Sách hay về Hà Nội

Sách về Hà Nội hay nhất. Thành phố tấp nập, ồn ào tàu xe và đầy những gian nan, thử thách nhưng cũng chính là nơi trú ẩn thân thương, dịu dàng dành cho những ai biết yêu, biết thương, biết trân trọng thành phố này.

Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ XX

Từ một ý tưởng giản dị ban đầu là ghi lại quang cảnh phố xá cũ của Hà Nội còn sót lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn bắt tay vào đọc tài liệu, đi điều tra thực địa, phỏng vấn hàng trăm người để sưu tầm tư liệu. Hai tập của “Hà Nội nửa đầu thế kỉ 20” được chia làm 6 quyển, dựa trên các khu vực hành chính của thành phố. Sách có phụ lục tên phố của Hà Nội, danh sách Toàn quyền Đông Dương từ 1884 đến 1945 và những đơn vị hành chính của Hà Nội từ sau 1945, bản đồ và các chỉ dẫn khác phục vụ cho việc tra cứu. Bộ sách được trao tặng Giải thưởng Thăng Long năm 1996.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) sinh tại làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông từng thực hiện các công trình nghiên cứu độc lập và tham gia biên soạn những giáo trình lịch sử lớn như: Lịch sử Việt Nam sơ khảo (1946), Việt sử cương yếu (1948), Lịch sử thủ đô Hà Nội (1962) và Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX (1995).

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường

Hà Nội băm sáu phố phường là tập sách chủ yếu viết về những món ăn và sự gắn bó giữa ẩm thực với đời sống văn hoá xã hội của người Hà Nội. Đây cũng là tập tuỳ bút đầu tiên viết về Hà Nội với chủ đề ẩm thực. Mặc dù về sau các tác phẩm viết về đề tài này rất phong phú và đầy đủ hơn nhưng Hà Nội băm sáu phố phường vẫn có chỗ đứng riêng trên văn đàn và trong lòng nhiều thế hệ độc giả.

Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu

Những ký ức, kỷ niệm về một thời Hà Nội chưa xa nhưng đã bị coi là cũ. Giọng văn chân chất, thật thà gợi đến những rung cảm trong lòng người đọc về một quãng thời gian trong quá khứ. Những câu chuyện ký ức về sự vật về con người thế hệ những năm về trước gợi nhớ về những câu chuyện rất đỗi thân thuộc nhưng đã bị bào mòn bởi thời gian và sự phát triển của xã hội. Bằng giọng kể hóm hỉnh, pha chút trào phúng, người viết đã vẽ lại cả một bối cảnh Hà Nội xưa cũ thân quen “Phía cuối hàng lổng chổng mấy nửa hòn gạch hay chiếc rá sứt cạp, xếp sẵn để đại diện cho một người mua hàng nào đó đang tranh thủ mua rau quầy bên cạnh. Thỉnh thoảng không thấy ai để ý, thằng bé con lại đá nửa viên gạch hay cái rá thủng mập mờ vô thừa nhận trước mặt mình bắn ra khỏi hàng, trong sự đồng tình của những người xếp phía sau lưng. Những kẻ chạy show quay về quầy cá, thấy mất “văn phòng đại diện” tức tối hằm hè, bất lực chửi đổng.”

Cuốn sách dành cho những “Những tâm hồn hoài cổ như bơ vơ tụt hậu trong cái thành phố quê hương tuổi thơ một thời”; dành cho những con người đã trót yêu, và sẽ yêu mảnh đất “Kỷ niệm ken dày cô đọng xếp chật ký ức, tăm tắp dàn trải đều trên bước thời gian, như những viên gạch lát vỉa hè hàng phố”.

Miếng Ngon Hà Nội

“Đôi khi cũng mang bệnh nhớ nhung, người viết sách này vào lúc năm tàn hầu hết cũng ưa nghĩ đến một vài kỷ niệm xa xưa.Một chén trà sen do nhà ướp; mấy cái bánh Tô Châu nhấm nháp vào một hôm mát trời; một nồi cơm gạo tám ăn với thịt rim; bát canh cần bốc khói xanh nghi ngút; mấy quả cà Nghệ giòn tan hay mẻ cốm Vòng ăn với chuối tiêu trứng cuốc… tất cả những thứ đó, gợi cho ta một nỗi thèm tiếc mờ mờ, như làm rung động tới những nơi thầm kín nhất của lòng.

Những lúc đó ta không thể không liên tưởng tới những ngày dịu ngọt bên cạnh mẹ già, vợ dại dưới cái mái nhà cũ kỹ rêu phong. Ngọn đèn không sáng lóe nhưng đủ soi một cách thân mật vào những mái tóc thân yêu; tiếng ca hát không nhiều nhưng đủ làm cho tim ta ấm áp; mà bữa cơm tuy là thanh đạm, nhưng đủ để cho ta ngon miệng hơn là ăn vây, ăn yến.Đi trong gió lạnh lùng, tôi nhớ đến những buổi sum họp êm đềm, tôi nhớ đến những bữa cơm thân mật, tôi nhớ đến những miếng ngon gia dụng và đêm đêm tôi đã ghi những nhận xét và cảm xúc đó lên trên mặt giấy.”

(Trích đoạn)

Chuyện Cũ Hà Nội

Trong tác phẩm, sự hiểu biết của Tô Hoài về Hà Nội thời Pháp thuộc rất phong phú, đặc biệt, thêm sự quan sát tinh tế, văn chương hóm hỉnh, các mẩu chuyện trong tác phẩm như một bức ki hoạ về một con người, một hoàn cảnh… khiến người đọc rung động vì những tình cảm chân thành, nhân hậu. Tác phẩm đi sâu vào lòng người với giọng văn chân thực đặc trưng của nhà văn.

Thú Ăn Chơi Người Hà Nội

Lại nhớ những gánh phở xưa,đỗ ở cuối phố mà đầu phố đã ngửi thấy mùi nước dùng thơm lựng. Chỉ khi nhìn thấy những tia lửa vàng tóe ra không gian mới hay ông hàng phở đang thổi to bếp lửa bằng một cái ống phổi.

Những hàng phở gánh đó còn có một dụng cụ đặc biệt. Chỉ là một ống tre, một đầu có mấu kín, đầu kia nút kín bằng lá chuối khô. Thân ống có một lỗ nhỏ, nó như cái lỗ của tẩu thuốc hoặc điếu cày nhưng nhỏ hơn nhiều. Đó là ống hạt tiêu. Bưng bát phở cho khách, ông hàng phở tháo cái nút nhỏ như đầu đũa bằng tre, rắc rắc vòng tròn trên mặt bát, mùi thơm đã lựng lên quyến rũ khách hàng…

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Yêu Hà Nội thích Sài Gòn là một tựa đề cảm xúc, và toàn bộ cuốn sách là những cảm nhận tinh tế của một nữ nhà báo có cái nhìn sâu sắc, nhân văn và nhiều trăn trở về cuộc sống, giá trị, văn hóa, xã hội và kinh tế ở Hà Nội và Sài Gòn. Những kỷ niệm và suy tư về hai thành phố này được chắt lọc từ cái nhìn vừa khách quan vừa cởi mở, tạo thành một bức khảm sinh động về hình ảnh hai thành phố này.

Xuyên suốt cuốn sách còn là một hình ảnh về đất nước qua hai thành phố. Cuốn sách là bản bút ký về cuộc sống, từ những nét đẹp văn hóa, từ những ứng xử tử tế, từ tâm tư nguyện vọng của người dân cho đến những vấn đề vĩ mô về văn hóa, kinh tế. Trên tất cả và trong tất cả là một tâm hồn nhạy cảm, một trí tuệ sắc sảo, rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.

Đây là một cuốn sách được viết nên bởi “một người di cư”, sống tuổi trẻ ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn. Di chuyển giữa hai không gian đô thị đối lập ấy lại là một tâm hồn sâu sắc, tinh tế. Nói cách khác, đây là cuốn sách của một linh hồn đô thị nhạy cảm.

Hà Nội – Quán Xá Phố Phường

Cuốn sách là tập tản vẳn các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội. Chia thành 2 phần chính là phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang, không diêm dúa, đẽo gọt mà cố gắng mô tả, cung cấp thông tin vừa đủ để độc giả hình dung được khung cảnh và nhân vật, sự kiện đôi khi đã mờ khuất trong xa vắng đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị trong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò,…

Kim Liên Một Thuở – Ký Ức Hà Nội Từ Những Khu Nhà Cũ

Là một trong những khu tập thể đầu tiên ở Hà Nội, được xây dựng từ năm 1959, khu tập thể Kim Liên như một nhân chứng lịch sử đánh dấu những thay đổi của Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.Với thế hệ 6x, 7x, 8x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội khu tập thể là cả một ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Gia đình tác giả là một trong những cư dân đầu tiên của khu tập thể “cao cấp nhất Hà Nội” thời bấy giờ. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ khiến người ta nhớ mãi, muốn lưu giữ lại tài sản quý giá nhất của gia đình để hoài niệm về một Hà Nội qua những khu nhà cũ.

Khu tập thể giờ đây với những người trẻ, người nhập cư là màu sơn vàng đặc trưng, là cầu thang bộ lối đi chật hẹp, với những khe cửa hoa ít ánh sáng, ngoài ra người ta còn cơi nới những sảnh cầu thang bộ chung đó để đồ đạc cũ hỏng hay những bếp than tổ ong, bếp dầu, nơi nhốt chó, mèo…

Gần 60 năm là khoảng thời gian tác giả và gia đình đã gắn bó, sinh sống tại khu tập thể. Cùng lớn lên, trưởng thành và già đi theo thời gian. Nên, tất cả những vật dụng đó cho dù bừa bộn, cũ kỹ, ẩm mốc nhưng lại lưu dấu trong đầu những con người nhiều xúc cảm sống trong đó, để rồi trở thành những kỷ niệm đẹp, thân thương; những kỷ niệm rất đặc trưng khi nhớ về nơi chốn đó, nơi người ta đã từng sống những năm khốn khó và bận bịu.

Tập thể Kim Liên không chỉ là những điều cũ kỹ mà còn từng là căn hộ rộng rãi nhất của gia đình từ trước tới giờ (dù chỉ rộng hơn 20m2) vẫn thơm mùi sơn mới, dùng một chìa mà có thể mở được tất cả các ổ khóa của phòng khác, từ khi các căn hộ được đánh số là 1, 2, 3… thay vì 101, 201, 301 như bây giờ,…

Cầm Tay Hà Nội

Bạn sắp có chuyến du lịch đến thủ đô hơn một ngàn năm tuổi?

Bạn thích thưởng thức món ngon Hà Nội, khám phá các nơi chốn đặc sắc chỉ “thổ địa” mới biết?

Bạn vẫn mong hiểu sâu hơn về thành phố lưu giữ rất nhiều trầm tích văn hóa?

Bạn muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất Hà Nội giữa bao mùa?

Cầm tay Hà Nội kể cho bạn nghe câu chuyện của một cô gái sinh ra và lớn lên ngay giữa lòng Hà Nội. Năm tháng đi qua, con người và vùng đất đã dệt nên sự khăng khít không rời.

Cầm tay Hà Nội là tập tản văn tươi trẻ sống động, đồng thời là quyển cẩm nang du lịch đầy ắp thông tin bổ ích, thú vị. Từng bài viết sẽ kể cho bạn nghe về con người Hà Nội, văn hóa Hà Nội, phong cách Hà Nội, để bạn hiểu hơn vùng đất ngàn năm văn hiến mà cũng vô cùng hiện đại này.

Chuyện Hà Nội – Khảo Cứu Về Hà Thành Xưa Và Nay

Đây không phải là những dòng tài hoa hay phóng đãng.

Đây chỉ là những dòng bút ký giản dị và bình thường để ghi lấy một ít điều mắt thấy tai nghe về Hà Nội.

Người viết những dòng này có hơi ngả về những cái xấu nhiều hơn là về những cái đẹp của chốn kinh kỳ, nhưng dù xấu, dù đẹp, cũng đều do con mắt vô tư. Có nhìn màu đen, mới nhận thấy màu hồng là rực rỡ.

Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine

Người Hà Nội rất sành ăn uống, đặc biệt họ rất tinh tế trong nấu nướng, chế biến món ăn, dù là những món đơn giản, dân dã, nguyên liệu dễ kiến, dễ tìm. Món ăn Hà Nội không chỉ ngon từ cách chế biến, mà còn tinh tế từ việc nêm nếm gia vị, nước chấm cho đến bày biện sao cho đẹp mắt.

Người Hà Nội không có phong cách ăn tục, uống phàm, xô bồ ầm ĩ, mà tinh tế, thanh nhã. Tính cách này thể hiện rất rõ trong cách nấu nướng của các bà, các chị, các mẹ người Hà Nội. Chẳng thế mà trong cuốn Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine của bà Nguyễn Mai Dung, một người phụ nữ Hà Nội, bà từng chia sẻ: “Những hướng dẫn ở đây là rút ra từ kinh nghiệm nấu nướng hàng ngày của bản thân, của ông bà cha mẹ: các món ăn đều không dùng mì chính, mà dùng nước mắm, tôm, cua, cá… và các loại rau củ quả theo mùa để làm ngọt nước… Tỉ lệ nguyên liệu trong từng món ăn là tính cho từng món, phần còn lại như sự gia giảm các nguyên liệu, cách bày biện cho phù hợp với số người ăn là tùy vào sự sáng tạo và khéo léo của các bà nội trợ”.

Ngồi Lê Đôi Mách Với Hà Nội

Những vụn vặt phố phường Hà Nội được thể hiện qua những tạp văn ngắn nhiều ngẫm ngợi với một giọng văn khi hồ hởi, lúc chua chát, hài hước để lại trong lòng người đọc nhiều suy tư về quá khứ và hiện tại.

Những câu chuyện có liên tưởng về những thời kì khác nhau của một thành phố có nhiều biến động về cơ cấu dân số, về tác phong sinh hoạt, về truyền thống và hiện tại đan xen làm nên một cái nhìn khái quát về một Hà Nội mà ta đang sống.

Người đọc không khó để nhận ra một chút nuối tiếc về một Hà Nội thời quá vãng với những hàng cây, những con đường, những mái nhà êm ả nay đã không còn nữa. Thay vào đó là một xô bồ áo cơm, một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất nhưng lại nghèo nàn đi khá nhiều về tâm hồn. Dễ dàng tìm thấy trong cuốn sách những sinh hoạt, món ăn và vật dụng của Hà Nội một thời thanh lịch chưa xa.

Mình Về Hà Nội Để Thương Nhau

“Mình về Hà Nội để thương nhau” là bức tranh gần gũi, ấm áp và đa màu sắc của những người trẻ còn đang hoang mang, chao đảo trước ngưỡng cửa trưởng thành nhưng vẫn mang trái tim son trẻ, tràn đầy tình yêu với Hà Nội.

Hà Nội chất chứa câu chuyện của tuổi trẻ có phần điên dại, của thanh xuân trong trẻo, của những đêm nhạc indie, những câu hát vang một góc phố. “Mình về Hà Nội để thương nhau” ta tìm về Hà Nội, về người thương, về những khoảnh khắc khó quên từ trong những câu chuyện nhỏ viết về kỷ niệm, trải nghiệm của chính tác giả cho những ngày thu, xuân, đông, hạ, những ngày Hà Nội còn xanh bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, thủ thỉ đậm chất Hà Nội.

Nếu là một người yêu Hà Nội, bạn chớ bỏ qua bất kỳ chi tiết nào trong cuốn sách này. Bởi khi bạn là một mảnh của thủ đô, chắc hẳn bạn sẽ thấy thanh xuân nồng nhiệt của chính mình trong đó, lang thang giữa một góc dưới tán cây của đường Hoàng Diệu, đường Phan Đình Phù Còn nếu không, cuốn sách sẽ là cẩm nang giúp bạn có cái nhìn rõ nét về Hà Nội và mong một lần được đặt chân đến thành phố cổ kính đầy lãng mạn này, để trải nghiệm, cảm nhận những “chuyện” của Hà Nội.

Hướng Nào Hà Nội Cũng Sông

Cuốn tiểu luận của Hồ Anh Thái viết về đô thị và Hà Nội, ghi nhận lại những gì Hà Nội có và mới có, đã có, đang và đã mất, qua nhân vật trung tâm là con người – người ở Hà Nội. Những câu chuyển kể được nhìn bằng con mắt khe khắt, nhưng đầy lo lắng, cũng là cái tình của anh đối với một chốn mà mình yêu thương: cần phải thế nào để có thể yên tâm và tự hào.

Hà Nội không vội được đâu

“Hà Nội không vội được đâu” là những trang viết của một người trẻ, xuất thân ngoại tỉnh cảm nhận về Hà Nội của ngày hôm nay với nhiều đổi thay, vỡ vạc. Cuốn sách không chỉ gồm những tản văn viết về Hà Nội mà còn là góc nhìn từ Hà Nội về cố hương, ký ức trong nguồn cảm hứng “sống chậm, nghĩ chậm từ Hà Nội”.

“Gái Tây Ế” Ở Hà Nội

“Gái Tây ế” ở Hà Nội (tên nguyên văn “Single White Female in Hanoi”) là một cuốn du ký khai thác độc đáo cuộc sống của một cô gái phương Tây độc thân lần đầu tiên đặt chân đến thành phố phương Đông xa lạ đầy hấp dẫn. Quyết định đến Hà Nội trong một phút ngẫu hứng tình cờ với hy vọng kiếm tìm những điều lãng mạn, nhưng 18 tháng ở Hà Nội của cô nhạc công kiêm giảng viên piano ở Sydney – Carolyn Shine thật nhiều màu sắc khôi hài với những “va đập” văn hóa, phong tục tập quán và cũng thật ấm áp với những sẻ chia thú vị.

Đi Ngang Hà Nội

Từ những thứ đã thành biểu tượng của Hà Nội như tàu điện, phở, phố cổ… đến những thứ ít ai để tâm và bỏ công tìm hiểu như chuyện chồng Tây vợ đầm, đi hát cô đầu, thú chơi cá cảnh, hay chuyện nhà vệ sinh công cộng đầu tiên của Hà Nội…, Nguyễn Ngọc Tiến đã tiếp nối trang sử ký phong tục về thành phố lâu đời của mình.

Đi Dọc Hà Nội

“Đi Dọc Hà Nội” cùng với “Đi Ngang Hà Nội” là hai nửa hoàn thiện nên chân dung một Hà Nội thăng trầm theo dòng lịch sử. Nhưng ở đây là một lịch sử khác với những cuốn sách sử khoa giáo, mà là một lịch sử phong tục, những lối ăn ở sinh hoạt, những thứ vật chất đã sinh ra và mất đi trong một đô thị.

Nguyễn Ngọc Tiến đã tỉ mỉ theo dõi và tìm tòi những tư liệu lịch sử của một Hà Nội còn chưa được đào xới hết, từ những chuyện di sản như những con đê trong thành phố, những chiếc ban công kiểu nhà Tây, vỉa hè cột điện, nơi sống và nơi chết của con người… cho đến chuyện lối sống từ việc quản lý hộ tịch đến hàm răng đen của người phụ nữ thành thị xưa, từ những phong tục gần với nếp sống ở làng quê đến những thứ chỉ Hà Nội mới có…

Hà Nội Là Hà Nội

Cuốn sách này, như tên gọi của nó, Hà Nội là Hà Nội, là cuộc tìm kiếm những giá trị văn hóa ở một thành phố tưởng như đã định hình nét văn hóa mà vẫn liên tục phải gọt giũa.

Hà Nội Chỉ Nam

Bạn muốn biết các đường phố Hà Nội với tên cũ từ thời Pháp, và sự tích còn xưa hơn nữa của chúng?

Bạn muốn biết Hà Nội cách nay hơn một thế kỉ khí hậu nhu hòa ra sao?

Bạn muốn biết những cửa hiệu, những địa chỉ, những tiệm buôn nổi tiếng của một thời, song biết đâu ai đó vẫn thấy quen, hoặc chí ít vẫn còn liên hệ?

Và bạn có muốn biết những di tích, những hàng hóa, sản vật khiến Hà Nội luôn là Hà Nội?

Vậy thì Hà Nội chỉ nam sẽ là cuốn guidebook xinh xắn mà thế kỉ trước vẫn cất để dành cho bạn.

Tự Nhiên Như Người Hà Nội

“Không ngơi nghỉ, không phút nào như phút nào, ngày hôm nay Hà Nội sống hối hả, như cuống quýt giành lại những năm tháng chậm chạp đã qua.”

Cuốn sách này giới thiệu với bạn đọc những nét đặc trưng về Hà Nội với những nội dung như: Phố cổ, Hồ Gươm.. trong không gian Hà Nội; Hà Nội: Văn hoá công viên; Hà Nội: Chợ trong chợ; Hà Nội nhìn từ các đô thị vệ tinh vùng Bắc Bộ; Tự nhiên như người Hà Nội; Giới trẻ Hà Nội và vòng vây giải trí…

Lời Ăn Tiếng Nói Của Người Hà Nội

Lời Ăn Tiếng Nói Của Người Hà Nội là cuốn sách giới thiệu với bạn đọc một nét văn hóa đặc trưng rất riêng của người Hà Nội trong giao tiếp ứng xử với mọi người xung quanh – nhìn từ góc độ khoa học của ngôn ngữ. Ngôn ngữ và cách thể hiện ngôn ngữ của người Hà Nội phải lịch sự, đúng mực, văn hoa một cách có văn hóa, không rườm rà hoặc cộc lốc, chỏng lỏn – nghĩa là bảo đảm tính chính xác mà vẫn trong sáng, đa dạng của tiếng Việt. Đó chính là nét đẹp truyền thống trong ngôn ngữ giao tiếp của người Hà Nội.

Ngày đăng: 18/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 18/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button