Sách hay về âm nhạc

Sách về âm nhạc hay nhất. Viết về các thời kỳ âm nhạc, giới thiệu cuộc đời của các nhà soạn nhạc và danh sách các bản nhạc nổi tiếng. Đồng thời sắp xếp phân chia thể loại âm nhạc giúp người đọc dễ hiểu hơn trong quá trình tìm đọc.

Dẫn Luận Về Âm Nhạc

“Dẫn luận về âm nhạc là cuốn sách hết sức thấu đáo trong ý tưởng, sinh động và gọn gàng trong hình thức, hợp lý và hiện đại trong bố cục, hoàn hảo để trở thành một thứ bạn có thể bỏ túi và đắm chìm vào nó trong mọi khoảnh khắc rảnh rỗi”.

(Lisa Jardine, The Times)

Âm Nhạc Học Và Hành

Âm Nhạc Học Và Hành là những chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Duy vầ âm nhạc. Cuốn sách đi sâu vào nhạc lý, cũng như những kinh nghiệm của ông trong quá trình nghiên cứu, học hỏi để từ sự học đó mà soạn ra cái được gọi là “nhạc Phạm Duy”; từ thời kỳ đầu tiên Đi tìm giai điệu – bởi căn bản của âm nhạc là giai điệu, cho đến việc quan sát, ứng dụng những chất liệu cuộc sống, chất liệu dân gian vào ca khúc của mình.

Những Nốt Nhạc Tỉnh Thức

Khi không có đủ cơm ăn áo mặc thì nghệ thuật liệu có nghĩa lý gì không, có giúp ích được gì không? Có lẽ 35 năm trước, vào thời điểm El Sistema ra đời, người Venezuela đã rất băn khoăn, ngờ vực về những gì âm nhạc có thể làm cho đất nước họ, cho trẻ em nghèo. Song thực tế đã chứng minh sau 35 năm, số nhạc sĩ – công dân đầy trách nhiệm, tự tin và tự trọng tăng lên, số thanh niên sa ngã trong các băng đảng giảm dần. Đối với những người trẻ đã được cứu thoát khỏi cuộc sống bế tắc, đói nghèo, El Sistema như một phép lạ mang đến cho họ hy vọng, đam mê và sức sống mãnh liệt. Những điều đó chẳng phải mới thật sự giúp họ sống đúng nghĩa sao?

Cuốn sách này ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của Sistema để truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ, nhà giáo dục, và các nhà hoạt động xã hội ở khắp mọi nơi. Nó lần theo quá trình mà tác giả đã dần nhận thức được rằng trong El Sistema, lý tưởng dẫn dắt dàn nhạc như một trường học cho cộng đồng phải rất mạnh mẽ để có thể xuất sắc xóa nhòa sự phân biệt giữa giáo dục âm nhạc và biến đổi xã hội. Và nó mô tả quá trình củng cố niềm tin trong bà rằng nước Mỹ và các nơi khác trên thế giới, có nhiều điều để học hỏi từ mô hình của Venezuela.

El Sistema là một chương trình giáo dục âm nhạc công lập ở Venezuela, ban đầu được gọi là Hành động xã hội vì âm nhạc do nhà kinh tế và nhạc sĩ Jose Antonio Abreu sáng lập. El Sistema quản lý hơn 150 dàn nhạc thanh niên cà 70 dàn nhạc thiếu niên tham dự miễn phí các trường âm nhạc trong hệ thống của mình trên khắp đất nước. 905 trong số đó là con của các gia đình nghèo. Các em không những được mễn phí học mà còn được cấp nhạc cụ thậm chí cả thẻ xe buýt đến lớp.

Kết hợp sự khôn khéo về chính trị với lòng tận tâm hết mực, Abreu đã nuôi dưỡng giấc mơ, nơi âm nhạc được xem như môi trường lý tưởng mà trẻ em càng sớm được trưởng thành trong đó thì càng tốt cho xã hội.

“Những nốt nhạc tỉnh thức là một cuốn sách phải-đọc dành cho bất cứ ai muốn làm thế giới tốt đẹp hơn mà chưa biết phải bắt đầu từ đâu.” – Ngài Clive Gillinson, Giám đốc điều hành và Giám đốc nghệ thuật Carnegie Hall

Dạ Khúc

Tại những quảng trường nước Ý hay khu đồi Mavern, trên tầng thượng khách sạn Hollywood hạng sang hay trong căn hộ London nghèo túng, ta bắt gặp những người trẻ tuổi mộng mơ, những nghệ sĩ bất thành danh, những ngôi sao rực rỡ một thời… Mỗi nhân vật lại có cuộc gặp gỡ cho họ nhìn lại tình yêu âm nhạc, ước mơ trong đời, soi quá khứ vào hiện tại, thấp thoáng và lưu luyến như giấc mơ trong thời khắc đêm buông.

Sau sáu tiểu thuyết, trong đó một đoạt giải Man Booker, Kazuo Ishiguro, nhà văn từng được tờ New York Times hết lời ca ngợi là “một thiên tài độc đáo”, mới viết Dạ Khúc – tập truyện ngắn đầu tiên. Nhẹ nhàng và tinh tế, súc tích mà toàn vẹn, lắng đọng và trong suốt như pha lê, năm câu chuyện quấn quýt theo một chủ đề chung ám ảnh: cuộc vật lộn gìn giữ cảm giác lãng mạn trong đời, ngay cả khi ta đã già đi, các mối quan hệ tàn đi, và niềm hy vọng từng sôi nổi cứ dần phai nhạt.

Tự Học Nhạc Lý Cơ Bản

Tự Học Nhạc Lý Cơ Bản là quyển sách giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu các kiến thức âm nhạc vừa cơ bản vừa thiết thực, đặc biệt với đối tượng độc tấu nhạc cụ, người đam mê học hát và đệm hát.

Lý thuyết âm nhạc là một phương tiện rất quan trọng để bạn yêu nhạc tiếp cận với việc chơi nhạc hay nhạc cụ và biểu diễn bài hát. Việc trang bị cho mình những kiến thức âm nhạc phổ thông đồng nghĩa với tư duy âm nhạc của bạn không bao giờ dừng lại.

Từng Nốt Nhạc Ngân

Với kỹ năng điêu luyện và cảm xúc dạt dào, Richard đã quen tắm mình trong sự tung hô nhiệt liệt từ khán giả trong các buổi độc tấu piano do anh biểu diễn tại những nhà hát giao hưởng danh tiếng nhất thế giới. Cho đến một ngày, cuộc đời giáng xuống anh căn bệnh ALS – chứng xơ cứng teo cơ mà Stephen Hawking từng phải chiến đấu chống lại hơn nửa thế kỷ. Với thân thể ngày càng tê liệt, giọng nói ngày càng khó nghe, Richard biết mình sẽ vĩnh viễn không bao giờ tấu lên một nốt nhạc nào nữa. Suy sụp, anh viện đến sự trợ giúp của Karina – đồng môn của anh tại nhạc viện, cũng là người vợ cũ vẫn còn hận anh từ cuộc hôn nhân cay đắng. Hai cựu nhạc công tài năng miễn cưỡng chịu đựng nhau một lần nữa, cố gắng bù đắp cho quá khứ đổ vỡ, trước khi chiếc đồng hồ báo tử của Richard điểm hồi chuông cuối…

Trầm bổng tựa tiếng dương cầm, Từng nốt nhạc ngân là một câu chuyện nhân văn và đầy cảm động, giúp độc giả hòa mình vào những thanh âm như vừa khoan thai lại vừa sục sôi, diễn tả niềm hy vọng chứa chan lẫn nỗi tổn thương sâu lắng của con người.

Danh Nhân Âm Nhạc

Trong suốt chiều dài phát triển của nhân loại, luôn luôn có những con người đã khắc tên mình vào lịch sử. Một Leonardo da Vinci được coi là thiên tài trong những thiên tài, một Einstein nổi tiếng với thuyết tương đối, hay một Shakespeare với những tác phẩm trường tồn mãi theo thời gian.

Những cống hiến của họ đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể, và đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong quá trình phát triển của loài người, tạo nên những bước ngoặt lịch sử đưa con người lên một tầm cao mới.

Họ chính là những nhà nghệ thuật tài ba, nhà bác học tên tuổi hay là những triết gia có tầm ảnh hưởng… Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của họ là những bản hùng ca độc đáo giữa cuộc sống vĩnh hằng với những thất bại, thành công, đắng cay cùng cực này. Họ đã có những cống hiến vĩ đại cho nhân loại.

Đặng Thái Sơn Người Được Chopin Chọn

Đặng Thái Sơn Người Được Chopin Chọn: “Đặng Thái Sơn đã làm thay đổi cả một nền âm nhạc! Anh đã làm điều đó như thế nào?” Đặng Thái Sơn vẫn thường nói sẽ biểu diễn những dạng mục đa dạng, từ các bản nhạc của Chopin cho đến các tác phẩm âm nhạc Nga, Pháp…. Danh mục này càng mở rộng, anh càng chứng minh được sự trưởng thành của một nghệ sĩ dương cầm tài năng. Sau nhiều năm, thường xuyên viết bài về những nghệ sĩ dương cầm, nghe và xem họ biểu diễn, tác giả rút ra một kết luận: “Nghệ sĩ dương cầm thể hệ truyền cảm nhất khi đến tuổi 40”.

Không biết có phải vì cây đàn piano quá lớn, không như violon, mà các nghệ sĩ nhí, được gọi là “thần đồng”, thường xuất hiện trên sân khấu với loại nhạc cụ có dây, còn chơi piano, nếu không qua một độ tuổi nhất định thì khó mà biểu diễn thành công, chỉ dừng ở chơi cho vui, cho biết. Có lẽ cần nhiều thời gian để một người có thể hiểu cơ cấu và cảm nhận về loại nhạc cụ phức tạp này.

Thông thường, các nghệ sĩ piano muốn thành công trên con đường sự nghiệp biểu diễn quốc tế, có mặt trong các buổi hoà nhạc lớn ở các nhà hát lừng danh, không còn cách nào khác hơn là tham gia các cuộc thi piano quốc tế từ độ tuổi 15 đến 30. Cũng có trường hợp được các ông bầu nổi tiếng hay những công ty sản xuất âm nhạc phát hiện, nhưng đây là những trường hợp rất hiếm. Tuy nhiên, với nhiều người được vinh danh tại các cuộc thi âm nhạc, ngay sau khi nhận giải thưởng, dù họ có tổ chức nhiều hoạt động rình rang, đình đám như thế nào thì vài năm sau đó, tên tuổi của họ cũng dần trở nên im ắng. Cuộc đời của những nghệ sĩ piano luôn nghiệt ngã như thế đấy! Bất chấp tất cả, họ vẫn tồn tại, vẫn luyện tập từng giờ từng ngày, chấp nhận đánh đổi cuộc đời mình cho nghiệp dương cầm. Chính vì vậy, khi biểu diễn, những thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ dương cầm được thể hiện rất rõ nét qua tiếng đàn. Từng nốt nhạc vang lên phản ánh chân thực lối sống của người nghệ sĩ. Âm nhạc luôn luôn gắn bó với họ. Ngay cả khi đi ngủ, những bản nhạc mà họ đang luyện tập vẫn cứ réo rắt vang lên trong đầu.

Chúng ta, những khán giả thưởng thức âm nhạc, sẽ cảm nhận và hiểu hơn về lẽ sống của người nghệ sĩ piano từ những buổi biểu diễn của họ, đó chính là cái mà chúng ta gọi là sự “đồng điệu”. Đời người thay đổi, âm nhạc cũng đổi thay. Kinh nghiệm sống đem lại sự cảm nhận tác phẩm sâu sắc và sự truyền cảm khi biểu diễn. Từ một cuộc sống đầy trắc trở, điều mà Đặng Thái Sơn học được, đó là gì? Tác giả bắt đầu cuộc hành trình giải mã những điều bí ẩn xung quanh con người Đặng Thái Sơn.

Hồi Ức Bên Phím Dương Cầm

“Hồi ức bên phím dương cầm” là cuốn sách được viết bởi Anna Goldsworthy – một nghệ sĩ dương cầm tài năng và cũng là người viết bút ký xuất sắc. Cô được tờ Sydney Morning Herald đánh giá là “một trong những nhà văn phi hư cấu xuất sắc nhất của nước Úc”. Anna hiện đang là Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan âm nhạc Mùa xuân Port Fairy, giảng viên bộ môn hòa tấu tại Nhạc viện Elder Conservatorium, và là nhà nghiên cứu tại trung tâm thực hành sáng tạo J.M. Coetzee của Đại học Adelaide.

Giảng dạy và biểu diễn nghệ thuật nói chung cũng như piano nói riêng thường được coi là một công việc nhẹ nhàng và quý phái. Nhưng có lẽ không nhiều người thực sự hiểu rằng để đến được với nghệ thuật và tiến bước trên con đường âm nhạc cổ điển chính thống, những người nghệ sĩ đã phải trải qua những năm tháng khổ luyện đầy gian nan vất vả, thậm chí khắc nghiệt vô cùng.

Cuốn sách “Hồi ức bên phím dương cầm” sẽ giúp cho các bạn đang theo học piano, cũng như những người đang theo học piano chuyên nghiệp – những người sắp trở thành các nghệ sĩ, giáo viên âm nhạc chuyên nghiệp trong tương lai – cảm nhận, thấu hiểu hơn những thuận lợi cũng như “cái giá phải trả” cho đam mê của mình. Nhưng dù thế nào đi nữa, ý nghĩa tích cực mà âm nhạc mang đến cho cuộc sống của chúng ta thì không lời nào có thể tả xiết.

Beethoven – Bản Nhạc Đam Mê

Beethoven là nhà soạn nhạc được nhắc tới nhiều nhất và có ảnh hưởng bậc nhất. Ông đã có những đóng góp vĩ đại cho nền nhạc cổ điển thế giới. Những sáng tác của Beethoven mang nhiều tính triết lý sống. Cuốn sách giới thiệu những sáng tác của Beethoven. Những sáng tác này đã trở nên bất hủ và vẫn còn khắc ghi trong lòng của nhiều người nghe nhạc cho đến tận hôm nay.

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan

Bằng phương pháp đối chiếu văn hóa và sử dụng chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng, tác giả John C.Schafer đặt Trịnh Công Sơn bên cạnh Bob Dylan để giải quyết các câu hỏi: Liệu Trịnh Công Sơn có phải là một Bob Dylan của Việt Nam hay không?; có những tương đồng, dị biệt nào giữa họ trong tư cách nghệ sĩ và con người xã hội?

Một “sân khấu” được dựng lên với những cuộc khảo sát thú vị trên các phương diện: tôn giáo, chính trị, chiến tranh, tình yêu và chung quy là hai bối cảnh văn hóa đã hun đúc nên hai tài năng này. Từ đó, không chỉ vấn đề tiểu sử cá nhân, tiểu sử nghệ thuật, cá tính sáng tạo, vai trò trí thức của Trịnh Công Sơn và Bob Dylan được trình bày cụ thể, lý tính, mà cuốn sách này còn tái hiện một bức tranh thời đại biến động qua những tương đồng, dị biệt của hai nhân vật lớn thuộc về hai nền văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh xung đột, chiến tranh những năm 1960-1970.

Cuốn sách không dừng lại ở những vấn đề thuộc phạm vi âm nhạc, mà xa hơn, soi tỏ một phông nền thời cuộc. Từ đó, có thể lý giải vì sao Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đã trở thành hai tượng đài vượt ra khỏi khuôn khổ nền văn hóa của mình.

Người Sửa Đàn Dương Cầm

Narrator Tomura nhân vật chính của câu chuyện lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ tại một làng quê hẻo lánh phía sau ngọn núi thuộc vùng Hokkaido. Vì làng không có trường trung học nên anh chàng đã rời quê nhà để đến học ở thành phố vào năm 16 tuổi. Năm thứ hai tại trường trung học, Itadori – một người sửa đàn dương cầm ghé thăm trường. Bị lôi cuốn bởi sự khéo léo cũng như kĩ năng thuần thục của ông trên những dây đàn, Tomura đã ngay lập tức xin được trở thành học trò. Itadori khuyên cậu hãy học xong trung học rồi đăng ký vào ngồi trường dành riêng cho những người sửa đàn dương cầm trên đảo chính của Honshu.

Ở tuổi 20, Tomura hoàn thành xong khóa học hai năm tại trường, cậu trở về Hokkaido để làm việc tại cửa tiệm nhạc cụ của Itadori. Vẫn còn nhiều hạn chế trong hiểu biết âm nhạc cũng như kinh nghiệm làm việc, Tomura dần dần xây dựng được cho mình ý nghĩa của việc trở thành một người sửa đàn dương cầm trong những lần tiếp xúc với Yanagi – một đàn anh có nhiều hơn cậu 7 năm kinh nghiệm, và cũng là người hướng dẫn trực tiếp cậu trong công việc.

Những hoài bão của tuổi trẻ cùng những tháng ngày miệt mài bên cây đàn dương cầm liệu có được đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực đã bỏ ra ?

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai gồm những bài viết dưới dạng kỷ niệm, hồi ức, cảm tưởng, nghiên cứu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông, phần lớn đã được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ trước và sau ngày ông mất, của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, ở trong và ngoài nước.

Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam

Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam được in lần đầu cách đây khoảng 50 năm, được nhiều thế hệ chuyền tay nhau đọc. Hơn 200 trang sách, tác giả làm hướng dẫn viên đưa bạn đọc đi khắp vùng miền đất nước. Đi đến vùng trung du nghe các bộ tộc Trường Sơn gõ đàn T’rưng, tiếng cồng chiêng vang vọng giữa đại ngàn, đi lên vùng Thượng du Bắc Việt tìm lại dấu vêt xưa của Trống đồng Đông Sơn, tiếng khèn của người Mèo, tiếng đàn tính phụ hoạ cho các thiếu nữ Thái huyền ảo trong điệu múa xoe. Vào miền Nam nghe câu vọng cổ. Có những loại hình sân khấu đã hình thành cách đây hàng mấy thế kỷ nay vẫn còn tồn tại như Chèo (Bắc bộ), Hát bội (Trung bộ) hoặc non trẻ hơn là Cải lương (Nam bộ).

Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều thế hệ sinh viên chuyên ngành âm nhạc dân gian đã sử dụng sách này để làm tài liệu tham khảo cho nghiên cứu của họ. Chính tác giả cũng vận dụng từ kho tàng dân ca khi viết những bài tình ca quê hương, từng ca khúc mang hơi thở của làn điệu dân ca Việt với âm gia ngũ cung được vận dụng mượt mà, uyển chuyển.

Nhập Môn Nhạc Cổ Điển

Cuốn sách được viết ngắn gọn các thời kỳ âm nhạc, giới thiệu cuộc đời của các nhà soạn nhạc và danh sách các bản nhạc nổi tiếng. Đồng thời sắp xếp phân chia thể loại âm nhạc giúp người đọc dễ hiểu hơn trong quá trình tìm đọc.

Ngày đăng: 10/03/2020 | Lần cập nhật cuối: 10/03/2020

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button