Sách hay về Hàn Quốc

Sách về Hàn Quốc hay nhất. Khám phá chi tiết và đầy đủ về lịch sử, đặc trưng văn hóa, con người và đời sống Hàn Quốc .

Tìm Hiểu Văn Hóa Hàn Quốc

Cuốn sách giới thiệu khá chi tiết và đầy đủ về văn hóa, xã hội, con người Hàn Quốc với những nét chấm phá cơ bản về bức tranh văn hóa xã hội Hàn Quốc.

Hàn Quốc – Tôi Mong Đi Và Tôi Sẽ Đến

  • Đến Hàn Quốc thời điểm nào để có thể ngắm “mưa” hoa anh đào, để dạo bước trên những con đường phủ đầy lá vàng và ngắm tuyết rơi?
  • Đến Hàn Quốc nên ở đâu, đi đâu, làm gì, ăn gì?
  • Đến Hàn Quốc làm sao để đi fansign, fanmeeting, concert và gặp gỡ các oppa?
  • Làm thế nào để trải nghiệm Hàn Quốc một cách trọn vẹn nhất?

Chia sẻ những thông tin cần thiết để lên kế hoạch cho một chuyến đi hoàn hảo.

Truyền cảm hứng cho bạn để kéo gần ước mơ Hàn Quốc và thực hiện chuyến đi sớm nhất có thể.

Vì Tôi Ghét Hàn Quốc

“Em chẳng quan tâm chỉ số hạnh phúc của Hàn Quốc xếp hạng mấy trên thế giới. Em chỉ muốn em hạnh phúc hơn thôi. Mà ở đây thì em không thể hạnh phúc được.” Quyết tâm lựa chọn hạnh phúc lạ lẫm nơi đất khách thay vì bất hạnh quen thuộc chốn quê nhà, Kye Na rời bỏ Hàn Quốc và từ bỏ mọi thứ mình có ở Hàn Quốc – gia đình, tình yêu, công việc – để sang Úc sống một cuộc sống mới, mà theo cô là, hạnh phúc hơn. Nhưng di dân có phải là câu trả lời cho những bất hạnh tại cố quốc? Hành trình Úc tiến của Kye Na, rốt cuộc, là một cuộc chạy trốn hay kiếm tìm hạnh phúc đích thực cho bản thân? Mỗi bước, mỗi va vấp của Kye Na trên hành trình ấy sẽ vừa là một lời đáp cũng vừa là một câu hỏi tiếp nối, không ngừng đẩy cô tiến gần hơn tới cái kết mình khao khát.

Oppa Ơi, Đưa Em Tới Hàn Quốc

“Oppa ơi, đưa em tới Hàn Quốc” là quyển sách truyền cảm hứng du lịch và hướng dẫn trải nghiệm Hàn Quốc tự túc. Đây là quyển đầu tiên thuộc tủ sách “Bước ra là thế giới” do Hoa Học Trò thực hiện với sự cộng tác của các travel blogger tên tuổi.

Tuyển Tập Văn Học Cổ Điển Hàn Quốc

Ngọn đèn vẫn đang sáng tỏ trên bàn, từ vọng lâu trống canh ba vừa điểm, đứa con nhỏ khát sữa đang khóc trong lần chăm bọc. Đầu tiên ta ngạc nhiên sửng sốt, nhưng rồi ta cảm thấy buồn và vô cùng hối hận. Cái tình cảm của người đàn bà không biết là sẽ đi đến đâu. Từ đó trở đi ta luôn giữ cái tâm trong sáng và trở thành người phụ nữ đứng đắn trong gia đình quý tộc. Nếu như khi ấy không nghe thấy tiếng bọn người ở thì thầm dưới bếp, không thấy được cảnh ghê sợ trong màn thì làm sao ta có thể giữ mình trong sạch và không hổ thẹn với người dưới suối vàng được? Bởi vậy ta biết rằng thủ tiết là rất khó và không phải là việc có thể thực hiện một cách miễn cưỡng được. (truyện Lời trăng trối của mẹ chồng)

Hãy Chăm Sóc Mẹ

Cuốn sách mê hoặc lạ thường này đã khẳng định vị trí của Shin Kyung-sook như một hiện tượng văn học châu Á, tạo ra trào lưu đọc mới ở Hàn Quốc từ sự cộng cảm trước một tác phẩm đầy sức mạnh. Bằng câu chuyện cảm động thấm thía về người mẹ đi lạc đường, tác giả dựng nên bức tranh rộng lớn về xứ sở quê hương, nơi cảnh trí và phong tục Hàn Quốc được khắc họa với vẻ đẹp tươi thắm nhưng thao thiết, đầy trắc ẩn. Những người con đi tìm mẹ, và họ mang theo dòng hồi ức riêng tư, lay động, vừa khao khát, vừa chống chếnh mất mát, thay phiên nhau dẫn người đọc trên một hành trình kép, tới những nẻo xa của một nền văn hóa độc đáo và tới những góc khuất sâu thẳm của trái tim.

Năm 2009 Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook xuất hiện như một điểm sáng chói của văn học Hàn Quốc. Không chỉ thành công về mặt thị trường khi bán được hàng triệu bản, tác phẩm còn được giới phê bình đánh giá cao, nổi tiếng vang xa khắp các nước châu Á. Tác phẩm được xuất bản tại 19 nước, trong đó có Mỹ.

Dạo Bước Vườn Văn Hàn Quốc

Kim Hunggyu, một nhà nghiên cứu uy tín của Hàn Quốc, từng viết: “Quan điểm chung cho rằng có thể hiểu được hành xử truyền thống, thế giới quan, cảm thức thẩm mỹ và cái nhìn cảm xúc của một cộng đồng thông qua văn chương mà họ sáng tạo và phát triển là đặc biệt thích hợp với văn chương Hàn Quốc. (…) Do vậy, tìm hiểu văn chương Hàn Quốc trở thành một hành trình bổ ích giúp chúng ta khám phá những giấc mộng và nỗi lo âu, vinh quang và thất bại, niềm vui và nỗi buồn của người Hàn qua các thời đại”

Bát đại Tòng Lâm Hàn Quốc

Quyển sách ảnh Bát Đại Tòng Lâm Hàn Quốc mang tới trải nghiệm du lịch tâm linh tại xứ sở kim chi.

Thành công của Hàn Quốc chính là câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ, cùng làn sóng văn hóa Hanlyu nổi tiếng. Trong số đó, phải nhắc tới văn hóa Phật giáo Hàn Quốc với lịch sử hơn 1700 năm. Hơn 60% di sản văn hóa quốc gia được công nhận ở xứ sở này chính là di sản văn hóa Phật giáo. Và, nơi lưu giữ những di sản đó, chính là các Đại Tòng Lâm. Để hội đủ tiêu chuẩn trở thành Tòng Lâm, những ngôi già lam đặc biệt này phải có đủ bốn yếu tố: thiền viện, Phật học viện, luật viện và đạo tràng tu tập lớn. Hiện cả nước Hàn Quốc có 8 Đại Tòng Lâm trực thuộc tông phái Tào Khê.

Trong cuốn sách này, mỗi Đại Tòng Lâm được giới thiệu khái quát lịch sử, kiến trúc và nét văn hóa đặc trưng, được chọn lọc qua hàng nghìn tấm ảnh mà tác giả Giác Lệ Hiếu và nhiếp ảnh gia đã đến tận từng vùng đất – nơi khai sinh ra những di sản văn hoá ấy để ghi lại. Quyển sách này còn là cẩm nang du lịch hướng dẫn chi tiết đường đi, phương tiện giao thông đến 8 ngôi Tòng Lâm.

Người Ăn Chay

3 truyện ngắn hay, độc lập nhưng cũng có thể gộp gọi tiểu thuyết (Bản gốc không định rõ). Bởi vì cũng những con người đó, nền tảng, xuất xứ đó, nhưng tác giả xây dựng thông qua cái nhìn của các nhân vật khác nhau theo từng sự chuyển biến của câu chuyện. Han Kang giải mã những vùng tăm tối nhất trong con người họ, bắt đầu từ những khao khát bình thường hay đặc biệt, dần dần trở thành những chấn thương không thể nào chữa được. Các nhân vật đi tìm những ảo ảnh, hình bóng chập chờn cho quên đi nỗi đau, để rồi cuối cùng biến mất theo chúng.

Người Hàn Quốc Là Ai

Trong nửa thế kỷ qua, Hàn Quốc đã trải qua nhiều biến động xã hội. Cùng với thành tích tăng trưởng kinh tế mang tên “kỳ tích sông Hàn”, Hàn Quốc cũng đã lập nên một kỳ tích về chính trị là “dân chủ hóa”. Nhưng quá trình ấy đã sản sinh nhiều vấn đề xã hội như: nạn tự sát, bạo lực, hiếp dâm… Đây có thể được xem là cuộc khủng hoảng của việc “nhận diện cái tôi” (ego identity) mà Erikson đã đề cập.

Để có thể giải đáp sâu xa những câu hỏi về “cái tôi” trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, Viện nghiên cứu Sức khỏe Tinh thần Xã hội Samsung đã thực hiện một dự án nghiên cứu trong vòng 8 năm nhằm mục đích đưa ra cái nhìn tổng thể về bản sắc của người Hàn Quốc.

Người Hàn Quốc Là Ai? tập hợp các kết quả nghiên cứu trên, do giáo sư Kim Moon-jo chủ biên, đã được xuất bản tại Hàn Quốc năm 2013. Với 38 mật mã làm nên bản sắc người Hàn Quốc, mỗi mật mã sẽ là một khám phá thú vị về đất nước, con người Hàn Quốc và là bài học kinh nghiệm tương đồng cho độc giả Việt Nam.

Lịch Sử Hàn Quốc Trên Bàn Ăn

Không chỉ cung cấp những kiến thức lịch sử của đất nước Hàn Quốc thế kỷ XX mà Lịch sử Hàn Quốc trên bàn ăn còn mang đến cho độc giả lịch sử ra đời và sự tiến hóa của nhiều món ăn, thức uống nổi tiếng của Hàn Quốc và cách chế biến những món ăn ấy một cách cụ thể, sinh động và hấp dẫn:

  • Canh xương bò
  • Canh cá chạch
  • Súp thịt bò
  • Cơm trộn thịt bò
  • Mì lạnh và màn thầu
  • Gà hầm sâm Kim chi
  • Gỏi thạch đậu xanh
  • Bào ngư rim
  • Thịt bò luộc
  • Gỏi cá sống
  • Trứng cá tuyết
  • Rau xào miến
  • Cơm trộn canh giá
  • Sườn nướng
  • Bánh bột chiên
  • Dồi lợn
  • Canh cá nóc
  • Lẩu cá mú cay
  • Cá trích khô và cá thu đao khô.

Khám Phá Thiết Kế Đô Thị Hàn Quốc

NXB Văn hóa Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu ấn phẩm mới ” Khám Phá Thiết Kế Đô Thị Hàn Quốc ” trong Series sách Giải mã sự phát triển thần tốc của đất nước Hàn Quốc. Hai ấn phẩm đầu tiên có thể kể đến là: “Người Hàn Quốc là ai? 38 mật mã làm nên bản sắc người Hàn Quốc” và “Lịch sử Hàn Quốc trên bàn ăn”. Vào những ngày cuối đông 2017, ấn phẩm “Khám phá thiết kế đô thị Hàn Quốc” được xuất bản dưới sự tài trợ của Viện Văn học Dịch thuật Hàn Quốc sẽ nhanh chóng đến với quý vị độc giả thân yêu.

Bản sắc đô thị có thể nói chính là kết quả phản chiếu “nét đẹp của sự khác biệt”.

Có thể nói rằng vấn đề của bản sắc đô thị Hàn Quốc nảy sinh từ chính sự thiếu nhận thức về bản thân chứ không phải từ điều gì khác. Điều này một phần cũng do những sai lầm lịch sử lâu dài bắt đầu từ thời Nhật đô hộ khi người Hàn Quốc dần quen nhìn nhận cuộc sống và không gian sống của bản thân bằng cái nhìn của người khác. Ngày nay, tuy đã bị che phủ bởi bụi bặm và tiếng ồn của sự phát triển hiện đại, lịch sử và văn hóa vẫn luôn nằm đấy trong mỗi thành phố. Sáu thành phố trực thuộc trung ương ở Hàn Quốc được hình thành trong bối cảnh và quá trình lịch sử như thế nào? Lịch sử này có quan hệ gì với bản thiết kế chi tiết hay triển vọng tương lai mà mỗi thành phố hiện nay đang vẽ nên? Bản sắc các thành phố này cần phát huy là gì? Con đường nào cho thiết kế đô thị nơi linh hồn trú ngụ? Để trả lời cho những câu hỏi này, tôi sẽ đi sâu vào bối cảnh lịch sử và bản sắc văn hóa của sáu thành phố trực thuộc trung ương theo ba trục quá khứ – hiện tại – tương lai, đồng thời khám phá toàn cảnh mặt sáng và góc khuất của thiết kế cảnh quan đô thị, kiến trúc, thiết kế công và thiết kế biểu tượng từ góc độ thiết kế đô thị ở các thành phố này.

Điều này đồng nghĩa với việc để thiết kế đô thị và thiết kế công đạt được độ tinh tế thì trước hết phải có “ý thức chăm chút” liên tục. Hơn nữa, chúng ta cũng cần xem xét không chỉ là những cái thể hiện ra bên ngoài như kiến trúc hay hình ảnh đô thị mà cả “tổ chức đời sống” tồn tại trong đó.

Một thành phố cũng giống như con người, mang theo một tầm nhìn và triết lý cố hữu của bản thân để hoàn thiện cuộc đời. Thiết kế đô thị chính là tạo nên bản sắc đô thị khi nó kết hợp hài hòa tổng thể các tổ chức đời sống văn hóa – lịch sử trên cơ sở môi trường tự nhiên sẵn có. Một thành phố đáng sống là một thành phố đặt trên nền tảng bản sắc đô thị rõ ràng, đảm bảo mọi thứ như kinh tế – xã hội, môi trường, hạ tầng giao thông, có môi trường trong lành, tạo công ăn việc làm ổn định và mang lại cuộc sống bền vững cho người dân. Theo đó cần có một tư duy và một tấm lòng biết chăm chút lâu dài cho không gian đô thị như chăm chút cho một hệ sinh thái tinh tế của các tổ chức sống giống cơ thể con người chúng ta.

Thiết kế đô thị bài bản không đơn thuần chỉ là tạo ra một hình ảnh thành phố đẹp lung linh, mà phải là một lời cam kết mang lại đời sống cộng đồng thịnh vượng và tràn đầy năng lượng thông qua việc khơi dậy bản sắc của thành phố. Việc hiểu đúng về đô thị Hàn quốc cũng cần thiết không kém gì việc giới thiệu và hiểu biết về đô thị nước ngoài. Những đô thị được đề cập trong ấn phẩm là: BUSAN – INCHEON – DAEGU – DAEJEON – GWANGJU – ULSAN.

Những Miền Linh Dị – Tập 4: Hàn Quốc

Hàn Quốc, là kết thúc hay lại là một khởi đầu cho những hành trình ly kỳ mới? Những người mới quen, là người, là yêu, là bạn hay thù? Những người tình cũ, những bạn thân, có còn hay đã mất?

Hành trình xuyên qua những miền linh dị, là phiêu bạt ngẫu nhiên hay là kế hoạch hoàn hảo chủa những bàn tay trong bóng tối, khiến những cuộc đời đã bị sắp xếp – không phải bởi số phận – mà vì một mục đích đầy bí hiểm. Hàn Quốc, dưới vỏ ngoài hào nhoáng của những ban nhạc sôi động, những nhan sắc nhân tạo không tỳ vết, còn những mạch ngầm tăm tối vẫn chảy suốt trăm năm.

Bộ Ba Xuất Chúng Hàn Quốc

Chung Ju-yung, Lee Byung-chul, Koo In-hwoi là ba nhà sáng lập của ba tập đoàn hàng đầu ở Hàn Quốc hiện tại: Hyundai, Samsung, LG. Tuy xuất thân, điều kiện học hành có phần khác biệt, nhưng giữa họ có một điểm chung mang tính quyết định, đó chính là không bao giờ chùn bước trước thất bại.

Trong cuốn sách Bộ ba xuất chúng, qua ngòi bút của mình, tác giả Jung Hyuk June đã dẫn dắt chúng ta đi qua những chi tiết rất đắt giá trong cuộc đời của ba nhà sáng lập vĩ đại người Hàn Quốc. Họ đều từng trải qua thất bại: Chung Ju-yung từng mất cả cơ ngơi là xưởng sửa chữa xe hơi của mình vì hỏa hoạn khi mới 25 tuổi. Còn việc kinh doanh gạo đầu tiên của Lee Byung-chul thì cực kỳ thê thảm, sau một năm ông đã mất đến nửa số vốn của mình. Trong khi đó, Koo In-hwoi đã từng thiếu vốn tới nỗi phải gạt bỏ cái tôi của mình mà vay tiền cha để tiếp tục kinh doanh.

Sẽ ra sao nếu họ chấp nhận thất bại và quay lại với cuộc sống như trước đây, như những người cha của mình? Chắc chắn là sẽ không có những cái tên Hyundai, Samsung hay LG trên bản đồ kinh tế Hàn Quốc như ngày nay.

Hàn Quốc Dưới Chế Độ Độc Tài Phát Triển Park Chung Hee (1961 – 1979)

Ngày 16/5/1961, Tướng Park Chung Hee tiến hành một cuộc đảo chính quân sự, chính thức nắm quyền ở Hàn Quốc và trở thành người nắm giữ vị trí đứng đầu đất nước lâu nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại. Cuộc đảo chính của Park Chung Hee thành công đã kết liễu chế độ dân chủ đại nghị và đặt cơ sở cho sự xác lập và hoạt động của một mô hình quản lý xã hội mới, đồng thời thiết lập nên “Kỷ nguyên Park Chung Hee” (1961-1979). Qua đánh giá của các chính khách cũng như các học giả, Park Chung Hee là người lạnh lùng, có năng lực nhưng rất độc tài và chuyên chế. Chế độ độc tài Park Chung Hee được gọi là chế độ “Độc tài phát triển” (Developmental Dictatorship), là chế độ chính trị xác lập nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị để tiến hành thành công hiện đại hóa kinh tế. Có nhiều nhận định trái ngược nhau về vai trò và sự lãnh đạo của Park Chung Hee trong thời gian ông nắm quyền tổng thống Hàn Quốc.

Trong quá trình cầm quyền, Park Chung Hee đã thiết lập ở Hàn Quốc một chế độ độc tài quân sự mang tính chất chuyên chế, độc đoán, phi dân chủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời kỳ cầm quyền “độc tài” của Park Chung Hee đã trở thành nền tảng của kinh tế Hàn Quốc ngày nay. Chính sự thâu tóm quyền lực đã giúp Park Chung Hee có thể đưa ra những quyết sách tập trung cho sự phát triển đất nước, góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội Hàn Quốc về sau, đó là con đường quá độ lên chủ nghĩa tư bản hiện đại. Bên cạnh giáo dục được xem như quốc sách hàng đầu, có hai chính sách nổi trội khác cần phải kể đến là chương trình Saemaul (phong trào Cộng đồng mới) nhằm canh tân nông thôn và chính sách ưu đãi dành cho các Chaebol nhằm tạo ra những quả đấm thép để phát triển nền công nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, cốt lõi của những thành công của Park Chung Hee là việc tập trung phát triển tối đa nội lực con người để làm tiền đề cho sự thay đổi về các phương diện khác. Hiện nay, Hàn Quốc đã là một nền kinh tế phát triển cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân phát triển. Để đạt được tất cả những thành tựu đó không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của chế độ độc tài Park Chung Hee, đặc biệt là những chính sách phát triển kinh tế của ông trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Hàn Quốc. Có thể nói, việc tham chiếu quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc thời kỳ Park Chung Hee sẽ giúp chúng ta rút ra được những bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam hiện nay.

Để giúp bạn đọc có thể tiếp cận tốt, tác giả đã trình bày khá đầy đủ những cơ sở lý luận về chế độ độc tài (Dictatorship), trong đó nhấn mạnh đến phạm trù Độc tài phát triển (Developmental Dictatorship). Những cơ sở này góp phần làm nền tảng lý luận giúp độc giả có thể tiếp cận tốt hơn đối tượng nghiên cứu – chế độ độc tài Park Chung Hee ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã dày công phục dựng lại cơ bản sự phát triển đầu tiên của Hàn Quốc thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Syngman Rhee (1948-1960) làm tiền đề cho sự ra đời của chế độ độc tài phát triển Park Chung Hee. Trong đó phần 3, được xem là phần trọng tâm của tập sách, tập trung trình bày quá trình cầm quyền của Park Chung Hee ở Hàn Quốc (1961-1979). Đặc biệt, tập sách đi sâu phân tích những hoạt động của Park Chung Hee trên cơ sở những chủ trương, chính sách cai trị trong suốt 16 năm nắm quyền trên nhiều lĩnh vực, cũng như những biến động diễn ra trong nội bộ đất nước Hàn Quốc suốt thời gian cầm quyền của Park Chung Hee trên nhiều phương diện, đặc biệt là chính trị và kinh tế. Nhìn chung, thông qua tập sách, người đọc có thể có một góc nhìn tương đối đầy đủ về một giai đoạn đặc biệt nhất trong lịch sử Hàn Quốc, từ đó có thể đưa ra được những đánh giá, lý giải của riêng mình về thời kỳ cầm quyền của Park Chung Hee ở Hàn Quốc. Cuốn sách được xem là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm đến lịch sử Hàn Quốc hiện đại.

Không Có Gì Là Huyền Thoại – Hồi Ký Cựu Tổng Thống Hàn Quốc Lee Myung Bak

Hàn Quốc là đất nước nghèo tài nguyên, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tình trạng chiến tranh chia cắt, ba bề giáp biển đi lại khó khăn, thế nhưng chỉ sau 50 năm độc lập. Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế thứ 10 trên thế giới. Bí quyết để trở thành cường quốc của Hàn Quốc, đó là đặc tính dân tộc. Hàn Quốc là một dân tộc rất cần cù, giỏi chịu đựng và luôn luôn sáng tạo, vươn lên. Đặc biệt, tinh thần vượt khó của họ là rất đáng khâm phục.

Lee Myung Bak chỉ là một ví dụ điển hình trong số đó, nhưng con người này thật đặc biệt, thật đáng khâm phục và đáng noi gương. Lee Myung Bak chính là người làm công ăn lương của Hyundai và đã góp sức cùng hàng ngàn người Hàn Quốc khác xây dựng một công ty hùng mạnh, thành công trước khi ông chuyển sang làm chính trị. Cuộc đời Lee Myung Bak là một minh chứng rõ ràng rằng bất cứ việc gì nếu quyết tâm làm sẽ được, nghèo và khó khăn vẫn có thể học tập tốt, xấu xí vẫn có thể thành công, điều kiện yếu kém hơn người khác cũng vẫn có thể thành công, từ làm kinh tế có thể chuyển sang làm chính trị, và rất rất nhiều điều có thể biến từ không thành có.

Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu

Giải mã Hàn Quốc sành điệu là một cái nhìn cận cảnh, hài hước và mới mẻ về cách Hàn Quốc biến mình trở thành một cường quốc dẫn đầu thế giới về pop culture của thế kỉ 21.

Năm 1985, cô bé Euny Hong mười hai tuổi cùng gia đình chuyển từ Chicago về Seoul. Trong thời gian sống tại đây, cô đã chứng kiến những bước đầu tiên trong sự chuyển mình mạnh mẽ của một quốc gia những năm 60 có GDP bình quân đầu người còn thua Ghana mà giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ mười ba trên thế giới.

Giải mã Hàn Quốc sành điệu là tập hợp những câu chuyện và quan sát của Euny Hong, hiện đã là một nhà văn và nhà báo nổi tiếng, về cách một quốc gia vươn lên dẫn đầu toàn cầu về kinh tế, công nghệ, giáo dục, và pop culture (văn hóa đại chúng). Đó là bức tranh toàn cảnh về một Hàn Quốc từ một nơi không-hề-sành-điệu nay trở thành một biểu tượng sành điệu; về một quốc gia từng cấm phụ nữ mặc váy ngắn, đàn ông để tóc dài, cấm cả rock ‘n’ roll giờ đây lại có thể cho ra đời hàng loạt các nhóm nhạc, phim truyền hình dài tập; chiếc điện thoại thông minh quan trọng nhất trên thế giới; và về một quốc gia luôn nỗ lực hết mình để chiến thắng những con quỷ trong chính họ cũng như tin rằng họ sẽ là một phần quan trọng của tương lai.

Hàn Quốc – Đất Nước & Con Người

Hàn Quốc ngày càng trực tiếp bước vào nhiều lĩnh vực quan trọng cũng như thu hút càng nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia Đông Bắc Á có vị trí chiến lược quan trọng ngày.

Hàn Quốc – Đất nước và con người giúp độc giả có những hiểu biết tổng quan về lịch sử lâu đời, những thành tựu trong thời kỳ cận hiện đại và một viễn cảnh về những ước vọng trong tương lai của một nữa lãnh thổ phía nam Triều Tiên. Đây là mảnh đất đã chứng kiến niềm hạnh phúc một dân ộc, sự bao dung hào phóng của thiên nhiên…. mà tất cả đều khởi nguồn từ truyền thống gắn kết một thời đại cổ xưa với thế giới hiện đại hôm nay.

Sách cung cấp một lượng thông tin khá đầy đủ về hầu hết các lĩnh vực rất hữu ích cho nhiều đối tượng độc giả như nhà nghiên cứu, doanh nhân, khách du lịch…, đến cả những ai muốn tìm hiểu, học hỏi những vấn đề liên quan đến những mối quan hệ cần yếu hoặc thân thiện trong đời sống của người dân Hàn Quốc.

Ngày đăng: 12/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 12/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button