Sách hay về báo chí

Sách về báo chí hay nhất. Kinh nghiệm và kỹ thuật viết báo dành cho sinh viên và những người đang làm báo. Kể sơ lược về cuộc đời và hoạt động báo chí của các nhà báo nổi tiếng.

Nhà Báo Điều Tra

“Tôi vẫn dự định sẽ viết một cuốn sách về nghề báo. Trong hơn hai mươi năm từ ngày tập tễnh học nghề, với những bài báo đã viết, những con người tôi đã gặp, có biết bao nhiêu câu chuyện muốn kể.

Nhiều năm trước tôi nói với một người bạn của mình rằng sẽ viết sách về nghề, một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết thì tôi không viết được, nhưng dự định viết sách về chuyện nghề thì còn đó.

Thỉnh thoảng về nhà ngồi một mình sau ca trực xuất bản, khó ngủ sau một ngày nạp quá nhiều thông tin và suy nghĩ, tôi ngồi lại kiểm đếm xem những xử lý trong ngày của mình, đồng nghiệp đã tốt chưa, khi đó tôi hay liên tưởng đến những tình huống tương tự trước đây. Và trong những lần như thế, những bài học cũ hiện về.

Tôi viết về BÁO CHÍ ĐIỀU TRA, từ những kỷ niệm, những bài học của mình và đồng nghiệp xung quanh, những khó khăn, chút ít thành công, và cả những thất bại mình đã từng trải qua hoặc chứng kiến. Vì thế, bạn sẽ không tìm thấy trong cuốn sách này những trào lưu báo chí, những quan điểm to tát. Chỉ là những câu chuyện nghề của một nhà báo khi thực hiện các bài điều tra.

Tôi không có tham vọng đưa ra những nhận định về báo chí điều tra của cả làng báo. Hơn nữa, tôi không đủ thông tin về công tác tòa soạn, công tác phóng viên của các đồng nghiệp ở các tờ báo khác phía sau các bài điều tra của họ. Tôi viết về những điều mình biết, lần giở ký ức của mình, những ghi chép, tư liệu, những biên bản các cuộc họp trong gần hai thập niên lại đây mà tôi còn lưu giữ được và kể cho các bạn nghe những câu chuyện.

Tôi cố gắng để mỗi bài viết đều có thể trở thành một kinh nghiệm, một gợi ý cho các đồng nghiệp trẻ và các em sinh viên chập chững bước vào nghề báo.

Tôi cố gắng sắp xếp và diễn đạt thật giản dị, dễ hiểu. Tôi cấu trúc nó theo cách đã lĩnh hội được từ các khóa nghiệp vụ và sư phạm báo chí mà tôi được học và sau một quá trình hơn 10 năm tham gia đào tạo báo chí.

Vì sao cuốn sách này lại viết về báo chí điều tra mà không là thể loại khác? Báo chí điều tra là thể loại đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng từ giao tiếp, phân tích, đánh giá, diễn đạt và xử lý các mối quan hệ. Gần như mọi kỹ năng sống và viết đều ứng dụng được vào nó.

Với tôi, cuốn sách này như một sự đúc kết những bài học của một chặng đường đầu tiên làm báo, vất vả nhưng hạnh phúc. Mong rằng nó sẽ có ích đối với bạn, và sẽ vui hơn nếu bạn tìm thấy trong đó chút gì thú vị. Được thế, với tôi, đã là điều quá hạnh phúc.”

(Đức Hiển)

Để Viết Phóng Sự Thành Công

Từ những kinh nghiệm của một nhà báo viết phóng sự chuyên nghiệp, cùng với quá trình thỉnh giảng tại khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học KHXH & NV TP.HCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt cuốn sách Để viết phóng sự thành công. Để viết phóng sự thành công thuộc dạng sách giáo trình rất hữu ích dành cho sinh viên khoa báo chí cùng những bạn đam mê viết phóng sự hoặc ham thích nghề báo.

Được viết lên từ những trải nghiệm của chính tác giả qua những thời kì viết phóng sự dày dạn, cuốn sách là những chia sẻ chân tình và tâm huyết của tác giả với sinh viên và những người làm báo trẻ. Nội dung tác phẩm gồm 4 phần:

– Phần 1: Tìm hiểu về phóng sự

– Phần 2: Kỹ thuật viết phóng sự

– Phần 3: Điều tra những lý luận về thể loại điều tra

– Phần 4: Tài liệu tham khảo

Làng Báo Sài Gòn

Làng báo Sài Gòn tái hiện một thời kỳ làm báo sôi nổi của trí thức Sài Gòn và Việt Nam, với những tờ báo có số phận chỉ vài tháng hay vài số báo, thậm chí một số báo duy nhất, trong bối cảnh bi thương mà hào hùng của một dân tộc bị mất nước nhưng quyết không cam chịu làm nô lệ.

Làm Báo – Mực Mài Nước Mắt

“Lê Khắc Hoan là nhà báo kì cựu, giỏi toàn diện. Trong tác phẩm “Làm báo – Mực mài nước mắt” có nhiều chi tiết thú vị về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc; những “bếp núc” của nghề báo được tái hiện rất sống động. Nhưng cao hơn nữa, ông có tầm nhìn rộng ra cả quá trình nửa thế kỷ báo chí Giáo dục, cả thời cuộc, do vậy tác phẩm có tầm khái quát cao khi kể về sự hình thành, phát triển của một tờ báo trong cơ chế thị trường mới mẻ; tích cực và tiêu cực đan xen, giành giật giằng co, đấu tranh quyết liệt… Tờ báo phát triển mạnh mẽ đến đỉnh cao chói lọi và bất ngờ… diệt vong!

Ẩn hiện trong đó là những suy ngẫm chiêm nghiệm về nghề báo trong những bối cảnh lịch sử… Người am hiểu về báo chí có thể nhìn ra những điều sâu sắc và lý thú liên quan đến Triết lý báo chí.”

(Nguyễn Vũ Tiềm – Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam)

“Sau Trăm năm ly hợp, nhân vật Văn Trí lại xuất hiện trong tập sách bạn đang cầm trên tay – Làm Báo – Mực Mài Nước Mắt.

Văn Trí chính là Lê Khắc Khoan, tuy hai mà một, tuy một mà hai: Nhân vậy này đã thành một “nhãn hiệu trình tòa… văn chương”. Bằng nhãn hiệu này, cách “thoát xác” này, người viết muốn giữ cho các trang sách phi hư cấu của mình trách nhiệm một ký giả, nhưng cũng bằng cách này, chính ký giả ấy được siêu hư cấu, tung tẩy trong bút pháp linh hoạt của một tác giả tự truyện, tự phân thân, biến mình thành hắn, kiển dòng ký ức cá nhân vốn đơn thanh trở thành đa thanh…”

(Nhà văn Trần Quốc Toàn)

“Một trí nhờ kỳ lạ, một bút lực sung mãn đến tận cùng. Những ai làm nghề giáo, những ai quan tâm đến giáo dục sẽ gặp chính bóng dáng của mình. Những ai làm nghề báo sẽ nhận ra một cẩm nang của nghề nghiệp, một người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường tìm kiếm và tái hiện sự thật.”

(Nhà văn Hoàng Minh Tường)

Nhanh, Đúng, Trúng, Hay – Những Tản Mạn Về Nghề Báo

Tiểu luận này gồm 22 bài, nói về kinh nghiệm & kỹ thuật viết báo của nhà báo Hải Đường, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, chủ biên báo Nhân dân cuối tuần; tuy các bài viết của ông mang phong cách chính luận, nhưng đó chính là những bài học cần thiết cho các nhà báo đi theo “lề phải” cho đúng định hướng của Đảng.

Các tiểu luận đều ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm, có thể làm tài liệu tham khảo tốt cho học viên các lớp báo chí.

Báo Tuổi Trẻ – 40 Năm Hình Thành và Phát Triển

Cuốn sách là câu chuyện lịch sử của báo Tuổi Trẻ trong 40 năm qua, được viết dưới dạng chính sử.

Đó là câu chuyện của những cán bộ Thành đoàn mê làm báo, từ việc hình thành Bản tin những ngày đầu giải phóng đến sự hình thành tờ báo Tuổi Trẻ đầu tiên ra mắt ngày 2-9-1975. Từ một tờ báo bao cấp trong hệ thống Đoàn thành phố, đội ngũ Tuổi Trẻ đã nỗ lực vượt lên khó khăn, từng bước biến tờ báo trở thành tiếng nói của quần chúng không chỉ ở thành phố mà còn trên cả nước.

40 năm hình thành và phát triển với 3 chặng đường đáng nhớ: 10 năm vượt khó trong thời bao cấp, 15 năm vươn vai lớn mạnh trong giai đoạn đất nước đổi mới và trở thành tờ nhật báo khi bước vào thế kỷ 21 trong một thế giới phát triển và hội nhập…

Đọc Báo Tuổi Trẻ – 40 Năm Hình Thành và Phát Triển không chỉ để biết sự phát triển của báo Tuổi Trẻ trong 40 năm qua mà còn là cơ hội nhìn lại lịch sử đất nước từ sau ngày giải phóng 30.4.1975.

Báo Tuổi Trẻ Đã Viết

Báo Tuổi Trẻ Đã Viết … là tập hợp những bài báo để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc cả nước của các cán bộ phóng viên báo Tuổi Trẻ trong 40 năm qua. Những bài báo đã tạo nên dấu ấn thương hiệu của một tờ báo trẻ trung và năng động, mang đầy sức sống truyền thống của một thành phố đi đầu trong sự nghiệp báo chí quốc ngữ.

Chúng ta sẽ gặp trong tập sách những phóng sự, ghi chép, điều tra của nhiều nhà báo làm nên thương hiệu báo Tuổi Trẻ từ thời bao cấp đến thời kỳ đổi mới, nhất là từ đầu thế kỷ 21 đến nay với rất nhiều sự kiện không thể nào quên.

Báo Quấc Ngữ Ở Sài Gòn Cuối Thế Kỷ 19

Quyển sách là kết quả dày công nghiên cứu của tác giả về nền báo chí Nam bộ. Qua những bài báo xưa, ta sẽ có cái nhìn bao quát về xã hội Nam kỳ cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm chiếm nước ta, về sự đổi thay từng ngày của miền đất này, cách người dân loay hoay kiếm sống trong tình hình mới, nạn cờ bạc, đề đóm gây hại thế nào,… Hơn thế nữa, chúng ta cũng sẽ hiểu hơn những cuộc kháng chiến của nhân dân, về những người bị chính quyền thuộc địa coi là “giặc”, những cuộc nổi dậy có thể không lớn mạnh nhưng chưa bao giờ im tiếng.

Lịch sử báo Quốc ngữ ở Sài gòn không chỉ là lịch sử của báo chí, của nghề bào, nhà báo mà còn là lịch sử phát triển chữ quốc ngữ, lịch sử văn học nước nhà. Cho đến này, chúng ta chưa hề có một nghiên cứu nào đầy đủ về lịch sử báo quốc ngữ của đất nước lẫn lịch sử báo quốc ngữ ở Sài Gòn. Vì vậy, cuốn sách là một cố gắng hết mực của tác giả, như một lời đính chính nhiều điều về báo chí và văn học quốc ngữ mà lâu nay người ta vẫn nhầm tưởng.

Kẻ Trăn Trở

Kẻ Trăn Trở là cuốn sách được tập hợp từ rất nhiều bài viết đã được đăng trên các trang báo điện tử: VNExpress, Thanh niên, Tuổi trẻ, Giáo dục, báo Điện tử Chính phủ, VTC News…

Cuốn sách đề cập tới nhiều đề tài mang đậm tính thời sự nóng hổi như giáo dục, hàng không, giao thông, xã hội…Bằng góc nhìn mới với những đề tài tưởng chừng đã cũ, tác giả cuốn sách đã thể hiện tư duy nhạy bén với những vấn đề đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trong đời sống xã hội.

Đọc những bài viết về đề tài giáo dục, có thể nhận thấy ngay tư duy của một doanh nhân hàng ngày phải vật lộn với sự khốc liệt của môi trường cạnh tranh, nhưng vẫn luôn quan tâm, trăn trở tới vấn đề giáo dục quốc gia. Trong nhiều bài viết như Người Việt có quan tâm đến “giáo dục thật” hay Gửi Bộ trưởng: Một lá thư ngỏ bàn về giáo dục…, tác giả đã đưa ra những phân tích, đánh giá thấu đáo khi dựa trên những số liệu, tư liệu mang tính đối chiếu, so sánh giữa giáo dục Việt Nam với nền giáo dục các quốc gia tiên tiến trên thế giới: Mỹ, Anh, Singapore…

Viết về các vấn đề xã hội, tác giả đã khai thác nhiều đề tài cũ bằng góc nhìn mới. Là một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, nhưng tác giả luôn đau đáu với những vấn đề liên quan đến sự phát triển hay những mặt còn tồn tại trong đời sống văn hóa của đất nước. Từ văn hóa xếp hàng tới tư duy mạng nhện, từ văn hóa khi tham gia giao thông tới việc quảng bá du lịch nước nhà đều được tác giả dựa trên những quan sát, trải nghiệm, so sánh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Báo Chí Việt Nam Từ Khởi Thủy Đến 1945

“… Nội dung cuốn sách này chủ yếu được rút ra trong Luận án Tiến sĩ Đệ Tam cấp mà tác giả đã trình ở Đại học Sorbonne Paris vào niên khoá 1970-1971. Ban giám khảo gồm mấy ông: Jean Chesnaux – người bảo trợ và Philippe Devillers, Jean Lacouture, đều là những người chuyên về lịch sử Việt Nam, đã viết nhiều về Việt Nam…

Cho đến nay, đã có ít nhiều bài vở biên khảo về vấn đề này, nhưng hình như chưa có một công trình biên soạn quy mô một cách khoa học, có hệ thống, dựa vào những tài liệu xác thực.

Điều đáng lưu ý trong tập sách biên khảo này của ông Huỳnh Văn Tòng, tập sách này có thể được coi như một trong những công trình biên khảo quy mô trên, là ở chỗ ông đã được đọc tương đối khá đầy đủ những báo chí ra trong thời kỳ đó, hiện còn lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp…”

– Giáo sư Nguyễn Văn Trung

Ba Nhà Báo Sài Gòn

BA NHÀ BÁO SÀI GÒN là cuốn sách kể sơ lược về cuộc đời và hoạt động báo chí của các nhà báo Dương Tử Giang (Nguyễn Tấn Sĩ), Trần Tấn Quốc (Trần Chí Thanh) và bà Bút Trà Nguyên Đức Nhuận (Tô Thị Thân).

Cuộc đời của mỗi người không phải là một cuốn sách, một cuộn phim chỉ cần coi, đọc qua là “biết hết”. Mỗi con người, dù nghèo hay giàu sang, dù tiếng tăm nổi như cồn hay ở dưới đáy xã hội không ai biết tới, vẫn có nhiều điều riêng tư mà chỉ bản thân họ mới biết, mới hiểu. Làm sao phim, sách có thể nói được niềm sung sướng, hạnh phúc, sự đau khổ đến tận cùng bởi nhiều thứ trong cuộc sống đưa tới? Làm sao có thể nói hết, viết hết, ghi nhận hết sự lo lắng trong canh thâu, niềm vui trào nước mắt của mỗi người?…

Chuyện Nghề Báo, Nhà Báo Sài Gòn Thuở Ban Đầu

Nghề báo cũng như bao nghề khác, cũng có đủ hỷ nộ ái ố. Chỉ có ở trong nghề mới thấu những đêm nằm trăn trở, những ngày lang thang hoặc ngồi ngó mông lung chỉ để tìm cho ra một đề tài thú vị, hấp dẫn. Trong cái vòng xoay ấy, nào ai có biết nỗi đau, nỗi khổ tâm của nhà báo. Nhà văn có thể “sống đời” với một cuốn sách hay nhưng nhà báo thì không. Một bài báo hay hôm nay thì ngày mai rất cần một bài báo hay hơn nữa. Nếu không có thì nhà báo ấy dễ bị rơi vào quên lãng. Càng buồn lòng hơn khi sách hay thì có thể tái bản, còn tin tức thì… không thể in lại!

Chuyện Nghề Báo, Nhà Báo Sài Gòn Thuở Ban Đầu có thể xem như cuốn lịch sử về nghề báo nhưng không mang chất giáo khoa. Đây là cuốn sách mở đầu cho rất nhiều câu chuyện vui buồn của làng báo Sài Gòn. Tuy không dầy nhưng hy vọng nó cũng “mua vui được một vài trống canh”.

Ở Lưng Chừng Tương Lai

“Có hai kiểu nhà báo can đảm. Một số người liều mạng vượt những dặm đường xa ngái để cặm cụi bước trên những con đường nhỏ khô cằn tại Afghanistan với thiết bị nổ tự chế trên người. Số khác thì chọn con đường cũng không ít rủi ro cho danh tiếng của mình bằng cách chống lại những quy chuẩn truyền thống. Tom Plate, người phụ trách mục báo tổng hợp chuyên bàn về châu Á và là cựu chủ biên của tờ Los Angeles Times, đã liều lĩnh chọn kiểu thứ hai….Và đó là một rủi ro đáng để đón nhận”.

(The Huffington Post)

Thử tưởng tượng một chuyến tàu tốc hành chạy đến tương lai qua những ga trên toàn châu Á. Bạn có lẽ đã bỏ lỡ vài ga nhưng lại nhảy lên tàu đâu đó ở những ga giữa – “Ở lưng chừng tương lai” như Tom đã đặt tên cho quyển sách này. Đó là những gì mà nhà báo người Mỹ kiêm giảng viên đại học này đã làm: khởi xướng một chuyên mục viết về châu Á trên một tờ báo lớn của Mỹ.

Gần hai thập kỷ sau đó, ông đã đưa ra một tuyển tập tuyệt vời bằng cách nhìn lại 100 bài báo của mình và đưa chúng ta đi từ năm 1995 đến ngày hôm nay khi châu Á phát triển còn những châu lục khác vẫn đang chần chừ. Và tuyển tập này là một chuỗi ngọc – một tuyển tập “top 100” nêu bật lên mọi thứ từ việc chuyển giao Hong Kong cho Trung quốc cho đến sự vươn lên của xứ sở Vạn lý trường thành, rồi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, cho tới sự phát triển quan trọng ở những nơi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và Australia.

100 Bản Quy Tắc Đạo Đức Nghề Báo Trên Thế Giới

Cuốn sách 760 trang, chia làm hai phần:

Phần 1 là những vấn đề cơ bản của các quy tắc về đạo đức nghề báo trên thế giới và Việt Nam như hoàn cảnh ra đời, những nguyên tắc, tiêu chuẩn chung cũng như những điểm riêng biệt trong các bản quy tắc, đạo đức nghề báo. Đặc biệt, tác giả dụng công so sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa các bản quy tắc đạo đức nghệ nghiệp của nhà báo VN và các bản quy tắc đạo đức nghệ nghiệp của nhà báo trên thế giới.

Phần 2 cuốn sách là các bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới. Trong đó tác giả khái quát đặc điểm của 100 bản quy tắc đạo đức nghề báo của các quốc gia, vùng lãnh thổ, các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà báo được lưu hành rộng rãi trên thế giới. Các quy tắc này được thống kê theo các nội dung: Ra đời sớm nhất; Ra đời muộn nhất; Ngắn nhất; Dài và chi tiết nhất; Có thời gian xây dựng lâu nhất; Có sức ảnh hưởng và sự tham gia xây dựng của nhiều tổ chức thành viên nhất; Mang tính địa phương và dấu ấn quốc gia nhất; Có khoảng cách từ bản đầu tiên đến bản sửa đổi dài nhất; Có khoảng cách từ bản đầu tiên đến bản sửa đổi ngắn nhất; Có lần sửa đổi nhiều nhất.

Cuốn sách 100 Bản Quy Tắc Đạo Đức Nghề Báo Trên Thế Giới là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên ngành báo chí, những người đang nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và những ai quan tâm đến vấn đề này.

Chuyện Đời Làm Báo

Suốt chặng đường làm báo, tôi đã được gặp nhiều người từ những người dân gặp nạn khi quyết tâm chống lại những người “móc túi” nhà nước như kỹ sư Hứa Thúy Lan, như những người dân ở Quảng Ninh bị những người nhân danh các cơ quan công quyền “bớt xén” tiền đền bù khi phải nhường đất để mở rộng quốc lộ 18A và quốc lộ 10 v.v… đến những nhân vật đã trở thành những nhân chứng lịch sử như Đại tá Bùi Tùng, người thảo lời đầu hàng cho Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trong ngày 30/4/1975; chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người thuộc “lực lượng thứ 3” khi miền Nam chưa được giải phóng, 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390, chiếc xe đầu tiên đâm đổ cửa Dinh Độc Lập ở Sài Gòn trong ngày 30/4/1975; Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tác giả của Dinh Độc Lập; rồi viên tướng Gomit, người Xê-nê-gan nhưng có tâm hồn Việt Nam và hát rất hay… Tôi cũng đã thấy, đã biết được những mảng tối của cuộc sống, biết được sự tráo trở của một số người lợi dụng chức quyền hành dân; biết được nỗi khổ của người dân và cũng gặp được những con người chân chính.

41 Năm Làm Báo

“… khi viết hồi ký nầy, tôi sẽ có dịp nhắc đến một số người, một số việc, một số cảnh vật, mà nếu tôi không nhắc đến, e sẽ bị chôn vùi trong lãng quên. Vậy thiên hồi ký nầy có thể kể là một chứng tích lịch sử, mà khi tôi nói đến “cái tôi”, ấy không phải vì mục đích muốn khoe mình, mà là muốn tài liệu nầy có tánh cách nhân chứng. Sử gia có thể lượm lặt trong thiên hồi ký nầy một ít tài liệu, về khoảng từ năm 1926 cho đến ngày nay. Ít nữa, công viết không hoài, đến nỗi tiếc sao đã phí phạm vô ích.”

41 năm làm báo không chỉ là câu chuyện đời chuyện nghề của một ký giả miền Nam lão thành mà cuộc đời gắn chặt cùng nhiều biến động của dân tộc, mỗi trang sách còn là một thước phim tài liệu sống động, đôi chỗ hài hước nhưng chân thực về cuộc đời viết sách, làm báo, làm chính trị của Hồ Hữu Tường và những đồng chí cùng thời với ông: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu – những con người thuộc một thế hệ trẻ trung, phóng khoáng,dấn thân, không chọn vinh thân phì gia mà coi cách mạng là con đường tất yếu của cuộc đời mình trong thời mất nước.

Đường Vào Phóng Sự Báo Chí

Dành cho bạn trẻ muốn trở thành câu bút viết lách chính xác, sâu sắc, hấp dẫn.

Với phần phỏng vấn các nhà văn, nhà báo Dương Thụy, Nguyên Tập, Quốc Việt, Phạm Công Luận, Trần Nhật Vy, Trung Nghĩa về viết lách.

Hơn Cả Tin Tức

Cuốn sách là một nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài mạng internet, và tìm thấy niềm hứng khởi cho một sự thấu hiểu hiệu quả và đầy khát vọng về nghề báo trong những ví dụ từ các bài báo và blog thế kỷ 21, đồng thời trong những hiểu biết chọn lọc về nghề báo thế kỷ 20 và các tác phẩm viết lách của Benjamin Franklin thế kỷ 18. Hầu hết nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng báo chí hiện nay nhấn mạnh vào công nghệ. Stephens nhấn mạnh vào tư duy và nhu cầu tư duy lại về báo chí đã từng là và có thể trở thành công việc gì.

Báo Mạng Điện Tử – Những Vấn Đề Cơ Bản

Báo mạng điện tử là một loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức một trang web, phát hành trên mạng internet, có ưu thế trong chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, tức thời, đa phương tiện và tương tác cao.

Nội dung cuốn sách Báo Mạng Điện Tử – Những Vấn Đề Cơ Bản nêu rõ về quá trình hình thành và phát triển của Internet, lịch sử ra đời và phát triển của báo mạng điện tử; đặc trưng cơ bản của báo mạng điện tử; mô hình toàn soạn và quy trình sản xuất thông tin của báo mạng điện tử; cách viết và trình bày nội dung báo mạng điện tử và một số tờ báo mạng điện tử ở Việt Nam.

Viết Tin Bài Đăng Báo

Người ta vẫn cho rằng viết hay, viết giỏi là năng khiếu trời cho. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khả năng bẩm sinh không thôi thì chưa đủ. Nghề báo hiện đại đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Dẫu không có năng khiếu, nhưng nếu yêu thích nghề báo, đầy nhiệt huyết và kiên nhẫn, bạn vẫn sẽ viết được, tức “sinh ra không phải là nhà báo nhưng rồi sẽ trở thành nhà báo”. Sách này – một cuốn cẩm nang – sẽ hỗ trợ cho người đang sẵn sàng lao vào con đường học tập để hành nghề báo chí.

Bốn Mươi Năm Nói Láo

Qua Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng đã cho độc giả thấy sự thật về chuyện thời đó ra một tờ báo nhanh chóng như thế nào và đóng cửa một tờ báo cũng nhanh chóng và dễ dàng không kém, những vui buồn trong từng số báo, mục báo, bài báo… Rồi cả chuyện bọn thực dân không từ thủ đoạn nào để khủng bố, chèn ép những người làm báo dám công khai đả kích quan trường, lên án chế độ thuộc địa. Chuyện tờ “Công dân” chấp nhận đóng cửa chứ nhất quyết không hạ bút xin lỗi viên tri huyện giết người theo yêu cầu của bọn mật thám. Chuyện các nhà báo mắc bẫy Pháp quay sang đả kích căm thù lẫn nhau..

Thông qua cuốn hồi ký của Vũ Bằng, người đọc cũng có thể hình dung một cách khá đầy đủ những biến động của báo chí Việt Nam trong suốt khoảng bốn thập kỷ cả ở miền Bắc và miền Nam, từ lúc đánh đuổi Pháp, Nhật đến chuyện Ngô Đình Diệm của chính quyền ngụy quyền bị ám sát. Đó là những câu chuyện vui buồn lẫn lộn, những thách thức những cảm xúc mà ông cùng đồng nghiệp trải qua trong hoạt động làm báo, làm cách mạng. Chuyện kể về những biến động ở Sài Gòn khi Ngô Đình Diệm thoát chết và những tác dụng của những bài báo đối với công luận, chuyện những tờ báo bị đóng cửa hàng loạt như thế nào cũng được Vũ Bằng tái hiện một cách đầy đủ qua hành trình ngòi bút của mình. Cả một thời kỳ sôi động và đầy biến động của báo chí nước nhà đã được Vũ Bằng “tua” lại bằng ký ức của mình tươi mới và nóng hổi như ngày hôm qua qua từng trang viết.

Ngày đăng: 04/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 04/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button