Sách hay về ký ức

Sách về ký ức hay nhất. Khám phá đời sống nội tâm, tìm hiểu vai trò của ý thức và ký ức trong đời sống của con người.

Vật Chất Và Ký Ức

Trong tác phẩm này, Henri Bergson tranh luận với các nhà khoa học về bộ não (nghiên cứu các bệnh, các hội chứng liên quan đến não). Song lí do sâu xa là để đề cập tới vấn đề tranh luận muôn thuở của triết học: vật chất – tinh thần và mối quan hệ giữa chúng.

Henri Bergson nghiên cứu mối tương quan giữa vật chất và ký ức, đồng thời từ những gợi ý theo quan niệm của ông về ý thức trực tiếp hay sự trực quan (intuition) và ý niệm về dòng tồn tục (la durée), hai chủ đề chính của tác phẩm đầu tay của ông (Essai sur les données immédiates de la conscience – Khảo luận về các dữ kiện trực tiếp của ý thức), ông cố gắng vượt bỏ ngay chính sự đối lập nhị nguyên giữa quan điểm duy tâm-duy ý niệm (idealiste) và duy thực (réaliste) được ông gọi là những khó khăn về lí luận.

Henri Bergson vẫn giữ quan điểm nhị nguyên luận (dualiste), ông coi tinh thần là có thực, vật chất là có thực. Song ông phản đối quan điểm duy thực quy tinh thần vào vật chất. Quan điểm duy thực xem các sự vật ở bên ngoài (ở bên ngoài tinh thần ta) là tồn tại độc lập, hoạt động theo những quy luật của tự nhiên. Vai trò của ý thức chỉ là sự tri giác thuần tuý, tức là nó chỉ giới hạn ở việc “giữ lại” dòng chảy trôi liên tục của trí nhớ về những “khoảnh khắc” tri giác được dưới dạng những hình ảnh (image). Những “khoảnh khắc” ấy thuộc về sự vật chứ không thuộc về ý thức. Bergson xem thân xác của con người cũng là một hình ảnh, một hình ảnh quan trọng nhất và chính thân xác cũng biến đổi. Mọi sự tri giác đều thông qua thân xác và như thế sự tri giác cũng biến đổi theo thân xác.

Thăm Dò Tiềm Thức – Tủ Sách Tinh Hoa

Thăm Dò Tiềm Thức là một trong những văn bản diễn đạt tư tưởng Jung sáng sủa nhất, giản dị nhất và tổng hợp nhất. Nó còn làm ta xúc động khi biết rằng đó chính là văn bản cuối cùng của cả một công trình quy mô to lớn trải dài gần sáu chục năm và vượt quá con số một trăm năm mươi “đầu sách” lớn nhỏ với tầm quan trọng dẫu sao thì cũng không sàn sàn như nhau. Cuốn sách này được Jung hoàn thành mười ngày trước khi ngã bệnh, rồi tiếp đó là cuộc ra đi mãi mãi hồi tháng Sáu năm 1961 của nhà tư tưởng tiếng tăm này.

Thăm dò tiềm thức là một bước nhảy phi thường khỏi sự câu thúc độc đoán của Freud, khám phá những khía cạnh hoang đường ở những chi tiết tế nhị nhất trong đời sống nội tâm của chúng ta. Không chỉ tập trung vào bệnh học tâm thần và các dấu hiệu của nó, nhà phân tích tâm lý người Thuỵ Sĩ này còn nghiên cứu cả những giấc mơ và thế giới biểu tượng của nó, thần thoại và những cổ mẫu (archétype) để xác định những “gen” tinh thần của con người.

Điều Kỳ Diệu Của Kí Ức

Bạn sẽ bắt gặp những câu chuyện chọn lọc từ hàng ngàn câu chuyện quay về kiếp trước được tác giả thực hiện trong 25 năm nghiên cứu tiền kiếp và tế bào ký ức. Đặc biệt từ những câu chuyện này, nguồn gốc của những vấn đề sâu kín, cũng như tài năng tiềm ẩn lớn lao nhất trong mỗi con người dần dần hé lộ.

Cuốn sách ngoài mục đích giúp bạn vượt qua nỗi ám ảnh của quá khứ, còn khơi dậy từ ký ức một số chi tiết, yếu tố cần thiết để hàn gắn những nỗi đau tinh thần và giải tỏa mọi vướng mắc trĩu nặng trong lòng nhằm tạo dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp, an lành!

Dẫn Luận Về Giấc Mơ

“Một dẫn luận ngắn gọn về khoa học nghiên cứu giấc mơ, khảo sát cô đọng những câu hỏi về chức năng, sự kích hoạt và diễn giải giấc mơ, tìm hiểu mối quan hệ giữa mơ, học hỏi, trí nhớ và ý thức. Không chỉ giới hạn ở vài tiết lộ gây ngạc nhiên, Hobson còn phơi bày trần trụi những bí mật của một quá trình đã thu hút và mê hoặc con người trong nhiều thế kỷ.” (Northen Echo)

“Cuốn sách của Allan Hobson rất nên đọc để biết về sự náo nhiệt của khoa học ở những biên giới của lý thuyết và thực tiễn nghiên cứu về ý thức.”

“Dẫn luận về giấc mơ cung cấp nhiều chất liệu tư duy cho mọi độc giả.” (Good Book Guide)

Não Bộ Kể Gì Về Bạn

Não bộ kể gì về bạn? đặt những nghiên cứu, giả định về “khoa học não” dưới ánh sáng soi chiếu và dẫn dắt bạn trong một cuộc khám phá thú vị, đầy khiêu khích. Eagleman tường tận mô tả sự phát triển của não bộ trong cuộc đời con người, mô tả cách ký ức được hình thành, mô tả cách não bộ nhận thức và ra quyết định, mô tả tương lai của khoa học thần kinh – bằng văn phong hóm hỉnh và hàng trăm thí nghiệm khoa học, so sánh liên tưởng, ví dụ thực tiễn kèm hình minh họa.

Tác giả đề cập đến những thành phần mấu chốt của não bộ như vùng não nhỏ (hồi hải mã) – vùng quan trọng cho trí nhớ, và đặc biệt là bộ nhớ không gian. Tác giả cũng đặt ra những vấn đề khoa học thách thức hơn: Có thể sao chép được ký ức không? Có thể đóng băng và lưu trữ thông tin trong não bộ bằng công nghệ? Có thể trẻ hóa tế bào não, kéo dài tuổi thọ người ?

Người Truyền Ký Ức

Một Cộng đồng không được xác định rõ về không gian và thời gian tồn tại, chỉ biết những thành phần của nó có hình hài giống như con người, và một vài cấu trúc cũng giống như con người. Đứng đầu cộng đồng có một Hội đồng quyết định tất thảy mọi việc, dĩ nhiên, vẫn còn một thế lực cao siêu nào đó hơn nữa, chỉ huy về tổng thể. Mỗi cá nhân sinh ra không bởi cha mẹ họ, mà bởi những Mẹ đẻ, những người phụ nữ được nhận Nhiệm vụ sinh nở ra bé mới cho cộng đồng.

Khi sinh ra, bé mới sẽ được Hội đồng giao cho một cặp bố mẹ nuôi. Mỗi nấc tuổi là một lớp người của cộng đồng khác biệt nhau về chức năng, vị trí. Lên Bảy, mỗi đứa trẻ sẽ được giao một chiếc xe đạp, chứng tỏ một nấc trưởng thành. Và khi lên Mười Hai, chúng sẽ được nhận một Nhiệm vụ riêng (tức là một công việc để duy trì cộng đồng). Rồi lớn hơn nữa, chúng sẽ được tách nhà, kết hợp với một người khác giới để tạo nên một nhà mới, nhận hai đứa bé, một trai, một gái về làm con. Trong cộng đồng đó, tất cả mọi thứ đều phải công khai cho dù là một giấc mơ, và tất cả đều nằm trong giới luật cho dù là việc phải ăn hết một bữa điểm tâm. Không có đau khổ nào, tất cả bằng lặng trôi theo một nguyên tắc bất biến. Kể cả sự phóng thích ai đó ra khỏi cộng đồng, đến Nơi Khác vĩnh viễn.

Jonas, cậu bé nhân vật chính của Người truyền ký ức, đang bước vào thời khắc quan trọng nhất, lễ nhận Nhiệm vụ khi tròn Mười Hai. Nhưng trước ngày đó, trên cái nền êm ả của đời sống cộng đồng đó, một vài biến chuyển đến với Jonas. Trước hết là một điều bình thường ở cộng đồng, cậu mơ thấy mình muốn tắm cho Fiona lõa thể trong bồn nước mà không được. Cậu đã có một trải nghiệm, và đã phải uống thuốc – loại thuốc triệt cảm xúc – để giấc mơ chỉ đến một lần. Sau đó, khi tung quả táo, Jonas nhìn thấy một cái gì vượt ra ngoài biên giới. Câu chuyện thực sự bắt đầu khi Jonas không nhận được Nhiệm vụ nào vào ngày lễ đó, bởi vì cậu đã được lựa chọn trở thành người tiếp nhận Ký ức.

Phố Của Những Cửa Hiệu U Tối

Sự xuất hiện của Patrick Modiano vào cuối thập kỷ 60 được coi như một hiện tượng vǎn học Pháp đương đại. Tác phẩm Phố những cửa hiệu u tối, đạt giải thưởng Goncourt, giải vǎn học quan trọng nhất của Pháp,là nỗi khắc khoải triền miên về nguy cơ đánh mất danh tính và bản cách.

Điều gì đã thúc đẩy anh chàng Guy Roland, nhân viên của một hãng thám tử tư, lao theo dấu vết của một người không quen biết đã mất tích từ lâu? Đó là nhu cầu da diết tìm lại được mình sau bao đời của con người vốn xưa kia có thể là anh ta, kiên nhẫn lần mò về những nơi có thể đã từng chứng kiến cuộc tình của anh ta với một người đàn bà giờ đây đã biệt tǎm, cố bấu vào những bóng mờ của những nhân chứng duy nhất từng tham dự vào thời thanh xuân của gã môi giới hàng mang hộ chiếu đáng ngờ dưới cái tên Patro Mc Evoy, mà, cuối cùng, anh ta tin rằng chính là mình.

Với Phố những cửa hiệu u tối, Modiano đã khẳng định vị trí đặc biệt của mình trong vǎn học Pháp nửa sau thế kỷ 20.

Nghe Mùi Kết Thúc

Tony đã già, Tony cảm nhận rõ đoạn kết cuộc đời mình. Một cuộc đời dường như ổn thỏa, tuy có thất vọng, có ly dị và nhiều mất mát – như mọi cuộc đời. Thế nhưng Tony sẽ rất bất ổn ở chính cái đoạn kết này.

Julian Barnes, nhà văn danh tiếng của nước Anh, đã vô cùng lạnh lùng và tỉ mỉ – nhưng chỉ cần sử dụng rất ít trang giấy – miêu tả cái nhà tù mà con người bị giam hãm bên trong, như một điều không thể khác; nhà tù ấy ác nghiệt vì là tổng thể của hiện tại, tương lai và quá khứ. Những mảnh vụn li ti của quá vãng, cộng dồn thêm bao nhiêu thời gian và sự nham hiểm của số phận, khi đuổi kịp Tony đã mang sức nặng khủng khiếp, sức nặng của kết cục.

Văn chương bậc thầy thường xuyên có một sắc thái quỷ quyệt, điều này thể hiện trong cuốn tiểu thuyết này dưới dạng một lời nhắn nhủ vô thanh của tác giả: Đừng quá tự tin, vì cuộc đời này vốn dĩ rất nhiều bất ổn.

Kẻ Trộm Giấc Mơ

Vào khoảng hai tuần trước khi bị bắn chết, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã mơ thấy hình ảnh chính bản thân mình bị ám sát.

Trước khi anh trai mất mạng trong một vụ nổ, nhà văn Mark Twain đã mơ thấy thi thể của anh mình nằm trong một cỗ quan tài.

Những sự kiện có thực, những cái chết có thực… nhưng lại được báo trước ở trong cõi hư ảo do chính con người vẽ nên.

Chuyện gì sẽ xảy ra…

Khi giấc mơ không đơn thuần chỉ là giấc mơ?

Khi sự đấu tranh giữa tham vọng và sự sống trở nên vô cùng khốc liệt?

Sợi dây liên kết giữa mộng và thực sẽ đi về đâu khi mà một ngày kia, con người bỗng có khả năng đi vào giấc mơ của nhau?

“Kẻ trộm giấc mơ” của Yasutaka Tsutsui – cuốn tiểu thuyết giả tưởng lừng danh về đề tài tâm lý học – có thể sẽ cho bạn một câu trả lời thỏa đáng.

Kẻ Trộm Ký Ức

Aidan James là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp, chồng của Madeline và cha của bé Gabriel bốn tuổi. Trong một lần thực hiện chuyến thám hiểm trên đỉnh Mc Kinley anh đã gặp tai nạn và ra đi mãi mãi, bỏ lại vợ con cùng lời hứa chắc chắn sẽ quay trở về. Liệu có phép màu nào xảy ra chỉ trong thoáng chốc để lời tạm biệt và xin lỗi của anh đến được với vợ con mình và liệu những người ở lại sẽ làm thế nào để tiếp tục sau khi mất đi người chồng, người cha yêu thương nhất? Cuốn sách đầy tính nhân văn này sẽ lấy được những những cảm xúc thuần khiết nhất và phút suy nghĩ sâu lắng nhất của bất cứ ai đọc nó.

“Tôi lại thiếp đi khi đang suy nghĩ về cảm giác khi có được mọi thứ bạn muốn, chỉ để đánh mất nó… và biết điều bạn mong muốn, nhưng lại không có nó. Suy cho cùng, Aidan James và tôi quả là hai kẻ đối lập. Tất nhiên chúng tôi cũng còn một sự khác biệt quan trọng khác nữa: Tôi vẫn đang còn sống.”

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button