đến trang cuối cùng của quyển sách, bạn bỗng nhận ra mình yêu quí núi rừng Tây Nguyên đến nhường nào.

Lạc rừng

“…Đối với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết…

Anh đã sáng tạo ra được một cách viết mới về Tây Nguyên, và do đó đã khám phá lại cho ta một lần nữa cái thế giới Tây Nguyên khiêm nhường, lẩn khuất mà tuyệt đẹp ấy.

Trong nghệ thuật làm được một việc như vậy là làm rất nhiều.

Tiểu thuyết này của anh là một minh chứng rõ rệt.” (Nguyên Ngọc) …Tôi không thể hình dung được cái hình phạt ngẫu nhiên ấy làm cho cuộc sống của tôi càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi đã tự bôi nhọ lên không chỉ danh dự của mình, mà nó còn xoá sạch mọi niềm tin của bà con đối với tôi. Hộ không thể tin tôi vì đây là lần thứ ba tôi vi phạm những điều cấm kỵ. Rõ ràng cuộc sống ở đây có một thứ luật định mà chỉ có Yàng, tức thần linh mới hiểu được. Nhưng tôi phải hiểu! Người ta thả lỏng tôi ở một chòi rẫy, tự tôi phải biết làm gì cho đúng. Chẳng có con đường nào khác là từ bỏ ý định trốn khỏi họ. Không thể trốn và không được phép trốn, cả trong ý nghĩ. Tôi đã lấy máu của mình ra thề. Điều ấy vô cùng thiêng liêng, không chỉ đối với và con mà còn đối với cả tôi. Lúc tỉnh táo tôi nghĩ được như thế. Hơn thế, tôi đã tự vạch ra cho mình cả một chương trình phục thiện để hành động, ngõ hầu cứu vãn tình thế. Sự hối cải của tôi không thể chín muồi, nếu tôi chưa thật thành tâm với các dự định ấy. Tôi như kẻ mộng du trong các ý tưởng của mình. Đôi khi tủi phận, tôi lén nghĩ tới cái chết. Không thể chối cãi được, giờ đây tôi đã là một tù binh. Một thứ siêu tù!… (Trích)

Tiểu thuyết “Lạc rừng” với hơn 9 lần tái bản đã chứng minh được hấp lực khó cưỡng của nó.

Mật Ngữ Rừng Xanh

Mật ngữ rừng xanh là một câu chuyện thiên nhiên mang tính chất phiêu lưu và viễn tưởng với bối cảnh chính là một khu rừng hư cấu ở Việt Nam đang có nguy cơ bị phá hủy.

Để bảo vệ khu rừng, các nhà khoa học phải đưa ra bằng chứng được ghi lại trên bốn tấm bản đồ cổ cuối thế kỷ mười chín. Tuy nhiên, trong tay hai nhà khoa học đang nổ lực cứu khu rừng này chỉ có hai tấm bản đồ. Họ sẽ phải tìm ra hai tấm bản đồ còn lại.

Ở một nhóm khác, những đứa con của họ cũng vô tình gặp nhau trong khu rừng ấy sau một chuyến chèo thuyền tử thần. Chính cuộc gặp mặt này đã giúp những đứa trẻ hợp lực bảo vệ khu rừng bằng tình yêu thiên nhiên. Tất cả chúng đều có chung một khả năng đặc biệt là nói chuyện được với động vật hoang dã. Nhân danh những người yêu quý rừng xanh, những đứa trẻ thống lãnh hơn hai mươi ngàn con thú để chống lại những kẻ phá rừng. Cũng rất vô tình, chính chúng là người nắm giữ hai tấm bản đồ quan trọng còn lại. Song, suốt cả câu chuyện hai thế hệ hoàn toàn thất lạc nhau.

Cuối cùng, liệu những người chiến đấu vì tình yêu thiên nhiên có tìm được “mật ngữ rừng xanh” để bảo vệ khu rừng?

Rừng người Thượng

Ngày đầu tiên Henri Maitre đặt chân lên Tây Nguyên là ngày 7 tháng 2 năm 1909. Ngày cuối cùng được ghi trong nhật ký hành trình ngang dọc khắp Tây Nguyên của ông là ngày 10 tháng 2 năm 1910. Và cuốn sách này ra đời tại Paris vào năm 1912. Gần trọn 100 năm đã đi qua. Vậy mà cho đến nay, đây vẫn là công trình khảo sát toàn diện và cơ bản nhất về Tây Nguyên, chưa tác phẩm nào khác vượt qua được. Thiên nhiên và con người Tây Nguyên, hệ thống núi non trùng điệp, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thực vật và động vật hết sức phong phú, khí hậu và thời tiết, diện mạo và lịch sử con người…. tất cả đều được quan sát bằng một con mắt chăm chú và tinh tế, được mô tả vừa bao quát vừa tỉ mỉ, chi tiết đến kinh ngạc, hết sức khách quan mà vẫn không giấu được một cảm xúc say mê nhiều khi đến lãng mạn, chặt chẽ khoa học mà lôi cuốn như một bút ký dân tộc học và văn học đặc sắc. Tất cả các nghiên cứu về Tây Nguyên, trên mọi phương diện, từ đấy đến nay, và cả từ nay về sau, hẳn đều phải lấy đây không chỉ làm điểm xuất phát, mà còn có thể làm nền tảng vững chắc.

Và cũng không nên quên điều này: nhiều dự báo của tác giả, qua thử thách gần một thế kỷ, vẫn không hoàn toàn mất đi giá trị. Tác phẩm, nói theo một cách nào đó, vẫn đầy tính cập nhật.

Bạn đang cầm trong tay một công trình quý nhất và quan trọng nhất về vùng đất và con người vô cùng hấp dẫn ấy: Tây Nguyên.

Rừng Đêm

“Câu chuyện đến nay tôi vẫn còn nhớ như in. Và mỗi lần nhớ lại thì hình ảnh con trâu lai, con Rừng Đêm trên sườn đồi, dưới ánh bình minh của một sáng tháng Tám năm nào càng hiện rõ, lung linh trong kí ức tôi. Tôi sinh ra và lớn lên từ một làng nhỏ miền trung du. Làng ba bề núi đá dựng đứng. Phía bắc làng là con sông Gianh nước trong như lọc, lượn hình vòng cung, có chỗ bờ dốc thành vại, có chỗ bài bồi phù sa. Thiên nhiên đã tạo cho làng hai cánh núi đá ghép lại thành cửa ra vào. Từ huyện lị đến làng tôi ngót chục cây số đường gập ghềnh qua nhiều đèo, nhiều núi, nhiều truông bụi. Bên ven đường quốc lộ cứ cách vài trăm mét lại có một ngôi miếu, cửa miếu nào cũng hướng đông nam, kị hướng tây. Đấy là những ngôi miếu thờ theo giọt máu rơi của một vị tướng khi ngài bị thương, ruổi ngựa trên đường.” (Trích “Rừng Đêm”)

“Nhà văn Nguyễn Quỳnh đặc biệt yêu thiên nhiên, yêu lối sống và tính cách trung thực, giản dị, phóng khoáng của những con người miền rừng, từng gắn bó cuộc đời với rừng núi. Phải chăng đấy là cội nguồn để cho văn ông dù tiểu thuyết, truyện vừa hay truyện ngắn đều giản dị, đằm thắm, độ lượng, nhân hậu và nghĩa tình.” – Văn nghệ thiếu nhi (số 4-1991)

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button